Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Cách phân biệt bạch hầu và viêm họng, amidan mà bạn có thể tham khảo

Ngày 18/10/2024
Kích thước chữ

Bệnh bạch hầu là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Tuy vậy, các dấu hiệu nhận biết của bệnh bạch hầu thường khó phân biệt được với các bệnh như viêm họng, viêm amidan. Vậy cách phân biệt bạch hầu và viêm họng, amidan là gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu theo dõi bài viết sau đây để tìm được câu trả lời cho câu hỏi trên nhé!

Bệnh bạch hầu là một loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có những triệu chứng ban đầu bao gồm sốt nhẹ, sưng hạch bạch huyết, viêm họng nhẹ,... Những triệu chứng này khiến nhiều người nhầm lẫn bệnh bạch hầu với viêm họng, viêm amidan. Bệnh bạch hầu là một căn bệnh nguy hiểm, do đó chúng ta cần biết cách phân biệt bạch hầu và viêm họng, amidan để hỗ trợ người bệnh kịp thời. Bạn có thể tham khảo bài viết sau đây để tìm hiểu thêm về cách phân biệt bệnh bạch hầu với chứng viêm họng thông thường nhé!

Cách phân biệt bạch hầu và viêm họng, amidan

Bệnh bạch hầu, viêm họng và viêm amidan đều là các bệnh liên quan đến đường hô hấp với triệu chứng đau họng. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu giúp phân biệt chúng, vì bạch hầu là bệnh nguy hiểm và cần phát hiện sớm để tránh các biến chứng nặng.

Nguyên nhân gây bệnh

Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh bạch hầu, viêm họng và viêm amidan:

  • Bệnh bạch hầu: Do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae sản sinh độc tố gây ra.
  • Viêm họng: Chủ yếu là do virus (rhinovirus, adenovirus, virus cúm, coronavirus,...) hoặc vi khuẩn (liên cầu khuẩn nhóm A - streptococcus pyogenes, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae) gây ra. Những tác nhân khác bao gồm kích ứng (hóa chất, khói bụi), dị ứng hoặc trào ngược dạ dày thực quản.
  • Viêm amidan: Chủ yếu do virus hoặc vi khuẩn tương tự như chứng viêm họng gây ra. Những tác nhân khác bao gồm các bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, viêm xoang mãn tính.

Con đường lây truyền

Bệnh bạch hầu, viêm họng và viêm amidan đều có chung con đường lây truyền là lây qua đường hô hấp, lây khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc những vật dụng đã bị nhiễm khuẩn.

Cách phân biệt bạch hầu và viêm họng, amidan: Triệu chứng và biến chứng của bệnh 1
Bệnh bạch hầu, viêm họng và viêm amidan đều lây qua đường hô hấp

Triệu chứng bệnh

Bạn có thể tham khảo sự khác nhau giữa triệu chứng của bệnh bạch hầu, viêm amidan và viêm họng như sau:

  • Bệnh bạch hầu: Đau họng, sốt nhẹ, ho khan và khàn tiếng. Người bị bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện lớp giả mạc màu trắng, lớp giả mạc này sẽ bám chắc vào niêm mạc họng và gây khó thở.
  • Viêm họng: Sốt, đau họng, ho khan hoặc ho đờm, khó nuốt, khàn tiếng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi. Người bị viêm họng có thể xuất hiện hạch sau tai, sau cổ hoặc hạch góc hàm. Khác với bệnh bạch hầu, triệu chứng của viêm họng không bao gồm giả mạc.
  • Viêm amidan: Đau họng dữ dội và khó nuốt, sốt cao, sưng hạch amidan và mưng mủ amidan, có thể xuất hiện mủ, chấm trắng hoặc sỏi amidan. Người bệnh amidan cũng có thể xuất hiện hạch ở vùng cổ.

Biến chứng bệnh

Dù có những triệu chứng tương đồng với nhau ở giai đoạn đầu phát bệnh như ho khàn tiếng, sốt nhẹ và đau họng nhưng những biến chứng mà bệnh bạch hầu mang lại hoàn toàn khác biệt với chứng viêm họng (viêm hầu họng), viêm amidan thông thường. Để biết cách phân biệt bạch hầu và viêm họng, amidan, bạn nên tìm hiểu kỹ càng về các biến chứng những loại bệnh này để lại:

  • Bệnh bạch hầu: Gây tắc nghẽn đường hô hấp, làm người bệnh cảm thấy khó thở, gây suy hô hấp và ngạt thở. Dẫn đến viêm cơ tim và làm tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt. Có khả năng gây liệt màn khẩu cái (màn hầu), tê liệt cơ hoành. Mất kiểm soát bàng quang và đi tiểu thường xuyên. Gây nhiễm trùng phổi (suy hô hấp hoặc viêm phổi) và nghiêm trọng hơn là gây tử vong.
  • Viêm họng: Viêm tai giữa, viêm phế quản làm cho người bệnh mắc tình trạng sốt cao, ho dai dẳng và mệt mỏi. Gây viêm đường hô hấp như viêm mũi, viêm amidan, thanh quản, phế quản, phổi, viêm VA,... Một biến chứng hiếm gặp của bệnh viêm họng là gây hoại tử vùng cổ, có thể xảy ra ở trẻ em từ 1-2 tuổi. Tạo thành áp xe sau thành họng và quanh amidan. Gây viêm xoang cấp tính và nhiễm độc liên cầu - là biến chứng của chứng nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A, dẫn đến những bệnh lý như sốt tinh hồng nhiệt, viêm họng, viêm cầu thận cấp.
  • Viêm amidan: Viêm amidan có những biến chứng tại chỗ bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ, khó thở, nhiễm trùng lan sâu ra vùng mô xung quanh (viêm mô tế bào quanh amidan), viêm amidan hốc mủ, nhiễm trùng gây tụ mủ sau amidan (áp xe phúc mạc). Những biến chứng kế cận gồm viêm xoang, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản và viêm hạch. Các biến chứng toàn thân gồm sốt thấp khớp và viêm cầu thận.
Cách phân biệt bạch hầu và viêm họng, amidan: Triệu chứng và biến chứng của bệnh 2
Cách phân biệt bạch hầu và viêm họng, amidan là dựa trên biến chứng bệnh, chỉ bạch hầu gây mất kiểm soát bàng quang 

Phương pháp chẩn đoán

Sự khác biệt trong phương pháp chẩn đoán từng loại bệnh là:

  • Bệnh bạch hầu: Kiểm tra niêm mạc họng, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm nhuộm soi trực tiếp và phân lập vi khuẩn trong môi trường đặc hiệu.
  • Viêm họng: Kiểm tra miệng và họng, xét nghiệm nhanh streptococcus.
  • Viêm amidan: Siêu âm, kiểm tra miệng họng và xét nghiệm máu.

Phương pháp điều trị

Để điều trị bệnh bạch hầu, viêm họng và viêm amidan, bác sĩ thường sử dụng những phương pháp sau đây:

  • Bệnh bạch hầu: Sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD), kháng sinh Penicillin G. Azithromycin, Erythromycin đường uống.
  • Viêm họng: Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol, aspirin hoặc ibuprofen khi sốt cao. Dùng thuốc xịt họng chứa povidon, tinh dầu bạc hà, bạch đàn. Sử dụng thuốc kháng sinh.
  • Viêm amidan: Dùng thuốc kháng sinh để điều trị nội khoa, súc miệng bằng nước muối và nước ép hành, ngậm gừng và mật ong. Phẫu thuật cắt bỏ amidan.

Cách phòng ngừa

Bạn có thể tham khảo một số cách phòng bệnh như sau dành cho bệnh bạch hầu, viêm họng và amidan:

  • Bệnh bạch hầu: Tiêm phòng vắc xin đầy đủ, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ và vệ sinh tay thường xuyên với xà phòng. Che miệng khi hắt hơi, ho và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Giữ gìn không gian sinh hoạt sạch sẽ, thoáng đãng và đủ ánh sáng. Chấp hành nghiêm túc các chỉ định phòng và khám chữa bệnh của các cơ sở y tế khu vực.
  • Viêm họng: Giữ ấm cổ họng, miệng và mũi, thăm khám tai mũi họng định kỳ. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và không gian sống sạch sẽ. Che miệng khi hắt hơi, ho và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Uống nhiều nước, ngủ đủ giấc và ăn uống sinh hoạt lành mạnh, rèn luyện thể thao.
  • Viêm amidan: Giữ gìn vệ sinh cá nhân và không gian sống sạch sẽ. Tránh việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Uống nhiều nước, ngủ đủ giấc và ăn uống sinh hoạt lành mạnh, rèn luyện thể thao.
Cách phân biệt bạch hầu và viêm họng, amidan: Triệu chứng và biến chứng của bệnh 3
Rèn luyện thể thao giúp phòng ngừa viêm họng, amidan

Cách để phòng bệnh bạch hầu

Trong các bệnh bạch hầu, viêm họng và viêm amidan, bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhất và có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Chính vì vậy việc phòng bệnh bạch hầu là điều quan trọng để duy trì một sức khỏe bền vững. Để phòng bệnh bạch hầu, bạn có thể tham khảo một số biện pháp quan trọng sau đây:

  • Tiêm phòng vắc xin bạch hầu: Tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất đối với bệnh bạch hầu. Vắc xin bạch hầu thường được kết hợp trong các vắc xin DTP (bạch hầu - ho gà - uốn ván) và tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên theo lịch tiêm chủng quốc gia. Người lớn và thanh thiếu niên cũng nên tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu mỗi 10 năm để duy trì khả năng miễn dịch.
  • Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường công cộng. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Vệ sinh môi trường xung quanh, khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn ghế để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Tránh tiếp xúc với người bệnh: Bệnh bạch hầu có thể lây qua đường hô hấp và tiếp xúc gần, do đó nên tránh tiếp xúc trực tiếp với người bị nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có người trong gia đình hoặc nơi làm việc mắc bệnh bạch hầu, hãy cách ly người bệnh và sử dụng các biện pháp phòng tránh như khẩu trang, găng tay để ngăn ngừa lây nhiễm.
  • Tăng cường sức đề kháng: Duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao hệ miễn dịch. Tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi đủ để tăng cường sức khỏe tổng thể, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
  • Phát hiện và điều trị sớm: Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ như đau họng, sốt, khó nuốt, hoặc xuất hiện màng giả màu trắng/xám trong họng, cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cách phân biệt bạch hầu và viêm họng, amidan mà bạn có thể tham khảo 4
Tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất đối với bệnh bạch hầu

Người bệnh nên tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để ngăn ngừa biến chứng và hạn chế nguy cơ lây lan.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về cách phân biệt bạch hầu và viêm họng, amidan. Cách phòng tránh bệnh bạch hầu đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay là tiêm ngừa vắc xin, tiêm ngừa đầy đủ giúp cơ thể sinh ra miễn dịch đặc hiệu để phòng ngừa bệnh. Bạn có thể tham khảo đăng ký tiêm phòng tại Trung tâm tiêm chủng Long Châu. Hãy chủ động tiêm phòng để bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân và mọi người xung quanh bạn nhé!

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin