Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm mạch là gì? Nguyên nhân gây bệnh, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm mạch là tình trạng viêm trong mạch máu, làm thay đổi cấu trúc bên trong thành của các mạch máu như dày lên, suy yếu, thu hẹp và sẹo. Viêm mạch làm cho các mô và cơ quan được cung cấp bởi các mạch máu viêm không nhận được đủ máu có thể dẫn đến tổn thương mô và cơ quan, thậm chí tử vong. Hầu hết các bệnh viêm mạch máu đều là bệnh hiếm gặp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm mạch là bệnh gì?

Viêm mạch là bệnh lý viêm các mạch máu, dẫn tới thiếu máu, hoại tử và tổn thương viêm ở các cơ quan. Viêm mạch có thể xuất hiện ở bất kỳ mạch máu nào như các động mạch, tiểu động mạch, tĩnh mạch, tiểu tĩnh mạch hoặc các mao mạch.

Biểu hiện của viêm mạch rất đa dạng trên lâm sàng, phụ thuộc vào kích thước và vị trí của các mạch, các cơ quan bị tổn thương, mức độ và loại tổn thương viêm.

Để phân loại các bệnh lý mạch máu thường dựa vào đặc điểm như vị trí viêm, kích thước các mạch tổn thương chiếm ưu thế:

  • Mạch lớn: Bệnh Behcet, viêm động mạch tế bào khổng lồ, viêm mạch Takayasu.
  • Mạch trung bình: Viêm mạch kích thước trung bình dưới da, viêm nút quanh động mạch. 
  • Mạch nhỏ: U hạt tế bào ưa acid với viêm đa mạch, chứng Cryoglobulin huyết, viêm đa mạch u hạt, viêm mạch liên quan tới immunoglobulin A, viêm đa vi mạch, viêm mạch dưới da.

Viêm mạch gồm hai loại là viêm mạch nguyên phát không rõ nguyên nhân gây bệnh và viêm mạch thứ phát có thể do thuốc, chất độc, nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn hoặc ung thư. Tùy vào loại mắc phải, bệnh có thể cải thiện mà không cần điều trị. Hoặc phải điều trị bằng thuốc trong thời gian dài.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mạch

Viêm mạch thường làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể. Những biểu hiện trên lâm sàng của bệnh viêm mạch thường dựa vào kích thước của các mạch máu bị tổn thương, các dấu hiệu và triệu chứng chung cho hầu hết các loại viêm mạch bao gồm:

  • Bệnh nhân có dấu hiệu và triệu chứng viêm hệ thống như sốt, ra mồ hôi đêm, mệt mỏi, chán ăn, giảm cân, đau cơ, viêm khớp.
  • Một số biểu hiện bệnh viêm mạch nghiêm trọng hoặc tổn thương cơ quan cần điều trị ngay như: Xuất huyết phế nang, viêm cầu thận tiến triển nhanh, đường tiêu hóa (thiếu máu mạc treo: sự gián đoạn dòng máu nuôi ruột), mất thị lực ở bệnh nhân viêm mạch tế bào khổng lồ.
  • Các biểu hiện trên da do tổn thương mạch máu nhỏ và trung bình như: Xuất huyết, mày đay, loét, viêm mạch mạng xanh tím và hồng ban nút.

Biến chứng viêm mạch

Các biến chứng của viêm mạch phụ thuộc vào loại viêm mạch mà bạn mắc phải, bao gồm:

  • Cục máu đông. Cục máu đông có thể hình thành trong mạch máu, cản trở lưu lượng máu tuần hoàn. Biến chứng nghiêm trọng của cục máu đông có thể gây phình hoặc vỡ động mạch chủ có thể gây tử vong nếu không xử lý kịp thời.
  • Mất thị lực hoặc mù lòa. Đây là một biến chứng của viêm động mạch tế bào khổng lồ nếu không được điều trị.
  • Tổn thương cơ quan.
  • Nhiễm trùng, viêm phổi và nhiễm trùng máu.
  • Tái phát viêm mạch. Viêm mạch có thể tái phát sau khi điều trị thành công và cần điều trị bổ sung. Trường hợp bệnh viêm mạch mà bạn mắc phải không thể hết bệnh hoàn toàn và cần điều trị liên tục.
  • Viêm mạch máu lớn và trung bình như viêm động mạch tế bào khổng lồ, bệnh Kawasaki, bệnh Takayasu có thể dẫn đến biến chứng nhồi máu cơ tim cấp tính, xuất huyết não, nhồi máu não, phình động mạch chủ, lóc tách động mạch chủ, nhồi máu mạc treo.
  • Các biến chứng đe dọa tính mạng của viêm mạch máu nhỏ bao gồm: Suy thận, xuất huyết phế nang và thiếu máu cục bộ đường tiêu hóa.
  • Thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu thường gặp ở bệnh Behcet hơn các bệnh lý mạch máu khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ tăng hiệu quả trị liệu và giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh, giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm mạch

Viêm mạch có thể là:

  • Viêm mạch nguyên phát: Không rõ nguyên nhân gây bệnh.
  • Viêm mạch thứ phát: Bệnh lý viêm mạch máu này có thể liên quan đến gen di truyền hoặc sự bất thường của hệ thống miễn dịch. Các tác nhân có thể kích thích hệ thống miễn dịch gây ra các phản ứng như: Nhiễm trùng như viêm gan B và viêm gan C; ung thư máu; các bệnh về hệ thống miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì và lupus ban đỏ; phản ứng với một số loại thuốc.

Viêm mạch làm cho mạch máu bị tổn thương dẫn đến chảy máu hoặc tình trạng viêm nặng lên. Quá trình viêm làm cho các lớp của thành mạch máu dày lên, thu hẹp kích thước lòng mạch máu, làm giảm lưu lượng máu cung cấp, dẫn đến giảm lượng oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng các mô và cơ quan của cơ thể.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị viêm mạch

Viêm mạch máu có thể xảy ra ở ở mọi lứa tuổi , ở cả nam và nữ, bất kỳ chủng tộc nào.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm mạch

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm mạch, bao gồm:

  • Hút thuốc lá.
  • Ung thư, viêm gan B hoặc viêm gan C.
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm mạch máu.
  • Mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm mạch

Xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán viêm mạch, đánh giá giai đoạn bệnh như: Công thức máu, máu lắng, CRP, albumin, protein huyết thanh, AST và ALT, ure và creatinine, xét nghiệm nước tiểu. 

Bệnh nhân thường có tốc độ máu lắng hoặc CPR tăng, thiếu máu do tình trạng viêm mạn tính, tăng tiểu cầu và giảm albumin huyết thanh. Xét nghiệm nước tiểu để xác định tổn thương thận cần kiểm tra xem có hồng cầu, trụ hồng cầu và protein hay không.

  • Các xét nghiệm giúp xác định loại viêm mạch máu như: Các kháng thể kháng tương bào của bạch cầu đoạn trung tính [ANCA] được chỉ định sau khi đánh trên lâm sàng dựa vào kết quả của xét nghiệm cơ bản.
  • Các các xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm: X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI). Bác sĩ có thể xác định các động mạch lớn như động mạch chủ và các nhánh của nó có bị viêm không, giúp xác định loại viêm mạch và đánh giá mức độ viêm mạch ở các cơ quan.
  • Sinh thiết mạch máu bị viêm. Bác sĩ lấy một mẫu nhỏ mạch máu hoặc các cơ quan bị viêm như da, phổi, thận… để kiểm tra dấu hiệu của viêm mạch.

Vì các bệnh lý mạch máu là hiếm gặp và điều trị bằng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, nên cần sinh thiết mô để khẳng định chẩn đoán chính xác vị trí bị tổn thương. Để lựa chọn vị trí sinh thiết tốt nhất cần dựa trên kết quả khám lâm sàng.

Sinh thiết cho kết quả dương tính cao nếu được lấy từ mô thận, da và phổi bị tổn thương. Ngược lại, nếu sinh thiết mù tại các cơ quan mà không có biểu hiện lâm sàng hoặc các dấu hiệu gợi ý trên xét nghiệm có khả năng cho kết quả dương tính thấp.

Phương pháp điều trị viêm mạch hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp điều trị và kê đơn thuốc phù hợp.

  • Trường hợp viêm mạch nghiêm trọng đe dọa đến các cơ quan hoặc tính mạng của bệnh nhân, khởi đầu điều trị bằng corticosteroid, thường kết hợp với cyclophosphamide hoặc rituximab.
  • Đối với viêm mạch ít nghiêm trọng hơn, khởi đầu điều trị bằng corticosteroid kết hợp với các thuốc ức chế miễn dịch ít độc ví dụ như: Methotrexate, azathioprine, mycophenolate mofetil hoặc rituximab.
  • Thuốc thường được dùng để điều trị duy trì lui bệnh như là methotrexate, azathioprine, hoặc rituximab, kết hợp với giảm liều corticosteroid.

Điều trị viêm mạch phụ thuộc vào loại, nguyên nhân, mức độ lan rộng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Mục tiêu điều trị đối với các tổn thương mạch nguyên phát là đạt được lui bệnh và duy trì lui bệnh. Để đạt được mục tiêu lui bệnh bằng cách sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch tế bào và liều cao corticosteroid, trong vòng 3 - 6 tháng, cho tới khi đạt lui bệnh hoặc bệnh giảm tới mức có thể chấp nhận được.

Thời gian lui bệnh có thể phụ thuộc vào loại viêm mạch và rất khó tiên đoán. Để duy trì lui bệnh, người bệnh cần tiếp tục sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch có hoặc không kết hợp với corticosteroid liều thấp. Trong giai đoạn này, mục tiêu là giảm liều hoặc cắt corticosteroid và sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch ít độc khi cần thiết.

Cần theo dõi các bệnh lý nhiễm khuẩn ở tất cả các bệnh nhân điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch. Cần tiến hành xét nghiệm viêm gan B và bệnh lao, những bệnh có thể bị kích hoạt trở lại bằng một số liệu pháp ức chế miễn dịch. Ở những bệnh nhân điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch mạnh hoặc kéo dài cần dự phòng nhiễm Pneumocystis jirovecii.

Trường hợp viêm mạch nặng, tiến triển nhanh và đe dọa tới tính mạng hoặc cơ quan (như gây xuất huyết phế nang, viêm cầu thận tiến triển nhanh, hoặc thiếu máu mạc treo tràng) là những trường hợp khẩn cấp cần phải được nhập viện và điều trị ngay lập tức. Thuốc dùng trong điều trị viêm mạch thường được sử dụng là:

  • Corticosteroid: Sử dụng corticosteroid liều cao thường là corticoid đường tĩnh mạch nếu điều trị tại bệnh viện. Ví dụ: Dùng methylprednisolon 16 mg/kg hoặc 1g truyền tĩnh mạch một lần/ngày trong 3 ngày, sau đó dùng prednisone 1 mg/kg hoặc methylprednisolone đường uống. Tùy từng bệnh nhân mà lựa chọn liều và thuốc điều trị phù hợp. Không được ngưng thuốc đột ngột mà phải giảm liều từ từ, tùy theo mức độ dung nạp, sau đó giảm dần cho đến khi ngừng thuốc. Cần phải thay đổi quá trình giảm liều có thể nếu bệnh nhân không cải thiện hoặc tái phát.
  • Cyclophosphamide: Khi điều trị viêm mạch bằng thuốc cyclophosphomide cần phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ số lượng bạch cầu và phải điều chỉnh liều để tránh giảm bạch cầu đặc biệt ở những bệnh nhân suy thận nặng. Số lượng bạch cầu phải được duy trì > 3500/microL [> 3,5 x 109/L]. Ngoài ra, có thể sử dụng phác đồ truyền tĩnh mạch cyclophosphamid 0,5 đến 1 g/m2 mỗi 2 tới 4 tuần. Bệnh nhân điều trị viêm mạch bằng corticosteroid liều cao kéo dài, đặc biệt là những bệnh nhân sử dụng cyclophosphamid, cũng nên được điều trị dự phòng nhiễm Pneumocystis jirovecii.
  • Mesna: 1mg Mesna được trộn với 1mg cyclophosphamide đường truyền tĩnh mạch để gắn với acrolein, một sản phẩm thoái giáng của cyclophosphamide gây độc cho biểu mô bàng quang và có thể dẫn đến viêm bàng quang chảy máu hay nghiêm trọng hơn là ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp của bàng quang. Do đó thường kết hợp Mesna và cyclophosphamide trong điều trị để tránh tác dụng không mong muốn này.
  • Rituximab: Rituximab, một kháng thể đơn dòng kháng CD20 ức chế tế bào B, đã được dùng trong điều trị viêm mạch nghiêm trọng liên quan đến ANCA. 

Điều trị duy trì

Giảm liều corticosteroid tới khi ngưng hẳn hoặc dùng liều thấp nhất có thể để duy trì lui bệnh. Để giảm tác dụng phụ của một số thuốc điều trị viêm mạch như cyclophosphamide, có thể thay thế bằng các thuốc trong quá trình điều trị duy trì như methotrexate hàng tuần (kết hợp với folate) hoặc azathioprine hàng ngày. Có thể được sử dụng rituximab truyền tĩnh mạch định kì để duy trì lui bệnh. Thời gian điều trị khác nhau đối với từng người bệnh, có thể từ một năm đến vài năm. Trường hợp bệnh nhân tái phát thường xuyên có thể cần sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.

Vì corticosteroid có nhiều tác dụng phụ do đó bệnh nhân sử dụng corticosteroid mỗi ngày với liều ≥ 7,5 mg prednisone hoặc liều corticosteroid tương đương kéo dài cần được bổ sung canxi và vitamin D và bisphosphonates để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tình trạng loãng xương; cần theo dõi mật độ xương.

Lưu ý: Các loại thuốc điều trị viêm mạch khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân không được tự ý sử dụng hay ngưng thuốc đột ngột.

Phẫu thuật

Viêm mạch tạo ra khối phình trong thành mạch máu như phình mạch não. Khối phồng này có thể cần phải phẫu thuật vì nếu vỡ sẽ gây xuất huyết khoang dưới nhện, tụ máu não, tổn thương não, liệt, hôn mê hay tử vong.

Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn cần điều trị viêm mạch máu nhằm ngăn ngừa viêm tái phát cũng như tiến triển nghiêm trọng của bệnh, cần thường xuyên thăm khám kiểm tra tình trạng mạch máu và kịp thời can thiệp khi bệnh tiến triển nặng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm mạch

Chế độ sinh hoạt

  • Điều trị viêm mạch bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị cần liên hệ ngay với bác sĩ.
  • Người bệnh cần thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp nếu bệnh chưa thuyên giảm.
  • Bệnh viêm mạch có thể phải điều trị trong thời gian dài, do đó bệnh nhân cần phải kiên nhẫn và không nên tự ý sử dụng thuốc hay ngưng thuốc trong thời gian điều trị.

Phương pháp phòng ngừa viêm mạch hiệu quả

Phần lớn bệnh viêm mạch là bệnh tự miễn (hệ miễn dịch của cơ thể tấn công vào các mạch máu) nên không có biện pháp phòng ngừa. Một số loại bệnh liên quan đến phản ứng dị ứng thì cần tránh các tác nhân gây dị ứng hoặc liên quan đến nhiễm trùng thì điều trị nhiễm trùng. Sự thành công trong điều trị viêm mạch của bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào chẩn đoán, đáp ứng với điều trị, tác dụng phụ của thuốc.

Để phòng ngừa bệnh viêm mạch hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh ở trong môi trường lạnh, ẩm trong thời gian dài.
  • Bỏ hút thuốc lào, thuốc lá.
  • Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị sớm các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp…
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý giàu rau xanh, trái cây.
  • Tập thể dục, đi bộ, chơi các môn thể thao vừa sức để tăng lưu thông máu.
Nguồn tham khảo

https://www.msdmanuals.com/tongquanveviemmach

Các bệnh liên quan

  1. Viêm cơ tim

  2. Huyết khối tĩnh mạch sâu

  3. Viêm động mạch thái dương

  4. Bệnh mạch vành

  5. Hở van hai lá

  6. huyết áp tâm trương cao

  7. Loạn sản sợi cơ

  8. Đột quỵ

  9. Viêm tắc tĩnh mạch

  10. Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên