Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chụp CT cắt lớp khi nào? Những rủi ro khi dùng thuốc cản quang

Ngày 04/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chụp CT cắt lớp chính là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp bác sĩ chẩn đoán và tiên lượng bệnh chính xác. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần lưu ý khi chụp sẽ có thể gặp một số rủi ro khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn đặc biệt là khi sử dụng thuốc cản quang.

Kỹ thuật chụp CT cắt lớp hay có nhiều cách gọi khác như chụp cắt lớp vi tính, CT scan hay CT, được thực hiện trong những trường hợp cấp cứu khẩn cấp, cần phân tích kỹ tình trạng bệnh lý. Nhờ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Ngày nay, kỹ thuật chụp CT cũng được áp dụng trong lĩnh vực tầm soát, giúp sàng lọc bệnh lý nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ứng dụng của chụp CT cắt lớp 

Chụp CT cắt lớp là gì?

Chụp CT cắt lớp khi nào? Những rủi ro khi dùng thuốc cản quang 1Chụp CT cắt lớp tạo ra hình ảnh các cơ quan, các mô, xương theo lát cắt ngang

Chụp CT cắt lớp là kỹ thuật kết hợp tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh các cơ quan, các mô của cơ thể, xương theo lát cắt ngang. Những hình ảnh chụp CT cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn so với hình ảnh từ phương pháp chụp X-quang thông thường. Chúng có thể hiển thị các mạch máu, mô mềm và xương ở các bộ phận khác nhau của cơ thể như đầu, vai, ngực, bụng, xương sống, tim, đầu gối…

Khi chụp CT, người bệnh nằm trên một chiếc máy, máy bắt đầu dò và ống tia X sẽ xoay xung quanh, mỗi vòng quay sẽ cho ra một hình ảnh lát mỏng của cơ thể và được gửi đến máy tính, kết hợp các hình ảnh đó lại tạo ra hình ảnh các lát cắt hoặc mặt cắt ngang của cơ thể. Quá trình này không gây đau đớn cho người bệnh và cũng không mất nhiều thời gian.

Chụp CT cắt lớp khi nào?

Hiện nay, chụp CT đang được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng nhằm các mục đích sau:

  • Phát hiện vấn đề bất thường trong chuyên khoa thần kinh sọ não như khối u, chảy máu, khối máu tụ dập não, phù não, thiếu máu...
  • Phát hiện khối u, ổ áp xe, dị dạng, các bệnh lý mạch máu, hình ảnh bệnh lý khác trong các khu vực đầu, mặt, cổ, ngực, tim, bụng, khung chậu, xương, mô mềm.
  • Dùng để hướng dẫn phẫu thuật và theo dõi sau phẫu thuật, xạ trị. Trong không gian 3 chiều, kỹ thuật CT cho phép đánh giá chính xác vị trí bị tổn thương để định hướng tốt cho việc phẫu thuật cũng như xạ trị.
  • Ứng dụng trong các bệnh lý bất thường bẩm sinh, giúp tái tạo hình ảnh 3D nhằm hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật tạo hình có thể điều trị tốt hơn các dị tật bẩm sinh.

Bác sĩ có thể chỉ định phối hợp sử dụng thuốc cản quang theo đường tiêu hóa, đường tĩnh mạch để làm rõ hình ảnh của một khối bất thường, từ đó chẩn đoán chính xác nhất.

Chống chỉ định chụp CT 

Không có chống chỉ định tuyệt đối trong việc chụp CT cắt lớp.

Các đối tượng sau chống chỉ định liên quan tới tiêm thuốc cản quang khi chụp gồm:

  • Bệnh nhân suy thận nặng, suy chức năng gan nặng, sốt cao mất nước nặng hay dị ứng thuốc cản quang.
  • Bệnh nhân đang có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Do các tế bào thai nhạy cảm với tia X, có thể gây dị tật thai nhi nếu tiếp xúc với tia X.

Ưu và nhược điểm của chụp CT cắt lớp

Chụp CT cắt lớp khi nào? Những rủi ro khi dùng thuốc cản quang 2 Chụp CT cắt lớp có ưu điểm là cho hình ảnh rõ nét, thời gian chụp nhanh

Ưu điểm

Vì không có tình trạng nhiều hình chồng lên nhau nên hình ảnh rõ nét.

So với chụp X-quang, khả năng phân giải hình ảnh mô mềm cao hơn.

Độ phân giải không gian đối với xương cao, thích hợp khảo sát các bệnh lý về xương.

Trong đánh giá các bệnh cấp cứu và khảo sát các bộ phận di động trong cơ thể như tim, gan, ruột, phổi... yêu cầu thời gian chụp phải nhanh. Phương pháp chụp CT có thể đáp ứng được điều này.

Do sử dụng tia X nên chụp CT cắt lớp có thể được dùng để chụp cho các bệnh nhân có chống chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) gồm người đang đặt máy tạo nhịp, van tim kim loại, máy trợ thính cố định hoặc có dị vật trong cơ thể.

Nhược điểm 

Chụp CT có một số hạn chế hơn phương pháp chụp MRI trong việc phát hiện các tổn thương phần mềm do khả năng đâm xuyên mạnh của tia X.

Chụp CT khó phát hiện các tổn thương có kích thước nhỏ do độ phân giải hình ảnh của chụp CT thấp hơn so với chụp MRI, nhất là với các cấu trúc mô mềm.

Chụp CT khó phát hiện được các tổn thương ở sụn khớp, tủy sống, dây chằng.

Khi thực hiện chụp CT, những cơ quan và tổn thương có cùng đậm độ sẽ khó phát hiện và khó phân biệt.

Kỹ thuật dùng tia X ở chụp CT gây nhiễm xạ. Tuy nhiên, bệnh nhân không cần quá lo lắng vì mức độ nhiễm xạ mỗi lần chụp đều trong giới hạn cho phép.

Quy trình thực hiện chụp cắt lớp

Quá trình chụp CT cắt lớp thường chỉ mất khoảng 30 phút và không gây đau. Quy trình chụp được thực hiện tại các bệnh viện như sau:

Bước 1: Thăm khám

Trước khi chụp, bác sĩ sẽ kiểm tra tiền sử của bệnh nhân, các biểu hiện lâm sàng và yêu cầu tiến hành một số xét nghiệm bắt buộc nếu cần thiết.

Bước 2: Chuẩn bị

Bác sĩ sẽ giải thích kỹ lưỡng cho bệnh nhân về quy trình chụp, hướng dẫn tư thế nằm chụp cũng như cách nín thở.

Bước 3: Thực hiện

Bệnh nhân nằm ổn định trên một chiếc bàn có thể di chuyển được. Chiếc bàn sẽ trượt vào trong chính giữa chiếc máy tính lớn có hình nửa vòng tròn và lấy hình ảnh X – quang khắp cơ thể.

Khi bệnh nhân nằm lọt trong lòng của máy CT scanner, máy sẽ tạo ra tia X và chiếu lên vùng cơ thể cần chụp. Các đầu dò kích thước nhỏ bên trong dùng để đo đạc số lượng tia X xuyên qua bộ phần kiểm tra.

Trong suốt quá trình chụp cắt lớp, bệnh nhân lưu ý hạn chế tối đa bất kỳ sự dịch chuyển nào của cơ thể, càng nằm yên càng tốt, điều này làm các hình ảnh rõ nét hơn.

Bước 4: Trả và giải thích phim chụp

Sau khi chụp CT, trong vòng 30 - 60 phút, bệnh nhân sẽ nhận kết quả.

Một số trường hợp cần hội chẩn, kết quả sẽ được trả lâu hơn.

Bệnh nhân có câu hỏi cần giải đáp, có thể gặp bác sĩ đọc kết quả để được giải thích rõ hơn.

Chụp CT cắt lớp khi nào? Những rủi ro khi dùng thuốc cản quang 3 Trong quá trình chụp, bệnh nhân hạn chế tối đa bất kỳ sự dịch chuyển nào

Tiêm thuốc cản quang khi nào?

Khi chụp, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc cản quang để thấy rõ hơn một mô hoặc tổn thương. Thuốc cản quang có chứa i ốt, khiến những cấu trúc hoặc tổn thương gặp thuốc sẽ hiện màu trắng sáng trên hình chụp CT cắt lớp, giúp phân biệt các vùng này với các cấu trúc khác xung quanh.

Các thuốc cản quang mới thường có độ dung nạp tốt nhưng vẫn có một số tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm như buồn nôn và nôn, ngứa, nổi mề đay, đỏ phừng mặt, lạnh run hoặc sốt... Phản ứng khi tiêm có thể xảy ra đối với bệnh nhân dị ứng thực sự với một loại thuốc cản quang chứa I-ốt.

Nhìn chung, phương pháp chụp CT rất hữu ích trong các trường hợp cần chẩn đoán bệnh chính xác, nhất là trong cấp cứu và an toàn với bệnh nhân. Tuy nhiên, người bệnh cần nhận biết các triệu chứng dị ứng do thuốc cản quang để tránh không dùng thuốc này vào lần chụp CT sau.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm