Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Chích ngừa sởi 9 tháng: Những điều cha mẹ nên biết

Ngày 24/09/2024
Kích thước chữ

Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phòng ngừa kịp thời. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ chính là chích ngừa sởi 9 tháng. Vào giai đoạn này, trẻ được khuyến cáo tiêm vaccine sởi lần đầu tiên.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tầm quan trọng của việc tiêm phòng sởi và lý do cho việc chích ngừa sỏi 9 tháng. Hãy cùng khám phá ngay trong bài viết dưới đây bạn nhé!

Tổng quan về bệnh sởi

Bệnh sởi là gì?

Bệnh sởi (Measles) do virus Morbillivirus gây ra, đặc trưng với các triệu chứng như sốt cao, phát ban và có khả năng lây lan mạnh mẽ. Sởi là một bệnh nhiễm trùng cấp tính dễ dàng lây truyền qua không khí từ dịch tiết nước bọt khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí nói chuyện. Các biểu hiện của bệnh sởi có thể rất đa dạng, từ nhẹ đến nặng và mức độ nghiêm trọng có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp.

Tời thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi. Bệnh thường tự khỏi theo thời gian với sự hỗ trợ từ các biện pháp điều trị hỗ trợ như dùng thuốc giảm triệu chứng, nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý. Tuy nhiên, tiêm vaccine phòng sởi từ sớm vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe của trẻ. Tiêm vaccine giúp trẻ xây dựng khả năng miễn dịch chống lại virus sởi, đồng thời hỗ trợ ngăn chặn sự lây lan của bệnh trong cộng đồng.

chich-ngua-soi-9-thang-nhung-dieu-cha-me-nen-biet 1
Virus Morbillivirus là tác nhân gây ra bệnh sởi

Bệnh sởi diễn tiến như thế nào?

Giai đoạn nhiễm virus và ủ bệnh: Sau khi bị nhiễm virus sởi, giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 10 đến 14 ngày, virus lây lan trong cơ thể mà người bệnh chưa cảm nhận được bất kỳ triệu chứng nào của bệnh.

Giai đoạn triệu chứng không đặc hiệu: Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường không rõ ràng trong 2 - 4 ngày. Người bệnh có thể sốt từ mức độ trung bình đến cao, kèm theo ho kéo dài, sổ mũi, viêm kết mạc và đau họng.

Giai đoạn phát ban và sốt cao: Một trong những triệu chứng đặc trưng của sởi là tình trạng phát ban, với các đốm đỏ nhỏ, có thể hơi nổi lên trên da và thường tập trung thành cụm. Phát ban thường bắt đầu từ mặt, dần lan xuống cánh tay, ngực, lưng và cuối cùng là đùi, cẳng chân, bàn chân. Sốt cũng thường tăng lên đột ngột, đạt mức từ 40 đến 41 độ C. Sốt thường giảm khi phát ban đã phủ toàn thân.

Giai đoạn phục hồi: Sau khoảng 7 ngày từ khi phát ban xuất hiện, các đốm sẽ dần biến mất, bắt đầu từ mặt và kết thúc ở các khu vực như đùi và bàn chân. Các triệu chứng như ho, da sạm màu hoặc bong tróc ở vùng da phát ban có thể tiếp tục kéo dài thêm khoảng 10 ngày sau khi các triệu chứng chính đã biến mất.

chich-ngua-soi-9-thang-nhung-dieu-cha-me-nen-biet 2
Bệnh sởi đặc trưng bởi tình trạng phát ban

Chích ngừa sởi 9 tháng: Những điều cha mẹ nên biết

Tìm hiểu về vaccine ngừa sởi

Vaccine sởi là loại vaccine sống giảm độc lực, tiêm phòng sởi phương pháp hiệu quả để phòng chống bệnh sởi.

Hiện nay, có một số loại vaccine sởi sống giảm độc lực đang được sử dụng, bao gồm cả vaccine đơn lẻ và vaccine kết hợp. Các loại vaccine kết hợp có thể bao gồm sởi với rubella (R), quai bị (M) hoặc thủy đậu. Các loại vaccine này đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả, có thể thay thế cho nhau trong các chương trình tiêm chủng. Để đảm bảo hiệu quả bảo vệ tối ưu, mỗi trẻ nên được tiêm hai liều vaccine sởi, với liều thứ hai được tiêm ít nhất 1 tháng sau liều đầu tiên.

Tại sao cần cho trẻ chích ngừa sởi 9 tháng tuổi?

Vaccine sởi được khuyến cáo chích ngừa cho trẻ 9 tháng tuổi theo lịch trình tiêm chủng mở rộng, bởi các nghiên cứu chỉ ra rằng tại thời điểm này là tốt nhất chích ngừa sởi mũi đầu tiên để tạo miễn dịch sớm bảo vệ trẻ trước nguy cơ bệnh sởi.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy việc tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi có thể dẫn đến mức độ miễn dịch và hiệu quả thấp hơn so với trẻ từ 9 đến 11 tháng và trẻ từ 12 tháng trở lên, tuy nhiên vaccine vẫn đạt được mức độ bảo vệ mong muốn. Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ dưới 9 tháng tuổi có thể có mức độ kháng thể thấp hơn sau một hoặc hai liều vaccine sởi tiếp theo so với những trẻ bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi trở lên.

Tuỳ thuộc nào độ tuổi chích ngừa lần đầu tiên, loại vaccine sử dụng và mức độ kháng thể sởi còn lại trong cơ thể từ người mẹ mà sẽ khác nhau ở khả năng tạo ra miễn dịch chống lại virus sởi mỗi trẻ.

chich-ngua-soi-9-thang-nhung-dieu-cha-me-nen-biet 3
Chích ngừa sởi cho trẻ 9 tháng tuổi là cần thiết

Những điều cần lưu ý khi chích ngừa sởi 9 tháng

Đối tượng nào không nên chích ngừa sởi?

Vaccine không nên được tiêm cho trẻ nếu có tiền sử sốc phản vệ hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine. Các trường hợp khác bao gồm trẻ mắc các bệnh nghiêm trọng như bạch cầu cấp, suy tim, suy thận, suy gan, hoặc thiếu máu nặng, cũng như trẻ đang mắc các bệnh viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng cấp tính. 

Ngoài ra, trẻ mới nhận truyền máu, sử dụng sản phẩm globulin trong vòng 3 tháng trước đó, trẻ vừa hoàn tất liệu trình điều trị bằng xạ trị hoặc corticoid trong 14 ngày qua cũng không được khuyến cáo tiêm vaccine sởi.

Rủi ro có thể xảy ra khi chích ngừa sởi cho trẻ 9 tháng tuổi

Nhiều phụ huynh lo lắng rằng việc tiêm vaccine sởi cho trẻ ở tuổi 9 tháng có thể gây ra tác dụng phụ khiến trẻ khó chịu và quấy khóc. Trên thực tế, vaccine sởi có thể dẫn đến một số phản ứng phụ ở trẻ nhỏ, trong đó sốt là một phản ứng phổ biến. Tuy nhiên, hầu hết trẻ sẽ chỉ bị sốt nhẹ và không gặp phải vấn đề nghiêm trọng.

Cơ thể mỗi trẻ sẽ phản ứng khác nhau sau khi tiêm vaccine sởi. Một số trẻ có thể chỉ sốt nhẹ, trong khi những trẻ khác có thể gặp các triệu chứng như sốt cao hơn, quấy khóc, bỏ bú hoặc ăn uống kém, cảm thấy đau hoặc ngứa tại vị trí tiêm, xuất hiện phát ban nhẹ. Do đó, cha mẹ nên để trẻ ở lại phòng tiêm trong khoảng 30 phút sau khi tiêm để theo dõi. Khi về nhà, tiếp tục theo dõi tình trạng của trẻ trong vòng 48 giờ. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy thông báo ngay cho phòng tiêm chủng hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

chich-ngua-soi-9-thang-nhung-dieu-cha-me-nen-biet 4
Sốt nhẹ là phản ứng của cơ thể sau chích vaccine sởi

Trễ lịch chích ngừa sởi cho trẻ phải làm sao?

Lịch tiêm phòng cho trẻ được phát triển dựa trên nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm y tế. Để đảm bảo vaccine phát huy hiệu quả tối ưu, việc tuân thủ lịch tiêm là rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu phụ huynh quên hoặc bỏ lỡ mũi tiêm phòng sởi có trẻ giai đoạn 9 tháng tuổi, trẻ có thẻ tiêm bổ sung vaccine sởi theo khuyến nghị của chuyên gia y tế. Đặc biệt, nếu trẻ 18 tháng tuổi chưa được tiêm vaccine phòng sởi, cần thực hiện tiêm đủ 2 liều vaccine càng sớm càng tốt để đảm bảo sự bảo vệ tối ưu cho trẻ.

Chích ngừa sởi 9 tháng là rất cần thiết để bảo vệ trẻ khỏi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vaccine sởi đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả, giúp ngăn ngừa bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Để đảm bảo hiệu quả, phụ huynh nên tuân thủ đúng lịch tiêm và theo dõi sức khỏe của trẻ. Nếu có bất kỳ vấn đề gì hoặc quên lịch tiêm, hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ để điều chỉnh kịp thời.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin