Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? Triệu chứng và cách điều trị cúm

Ngày 02/01/2023
Kích thước chữ

Cúm là bệnh truyền nhiễm do virus xâm nhập vào đường hô hấp (mũi, họng, phổi) của người bệnh. Cúm rất dễ lây lan qua những giọt bắn khi hắt hơi hoặc ho và có thể lan xa tới 2 mét trong không khí. Có nhiều chủng loại cúm nhưng phổ biến nhất là cúm A và cúm B gây bệnh dịch theo mùa. Vậy cúm A và cúm B khác nhau như thế nào?

Cúm A và cúm B là những cái tên quen thuộc khi nói đến bệnh cúm mùa. Mặc dù cùng là bệnh cúm nhưng mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe do hai loại virus cúm này là rất khác nhau. Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? Cúm A hay cúm B nguy hiểm hơn? Mọi thông tin cần biết về hai bệnh lý này bạn có thể tham khảo trong bài viết dưới đây.

Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? Triệu chứng và cách điều trị cúm 1 Cúm A và cúm B là những cái tên quen thuộc khi nói đến bệnh cúm mùa

Tổng quan về cúm A và cúm B

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra với các triệu chứng điển hình như sốt, nhức đầu, đau cơ, ho, đau họng và sổ mũi... Có ba nhóm virus cúm hay gặp: A, B và C. Trong đó, cúm A và B gây dịch hàng năm còn cúm C ít nghiêm trọng hơn.

Virus cúm A không chỉ có khả năng lây nhiễm giữa người với người mà còn lây nhiễm cho động vật. Không giống như cúm A, cúm B chỉ lây nhiễm ở người. Virus cúm xâm nhập vào cơ thể con người qua niêm mạc miệng, mũi và mắt. Mỗi khi chạm tay lên những bộ phận này, chúng ta có thể bị nhiễm virus. Vì vậy, nên rửa tay đúng cách thường xuyên bằng xà phòng để phòng bệnh cúm cho trẻ.

Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? Triệu chứng và cách điều trị cúm 2 Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào?

Xét về mức độ nguy hiểm, các triệu chứng của bệnh cúm A có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và khác nhau tùy theo cơ địa mỗi người. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, nhất là ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch suy yếu, dễ dẫn đến những biến chứng nặng như thở gấp, khó thở, suy hô hấp, viêm phổi và thậm chí là tử vong.

Cúm B là loại virus lành tính và hầu hết trẻ em bị cúm loại B đều tự khỏi nếu được chăm sóc phù hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời.

Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào?

Cúm A và B là những loại cúm phổ biến thường gặp, chiếm 25% số ca nhiễm cúm mỗi năm. Rất dễ nhầm lẫn giữa hai loại cúm này vì chúng có nhiều điểm tương đồng nhau. Một số đặc điểm khác biệt của cúm A và cúm B là:

Các chủng virus cúm A và cúm B

Virus cúm A được chia thành các phân nhóm dựa trên hai loại protein bề mặt là kháng nguyên Neuraminidase (N) và Hemagglutinin (H). Trong đó, kháng nguyên H là kháng nguyên ngưng kết hồng cầu và giúp virus xâm nhập vào đường hô hấp. Kháng nguyên N là kháng nguyên tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lắp ráp và giải phóng virus khỏi tế bào bị nhiễm bệnh.

Virus cúm A có tổng cộng 9 kháng nguyên N và 16 kháng nguyên H. Do đó, khi cặp H-N kết hợp với nhau sẽ tạo ra vô số chủng cúm A khác. Một số chủng cúm A đã gây đại dịch ở nước ta là: Cúm A H1N1, Cúm A H7N9, Cúm A H5N1…

Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? Triệu chứng và cách điều trị cúm 3 Có nhiều chủng cúm A đã gây ra đại dịch ở nước ta

Khác với cúm A, virus cúm B chỉ có một chủng độc lực duy nhất và được chia thành 2 dòng phổ biến là cúm B/Victoria và cúm B/Yamagata. Cúm B ít biến đổi hơn so với cúm A nên không có nhiều chủng gây bệnh.

Trước những năm 1990, chỉ có một dòng cúm B được biết đến trên toàn thế giới là dòng Victoria. Vào đầu những năm 1990, dòng cúm B Yamagata mới xuất hiện. Hai dòng cúm này sau đó luân phiên nhau theo từng mùa dịch, từng khu vực. Tuy nhiên, cúm B có khả năng lây lan quanh năm và tạo thành nhóm dịch theo mùa.

Khả năng lây nhiễm của hai loại virus cúm

Cúm A và cúm B thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh rất dễ lây nhiễm và lây lan nhanh, có nguy cơ cao bùng phát thành đại dịch trong cộng đồng. Trên thực tế, thế giới đã từng chứng kiến ​​nhiều đại dịch cúm A và B nguy hiểm, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Virus cúm A có thể lây truyền từ gia cầm sang người và từ người sang người. Cúm A lây truyền qua nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng giọt bắn, giống như cúm thông thường. Bạn có thể nhiễm virus cúm chỉ bằng cách tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh đang nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Virus cúm A cũng có khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài. Do đó, nếu bạn sờ hoặc chạm vào đồ vật bị nhiễm bệnh rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng thì rất có khả năng bạn sẽ bị nhiễm bệnh. 

Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? Triệu chứng và cách điều trị cúm 4 Virus cúm lây truyền qua nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng giọt bắn

Cúm B lây lan theo cách tương tự như cúm A, nhưng chủng này không lây truyền qua động vật. Những người bị cúm B thường ít bị bệnh nặng hơn và ít biến chứng hơn cúm A.

Triệu chứng khi bị nhiễm cúm

Cúm A và cúm B có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc bệnh mãn tính cần lưu ý. Khi những đối tượng này mắc bệnh, bệnh có thể nhanh chóng chuyển biến nặng hơn và có thể nguy hiểm.

Thời gian ủ bệnh khi nhiễm 2 loại virus cúm này rất ngắn, các triệu chứng chỉ xuất hiện sau khoảng 1 đến 3 ngày và thường nặng hơn nếu nhiễm cúm A. Các triệu chứng sau đó tồn tại trong 3 đến 5 ngày. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Sốt cao.
  • Ớn lạnh, gai người.
  • Đau họng.
  • Sổ mũi và hắt hơi, chảy mũi trong hoặc đục.
  • Mệt mỏi, uể oải.
  • Đau mỏi cơ.

Các triệu chứng hô hấp liên quan đến cúm ít nghiêm trọng và khá đơn giản, nhưng nó có thể trở nên trầm trọng hơn hoặc dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Cúm A và cúm B có biến chứng không?

Cả hai loại vi-rút cúm đều có thể gây ra các biến chứng. Tuy nhiên, các biến chứng với cúm B ít phổ biến hơn và ít nghiêm trọng hơn so với cúm A. Dưới đây là một số biến chứng phổ biến:

  • Suy hô hấp.
  • Viêm phổi thứ phát. 
  • Viêm phổi nguyên phát.
  • Suy tuần hoàn.
  • Viêm cơ tim.
  • Viêm màng não.
  • Viêm não.
  • Viêm não tủy.
  • Viêm tai giữa.
  • Nhiễm độc thần kinh.

Điều trị cúm A và cúm B như thế nào?

Hầu hết bệnh nhân bị cúm A và B có thể được điều trị tại nhà. Rất ít bệnh nhân diễn biến bệnh nặng. Tùy thuộc vào diễn biến của bệnh, việc điều trị cúm A và B có thể bao gồm:

Cách điều trị tại nhà

Sử dụng thuốc: Cả cúm A và B đều do virus gây ra nên việc sử dụng thuốc kháng sinh không mang lại hiệu quả điều trị như mong đợi. Thay vào đó, nên dùng những loại thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh như thuốc hạ sốt, thuốc ho… Để tránh nguy cơ gặp tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng.

Chế độ sinh hoạt: Ngoài việc nghỉ ngơi và uống thuốc đều đặn, bệnh nhân mắc cúm cần được ăn uống đầy đủ chất. Ưu tiên những món ăn dễ tiêu, dễ nuốt để tránh tạo áp lực cho dạ dày khiến bệnh nhân mệt mỏi hơn. Ngoài ra, đừng quên uống nhiều nước do khi bị cúm có thể bị sốt và mất nước. Do đó, việc cung cấp đủ nước sẽ giúp tránh được các biến chứng và cơ thể hồi phục nhanh hơn.

Phòng bệnh: Hạn chế đến nơi đông người, tiếp xúc với nhiều người. Nếu phải ra ngoài thì cần phải đeo khẩu trang y tế. Nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát, sạch sẽ. Đồ dùng nên được khử trùng để tránh lây nhiễm chéo.

Khi nào nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện? 

Nếu sau 7 ngày mà các triệu chứng không thuyên giảm và có chiều hướng nặng hơn thì cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Khi có những biểu hiện dưới đây có nghĩa bệnh đã trở nặng và nguy hiểm:

  • Thở nhanh, khó thở.
  • Da nhợt nhạt, tay chân lạnh.
  • Đau vùng ngực và bụng.
  • Sốt cao trên 39 độ, có thể co giật.
  • Nôn trớ nhiều lần.
  • Mệt mỏi, li bì.
  • Rối loạn điện giải, tiểu ít, khát nước nhưng không uống được.
Cúm A và cúm B khác nhau như thế nào? Triệu chứng và cách điều trị cúm 5 Nên đi khám khi các triệu chứng có chiều hướng tăng nặng hơn

Cách điều trị tại cơ sở y tế

Hiện chưa có thuốc đặc trị cúm A và B. Tuy nhiên, các bác sĩ dựa vào tình trạng của từng bệnh nhân để chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Ngoài ra còn được điều trị triệu chứng như:

  • Bù nước và điện giải.
  • Thuốc vận mạch.
  • Hạ sốt.
  • Suy đa tạng cần áp dụng phác đồ hồi sức.
  • Đối với bệnh nhân có biến chứng: Dùng kháng sinh dựa trên kết quả cấy bệnh phẩm và nhuộm Gram.

Lưu ý khi điều trị

Trong quá trình điều trị và chăm sóc người bị cúm, gia đình cần lưu ý những điều sau:

  • Hạn chế để người bệnh tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người già, trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu.
  • Không di chuyển người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh đến khu vực đông người.
  • Bệnh nhân nên được nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, không nên nằm phòng điều hòa.
  • Cho người bệnh ăn uống đầy đủ các thức ăn dễ tiêu hóa. 
  • Nếu sốt trên 38.5 độ, nên dùng thuốc hạ sốt với liều lượng và tần suất phù hợp. 
  • Bệnh nhân nên rửa tay thường xuyên để loại bỏ virus và vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
  • Để tránh lây bệnh, hãy đeo khẩu trang nếu cần rời khỏi nhà hoặc tiếp xúc với người khác.
  • Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tiêm phòng cúm hàng năm là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa cúm. Hiện nay có nhiều loại vắc xin phòng cúm phù hợp với nhiều đối tượng, từ trẻ nhỏ 6 tháng tuổi đến người lớn. Tiêm phòng cúm giúp tăng cường khả năng miễn dịch và cung cấp sự bảo vệ tối ưu chống lại các loại cúm A và B đang lưu hành.

Trên đây là những giải đáp cho câu hỏi cúm A và cúm B khác nhau như thế nào. Hi vọng những thông tin này sẽ cung cấp cho các bạn những kiến ​​thức sức khỏe bổ ích để chăm sóc gia đình tốt hơn.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin