Trẻ mấy tháng ăn bột mặn? Nên cho trẻ ăn dặm như thế nào?
Ngày 29/03/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Đối với những người lần đầu tiên làm mẹ, chắc hẳn rất hoang mang và thắc mắc rằng sau quá trình bú sữa mẹ hoàn toàn thì trẻ mấy tháng ăn bột mặn? Bài viết sau sẽ giúp bạn trả lời cho câu hỏi trên và chia sẻ thêm nhiều thông tin hữu ích khác.
Thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung hay chất lượng thức ăn đều ảnh hưởng đến sức khỏe và thể lực của trẻ. Ăn bột quá sớm sẽ khiến trẻ không hấp thu được và dễ bị rối loạn tiêu hóa, đồng thời không tận dụng tốt nguồn sữa mẹ. Ngược lại, nếu bổ sung thức ăn cho trẻ quá muộn, trẻ sẽ hay bị xanh xao, thiếu máu. Vậy trẻ mấy tháng ăn bột mặn và nên cho trẻ ăn dặm như thế nào?
Nhận biết trẻ sẵn sàng ăn dặm
Làm thế nào để bạn biết liệu con bạn đã sẵn sàng ăn các thức ăn khác ngoài sữa mẹ hay sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh? Bạn có thể quan sát và tìm những dấu hiệu sau:
Ngồi dậy một mình hoặc với sự hỗ trợ.
Tự kiểm soát được đầu và cổ (xoay đầu, ngóc đầu).
Mở miệng khi thức ăn được đưa vào.
Nuốt thức ăn thay vì nhè thức ăn ra.
Đưa đồ vật vào miệng.
Cố gắng nắm bắt những đồ vật nhỏ, chẳng hạn như đồ chơi hoặc thức ăn.
Dùng lưỡi đưa thức ăn từ trước ra sau lưỡi để nuốt.
Hiện nay, Tổ chức Quốc tế nghiên cứu dinh dưỡng đã thống nhất về các loại thức ăn bổ sung cho trẻ bao gồm 4 nhóm bên cạnh sữa mẹ. Thức ăn cơ bản là ngũ cốc và khoai củ, thức ăn này cung cấp cho trẻ nhiệt lượng chính trong khẩu phần ăn cũng như chất đường từ tinh bột. Ở nước ta thường dùng gạo, mì, ngô, khoai sắn chế biến dưới dạng bột sử dụng cho trẻ em. Thức ăn cung cấp chất đạm bao gồm đạm động vật (trứng, sữa, thịt, cá) có giá trị dinh dưỡng cao, giúp trẻ hấp thu tốt và đạm thực vật trong các loại đậu đỗ. Các loại dầu mỡ, bơ cung cấp nguồn năng lượng chủ yếu cho cơ thể trẻ. Rau và trái cây là nguồn vitamin, muối khoáng và chất xơ vô cùng phong phú.
Trẻ mấy tháng ăn bột mặn?
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ em dưới 1 tuổi nhưng không thể nuôi con bằng sữa mẹ đơn thuần từ lúc sinh ra đến khi cai sữa. Do đó, trẻ cần được ăn dặm để bổ sung thêm dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm khác.
Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm
Cha mẹ cần nắm các nguyên tắc sau để cho trẻ ăn dặm đúng cách:
Tập ăn từ 4-6 tháng tuổi để trẻ làm quen và không ý thức kén chọn, chỉ cho trẻ ăn thêm khi trẻ vẫn còn đói sau mỗi cữ bú mẹ hay không tăng cân bình thường theo mức cân nặng khuyến nghị theo tuổi.
Đầu tiên, cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, từ mềm đến cứng, từ loãng đến đặc dần. Khi trẻ có đủ răng thì chuyển sang thức ăn cứng cho trẻ tập nhai.
Kiên trì tập cho trẻ ăn và dần dần làm quen với mọi thức ăn. Không nên bắt trẻ ăn đầy đủ số lượng ngay từ ban đầu cũng như không nên quá lo lắng khi trẻ chưa chịu ăn.
Ăn đúng và đủ theo lứa tuổi. Hãy thường xuyên thay đổi món ăn, chế biến hợp khẩu vị, nhiều màu sắc, đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn.
Giảm từ từ số lần bú của trẻ trong ngày cho đến khi dứt sữa hẳn lúc 18 đến 24 tháng.
Cách cho trẻ ăn bột mặn
Chỉ nên cho trẻ ăn bột mặn từ tháng thứ 6, khi này trẻ có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột. Nếu cho ăn sớm các loại như nước cháo đặc, nước bột khuấy dễ làm cho trẻ bị đầy hơi, bụng chướng vì ăn không tiêu, phân thường nhiều hạt, mùi chua, gây hăm đỏ hậu môn và tiêu chảy. Có thể sử dụng bột ăn dặm bằng bột gạo hoặc bột dinh dưỡng ngũ cốc:
Tháng thức 6: Chén bột đầu tiên pha loãng 5%, 2 muỗng cà phê bột trong 200ml nước, ăn 1 lần trong ngày, có thể pha bột với nước rau, nước thịt, sữa bò hoặc sữa đậu nành tùy khả năng của gia đình.
Từ 7-8 tháng: Lượng 2 chén bột/ngày, bột đặc 10% pha bằng 4 muỗng cà phê bột trong 200ml nước (trong mỗi chén cần có đủ 4 nhóm thức ăn gồm bột, đạm, rau, dầu hoặc mỡ).
Từ 9-12 tháng: 3 chén bột đặc như trên trong mỗi ngày.
Từ 1-2 tuổi: Nên thay thế bột bằng cháo đặc 4 chén/ngày.
Trên 2 tuổi nên thay thế cháo bằng cơm, ngày 4 chén chia thành 4 cử.
Lúc đầu hãy cho con bạn thử một loại thức ăn có một thành phần duy nhất và đổi sau 3 đến 5 ngày mỗi thức ăn mới. Điều này giúp bạn biết liệu con bạn có vấn đề gì với thực phẩm đó hay không, chẳng hạn như dị ứng thực phẩm.
Thực phẩm có khả năng gây dị ứng bao gồm các sản phẩm sữa bò, trứng, cá, động vật có vỏ, các loại hạt, đậu phộng, lúa mì, đậu nành và vừng. Nếu con bạn bị bệnh chàm nặng và/hoặc dị ứng trứng, hãy nói chuyện với bác sĩ của con bạn về thời điểm và cách thức cho trẻ ăn thực phẩm có đậu phộng hay các thức ăn có nguy cơ dị ứng.
Nên chuẩn bị thức ăn cho con như thế nào?
Sau khi biết được trẻ mấy tháng ăn bột mặn, việc bắt tay vào chuẩn bị thức ăn cũng cần có phương pháp. Lúc đầu, con bạn sẽ dễ dàng ăn những thức ăn được nghiền, xay nhuyễn và có kết cấu rất mịn. Có thể mất thời gian để con bạn làm quen với kết cấu thức ăn mới thay vì sữa. Trẻ có thể có các phản ứng như bạn ho, bịt miệng hoặc khạc nhổ. Dần dần khi răng miệng của bé phát triển, bạn có thể cho bé ăn thức ăn đặc hơn và dạng rắn hơn.
Dưới đây là một số lời khuyên khi chế biến đồ ăn cho trẻ:
Trộn bột ăn dặm với sữa mẹ, sữa công thức hoặc nước để tạo thành hỗn hợp mịn và dễ nuốt cho bé.
Nghiền hoặc xay nhuyễn rau, trái cây và các thực phẩm khác cho đến khi mịn. Các loại trái cây và rau quả cứng, như táo và cà rốt, thường cần phải chế biến trước để có thể dễ dàng nghiền hoặc xay nhuyễn.
Loại bỏ tất cả mỡ, da và xương khỏi thịt gà, thịt và cá trước khi nấu. Loại bỏ hạt và hột cứng trên quả, sau đó cắt quả thành từng miếng nhỏ.
Cắt thức ăn mềm thành lát mỏng hoặc miếng nhỏ. Cắt những thực phẩm hình trụ như xúc xích thành những dải ngắn mỏng thay vì những miếng tròn vì có thể gây mắc kẹt trong đường thở. Cắt các loại thực phẩm hình cầu nhỏ như nho, các loại quả mọng và trái cây khác thành từng miếng nhỏ.
Hy vọng bài viết trên đã giúp các mẹ giải đáp được thắc mắc trẻ mấy tháng ăn bột mặn và cách cho trẻ ăn dặm khoa học. Một số loại thực phẩm có thể tiềm ẩn nguy cơ gây nghẹn, vì vậy bạn cần cho trẻ ăn những thực phẩm có kết cấu phù hợp cho sự phát triển của trẻ. Để giúp ngăn ngừa nghẹt thở, hãy chuẩn bị cho trẻ những thực phẩm có thể dễ dàng tiêu hóa bằng nước bọt và không cần phải nhai. Cho ăn từng phần nhỏ và khuyến khích bé ăn chậm, đồng thời luôn quan sát con bạn trong khi bé đang ăn.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.