Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm ruột thừa cấp: Triệu chứng, biến chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm ruột thừa cấp là bệnh cấp cứu ngoại khoa bụng thường gặp. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nam cũng như nữ. Bệnh cảnh lâm sàng của viêm ruột thừa cấp đa dạng phong phú, biến chứng khá phức tạp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới biến chứng viêm phúc mạc đe dọa tới tính mạng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm ruột thừa cấp là gì? 

Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, dạng túi, hẹp và dài vài centimet, dính vào manh tràng. Ruột thừa thường nằm ở phần bụng dưới bên phải - nơi nối tiếp giữa ruột già và ruột non. Chức năng của ruột thừa trong cơ thể hiện vẫn chưa được xác định, nhưng nếu bị viêm ruột thừa, cần phải được điều trị ngay lập tức.

Viêm ruột thừa cấp (Acute appendicitis) là tình trạng viêm cấp tính ở ruột thừa. Sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa có thể là nguyên nhân gây viêm. Viêm ruột thừa cấp có thể gây ra cơn đau hoặc nó có thể vỡ gây ra những cơn đau dữ dội và đột ngột. Lượng vi khuẩn nhân lên nhanh chóng do tắc nghẽn khiến ruột thừa bị viêm, sưng và hóa mủ. Nếu không được chữa trị kịp thời, ruột thừa có thể bị vỡ, làm mủ lan tràn vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc đe dọa tới tính mạng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm ruột thừa cấp

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm ruột thừa cấp có thể bao gồm:

  • Đau đột ngột bắt đầu ở bên phải của bụng dưới – đây là dấu hiệu chính của bệnh viêm ruột thừa cấp. Triệu chứng thường đến đột ngột và trở nên tồi tệ hơn;

  • Cơn đau đột ngột bắt đầu xung quanh rốn và thường chuyển sang vùng bụng dưới bên phải;

  • Đau nặng hơn khi ho, đi bộ hoặc thực hiện các cử động khác;

  • Buồn nôn và nôn;

  • Ăn không ngon;

  • Sốt nhẹ, có thể nặng hơn khi bệnh tiến triển;

  • Táo bón hoặc tiêu chảy;

  • Chướng bụng;

  • Đầy hơi.

Vị trí đau có thể khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi và vị trí của ruột thừa. Khi mang thai, cơn đau có thể đến từ bụng trên của bạn vì ruột thừa cao hơn khi mang thai.

Tác động của viêm ruột thừa cấp đối với sức khỏe

  • Đau bụng: Khi bị viêm ruột thừa cấp, người bệnh đau bụng bắt đầu lan tỏa ở vùng thượng vị và vùng rốn, sau đó chuyển sang phía dưới, bên phải của vùng bụng. Cơn đau liên tục với mức độ đau tăng dần và càng trở nên tồi tệ hơn. Đau ruột thừa thường diễn ra trong vòng 48 tiếng từ lúc phát đau đến khi ruột thừa bị vỡ. Nếu ruột thừa bị sưng viêm đến mức bị vỡ, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây ảnh hưởng đến tính mạng.

  • Rối loạn tiêu hóa: Ăn không ngon miệng, buồn nôn và nôn kéo dài.

  • Tiểu nhiều lần: Thường xuyên xuất hiện đau bàng quang (tiểu buốt) khi đi tiểu. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm ruột thừa cấp

Nếu không được điều trị, ruột thừa bị viêm có thể bị vỡ. Khiruột thừa vỡ có thể gây nhiễm trùng dẫn đến bệnh nặng và thậm chí tử vong. Các biến chứng của viêm ruột thừa cấp có thể bao gồm:

  • Áp xe: Ruột thừa viêm và vỡ nhưng mủ lại chưa tràn vào ổ bụng nhờ các cơ quan khác bao bọc như ruột non, mạc nối lớn. Lúc  này, mủ cùng “hàng rào” sẽ trở thành khu trú vùng viêm và tạo thành ổ áp – xe. Điều trị trong trường hợp này là chọc dẫn lưu thông qua thành bụng đến ổ áp xe để dẫn mủ ra ngoài phối hợp với điều trị kháng sinh theo phác đồ. Khi ổ nhiễm trùng được kiểm soát ổn định sẽ tiến hành cắt bỏ ruột thừa.

  • Nhiễm trùng ổ bụng: Viêm phúc mạc có thể đe dọa tính mạng nếu nhiễm trùng lan rộng khắp ổ bụng. Phẫu thuật bụng (mở bụng) loại bỏ ruột thừa bị vỡ và điều trị nhiễm trùng.

  • Nhiễm trùng huyết: Viêm phúc mạc nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử ruột và nhiễm trùng huyết. Vi khuẩn từ ruột thừa bị vỡ có thể xâm nhập vào máu, nó có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng gọi là nhiễm trùng huyết . Nhiễm trùng huyết gây viêm lan rộng ở nhiều cơ quan và có thể gây tử vong. Nhiễm trùng huyết cần được điều trị tại bệnh viện với kháng sinh mạnh theo phác đồ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đối với viêm ruột thừa cấp tính thì việc chẩn đoán và mổ sớm có ý nghĩa rất quan trọng để làm giảm tỷ lệ biến chứng và tránh nguy cơ tử vong. Vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm ruột thừa cấp

  • Bị nhiễm vi khuẩn như Bacteroides fragili, E.coli,… nhưng điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào ruột thừa thì vẫn chưa rõ.

  • Sự rối loạn vận động làm mất trương lực cơ gây ứ đọng phân, từ đó làm tắc nghẽn ruột thừa gây tổn thương niêm mạc ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập phát triển.

  • Tăng sản mô lympho có liên quan đến tình trạng viêm và nhiễm trùng như: Bệnh Crohn, sởi, nhiễm amip, viêm ruột, viêm đường hô hấp và bệnh tăng bạch cầu đơn nhân.

  • Hiếm gặp hơn có thể do rau hay quả hạt, do giun đũa.

  • Do niêm mạc đã bị loét từ trước sẽ dễ gây nhiễm khuẩn ở thành ruột thừa.

  • Tăng trưởng bển trong ruột thừa.

  • Bệnh viêm ruột.

  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm ruột thừa cấp

Viêm ruột thừa cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mặc dù nó phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi thanh thiếu niên và 20 tuổi. Viêm ruột thừa ở trẻ em thường xảy ra nhất trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhưng ngay cả trẻ em ở độ tuổi tiểu học cũng bị viêm ruột thừa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm ruột thừa cấp

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến tăng nguy cơ mắc bệnh này, chẳng hạn như:

  • Trong gia đình từng có người bị viêm ruột thừa.

  • Tình trạng viêm ruột kéo dài như bệnh Crohn hoặc viêm loét ruột.

  • Ăn nhiều thực phẩm chứa carbonhydrate nhưng lại dùng ít chất xơ làm ruột hoạt động chậm lại dễ gây tắc nghẽn.

  • Tình trạng ô nhiễm không khí.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm ruột thừa cấp

Khám lâm sàng: Khoảng 70% bệnh nhân mắc viêm ruột thừa cấp có những triệu chứng lâm sàng điển hình. Vì vậy, chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng đặc trưng là một trong những phương pháp được áp dụng đầu tiên. Những dấu hiệu cảnh báo mắc viêm ruột thừa cấp là:

  • Đau bụng quanh rốn hoặc thượng vị, sau đó, chuyển sang đau ở hố chậu phải;

  • Đau tăng dần và liên tục trong vài giờ, đau hơn khi xoay người, thở mạnh, ho, hắt hơi, đi lại hoặc khi bị đụng vào;

  • Táo bón, đôi khi bị tiêu chảy;

  • Nhịp tim nhanh;

  • Sốt cao, lạnh run có thể liên quan tới tình trạng viêm ruột thừa có biến chứng;

  • Chướng bụng;

  • Chán ăn, buồn nôn và nôn;

  • Tiểu dắt, tiểu buốt (đau).

Xét nghiệm: Bác sĩ có thể yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm để xác định viêm ruột thừa cấp, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra số lượng bạch cầu và CRP để tìm dấu hiệu nhiễm trùng trong cơ thể.

  • Xét nghiệm nước tiểu: Loại trừ nguyên nhân gây đau khi nhiễm trùng đường tiểu hoặc sỏi thận

  • Thử que: Loại trừ thai ngoài tử cung là nguyên nhân gây các triệu chứng tương tự viêm ruột thừa cấp.

Chẩn đoán hình ảnh: Khi triệu chứng viêm ruột thừa cấp không điển hình thì chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò rất quan trọng. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được áp dụng là:

  • Siêu âm: Sử dụng đầu dò tần số cao, đè ép đầu dò dần dần và nhẹ nhàng trên vùng nhạy cảm đau, nghi ngờ có viêm ruột thừa cấp để khảo sát, đánh giá tình trạng sưng tấy của ruột thừa bị viêm. Tuy nhiên, siêu âm chẩn đoán viêm ruột thừa cấp cũng có thể gặp khó khăn nếu bệnh nhân béo phì, bụng chướng hơi, bàng quang quá căng, bệnh nhân đang mang thai trên 6 tháng, phản ứng thành bụng hoặc vị trí ruột thừa bất thường.

  • Chụp X-quang ổ bụng: Thấy sỏi phân ruột thừa.

  • Chụp Barit bằng thụt: Bình thường, ruột thừa có thể chứa đầy Barit khi thụt. Nếu ruột thừa bị viêm hoặc tắc, Barit sẽ không đi qua được và đó là dấu hiệu để chẩn đoán viêm ruột thừa cấp.

  • Chụp cắt lớp vi tính vùng bụng: Độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Chụp cắt lớp vi tính giúp chẩn đoán xác định trong những trường hợp khó, không điển hình. Nó cũng giúp ích cho việc chẩn đoán phân biệt trong những trường hợp không rõ ràng.

Phương pháp điều trị viêm ruột thừa cấp hiệu quả

Tiêu chuẩn vàng cho điều trị viêm ruột thừa cấp là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa:

Để phẫu thuật cắt ruột thừa, bác sĩ có thể chỉ định mổ hở hoặc mổ nội soi tùy tình trạng của bệnh. Theo đó, mổ nội soi ít xâm lấn hơn và thời gian bình phục nhanh hơn nhưng cần phải mổ hở nếu có áp xe hoặc viêm phúc mạc.

Điều trị không phẫu thuật:

Nhiều trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng có thể điều trị với kháng sinh tỷ lệ thành công hơn 90%. Tuy nhiên tỷ lệ tái phát sau 1 năm là khá cao hơn 30%. Với những trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng vỡ gây áp xe ruột thừa.

Bệnh nhân sẽ được điều trị với chọc dẫn lưu áp xe dưới siêu âm và phối hợp với kháng sinh điều trị. Sau đó sẽ tiến hành cắt ruột thừa sau 6 tháng khi bệnh nhân ổn định.

Ngoài ra, với những trường hợp viêm ruột thừa không có biến chứng trong những trường hợp tình trạng bệnh nhân không đảm bảo cho phẫu thuật như: Bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng, bệnh nhân có bệnh nội khoa kèm rất nặng không thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật có thể cân nhắc áp dụng điều trị bảo tồn với kháng sinh.

Biến chứng sau phẫu thuật cắt ruột thừa:

Những biến chứng có thể gặp đó là: Chảy máu vết mổ hoặc ổ bụng, nhiễm trùng vết mổ hoặc ổ bụng, dịch áp xe tồn lưu, tổn thương tạng rỗng, dính ruột sau mổ, các biến chứng liên quan đến gây mê hồi sức như thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi,...

Tỷ lệ biến chứng phụ thuộc vào ruột thừa viêm có biến chứng hay chưa, phương pháp phẫu thuật, các bệnh lý kèm theo của bệnh nhân.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm ruột thừa cấp

Chế độ sinh hoạt:

  • Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và tránh vận động nặng. Trường hợp mổ nội soi, bạn nên tránh hoạt động từ 3 - 5 ngày. Nếu bạn mổ hở, nên tránh hoạt động từ 10 - 14 ngày. Hoặc bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tránh vận động nặng và khi nào có thể hoạt động bình thường.

  • Bảo vệ bụng khi ho bằng cách đặt một cái gối trước bụng và đè mạnh vào khi ho, cười hoặc xoay trở để giảm đau.

  • Báo cho bác sĩ về tình trạng cơn đau không giảm và vết thương lâu lành dù đã uống thuốc giảm đau.

  • Khi trở lại hoạt động bình thường, bạn nên tập đi từ từ với từng bước nhỏ rồi tăng dần cường độ sao cho bạn thấy thoải mái.

  • Trao đổi với bác sĩ nếu bạn muốn quay trở lại công việc hay việc học.

  • Tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe và khả năng hồi phục của cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa viêm ruột thừa cấp hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Nguyên nhân gây VRT cấp là do tắc nghẽn mà gần 40% là do ứ đọng sạn phân và vật lạ trong lòng ruột thừa, từ đó để đề phòng ta nên tránh táo bón, nên có chế độ ăn giàu chất xơ và uống nhiều nước mỗi ngày.

  • Sự phì đại các nang bạch huyết trong thành ruột thừa chiếm 60% nguyên nhân, do đó khi bị các bệnh viêm nhiễm hầu họng, tiêu hóa, nên điều trị tích cực ngay.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/appendicitis/symptoms-causes/syc-20369543

  2. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8095-appendicitis#symptoms-and-causes

Các bệnh liên quan

  1. Thoát vị khe hoành

  2. Bệnh Crohn

  3. Hội chứng thèm ăn

  4. Trĩ

  5. Hội chứng cơ nâng hậu môn

  6. Nôn

  7. Nhiễm vi khuẩn Salmonella

  8. Viêm xung huyết hang vị dạ dày

  9. Polyp túi mật

  10. Sỏi mật