Có nên ninh xương cho trẻ ăn dặm thường xuyên hay không?
Ngày 30/03/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Có nên ninh xương cho trẻ ăn dặm thường xuyên hay không? Nước hầm xương có tốt cho trẻ không? Đây đều là những thắc mắc chung của nhiều người mẹ trong bước đầu chăm con và tập ăn dặm. Bài viết sau sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên đồng thời giới thiệu phương pháp ăn dặm khoa học cho trẻ.
Nước hầm xương chứa nhiều dưỡng chất và tốt cho sức khỏe, tuy nhiên ăn lượng bao nhiêu và ăn như thế nào để đảm đủ chất, tránh ăn dư thừa là điều đáng được quan tâm. Đặc biệt là với trẻ em trong thời điểm ăn dặm, không phải kì thực phẩm nào cũng có thể sử dụng liên tục trong nhiều ngày cho trẻ vì hệ tiêu hóa của con còn chưa được hoàn thiện. Vậy có nên ninh xương cho trẻ ăn dặm hay không và làm sao để cho con ăn dặm khoa học?
Thành phần dinh dưỡng có trong nước ninh xương
Nước hầm xương là một chất lỏng thường được các mẹ sử dụng cho trẻ ăn dặm, được làm bằng cách ninh xương, thường là từ thịt bò, thịt gà hoặc cá, trong nước trong thời gian dài. Trong nước ninh xương có chứa canxi và đạm nhưng với lượng rất ít vì những chất này khó tan trong nước. Trong 100 mg xương hầm chỉ cung cấp 0,6 g đạm, bằng 1/30 nhu cầu đạm hàng ngày của trẻ. Trong 100 ml nước ninh xương chỉ có khoảng 33,5 milligram canxi, đáp ứng chưa đến 1/100 nhu cầu canxi trẻ cần mỗi ngày.
Nước xương hầm chủ yếu chứa nhiều các acid amin và chất béo. Tuy nhiên, chất béo tiết ra từ tủy của xương ống là chất béo no khiến cho trẻ khó tiêu. Do đó, cần đảm bảo khẩu phần ăn của trẻ được cung cấp đủ chất béo tốt cho sức khỏe bằng cách bổ sung thêm các chất béo khác có nguồn gốc từ dầu thực vật và mỡ. Cần đa dạng hóa việc sử dụng các loại chất béo cho trẻ, lượng từ 5 ml dầu hoặc mỡ trong mỗi bữa.
Có nên ninh xương cho trẻ ăn dặm hay không?
Mặc dù nước hầm xương cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nhưng việc lạm dụng có thể gây nên nhiều vấn đề, nhất là với trẻ nhỏ.
Tác hại của việc thường xuyên cho trẻ dùng nước ninh xương
Nếu thường xuyên cho trẻ dùng nước ninh xương mà không bổ sung các chất dinh dưỡng khác, trẻ có thể gặp các vấn đề sau:
Bị khó tiêu hoặc tiêu chảy: Chất béo động vật có nhiều trong tủy xương nên nước ninh xương có thể khiến trẻ rất khó tiêu hóa và gây cảm giác khó chịu. Nếu như trẻ ăn quá nhiều, quá thường xuyên thì nguy cơ bị tiêu chảy rất cao.
Còi xương và chậm mọc răng: Lượng canxi trong nước xương hầm rất ít và không đủ đáp ứng cho nhu cầu của trẻ nhưng lại dễ khiến các mẹ bị lầm tưởng là đã giúp bổ sung đủ canxi trẻ cần. Trong khi đối với trẻ nhỏ, canxi là khoáng chất vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phát triển của răng, xương và tăng trưởng chiều cao.
Thiếu chất dinh dưỡng: Trong nước ninh xương chứa nhiều nitơ, tạo cảm giác ngọt, mùi thơm, dễ ăn, ngon miệng nhưng lại ít đạm, canxi và cản trở việc hấp thụ các chất dinh dưỡng khác. Vì thế nếu mỗi bữa chỉ dùng nước ninh xương để nấu cháo cho trẻ, trẻ sẽ có nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng nghiêm trọng.
Khiến trẻ lười nhai và chán ăn: Ở giai đoạn ăn dặm và bước đầu tiếp xúc với đồ ăn rắn, nếu như trẻ thường xuyên ăn cháo nhuyễn với nước ninh xương mà không có thêm các thành phần khác như thịt, cá, rau xanh,... sau một thời gian trẻ sẽ hình thành thói quen lười nhai và kén ăn các loại thực phẩm khác. Về lâu dài, điều này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng ăn thô ở giai đoạn sau cũng như sự phát triển răng miệng của trẻ.
Dùng nước ninh xương cho trẻ đúng cách
Vậy có nên ninh xương cho trẻ ăn dặm hay không? Câu trả lời là có, tuy nhiên để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, mẹ nên:
Nên sử dụng nước hầm xương để nấu đồ ăn dặm cho bé 1-2 lần/tuần, tránh lạm dụng để trẻ không gặp các vấn đề như trên. Đặc biệt, khi sử dụng nước ninh xương mẹ nên loại bỏ lớp mỡ bên trên.
Không sử dụng duy nhất nước hầm xương để khuấy bột hoặc nấu cháo hàng ngày. Thay vào đó, hãy kết hợp nước hầm xương với các thành phần khác như thịt, cá, rau củ,… Làm cho món ăn trở nên đa dạng và nhiều màu sắc hơn để kích thích trẻ.
Tùy vào độ tuổi và khẩu vị của trẻ, cần đảm bảo rằng khẩu phần ăn của trẻ bao gồm 4 nhóm thực phẩm cần thiết trong mỗi bữa ăn (đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất). Điều này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và đạt được cân nặng khuyến nghị theo tuổi.
Cách cho trẻ ăn dặm khoa học
Trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng ở thời kỳ chuyển tiếp từ bú mẹ sang giai đoạn ăn dặm. Do vậy, nhằm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ, mẹ cần phải cho trẻ ăn dặm khoa học bằng cách đảm bảo các nguyên tắc sau:
Kịp thời
Trẻ nên bắt đầu ăn dặm khi nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng vượt quá nguồn cung cấp thông qua bú mẹ hoàn toàn. Tập ăn khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, lúc này trẻ dễ tiếp thu và chưa có ý thức kén chọn, đồng thời hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển ở mức khá hoàn chỉnh nên có khả năng hấp thu được các loại thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ. Đáng tiếc vì không biết điều này nên một số bà mẹ tập cho trẻ ăn quá muộn, nên trẻ 2-3 tuổi thậm chí vẫn không biết ăn bột, ăn cháo nhuyễn hoặc cơm, chỉ thích uống sữa, hay không biết ăn rau, thịt, cá.
Đầy đủ cả về số lượng và chất lượng
Đảm bảo có đủ bốn nhóm thức ăn bao gồm đạm, dầu hoặc mỡ, bột, rau, trái cây, trong bữa ăn để bổ sung đầy đủ năng lượng, protein và vi chất dinh dưỡng cần thiết, đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ ngày càng tăng. Thức ăn cũng phải chứa đủ sắt, kẽm và hạn chế lượng phytate để tăng cường hấp thu khoáng chất. Ngày nào cũng phải cho trẻ ăn đầy đủ các loại, tránh trường hợp 2-3 ngày không cho ăn dặm sau đó cho ăn bù với khối lượng gấp 2-3 lần.
Cho ăn đúng cách
Thức ăn gì cũng vậy, khi tập ăn dặm, hãy bắt đầu từ ít đến nhiều, loãng đến đặc dần, mỗi lần giới thiệu một loại mới cho trẻ. Khi trẻ đã mọc răng nhai, nên chuyển dần sang thức ăn cứng. Khi chuẩn bị đồ ăn cần chú ý thay đổi món ăn và chế biến thích với khẩu vị để trẻ không chán. Một bữa ăn phù hợp sẽ có các tín hiệu rằng trẻ cảm giác ngon miệng và no, tần số bữa ăn hay cách cho ăn cũng phải thay đổi phù hợp theo lứa tuổi.
Bên cạnh đó, mẹ nên tích cực khuyến khích trẻ tiêu thụ thức ăn bằng cách sử dụng tay để tăng cảm nhận, thìa hoặc tự ăn theo từng lứa tuổi. Nên tập cho trẻ ăn được tất cả mọi loại thức ăn của người lớn. Không nên quá kén chọn khiến trẻ rất khó hòa nhập khi lớn lên.
An toàn
Thực phẩm dành cho trẻ ăn dặm cần lưu trữ và vệ sinh sạch sẽ. Việc chuẩn bị, chế biến và cho trẻ ăn cần được thực hiện với bàn tay sạch và đồ dùng đảm bảo. Cùng ăn dặm, mẹ nên giảm dần số lần bú trong ngày cho đến lúc dứt sữa hẳn khoảng 18-24 tháng tuổi, linh động tùy theo khả năng tiết sữa của mẹ.
Bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn các thành phần dinh dưỡng có trong nước hầm xương và có nên ninh xương cho trẻ ăn dặm hay không? Với đặc thù hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh như người lớn, một số chất trong nước hầm xương nếu sử dụng liên tục và lâu dài sẽ gây hại cho trẻ. Vì vậy việc sử dụng với lượng thích hợp và phối hợp thêm các nhóm thức ăn khác là điều cần thiết, đảm bảo sự cho trẻ tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.