Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về tạng tâm và các biểu hiện bệnh lý thường gặp

Ngày 30/06/2024
Kích thước chữ

Tạng tâm luôn đứng đầu trong danh sách “ngũ tạng” của cơ thể. Tạng tâm có mối quan hệ mật thiết với các tạng và tổ chức khí quan khác và có chức năng vô cùng quan trọng với sức khỏe. Việc tìm hiểu về cơ quan nội tạng này là vô cũng cần thiết.

Học thuyết Tạng phủ trong Y học cổ truyền có nhắc đến thuật ngữ lục phủ ngũ tạng, ý chỉ các cơ quan nội tạng của cơ thể. Trong đó, “ngũ tạng” bao gồm: Tạng tâm, tạng tỳ, tạng phế, tạng can, tạng thận. Mỗi tạng có một chức năng khác nhau nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tạng tâm, mối quan hệ của tạng tâm với các tổ chức khí quan và tạng phủ khác cũng như các vấn đề thường gặp với tạng tâm.

Trong Đông y, tạng tâm là gì?

Tạng tâm trong Đông y chính là tim trong y học hiện đại, là một trong những cơ quan nội tạng quan trọng hàng đầu của cơ thể nên luôn được xếp đứng đầu các tạng. Trong học thuyết ngũ hành của Đông y, tạng tâm thuộc hành hỏa, sinh tỳ thổ, khắc phế kim.

Tâm bào lạc là tổ chức bên ngoài có chức năng bảo vệ tạng tâm không bị ngoại tà xâm nhập. Tạng tâm phụ trách các hoạt động về thần chí, huyết mạch, khai khiếu ra lưỡi, biểu hiện ở mặt. Tạng tâm chủ huyết mạch, tâm khí thúc đẩy huyết dịch được vận hành bình thường trong lòng mạch và mang dưỡng chất, oxy đi nuôi dưỡng khắp cơ thể.

Tìm hiểu về tạng tâm và các biểu hiện bệnh lý thường gặp  1
Tạng tâm trong Đông y chính là tim trong Y học hiện đại

Tạng tâm có chức năng gì trong cơ thể?

Trong Đông y, tạng tâm đảm nhận những chức năng quan trọng như:

  • Tạng tâm được ví như “vị đại chủ” của lục phủ ngũ tạng, là chủ thể của mọi hoạt động liên quan đến sinh mệnh của con người. Trong Y học cổ truyền, tạng tâm chủ thần minh, tức là làm chủ mọi hoạt động liên quan đến tư duy, tinh thần, ý thức. Các triệu chứng lâm sàng như nói sảng, hoảng sợ, cười không nghỉ… hầu hết đều được quy vào bệnh liên quan đến tạng tâm.
  • Tạng tâm chủ về huyết mạch nên chủ về thần chí. Thần chí là hoạt động về tư duy, tinh thần và huyết. Tâm khí và tâm huyết đầy đủ giúp tinh thần sáng suốt, tỉnh táo. Tâm huyết hư gây đánh trống ngực, hay quên, hồi hộp, ngủ mê. Tâm huyết nhiệt gây mê sảng, hôn mê.
  • Huyết mạch và tạng tâm quan hệ mật thiết và phụ thuộc vào nhau chặt chẽ. Tạng tâm khỏe mạnh, huyết dịch thịnh, sắc mặt hồng hào, sáng láng. Nếu ngược lại, sắc mặt nhợt nhạt, thiếu sức sống. Huyết mạch ngưng trệ khiến sắc mặt đen tím. Tạng tâm khí hư, thần sắc kém, mặt u sầu buồn bã. Tâm khí tịnh, mặt rạng rỡ tươi cười.
  • Tạng tâm và lưỡi cũng có quan hệ mật thiết. Trong Đông y, tâm khai khiếu ra lưỡi, nhìn biểu hiện của lưỡi có thể phán đoán tình trạng của tâm. Tâm khí tốt, lưỡi linh hoạt, tâm bị bệnh, nói ngọng do lưỡi lệch vẹo. Tâm huyết nhiệt chót lưỡi màu đỏ, tâm huyết đủ, chót lưỡi màu hồng. Tâm huyết hư, chót lưỡi nhợt nhạt. Tâm huyết ứ chót lưỡi có màu tím.
Tìm hiểu về tạng tâm và các biểu hiện bệnh lý thường gặp  2
Sức khỏe tạng tâm luôn cần được chú trọng vì đây là tạng quan trọng hàng đầu

Triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh về tạng tâm

Khi mắc các bệnh liên quan đến tạng tâm, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:

  • Tâm hỏa thịnh có thể do thừa cân béo phì, ăn nhiều đồ cay nóng có thể dẫn đến triệu chứng khát nước, vật vã, ngủ ít, chảy máu cam, miệng lưỡi lở loét.
  • Tâm huyết ứ có thể do gặp lạnh, ngưng tụ đờm… có thể gây đau trước tim, đau lan sang cánh tay đến đầu ngón tay, trống ngực đập dồn dập. Nếu bị nặng, người bệnh còn bị lạnh tay chân, niêm mạc môi, móng tay, móng chân đều xanh tím, lưỡi đỏ và có điểm màu tím.
  • Đờm hỏa gây nhiễu tâm, tâm khiếu khiến tinh thần khác thường, tâm trí bất ổn, dễ hoảng sợ, vật vã, mất ngủ, nhiều rêu lưỡi, đắng miệng.
  • Người già hay người mắc thiểu năng mạch vành có thể bị ra nhiều mồ hôi, ảnh hưởng khí huyết khiến tâm dương hư. Khi đó, người bệnh gặp các triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực liên hồi, thở ngắn, da mặt xanh xao, ra mồ hôi nhiều, chân tay lạnh, lưỡi nhiều rêu trắng.
  • Người bị thiếu máu, rong huyết, mới chấn thương, phụ nữ sau sinh thường bị tâm huyết hư và tâm âm hư. Triệu chứng thường gặp là hay quên, mất ngủ, hoa mắt chóng mặt, môi nhợt nhạt, da xanh xao, đau đầu, mạch yếu…
Tìm hiểu về tạng tâm và các biểu hiện bệnh lý thường gặp  3
Các triệu chứng bệnh về tạng tâm cần được phát hiện và điều trị kịp thời

Các bài thuốc giúp tăng cường sức khỏe tạng tâm

Trong Đông y có nhiều bài thuốc có tác dụng tăng cường sức khỏe tạng tâm và khắc phục các tình trạng sức khỏe liên quan. Dưới đây là một số bài thuốc có tác dụng tăng cường sức khỏe tạng tâm bạn có thể tham khảo:

Bài thuốc bổ phế dưỡng tâm

Bài thuốc 1: Chuẩn bị các vị thuốc gồm nhân sâm, hoàng kỳ, tang bạch bì mỗi vị 12g, thục địa 16g, ngũ vị tử 4g, tử uyển 8g. Tất cả mang sắc uống 3 lần trong ngày, uống khi đói bụng và trước khi ăn.

Bài thuốc 2: Chuẩn bị các nguyên liệu gồm nhân sâm, hoàng kỳ mỗi vị 12g, nhục quế 6g, chích thảo 4g. Tất cả mang sắc thành thang thuốc, uống 3 lần/ngày, uống trước khi ăn và khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc 3: Chuẩn bị hoàng kỳ, bạch truật mỗi vị 12g, phòng phong, quế chi mỗi vị 8g, cam thảo 4g, tất cả mang sắc uống mỗi ngày 3 lần và uống sau khi ăn.

Bài thuốc chữa tâm can huyết hư

Bài thuốc 1: Chuẩn bị 20g táo nhân, phục linh, tri mẫu mỗi vị 12g, xuyên khung 8g, cam thảo 6g. Mỗi thang thuốc sắc uống 3 lần/ngày, uống lúc đói bụng hoặc trước khi ăn.

Bài thuốc 2: Chuẩn bị nhân sâm, bạch truật, long nhãn, hoàng kỳ, phục linh, đương quy mỗi vị 12g, viễn chí, cam thảo mỗi loại 6g, bạch thược, xuyên khung mỗi loại 8g, mộc hương 4g, sinh khương 3 lát, đại táo 3 quả. Tất cả mang sắc thuốc uống 3 lần trong ngày và uống sau khi ăn.

Tìm hiểu về tạng tâm và các biểu hiện bệnh lý thường gặp  4
Cần tham khảo thầy thuốc trước khi áp dụng bất cứ bài thuốc dưỡng tâm nào

Bài thuốc bổ tạng tâm trừ phiền, hỗ trợ ngủ ngon

Bài thuốc 1: Chuẩn bị bạch thược, đương quy, thục địa, huyền sâm mỗi loại 20g, xương bồ, sài hồ mỗi loại 2g. Tất cả mang sắc thành thuốc uống trong ngày.

Bài thuốc 2: Chuẩn bị 30g đảng sâm, bạch truật, thục địa mỗi loại 20g, sơn thù 6g, nhục quế 2g, hoàng liên 2g. Tất cả mang sắc thành thuốc uống trong ngày.

Bài thuốc 3: Chuẩn bị 32g táo nhân sao đen, 12g cam thảo, 24g tri mẫu rượu sao, 18g xuyên khung, 30g phục linh mang sắc thành thuốc uống.

Tóm lại, tạng tâm là tạng quan trọng hàng đầu trong ngũ tạng. Bất cứ ảnh hưởng gì đến tạng tâm đều có thể gây ảnh hưởng đến các tạng khác trong cơ thể. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe tạng tâm luôn cần được chú trọng. 

Xem thêm: Tạng can là gì? Các bệnh về tạng can thường gặp nhất

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin