Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tìm hiểu chung về corticoid và cách giảm liều corticoid

Ngày 31/07/2024
Kích thước chữ

Corticoid là loại thuốc mang lại hiệu quả điều trị rõ rệt trong nhiều bệnh lý như hen suyễn, nổi mề đay. Tuy nhiên, nếu tự ý dùng thuốc corticoid hoặc giảm liều mà không có chỉ định của bác sĩ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Hiểu được điều đó, Nhà thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn cách giảm liều corticoid và một số vấn đề khác có liên quan trong bài viết dưới đây.

Corticoid là loại thuốc có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, giảm phù và ức chế hệ miễn dịch nên thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý như nổi mề đay, hen suyễn hoặc lupus ban đỏ… Tuy nhiên, nếu sử dụng lâu dài hoặc không đúng cách thuốc corticoid thì có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Vậy khi nào cần giảm liều corticoid? Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc cách giảm liều corticoid an toàn.

Tìm hiểu chung về corticoid

Trước khi chia sẻ về cách giảm liều corticoid cũng như những vấn đề có liên quan, bạn đọc cần nắm được “corticoid là gì?”.

Theo đó, corticoid hay còn được gọi là corticosteroid, steroid và glucocorticoid. Đây là loại thuốc có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng, giảm phù nề và ức chế hệ miễn dịch. Corticoid là loại thuốc phải được bác sĩ kê đơn và được sử dụng trong điều trị các bệnh lý như dị ứng, phát ban, hen suyễn, bệnh tự miễn…

Corticoid có nhiều dạng bào chế khác nhau như:

  • Dạng viên nén;
  • Dạng tiêm;
  • Dạng hít;
  • Dạng tiêm truyền tĩnh mạch;
  • Dạng kem bôi ngoài da…

Thuốc corticoid có tác dụng chống viêm tương đối nhanh và cho hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên, loại thuốc này cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ khác nhau. Tác dụng phụ của corticoid có nguy cơ tăng cao nếu sử dụng ở liều cao hoặc kéo dài thời gian sử dụng. Chính vì thế, người bệnh cần dùng corticoid theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng cũng như thời gian sử dụng của từng bệnh lý.

Mặt khác, việc tự ý ngưng dùng corticoid đột ngột cũng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Bởi liều lượng corticoid nạp vào cơ thể cần được giảm dần theo đúng lộ trình mà bác sĩ khuyến nghị. Vậy tại sao cần phải giảm liều dùng thuốc corticoid?

Cách giảm liều corticoid và những điều có thể bạn chưa biết tới 1
Corticoid là thuốc có tác dụng chống viêm nhanh chóng và hiệu quả

Tại sao cần phải giảm liều dùng thuốc corticoid?

Trong cơ thể, tuyến thượng thận chịu trách nhiệm sản xuất ra cortisol - một loại hormone có vai trò chống stress và căng thẳng tự nhiên. Khi bạn bị stress, tuyến thượng thận sẽ được kích thích sản xuất ra ra nhiều hormone cortisol để giúp cơ thể vượt qua được giai đoạn stress này.

Trong khi đó, khi bạn cần phải sử dụng thuốc corticoid ở liều cao hoặc trong thời gian dài để điều trị một bệnh lý nào đó thì quá trình sản xuất cortisol tự nhiên của cơ thể sẽ bị ức chế. Về mặt y học, tình trạng này được gọi là sự ức chế vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (HPA). 

Vì thế, người bệnh cần phải giảm liều lượng sử dụng corticoid một cách từ từ để cho cơ thể có thể bắt đầu quá trình sản xuất hormone cortisol trở lại. Việc giảm dần liều dùng corticoid theo đúng thời gian cho phép tuyến thượng thận tiếp tục nhiệm vụ sản xuất cortisol tự nhiên về mức bình thường.

Cortisol là một loại hormone tự nhiên quan trọng và cần thiết cho hầu hết các bộ phận trong cơ thể. Bởi cortisol có nhiều tác dụng có thể kể đến như:

  • Điều chỉnh phản ứng với stress;
  • Tăng lượng đường trong máu;
  • Tham gia vào các quá trình trao đổi chất của cơ thể;
  • Chống viêm, giảm sưng nề;
  • Chống lại tình trạng tụt huyết áp;
  • Tác động đến chu kỳ của giấc ngủ.

Mặt khác, các tác dụng phụ của thuốc corticoid có thể không giống nhau, tùy thuộc vào việc dùng thuốc cục bộ hay toàn thân, liều sử dụng, thời gian điều trị, loại corticoid và thể trạng của người bệnh. Một số tác dụng phổ biến của corticoid có thể kể đến như:

  • Tăng cân;
  • Tâm trạng thay đổi;
  • Yếu cơ;
  • Dễ bị bầm tím;
  • Khởi phát hoặc làm cho bệnh đái tháo đường nặng thêm;
  • Huyết áp cao.

Các tác dụng phụ trên thường không xuất hiện nếu chỉ thỉnh thoảng tiêm corticoid trong điều trị bệnh viêm gân, viêm khớp hoặc viêm bao hoạt dịch. Đồng thời, tác dụng phụ của thuốc cũng không xuất hiện nếu chỉ sử dụng corticoid trong thời gian ngắn (từ vài ngày đến vài tuần).

Nếu phải sử dụng corticoid liên tục trong thời gian dài (từ vài tháng đến nhiều năm) thì tác dụng phụ của thuốc sẽ tăng lên. Việc dùng corticoid trong thời gian dài ở liều cao chỉ được sử dụng trong bệnh lý nghiêm trọng và được hội chẩn bởi các bác sĩ để chỉ định.

Các tác dụng phụ của corticoid có thể được giảm thiểu khi sử dụng thuốc tại chỗ nếu có thể. Tương tự, người bệnh cũng nên sử dụng corticoid ở liều thấp nhất cần thiết để tình trạng bệnh lý được kiểm soát. Đồng thời, liều dùng có thể giảm dần theo thời gian, miễn là kiểm soát được tình trạng bệnh.

Cách giảm liều corticoid và những điều có thể bạn chưa biết tới 2
Việc giảm liều dùng corticoid để hạn chế tác dụng phụ của thuốc

Cần giảm liều lượng corticoid khi nào?

Thực tế không có một cách giảm liều corticoid nào phù hợp cho mọi bệnh nhân. Tuy nhiên, thực tế sẽ có một số yếu tố khiến cho người bệnh cần phải giảm liều dùng corticoid, chẳng hạn như sử dụng thuốc ở liều cao và xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc (tăng cân, mặt tròn, tăng đường huyết, tăng huyết áp, da mỏng đỏ, rạn da/xuất huyết da ở vị trí bôi thuốc…).

Cách giảm liều corticoid và những điều có thể bạn chưa biết tới 3
Cần giảm liều dùng corticoid khi xuất hiện tác dụng phụ của thuốc

Một số triệu chứng thường gặp của việc giảm liều dùng corticoid như:

  • Mệt mỏi;
  • Đau nhức cơ thể;
  • Suy nhược cơ thể;
  • Chóng mặt;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Đau bụng;
  • Đau nhức khớp;
  • Cảm giác bị kiệt sức.

Việc giảm liều dùng corticoid có thể khiến cho người bệnh cảm thấy không được thoải mái. Do đó, người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình giảm liều corticoid, từ đó bác sĩ sẽ có hướng xử trí phù hợp như điều chỉnh lại liều lượng hoặc sử dụng thuốc thay thế ít tác dụng phụ hơn…

Các loại corticoid có thể sử dụng thay thế cho nhau, bao gồm:

  • Prednisolone;
  • Methylprednisolone;
  • Dexamethasone;
  • Cortisone;
  • Hydrocortisone;
  • Fludrocortisone.

Cách giảm liều corticoid

Cách giảm liều corticoid sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khoẻ của người bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng corticoid với liều lượng khác nhau hoặc thời gian khác nhau. Hơn nữa, cân nặng của người bệnh cũng tác động đến liều lượng dùng corticoid.

Tuy nhiên, người bệnh nên tuân thủ theo đúng lộ trình sử dụng thuốc corticoid mà bác sĩ đã đưa ra, tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc đột ngột hoặc giảm liều corticoid. Bởi điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng cũng như hậu quả không lường trước được cho sức khỏe.

Cách giảm liều corticoid và những điều có thể bạn chưa biết tới 4
Cách giảm liều corticoid sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân

Trên đây là những thông tin cơ bản về thuốc corticoid và cách giảm liều corticoid mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp được. Corticoid là một loại thuốc cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để hạn chế tác dụng phụ của thuốc và bảo vệ sức khoẻ. Đồng thời, người bệnh cũng không nên tự ý giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc corticoid mà cần trao đổi với bác sĩ điều trị.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin