Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chức năng của tạng thận là gì? Mối quan hệ giữa tạng thận với các tạng phủ khác

Ngày 30/06/2024
Kích thước chữ

Bất cứ tạng nào trong “ngũ tạng” của cơ thể đều vô cùng quan trọng. Mỗi tạng có một chức năng riêng nhưng đều liên quan mật thiết đến các tạng còn lại và các tổ chức khí quan khác bên trong cơ thể. Tạng thận cũng không phải ngoại lệ.

Trong Đông y, thận là một trong những bộ phận quan trọng hàng đầu của cơ thể. Tạng thận đảm nhận mọi chức năng liên quan đến nội tiết, tiết niệu, huyết dịch, xương cốt, thần kinh và sinh dục. Tạng này cũng có mối liên quan mật thiết với các tạng phủ khác trong cơ thể. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về tạng thận và các vấn đề liên quan để biết cách chăm sóc cơ quan nội tạng này tốt nhất.

Trong Đông y, tạng thận là gì?

Học thuyết Tạng phủ nghiên cứu về sinh lý và các biến đổi bệnh lý bên trong cơ thể có đưa ra khái niệm tạng. Trong đó, cơ thể con người có ngũ tạng gồm: Tạng tâm, tạng can, tạng tỳ, tạng phế và tạng thận. Tạng thận trong Đông y chính là thận trong y học hiện đại.

Y học cổ truyền cho rằng tạng thận là tạng của thủy hỏa vì thận thuộc hành thủy nhưng hỏa lại là yếu tố vô hình không ngừng nghỉ đi khắp các tạng phủ trong đó có tạng thận. Đường kinh mạch của tạng thận bắt đầu từ chân, lên đùi, rồi chạy suốt xương sống. Trong tạng thận có thủy - hỏa hỗ trợ nhau, âm - dương kết hợp với nhau.

Chức năng của tạng thận và mối quan hệ giữa tạng thận với các tạng phủ khác 1
Tạng thận là một trong “ngũ tạng” quan trọng của cơ thể

Chức năng của tạng thận trong Đông y

Những chức năng chính của tạng thận trong Đông y như:

  • Thận tàng tinh, chủ về sinh dục và phát dục: Trong tạng thận có thận tinh (hay thận thủy) và cũng có cả thận khí (hay thận hỏa). Thận tinh và thận khí quyết định sự phát dục và khả năng sinh dục của con người từ khi còn nhỏ đến khi dậy thì, sinh sản và già đi.
  • Thận khí hóa nước: Cùng với thận tỳ vận hóa thủy thấp, thận phế thông điều thủy đạo là thận khí hóa nước. Thận mang nước do con đường ăn uống đưa vào cung cấp cho các cơ quan sau đó bài tiết nước ra ngoài qua bàng quang.
  • Thận chủ nạp khí tức là tạng phế hút không khí vào cơ thể và khí được giữ lại thận.
  • Thận cũng được coi là hai đường đại tiểu tiện, có vai trò quan trọng trong việc bài tiết nước tiểu và bài tiết phân ra ngoài cơ thể.

Các vấn đề thường gặp với sức khỏe của tạng thận

Tạng thận là một tạng quan trọng nên thận suy yếu có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Thận khí thịnh cơ thể sẽ khỏe mạnh, thận khí yếu cơ thể dễ ốm đau, mắc bệnh, Trẻ con sau khi sinh thể chất yếu ớt có thể do thận hư. Nam hay nữ có các vấn đề về sức khỏe sinh dục như: Di tinh, tinh lạnh, liệt dương, rối loạn kinh nguyệt, khó có con, chậm phát triển về sinh dục… cũng có thể do bệnh từ thận mà ra.

Nếu thận hư không nạp được phế khí sẽ khiến phế khí nghịch lên và người bệnh sẽ mắc chứng khó thở, ho hen. Đây là lý do chứng hen suyễn ở người cao tuổi thường được điều trị bằng phương pháp bổ thận nạp khí.

Người bị thận hư cũng hay gặp chứng tiểu nhiều về ban đêm, nhất là ở người già, trẻ em thận hư hay đái dầm. Thanh thiếu niên thận hư có thể bị di tinh, mộng tinh, nữ giới ra nhiều khí hư. Có những người thận khí hư bị đại tiện lỏng hoặc táo.

Chức năng của tạng thận và mối quan hệ giữa tạng thận với các tạng phủ khác 2
Tạng thận hư gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau

Mối quan hệ giữa tạng thận và các tổ chức khí quan

Trong Đông y, tạng thận chủ về xương, có chức năng sinh tủy, làm đầy não, khai khiếu ở tai, giúp tóc xanh tốt. Eo lưng chính là phủ của thận. Mối quan hệ giữa tạng thận và các tổ chức khí quan trong cơ thể cụ thể như sau:

  • Thận tàng tinh, tinh sinh tủy, tủy trong xương giúp nuôi dưỡng xương nên Đông y gọi là thận chủ cốt sinh tủy. Nếu thận hư sẽ dẫn đến xương yếu, răng chậm mọc, trẻ con chậm biết đi. Thận bị bệnh cũng dẫn đến đau răng.
  • Tủy nằm ở cột sống, thông lên não. Thận lại sinh tủy nên thận thông với não và liên tục làm đầy não. Thận hư khiến não chậm phát triển trí tuệ, choáng váng, hay quên, thiếu tỉnh táo.
  • Thận tinh nuôi dưỡng tai, nếu thận hư, tai sẽ ù, điếc. Trường hợp này rất hay gặp ở người già.
  • Thận tàng tinh, tinh lại sinh huyết, huyết nuôi dưỡng tóc nên thận khỏe hay yếu cũng liên quan mật thiết đến mái tóc. Trẻ khi sinh ra thận khí kém thường có tóc thưa, người lớn thận khí suy, thận yếu làm tóc bạc sớm.
  • Thận âm hư gây đau mỏi eo lưng, thận dương hư gây đau và lạnh sống lưng.
Chức năng của tạng thận và mối quan hệ giữa tạng thận với các tạng phủ khác 3
Vì có liên hệ với nhiều tạng phủ và tổ chức khí quan nên thận cần được chăm sóc tốt

Mối quan hệ giữa tạng thận và các tạng phủ khác

Trong học thuyết Tạng phủ, sự liên kết giữa tạng thận và tạng thế giống như mối liên hệ giữa mẹ và con. Hai tạng này phụ thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau cả về sinh lý và bệnh lý. Tạng phế chủ hô hấp nhưng tạng thận cũng tham gia điều hòa hô hấp để khí được trao đổi hiệu quả. Tạng phế hít khí vào và khí được đưa xuống để tạng thận thu nạp. Thận khí suy yếu không nạp được khí khiến khí đi xuống nhưng không được thu nạp dẫn đến các vấn đề như thở ra dài và hít vào khó khăn.

Thận cũng ảnh hưởng đến tạng tỳ. Tạng tỳ là cơ quan chính đảm nhận chức năng tiêu hóa thức ăn, hấp thụ dinh dưỡng và vận chuyển chúng khắp cơ thể. Thận dương hư, tỳ không ôn ầm nên chức năng suy giảm gây tiêu chảy. Ngoài ra, tạng thận cũng ảnh hưởng đến tạng tâm và tạng can theo nhiều cách khác nhau. Không những vậy, tạng thận còn ảnh hưởng đến phủ, nhất là bàng quang. Khi thận khí đầy đủ sẽ đảm bảo chức năng của mình giúp bàng quang đóng mở nhịp nhàng, duy trì hoạt động bài tiết nước tiểu.

Triệu chứng phổ biến của bệnh liên quan đến tạng thận

Khi mắc các bệnh liên quan đến tạng thận, thận âm hư và thận dương hư, người bệnh có thể gặp các triệu chứng điển hình như:

  • Đau lưng, mỏi gối, ù tai, điếc tai, bạc tóc;
  • Di tinh, liệt dương;
  • Cương dương không mềm ra, người bồn chồn;
  • Tiểu ít, tiểu ra máu, táo bón, chảy máu chân răng;
  • Chân tay lạnh, tinh lạnh, sợ lạnh, nằm co.
Chức năng của tạng thận và mối quan hệ giữa tạng thận với các tạng phủ khác 4
Vấn đề xảy ra với thận đều cần thăm khám điều trị kịp thời

Tạng thận trong Đông y có thể được coi như gốc của các tạng, là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe tạng thận, phát hiện và điều trị các bệnh liên quan đến tạng thận kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tổng thể. 

Xem thêm: Tìm hiểu về tạng tâm và các biểu hiện bệnh lý thường gặp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin