Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tổ đỉa dưới da: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 30/05/2022
Kích thước chữ

Tổ đỉa dưới da là một căn bệnh da liễu thường gặp. Tuy không trực tiếp gây tác động xấu đến sức khỏe nhưng bệnh lại đem lại nhiều sự tự ti và khó chịu. Bệnh có thể tái phát nhiều lần gây không ít bất tiện cho người bệnh. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu kiến thức cơ bản về căn bệnh này trong bài viết nhé!

Bệnh tổ đỉa với tên khoa học là Dyshidrotic eczema là một bệnh viêm da thường gây ra do nấm. Bệnh tổ đỉa dưới da kéo dài từ 3 - 4 tuần sau đó có thể tự biến mất hay tái phát nhiều đợt nếu không có phương pháp xử trí kịp thời và chăm sóc đúng, gây nhiều bất tiện tới cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Bệnh tổ đỉa dưới da là gì?

Tổ đỉa dưới da còn được biết đến với cái tên chàm tổ đỉa là một bệnh viêm da phổ biến có căn nguyên từ nấm. Trong đợt bùng phát, vùng da bị tổ đỉa biểu hiện bởi các mụn nước sâu, khó vỡ, tập trung thành cụm hay rải rác xuất hiện ở bàn tay, bàn chân.

Tổ đỉa dưới da gây bất tiện cho người bệnh bởi tình trạng ngứa dữ dội. Bệnh tổ đỉa có thể diễn biến cấp tính, mãn tính kéo dài hay thể hiện bởi các đợt tái phát.

Tổ đỉa dưới da: Nguyên nhân và cách điều trị 1 Hình ảnh bệnh tổ đỉa dưới da

Các thể bệnh tổ đỉa

Dựa vào biểu hiện của vùng bị mắc tổ đỉa dưới da, bệnh được chia làm 4 thể:

  • Thể giản đơn: Là thể bệnh phổ biến nhất, vùng da bị tổn thương ở mức độ nhẹ đến vừa và vùng da bị tổ đỉa chưa lan rộng.
  • Thể nhiễm khuẩn: Đây là thể bệnh với biểu hiện tương tự thể giản đơn, nhưng lúc này tổ đỉa dưới da đã xâm nhập vào sâu dưới tầng da gây nhiễm khuẩn, biểu hiện bởi mụn mủ.
  • Thể bọng nước: Lúc này, nếu vùng da bị tổ đỉa không được chăm sóc đúng, sẽ phát triển thành các bọng nước với kích thước to hơn.
  • Thể khô: Đây là thể bệnh đặc biệt, vùng da bị tổn thương sẽ không xuất hiện mụn nước. Thay vào đó, vùng da nhiễm tổ đỉa sẽ đỏ rát và tróc vảy.

Bệnh tổ đỉa dưới da thường chỉ lan sang vùng da lành khác trên cơ thể mà không có khả năng lây truyền giữa người và người. Nếu người bệnh thực hiện chăm sóc đúng cách và can thiệp kịp thời, triệu chứng bệnh có thể khỏi hoàn toàn sau 3 - 4 tuần và không tái phát.

Tổ đỉa dưới da: Nguyên nhân và cách điều trị 2 Bệnh tổ đỉa dưới da thể khô

Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa dưới da

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh tổ đỉa. Tuy nhiên, nhiều yếu tố đã được xác định tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát bệnh:

  • Dị ứng: Người có cơ địa dễ dị ứng với hóa chất trong mỹ phẩm hay trong thức ăn… Hay người có làn da nhạy cảm cũng thường gặp bệnh tổ đỉa.
  • Di truyền: Người sống trong gia đình có bố, mẹ hay anh chị em ruột bị tổ đỉa dưới da có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
  • Nhiễm khuẩn: Người sống trong môi trường ô nhiễm hay có tính chất công việc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại khiến da bị nhiễm khuẩn trong thời gian dài. Từ đó, vi khuẩn nấm có điều kiện tích tụ trên da, khi gặp điều kiện sẽ bùng phát thành bệnh.
  • Suy giảm miễn dịch:Người mắc các bệnh lý mãn tính như HIV, bệnh bạch cầu, đau tủy xương… khiến hệ miễn dịch suy yếu làm giảm khả năng chống chọi với bệnh tật. Tác nhân gây hại như vi khuẩn nấm có điều kiện phát triển gây bệnh.
  • Thuốc: Người sử dụng thuốc gây suy giảm miễn dịch trong điều trị hay người lạm dụng nhiều loại thuốc, mỹ phẩm gây bào mòn hàng rào bảo vệ của da. Dị nguyên bên ngoài như vi nấm có thể xâm nhập sâu gây tổ đỉa dưới da.
  • Nguyên nhân khác:Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh tổ đỉa còn có thể bùng phát do nhiều nguyên nhân khác như mắc chàm cơ địa, căng thẳng và stress
Tổ đỉa dưới da: Nguyên nhân và cách điều trị 3 Nguyên nhân gây tổ đỉa dưới da có thể tới từ bất kì đâu

Tổ đỉa dưới da có nguy hiểm không?

Tổ đỉa là bệnh lý không gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng, nhưng lại gây nhiều bất tiện trong đời sống hàng ngày cũng như tạo điều kiện phát triển bệnh khác. Đồng thời, tổ đỉa dưới da rất khó điều trị dứt điểm nếu người bệnh không phát hiện sớm cũng như tuân thủ điều trị.

Tác hại của bệnh tổ đỉa có thể kể tới:

  • Mất thẩm mỹ: Vùng da bị tổ đỉa xuất hiện mụn nước thành đám khiến da sần sùi, mẩn đỏ hay bong tróc gây mất thẩm mỹ. Kể cả sau điều trị khỏi, vùng da từng bị tổ địa có thể có những vết sẹo gây giảm tự tin của người bệnh.
  • Bất tiện trong sinh hoạt:Giai đoạn tổ đỉa dưới da bùng phát là giai đoạn khó chịu nhất cho người bệnh. Giai đoạn này, tổ đỉa dưới da gây những cơn ngứa dữ dội và đau rát bởi mụn nước ở bàn tay, bàn chân gây hạn chế nhiều trong công việc, lao động.
  • Bội nhiễm: Việc người bệnh gãi mạnh trên vùng da bị tổ đỉa gây tổn thương da và khiến mụn nước vỡ ra. Chính vì vậy, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua da gây bội nhiễm với các triệu chứng như hình thành mụn mủ, viêm mô tế bào… Đồng thời khiến tình trạng tổ đỉa ở vùng da bị mắc ngày càng trầm trọng

Chính vì vậy, ngay khi xuất hiện triệu chứng bệnh, bạn nên gặp bác sĩ sớm để có hướng điều trị và chăm sóc tốt, tránh tái phát tổ đỉa hay tổ đỉa dưới da lan rộng.

Điều trị bệnh tổ đỉa dưới da

Điều trị tổ đỉa dưới da tại nhà

Mặc dù biện pháp thực hiện tại nhà không có nhiều hiệu quả trong việc điều trị dứt điểm nhưng có thể làm giảm triệu chứng của tổ đỉa dưới da. Những biện pháp khắc phục đó là:

  • Tránh đeo trang sức, đồng hồ… tại vùng bị tổ đỉa để tránh nguy cơ cọ sát gây vỡ mụn nước hay tổn thương gây nhiễm trùng da.
  • Tránh gãi vùng da bị tổ đỉa bằng cách cắt ngắn móng tay, giữ vùng da bị tổn thương được lành lặn.
  • Chườm lạnh vùng da tổn thương có thể làm dịu cơn ngứa hay đau rát.
  • Nếu nghi ngờ kích ứng với các sản phẩm như mỹ phẩm, nước tẩy rửa… hay chính trang sức, đồng hồ bằng bạc mà bạn đang sử dụng, hãy ngừng sử dụng một thời gian để theo dõi tiến triển bệnh tổ đỉa.

Điều trị tổ đỉa dưới da bằng thuốc

Liệu pháp ánh sáng 

Phương pháp chiếu tia UVA hoặc tia UVA-1 kết hợp đường uống hay đường bôi ngoài da Psoralen giúp cải thiện triệu chứng tổ đỉa.

Thuốc điều trị tại chỗ

Đối với trường hợp tổ đỉa dưới da mức độ nhẹ:

  • Ngâm vùng da bị bệnh trong dung dịch thuốc tím dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thoa BSI 1% - 3% ở vùng da xuất hiện mụn nước.
  • Bôi thuốc chống nhiễm khuẩn như kháng sinh dạng bôi ngoài da với phần mụn nước đã bị vỡ để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Thuốc điều trị bệnh tổ đỉa với trường hợp bệnh trung bình đến nặng như xuất hiện mụn mủ, viêm đỏ hay các dấu hiệu nhiễm trùng khác, người bệnh sẽ được chỉ định thuốc điều trị như thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm như Clotrimazol, Ketoconazol hay thuốc kháng viêm như Corticosteroid. 

Tổ đỉa dưới da: Nguyên nhân và cách điều trị 4 Sử dụng thuốc bôi điều trị bệnh tổ đỉa dưới da

Trên đây là những thông tin về bệnh tổ đỉa dưới da mà nhà thuốc Long Châu cung cấp, hy vọng qua bài viết này, độc giả có thể có những hiểu biết cơ bản về căn bệnh này. Tuy nhiên, vì bệnh rất dễ tái phát nên rất cần được bác sĩ thăm khám và có những chỉ định điều trị cụ thể phù hợp với thể trạng từng cá nhân. 

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin