Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Chức năng của bạch cầu đối với cơ thể người

Ngày 25/04/2023
Kích thước chữ

Bạch cầu hay bạch huyết cầu chính là một loại thành phần của máu và một phần của hệ miễn dịch. Chắc hẳn ai cũng đã nghe qua về bạch cầu nhưng chức năng của bạch cầu đối với cơ thể người là gì thì không phải ai cũng đã biết rõ.

Bạch cầu là thành phần rất quan trọng của máu. Số lượng bạch cầu trong cơ thể tăng hay giảm liệu có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay không? Để biết rõ chức năng của bạch cầu đối với cơ thể của con người là gì, mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây. 

Tìm hiểu về bạch cầu

Chức năng của bạch cầu đối với cơ thể người1
Bạch cầu có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể

Bạch cầu rất quan trọng và không thể thiếu đối với cơ thể, chúng có nhiệm vụ chống lại những tác nhân lạ từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Nếu như có virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bạch cầu sẽ làm nhiệm vụ sản xuất kháng thể hoặc thực bào để tiêu diệt các tác nhân gây hại này. Ngoài ra, bạch cầu còn kích hoạt hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể một cách tốt nhất.

Phân loại bạch cầu

Bạch cầu được chia làm hai loại chính dựa theo hình dáng của nhân và sự xuất hiện hay không xuất hiện các hạt trong bào tương của tế bào mà những hạt này chủ yếu là tiêu thể (lysosome):

  • Bạch cầu dạng hạt (bạch cầu đa nhân): Đây là loại bạch cầu có hạt lớn trong bào tương, bạch cầu phân chia thành ba loại bao gồm: Bạch cầu ưa acid (ái toan), bạch cầu trung tính, bạch cầu ưa base (ái kiềm) nhờ vào sự bắt màu của các hạt trong bào tương.
  • Bạch cầu không hạt (bạch cầu đơn nhân): Là những loại bạch cầu không có hạt trong bào tương. Bạch cầu không hạt lại được chia thành hai loại là bạch cầu Mono và bạch cầu Lympho.

Chức năng của bạch cầu đối với cơ thể 

Chức năng của bạch cầu đối với cơ thể người2
Mỗi loại bạch cầu đều có các chức năng khác nhau

Chức năng của ba loại bạch cầu hạt bao gồm:

  • Bạch cầu hạt trung tính: Loại bạch cầu này chiếm tỷ lệ lớn trong cơ thể con người, có nhiệm vụ tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân như virus, vi khuẩn sinh mủ hoặc nấm nhờ khả năng vận động và thực bào rất cao.
  • Bạch cầu hạt ưa acid (ái toan): Nhiệm vụ chính của loại bạch cầu này đó chính là khử độc do protein, các chất lạ như bị nhiễm trùng do ký sinh trùng, vi khuẩn gây ra. Bạch cầu ái toan cũng đóng vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch và phản ứng gây viêm cho cơ thể.
  • Bạch cầu ưa base (ái kiềm): Loại bạch cầu này chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong ba loại, chỉ khoảng 1%. Loại bạch cầu này chỉ tăng số lượng khi gặp phải phản ứng dị ứng.

Chức năng của bạch cầu Lympho gồm:

  • Bạch cầu Lympho B: Giúp cơ thể sản xuất ra kháng thể để hệ miễn dịch kết hợp phản ứng với nhiễm trùng từ những tác nhân lạ.
  • Bạch cầu Lympho T: Loại bạch cầu này nhận dạng và loại trừ các tế bào có nguy cơ làm nhiễm trùng. Lympho T sẽ tấn công các kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể con người sau khi được hoạt hóa. Loại chất này có vai trò thu hút bạch cầu hạt xâm nhập để tấn công kháng nguyên bằng cách tấn công trực diện hoặc giải phóng chất Lymphokin. 

Chức năng của bạch cầu Mono:

Bạch cầu mono có nhiệm vụ chính là dọn sạch phần mô bị tổn thương. Mono là bạch cầu không hạt có kích thước khá lớn, chiếm tỷ lệ từ 2 đến 8% tổng số tế bào bạch cầu trong cơ thể. Tại mô liên kết của các cơ quan bạch cầu này sẽ phát triển thành các đại thực bào. Đại thực bào khi đó sẽ ăn phân tử có kích thước lớn cùng mô hoại tử.

Tìm hiểu về chỉ số WBC trong thể tích máu

Chức năng của bạch cầu đối với cơ thể người3
Chỉ số WBC có thể cảnh báo cho bạn các nguy cơ về sức khỏe

WBC là từ viết tắt của White Blood Cell, chỉ số này chỉ số lượng bạch cầu có trong một thể tích máu và được chia ra làm  trường hợp:

Chỉ số WBC bình thường 

Từng đối tượng cụ thể sẽ có chỉ số bạch cầu bình thường tương ứng như:

  • 13.000 - 38.000 tế bào/ mm3 đối với trẻ em;
  • 5.000 - 20.000 tế bào/ mm3 đối với trẻ em từ 2 tuần tuổi trở lên;
  • 4.500 - 10.000 tế bào/ mm3 với người trưởng thành;
  • 5.800 - 13.200/ mm3 đối với phụ nữ đang mang thai trong tháng thai kỳ tam cá nguyệt thứ 3.

Chỉ số WBC cao 

Số lượng bạch cầu trong thể tích máu của bạn bị cao có thể do rất nhiều các nguyên nhân khác nhau như:

  • Triệu chứng viêm: Viêm mạch máu, viêm ruột thừa, viêm thấp khớp;
  • Nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm;
  • Mắc các bệnh lý về bạch cầu;
  • Người bị dị ứng cơ thể như lên cơn hen suyễn;
  • Tế bào bạch cầu bị chết do chấn thương, bị bỏng hoặc lên cơn đau tim;
  • Quá trình phẫu thuật, thực hiện thủ thuật làm cho tế bào chết đồng thời cũng làm cho số lượng bạch cầu đột ngột tăng.

Chỉ số WBC thấp

Nguyên nhân làm cho chỉ số WBC bị thấp là do:

  • Mắc bệnh bạch cầu;
  • Bị rối loạn tủy xương;
  • Can thiệp hóa trị, xạ trị hay tiếp xúc trực tiếp với độc tố có hại khiến cho tủy xương bị tổn thương.
  • Tự miễn dịch với các bệnh như HIV hay Lupus;
  • Ung thư hạch bạch huyết;
  • Thiếu vitamin B12;
  • Nhiễm khuẩn đường huyết do vi trùng, vi khuẩn.

Trên đây là một vài thông tin về bạch cầu và các chức năng của bạch cầu đối với cơ thể. Số lượng bạch cầu thất thường, tăng hay giảm đều là vấn đề đáng lo ngại cho sức khỏe của bạn và bạn không nên chủ quan. Thăm khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ cho cơ thể, sức khỏe khỏi các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus gây bệnh.

Phương Thảo

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin