Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chụp cắt lớp vi tính tưới máu não và một số thông tin hữu ích

Ngày 24/01/2024
Kích thước chữ

Chụp cắt lớp vi tính tưới máu não được chỉ định cho những trường hợp có nghi ngờ tổn thương não hoặc bất thường về hệ mạch máu nuôi dưỡng cơ quan này. Khi tiến hành, chuyên gia y tế sẽ kết hợp đồng thời việc dùng thuốc cản quang và phát tia X để ghi lại hình ảnh tại khu vực cần kiểm tra.

Chụp cắt lớp vi tính tưới máu não là một trong những kỹ thuật giúp khảo sát, đánh giá khả năng tưới máu của nhu mô não, từ đó xác định những bất thường ở khu vực trên (nếu có). Phương pháp này thân thiện trên nhiều cơ địa, quá trình thực hiện nhanh gọn và cho kết quả chính xác, có giá trị chẩn đoán cao. 

Tổng quan về chụp cắt lớp vi tính tưới máu não

Chụp cắt lớp vi tính tưới máu não (CT perfusion) là kỹ thuật sử dụng thuốc cản quang có thành phần chính là iod để tiêm vào mạch máu, sau đó chụp lại bằng máy chuyên dụng để khảo sát khả năng tưới máu của mô não. Khi thực hiện kỹ thuật này, các chuyên gia y tế có thể nhìn rõ đường đi của mạch máu, xác định chính xác lưu lượng mạch máu não và đưa ra những đánh giá ban đầu về tình trạng tổn thương nhu mô não ở người bệnh.

Chụp cắt lớp vi tính tưới máu não và một số thông tin hữu ích 1
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính tưới máu não

Khi quan sát kết quả chụp CT qua hình ảnh 2D hoặc 3D, bác sĩ có thể phân biệt rõ vị trí tổn thương và vùng mô não thiếu máu nhưng vẫn có thể phục hồi được, từ đó đưa ra liệu pháp can thiệp kịp thời. Ngoài ra, đây còn là xét nghiệm hình ảnh giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý liên quan đến mạch máu não và u não.

Lộ trình chụp cắt lớp vi tính tưới máu não

Để thực hiện kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính tưới máu não, các chuyên viên y tế sẽ tiến hành lần lượt theo các bước sau:

Chuẩn bị

Các bác sĩ can thiệp trực tiếp cần chuẩn bị đủ các máy móc, thiết bị và vật tư y tế dưới đây trước khi bắt đầu:

  • Máy chụp cắt lớp vi tính 512 lát đa dãy (chọn loại có từ 8 dãy trở lên);
  • Hai loại bơm tiêm: 20ml và 10ml;
  • Bơm tiêm dùng cho thiết bị bơm điện chuyên dụng;
  • Thuốc cản quang (loại có khả năng tan trong nước);
  • Nước sát khuẩn niêm mạc và da;
  • Nước cất hoặc nước muối sinh lý;
  • Mũi tiêm (chọn loại 18 - 20G);
  • Kẹp dùng trong phẫu thuật, khay quả đậu;
  • Khẩu trang, gạc và bông vô trùng, găng tay y tế;
  • Hộp cấp cứu phòng ngừa tai biến khi dùng thuốc cản quang.

Với bệnh nhân, bác sĩ cần giải thích qua về kỹ thuật can thiệp này để họ chuẩn bị sẵn tâm lý trước khi bắt đầu. Tất cả những đồ dùng và trang sức có bản chất kim loại đều phải tháo bỏ khỏi vùng đầu cổ để tránh gây nhiễu ảnh. Đặc biệt người bệnh cần nhịn ăn trong vòng 4 tiếng và dung nạp lượng nước không quá 50ml trước khi chụp chiếu. Trong trường hợp bệnh nhân không thể nằm yên thì chuyên gia y tế có thể sử dụng thuốc an thần để hỗ trợ.

Chụp cắt lớp

  • Bước 1: Tiến hành chụp định vị.
  • Bước 2: Đặt trường chụp sọ não theo một trình cho vùng thăm khám trên, đảm bảo độ dày của lớp cắt dưới lều nằm trong khoảng 2 - 3mm, độ dày trên lều khoảng 7 - 8mm.
  • Bước 3: Đánh giá sơ bộ về tổn thương vùng não và những lý do thiết yếu cần thực hiện kỹ thuật chụp tưới máu não.
  • Bước 4: Chọn kim tiêm loại 18G để đặt vào tĩnh mạch của bệnh nhân và nối thiết bị bơm tiêm điện 2 nòng (một nòng là nước muối sinh lý, một nòng là thuốc cản quang). Lượng thuốc cản quang sử dụng thường được dùng với tỉ lệ 1,5mg/1kg cân trọng.
  • Bước 5: Chụp không tiêm thuốc cản quang với mục đích xóa nền. Sau đó sử dụng kỹ thuật Test bolus động mạch cảnh chung sao cho ở ngang tầm với đốt sống cổ C4.
  • Bước 6: Bơm thuốc cản quang kết hợp phát tia X để chụp CT tưới máu não, chú ý đặt trường chụp nằm trong khoảng từ đốt sống cổ C4 đến vùng đỉnh sọ. Sau khi chụp, hình ảnh sẽ được dựng trên máy chuyên dụng đi kèm các thông số quan trọng như: Lưu lượng máu, cung lượng máu, thời gian đạt đỉnh, tốc độ vận chuyển máu ở vùng thăm khám.
  • Bước 7: Bác sĩ sẽ đọc qua mô tả được hiển thị trên hình ảnh thu được và in ra để trả kết quả cho bệnh nhân.
Chụp cắt lớp vi tính tưới máu não và một số thông tin hữu ích 3
Quy trình chụp CT perfusion trải qua 7 bước nhưng không tốn nhiều thời gian

Hoàn tất

Sau khi kết thúc công đoạn chụp CT tưới máu não, bệnh nhân được tháo gỡ ống thông tĩnh mạch. Sau đó, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về kết quả xét nghiệm hình ảnh và đưa ra giải pháp can thiệp tối ưu cho từng trường hợp.

Đối tượng chỉ định

Chụp CT tưới máu não được chỉ định cho những đối tượng dưới đây:

  • Người bị đột quỵ ở nhiều giai đoạn và mức độ khác nhau.
  • Người bị u não cần đánh giá qua về mức độ tăng sinh mạch máu.
  • Người bị hẹp mạch máu não và nghi ngờ ảnh hưởng đến khả năng cấp máu cho nhu mô não.
  • Người cần theo dõi sau khi lấy huyết khối động mạch hoặc vừa trải qua điều trị tiêu sợi huyết.
Chụp cắt lớp vi tính tưới máu não và một số thông tin hữu ích 2
Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp u não, đột quỵ, bất thường mạch máu não,...

Như đã nhắc qua ở trên, chụp CT tưới máu não là một phương pháp không tiềm ẩn nguy cơ, có thể áp dụng trên nhiều đối tượng. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp đặc biệt chống chỉ định sử dụng phương pháp này, đó là người dị ứng thuốc cản quang, phụ nữ mang thai và người có kim loại ở vùng sọ não.

Một số lưu ý sau khi sử dụng kỹ thuật chụp CT tưới máu não

Sau khi sử dụng kỹ thuật chụp CT tưới máu não, bệnh nhân cần được theo dõi trong 30 phút để phòng ngừa tai biến, sốc phản vệ có thể xảy ra. Chú ý sau khi tháo kim, hãy giữ chặt đầu ra của kim 5 - 7 phút để cầm máu và trong vòng 24 giờ sau đó tích cực uống nhiều nước để đào thải thuốc cản quang ra khỏi cơ thể.

Chụp cắt lớp vi tính tưới máu não và một số thông tin hữu ích 5
Người bệnh cần theo dõi sức khỏe trong vòng 30 phút sau chụp CT để phòng ngừa tai biến

Trong trường hợp bệnh nhân bị kích động, hoảng loạn thì tùy mức độ mà chuyên viên y tế có thể động viên, khích lệ tinh thần hoặc sử dụng thuốc an thần.

Bên cạnh đó, có thể xuất hiện một số tai biến liên quan đến thuốc cản quang như:

  • Sốc phản vệ: Thường xuất hiện trong vòng một giờ sau tiêm thuốc cản quang với các triệu chứng điển hình như: Phát ban kèm ngứa, nôn, phù mạch, khó thở, rút lõm lồng ngực, hạ huyết áp,... Khi đó, chuyên gia y tế cần xử trí chuẩn theo phác đồ chống sốc phản vệ được ban hành bởi Bộ Y tế.
  • Suy thận: Đây là trường hợp hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra, thường xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày sau tiêm thuốc cản quang.
  • Cơn bão giáp: Thường bắt gặp ở bệnh nhân cường giáp.
  • Ảnh hưởng đến thai nhi: Người can thiệp đang mang thai (đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu tiên).

Với trường hợp suy thận, xuất hiện cơn bão giáp hoặc những ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi do thuốc cản quang thì nên phòng ngừa thay vì đối phó. Cụ thể những người có chức năng thận kém, mắc bệnh thận, bị cường giáp hoặc đang mang thai thì cần cân nhắc thật kỹ, tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính tưới máu não.

Xem thêm: Chụp cắt lớp 256 dãy: Quy trình và ưu nhược điểm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin