Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sổ mũi là gì? Nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sổ mũi hay thường được gọi là chảy nước mũi là tình trạng dịch tại xoang mũi chảy ra quá mức so với bình thường; Nước mũi sẽ đi theo hai hướng, một là chảy ra ngoài theo đường mũi trước, hai là chảy vào trong theo đường cổ họng; hoặc có thể theo cả hai con đường. Tùy vào nguyên nhân mà nước mũi trong hoặc đục, màu vàng xanh hoặc có những trường hợp có thể lẫn máu. Sổ mũi có thể đi kèm với nghẹt mũi hoặc không, mà nguyên nhân thường gặp nhất là cảm lạnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sổ mũi là gì?

Người ta hay sử dụng thuật ngữ “chảy nước mũi” và “viêm mũi” để chỉ chứng sổ mũi, đó là tình trạng dịch mũi chảy ra quá mức so với bình thường. Sổ mũi có thể do nhiệt độ ngoài trời lạnh hơn, hoặc do cảm lạnh, cảm cúm hoặc dị ứng. Có thể làm dịu các triệu chứng bằng cách xịt mũi bằng nước muối và đặt máy tạo độ ẩm phun sương mát gần giường để chống nghẹt mũi do không khí khô lạnh có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sổ mũi.

Một thuật ngữ khác có thể thường thấy là khi bị sổ mũi là “viêm mũi”. Viêm mũi là tình trạng các mô mũi bị viêm. Khi virus cảm lạnh hoặc chất gây dị ứng như phấn hoa hoặc bụi xâm nhập vào cơ thể lần đầu tiên, nó sẽ gây kích ứng niêm mạc mũi và xoang, lúc này mũi bắt đầu tiết ra nhiều chất nhầy trong suốt. Chất nhầy này là bẫy vi khuẩn, virus hoặc những chất gây dị ứng và giúp tống chúng ra khỏi mũi và xoang.

Sau hai hoặc ba ngày, chất nhầy có thể thay đổi màu sắc và trở thành trắng hoặc vàng; đôi khi chất nhầy cũng có thể chuyển sang màu xanh lục.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sổ mũi

Các triệu chứng có thể đi kèm với sổ mũi:

  • Chảy nước mũi và nghẹt mũi thường sẽ đi cùng nhau, các mô tại mũi bị sưng dẫn đến tình trạng khó thở. 

  • Chảy nước mũi do cảm lạnh hoặc cảm cúm có thể kèm theo mệt mỏi, đau họng, ho, áp mặt và đôi khi sốt.

  • Chảy nước mũi do dị ứng thông thường sẽ có kèm theo hắt hơi, ngứa, chảy nước mắt.

Tác động của sổ mũi đối với sức khỏe 

Gián đoạn giấc ngủ

Các triệu chứng sổ mũi có thể gây khó thở dẫn đến tình trạng khó ngủ hoặc thức giấc giữa đêm gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và các hoạt động vào ban ngày.

Khó khăn về mặt thể chất

Các hoạt động mạnh hay tập thể dục thể thao cũng bị ảnh hưởng khi bị sổ mũi vì có thể gây khó thở.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh sổ mũi

Viêm tai giữa (hay nguyên nhân là nhiễm trùng tai cấp tính)

Sổ mũi có thể gây tích tụ chất lỏng và tắc nghẽn sau màng nhĩ. Khi bị sổ mũi do vi khuẩn hoặc virus cảm lạnh xâm nhập vào không gian chứa đầy không khí phía sau màng nhĩ, kết quả là bị nhiễm trùng tai. Điều này thường gây ra một cơn đau tai cực kỳ nghiêm trọng.

Nhiễm trùng tai là một biến chứng thường gặp của cảm sổ mũi do nhiễm trùng hoặc nhiễm virus và thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị nhiễm trùng tai cũng có thể bị chảy nước mũi xanh hoặc vàng hoặc sốt tái phát sau khi bị cảm lạnh thông thường.

Hen suyễn

Sổ mũi do cảm lạnh là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây ra các cơn hen suyễn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng sổ mũi do cảm lạnh có thể kéo dài hơn ở những người bị hen suyễn. Các triệu chứng hen suyễn, chẳng hạn như thở khò khè hoặc tức ngực, cũng có thể trầm trọng hơn khi bị sổ mũi do cảm lạnh.

Viêm xoang

Viêm xoang có thể phát triển khi sổ mũi do cảm lạnh thông thường kéo dài và làm tắc các xoang. Các xoang bị tắc nghẽn bẫy vi khuẩn hoặc virus trong chất nhầy ở mũi. Điều này gây ra nhiễm trùng và viêm xoang.

Viêm họng hạt

Đôi khi những người bị sổ mũi do cảm lạnh cũng có thể bị viêm họng. Viêm họng hạt phổ biến nhất ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi, những người lớn cũng có thể bị viêm họng hạt.

Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là tình trạng viêm nhiễm của các tiểu phế quản (đường dẫn khí nhỏ nhất trong phổi). Đây là một bệnh nhiễm trùng phổ biến nhưng đôi khi nghiêm trọng, thường do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. Trẻ em dưới 2 tuổi là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do viêm tiểu phế quản. Biểu hiện vài ngày đầu tiên, các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường như chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi và đôi khi có kèm theo sốt. Sau đó, xuất hiện thở khò khè, tim đập nhanh hoặc khó thở.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Sổ mũi có thể tự hết đa phần không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp cần sự gặp bác sĩ:

  • Không cải thiện triệu chứng trong vòng 10 ngày.

  • Xuất hiện các triệu chứng bất thường hoặc nặng hơn.

  • Nước mũi của trẻ chỉ chảy ra từ một bên và có màu xanh, có máu hoặc có mùi hôi, hoặc nếu nghi ngờ có vật lạ mắc trong mũi.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sổ mũi

Trước khi biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng sổ mũi, cùng tìm hiểu mũi hoạt động như thế nào để bảo vệ cơ thể.

Quá trình thở bắt đầu trong mũi, không khí đi vào phổi qua mũi. Mũi giúp lọc không khí, làm ẩm, làm ấm hoặc làm mát không khí đi qua để không khí đi đến phổi được sạch sẽ.

Lớp niêm mạc bao phủ khu vực bên trong mũi gồm nhiều tuyến sản xuất chất nhờn. Khi chất gây dị ứng, vi khuẩn, bụi hoặc các phần tử có hại khác đi vào mũi, chất nhầy sẽ giữ chúng lại. Chất nhầy có khả năng diệt được các mầm bệnh xâm nhập nhờ có chứa các kháng thể, hoặc các enzyme.

Lớp niêm mạc cũng bao gồm các lông mao, chúng liên tục chuyển động và di chuyển các phần tử có hại được thu thập và chất nhầy nơi bắt giữ các mầm bệnh sẽ đi qua mũi vào phía sau cổ họng. Sau đó, chúng bị acid dịch vị có trong dạ dày nuốt và phá hủy. Ngoài ra chất nhầy chứa các phần tử gây hại cũng được ho hoặc hắt hơi ra ngoài.

Khi nhiệt độ ngoài trời chuyển sang lạnh, chất nhầy sẽ được tiết ra nhiều hơn để làm ẩm và làm ấm luồng không khí đi vào phổi cũng làm dẫn đến tình trạng sổ mũi.

Như vậy, sổ mũi là một cơ chế bảo vệ cơ thể. Sổ mũi có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân gây ra, một trong số các nguyên nhân bao gồm:

  • Nhiễm trùng mũi và xoang (hay còn gọi là viêm xoang cấp tính).

  • Dị ứng.

  • Viêm xoang mạn tính.

  • Hội chứng Churg – Strauss.

  • Cảm lạnh thông thường.

  • Bệnh do coronavirus 2019 (COVID-19).

  • Lạm dụng các thuốc xịt thông mũi.

  • Vách ngăn lệch.

  • Không khí khô.

  • U hạt và viêm đa tuyến (bệnh lý u hạt của Wegener).

  • Thay đổi nội tiết tố.

  • Cúm (cúm).

  • Thuốc, chẳng hạn như những loại được sử dụng để điều trị huyết áp cao, rối loạn cương dương, trầm cảm, động kinh và các bệnh lý khác.

  • Polyp mũi.

  • Viêm mũi không dị ứng.

  • Bệnh hen suyễn nghề nghiệp.

  • Thai kỳ.

  • Chảy dịch não tủy.

  • Virus hợp bào hô hấp (RSV).

  • Khói thuốc lá.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sổ mũi?

Đối tượng có nguy cơ mắc sổ mũi:

  • Trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch có nhiều khả năng gặp các biến chứng nhất.

  • Hút thuốc cũng làm rối loạn phản ứng miễn dịch, làm tăng nguy cơ bị sổ mũi cũng như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.

  • Những người mắc các bệnh hô hấp mãn tính nghiêm trọng, chẳng hạn như COPD, có nguy cơ bị nhiễm trùng thứ phát như viêm phế quản cấp tính, viêm xoang, viêm tai giữa và viêm phổi sau cảm lạnh. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sổ mũi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sổ mũi, bao gồm:

  • Mùa đông: Đa phần các bệnh về đường hô hấp xảy ra vào mùa thu và mùa đông, không khí lạnh và khô hơn; đồng thời nhiều vi khuẩn hơn. Điều này làm cho các lỗ thông trong mũi bị khô hơn và có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn.

  • Trường học hoặc nhà trẻ sẽ làm cho sổ mũi (cảm lạnh) dễ lây lan khi trẻ tiếp xúc gần.

  • Giao tiếp tay - miệng: Việc chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng mà không rửa tay là cách phổ biến nhất lây lan vi trùng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sổ mũi

Xét nghiệm

Không chỉ định xét nghiệm với các trường hợp triệu chứng mũi cấp tính, ngoại trừ các tình huống nghi ngờ viêm xoang xâm lấn ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc tiểu đường, đối với các đối tượng này cần phải chụp CT. Xét nghiệm kiểm tra sự có mặt của beta-2 transferrin nếu có nghi ngờ sổ mũi liên quan đến chảy dịch não tủy; có tính đặc hiệu cao đối với CSF.

Chẩn đoán

Xem xét tình trạng chảy mũi là mãn tính hay tái phát. Nếu trong trường hợp tái phát thì xem có liên quan gì đến phơi nhiễm các chất gây dị ứng, theo mùa... Còn nếu trong trường hợp có các dấu hiệu cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu rò rỉ dịch não tủy hay cerebrospinal fluid – CSF (chảy mũi 1 bên, nước mũi trong và đặc biệt là có kèm theo chấn thương vị trí vùng đầu). Chảy dịch não tủy hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra tự phát ở những phụ nữ béo phì ở tuổi 40 của họ, thứ phát do chứng tăng áp lực nội sọ.

Khám toàn thân nên tìm kiếm các triệu chứng của nguyên nhân có thể gây bệnh, bao gồm chảy mũi trong, ngứa mắt (dị ứng); sốt và đau sọ mặt (viêm xoang); đau họng, sốt cao, sốt và ho (URI virus- nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus).

Tiền sử tìm các dị ứng đã biết và sự tồn tại của bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch. Đối với tiền sử dùng thuốc co mạch mũi nên khai thác cụ thể về việc sử dụng thuốc.

Phương pháp điều trị sổ mũi hiệu quả

Tùy theo nguyên nhân sổ mũi sẽ có những biện pháp điều trị cụ thể, bao gồm:

Thuốc co mạch giảm triệu chứng

Sử dụng thuốc co mạch để làm giảm triệu chứng tắc nghẽn mũi. Các thuốc co mạch dạng xịt có chứa oxymetazoline dùng xịt mũi một lần/ngày hoặc 2 lần/3 ngày.Thuốc đường uống có chứa pseudoephedrine 60mg mỗi ngày uống hai lần. Lưu ý không nên sử dụng các thuốc co mạch thời gian lâu dài.

Thuốc kháng histamin

Các trường hợp sổ mũi do nhiễm virus được điều trị bằng thuốc kháng histamine đường uống diphenhydramine hàm lượng 25 đến 50mg, hai lần trên ngày.

Trường hợp sổ mũi do dị ứng, điều trị bằng thuốc kháng histamine; sử dụng các hoạt chất kháng histamine không chứa hoạt tính kháng cholinergic như fexofenadine 60mg, uống hai lần/ngày sẽ ít tác dụng phụ hơn. Ngoài ra, các trường hợp sổ mũi do dị ứng có thể sử dụng thuốc kháng viêm corticosteroid dạng xịt mũi tại chỗ như mometasone mỗi bên mũi 2 nhát xịt mỗi ngày.

Lưu ý các thuốc co mạch mũi và thuốc kháng histamine không khuyến khích sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sổ mũi

Chế độ sinh hoạt:

  • Nghỉ ngơi điều độ.

  • Kết hợp sử dụng máy tạo ẩm hoặc phun sương.

  • Xịt hoặc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.

  • Đối với trẻ nhỏ, dùng bầu hút cao su để hút sạch chất nhầy.

  • Làm ấm mũi bằng cách hít từ hơi nước ấm.

  • Sử dụng viên ngậm, không cho trẻ em dưới 4 tuổi ngậm viên ngậm.

  • Sử dụng mật ong để giảm ho cho người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên.

  • Theo các hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

  • Hạn chế căng thẳng, tâm lý thoải mái, lối sống tích cực.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước, trà nóng.

  • Kết hợp uống trà gừng, mật ong.

  • Chế độ ăn uống nhiều chất dinh dưỡng.

  • Ăn các loại rau có mùi, chứa tinh dầu cũng giúp cải thiện được tình trạng sổ mũi.

  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia rượu, cà phê…

Phương pháp phòng ngừa sổ mũi hiệu quả

Vệ sinh sạch sẽ giúp hạn chế được tình trạng lây lan vi khuẩn. Chảy nước mũi hay sổ mũi là một triệu chứng của một số bệnh truyền nhiễm. Một số biện pháp phòng ngừa sổ mũi hiệu quả:

  • Rửa tay bằng xà phòng.

  • Bỏ khăn giấy đã sử dụng sau khi xì mũi hoặc lau mũi đúng nơi quy định.

  • Hạn chế tiếp xúc với những người cảm lạnh.

  • Tăng cường hệ miễn dịch nhờ thường xuyên tập thể dục và ăn uống một cách khoa học. Bổ sung vitamin C, kẽm và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng.

  • Ho và hắt hơi vào khủy tay.

  • Khử trùng thường xuyên những vị trí hay cầm nắm.

Nguồn tham khảo
  1. Healthline: https://www.healthline.com/health/common-cold-complications#1
  2. Medicalnewstoday: https://www.medicalnewstoday.com/articles/325248#allergies
  3. Clevelandclinic: https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/17660-runny-nose#when-to-call-the-doctor
  4. Mayoclinic: https://www.mayoclinic.org/symptoms/runny-nose/basics/causes/sym-20050640
  5. CDC: https://www.cdc.gov/antibiotic-use/colds.html
  6. MSD manuals: https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%c3%aan-gia/r%e1%bb%91i-lo%e1%ba%a1n-v%e1%bb%81-tai-m%c5%a9i-h%e1%bb%8dng/ph%c6%b0%c6%a1ng-ph%c3%a1p-ti%e1%ba%bfp-c%e1%ba%adn-v%e1%bb%9bi-b%e1%bb%87nh-nh%c3%a2n-v%e1%bb%9bi-tri%e1%bb%87u-ch%e1%bb%a9ng-m%c5%a9i-h%e1%bb%8dng/ng%e1%ba%a1t-m%c5%a9i-v%c3%a0-ch%e1%ba%a3y-m%c5%a9i?autoredirectid=18154

Các bệnh liên quan

  1. Ù tai

  2. Liệt dây thanh quản

  3. Viêm mũi dị ứng

  4. chảy máu mũi

  5. Hẹp ống tai bên ngoài

  6. Viêm tai ngoài ác tính

  7. Viêm tai giữa ứ dịch

  8. Viêm mũi vận mạch

  9. Xốp xơ tai

  10. U tuyến nước bọt mang tai