Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chụp CT ngực là gì? Các trường hợp cần chụp CT ngực

Ngày 12/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chụp CT ngực được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác chẩn đoán, xác định tình trạng bệnh lý của xương sườn, màng phổi, nhu mô phổi, phế quản, mạch máu, tim, trung thất…

Chụp CT ngực là phương pháp chụp nhanh, chính xác và chi tiết nhất, giúp chẩn đoán những tổn thương tại lồng ngực mà những cách chụp khác khó có thể chẩn đoán chính xác được. Vậy khi nào bác sĩ chỉ định chụp CT ngực, quy trình chụp ra sao và chi phí bao nhiêu? Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu về phương pháp chụp này nhé.

Thông tin tổng quát về chụp CT ngực

Chụp CT ngực là gì?

Chụp CT ngực là gì? Các trường hợp cần chụp CT ngực 1 Chụp CT ngực có thể phát hiện các khối u, dị dạng, lóc động mạch trong lồng ngực

Chụp CT ở lồng ngực hay còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính, là kỹ thuật sử dụng nhiều tia X-quang chiếu lên lồng ngực của cơ thể theo lát cắt ngang và được xử lý trực tiếp bằng máy vi tính để thu được hình ảnh 2D hoặc 3D của lồng ngực.

Căn cứ vào hình ảnh chụp CT ngực, bác sĩ có thể phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, khó phát hiện được khi chụp trên phim X-quang tiêu chuẩn thẳng hoặc nghiêng do các tạng khác che khuất, chồng lên nhau. Ngoài ra chụp CT ngực còn có thể phát hiện dị dạng, các khối u, lóc tách động mạch chủ trong lồng ngực.

Chi phí chụp CT lồng ngực còn tùy thuộc vào cơ sở y tế, chỉ định của bác sĩ, thiết bị chụp… Thông thường, nếu chụp CT ngực không có thuốc cản quang thì chi phí khoảng 900.000 đồng, chụp CT ngực có thuốc cản quang khoảng 1,5 triệu đồng.

Ưu điểm của kỹ thuật chụp CT ngực

So với nhiều kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, phương pháp chụp CT lồng ngực đã khẳng định được những ưu thế nổi trội:

  • Cho phép tạo ảnh có độ phân giải cao hơn nhiều so với phim X-quang.
  • Cho hình ảnh về những lớp cắt ngang đạt độ mỏng cần thiết để chẩn đoán.
  • Có khả năng tái tạo ảnh 3D toàn bộ lồng ngực, việc này có ý nghĩa quan trọng đối với chẩn đoán bệnh lý mạch máu ở trung thất. 

Khi nào cần chụp CT lồng ngực

Chụp CT ngực được dùng trong các trường hợp sau:

  • Khi bạn thấy có triệu chứng đau nhức ở vùng ngực hay toàn bộ khung xương ở ngực.
  • Khi được chẩn đoán ung thư gan, ung thư phổi hoặc ung thư đường tiêu hóa..., bạn nên kiểm tra và thực hiện chụp CT phần lồng ngực để đánh giá tình trạng u và di căn.
  • Khi có dấu hiệu cho thấy các cơ quan trong lồng ngực bị tổn thương.

Đối tượng nào nên và không nên chụp CT ngực?

Chỉ định chụp CT lồng ngực

Phương pháp chụp CT lồng ngực được chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Bệnh khối u phổi: Chụp CT giúp xác định số lượng và kích thước u, có múi hay không đều, bờ khối u có tua. Qua hình ảnh chụp, bác sĩ có thể thấy được khối u có di căn vào hạch rốn phổi, trung thất hay không; có xảy ra tình trạng tràn dịch khoang màng phổi không; khối u có làm tiêu xương sườn, xương sống không, khối u có dính vào các động mạch lớn hay các bộ phận khác không...
  • Bệnh giãn phế quản: Phim chụp CT cho thấy thành phế quản dày, đường kính trong của phế quản lớn hơn so với đường kính động mạch phổi kế cận, điều này khẳng định chắc chắn có giãn phế quản.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh lý phế nang.
  • Nhiễm trùng phổi: Viêm phổi, lao phổi, áp-xe phổi...
  • Các bệnh lý khác ở phổi: Bất thường bẩm sinh, ho ra máu kéo dài, bụi phổi, phổi biệt lập...
Chụp CT ngực là gì? Các trường hợp cần chụp CT ngực 2 Bệnh nhân ho ra máu kéo dài cần chụp CT ngực để tìm ra nguyên nhân
  • Bệnh lý màng phổi: Ổ cặn màng phổi, tràn khí khoang màng phổi, khối u màng phổi...
  • Bệnh lý tim và mạch máu lớn ở trung thất: Phình tách động mạch chủ và vôi hóa của động mạch vành tim, bất thường bẩm sinh.
  • Bệnh lý trung thất: U tuyến giáp phát triển trong lồng ngực, u vùng trung thất, u mạch, kén phế quản, kén màng ngoài tim, phình động mạch...
  • Bệnh lý xương thành ngực.
  • Nghi ngờ có chấn thương ngực kín hoặc có vết thương ở ngực.

Chống chỉ định

Kỹ thuật chụp CT ngực được khuyến cáo không nên được chỉ định ở một số các đối tượng như:

  • Người có tiền sử dị ứng thuốc cản quang không được dùng thuốc cản quang khi chụp CT lồng ngực. 
  • Phụ nữ nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai trong ba tháng đầu không nên chụp CT vì tia X có nguy cơ gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
  • Người mắc bệnh suy thận, bệnh thận mãn tính không được sử dụng thuốc cản quang khi chụp CT lồng ngực.

Các bước chuẩn bị khi chụp CT ngực

Để việc chụp CT đạt được hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân cần lưu ý một số điều cũng như quy trình sau:

  • Trước khi chụp CT có tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân phải nhịn ăn từ 4 đến 6 tiếng.
  • Nếu bạn đang mang thai hay nghi ngờ đang mang thai, cần thông báo ngay cho bác sĩ để thay thế bằng kỹ thuật khác.
  • Thông báo đến bác sĩ nếu bạn có tiền sử bệnh lý về hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, thận, dị ứng thuốc…
  • Tháo hết tất cả các dị vật bằng kim loại như thắt lưng, kính mắt, đồ trang sức vì có thể gây trở ngại cho quá trình chụp CT ngực.
  • Trước khi tiến hành chụp cần mặc áo do bệnh viện cung cấp.
Chụp CT ngực là gì? Các trường hợp cần chụp CT ngực 3 Phụ nữ mang thai cần thông báo với bác sĩ để thay bằng phương pháp khác

Cũng như kỹ thuật chụp CT ở các bộ phận khác, chụp CT ngực có thể gây một số nguy hại cho cơ thể như: Dị ứng thuốc cản quang, ảnh hưởng đến trẻ em hoặc thai nhi, suy thận cấp, gây tăng nguy cơ tiềm ẩn ung thư sau này. Do đó, người bệnh cần tuân thủ các điều trên thì sẽ không phải lo lắng những vấn đề này.

Ngày nay, chụp CT ngực là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại được đánh giá cao khi cho phép các bác sĩ quan sát các cấu trúc bên trong lồng ngực hỗ trợ trong việc phát hiện, chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý tại lồng ngực và cả tim, phổi và trung thất.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm