Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đại phẫu là gì? Quy trình thực hiện của đại phẫu

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đại phẫu là thuật ngữ không quá xa lạ trong y học. Tuy nhiên để hiểu chính xác đại phẫu là gì, chúng ta cần biết rõ về mức độ ảnh hưởng, phạm vi xâm lấn trong cơ thể của hình thức phẫu thuật này.

Nhiều bệnh nhân sau khi được chỉ định thực hiện đại phẫu vẫn khá hoang mang và chưa hiểu rõ bản thân cần làm gì trước, trong và sau khi trải qua quá trình này. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn có thông tin đầy đủ về khái niệm đại phẫu là gì cũng như đưa ra những lưu ý và lời khuyên hữu ích để sức khỏe được đảm bảo tốt nhất.

Đại phẫu là gì?

Trong y học, phẫu thuật là tên gọi dùng để chỉ các thủ thuật điều trị hoặc chẩn đoán ngoại khoa. Mục đích của phẫu thuật là nhằm loại bỏ vật cản hoặc sửa chữa các mô, cơ quan bị bệnh; định vị lại cấu trúc về vị trí bình thường của các cơ quan trong cơ thể; cấy ghép mô hoặc toàn bộ cơ quan; cải thiện ngoại hình…

dai-phau-la-gi-1.jpg
Nhiều người băn khoăn đại phẫu là gì và đâu là điểm khác biệt so với các phẫu thuật khác

Đại phẫu là một hình thức của phẫu thuật, thuật ngữ này dùng để chỉ những ca mổ phức tạp, khó khăn, liên quan đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Hiểu một cách nôm na, đại phẫu là phẫu thuật nguy hiểm, có tính quyết định và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Vì vậy, những ca này sẽ cần được thực hiện ở các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín. Người trực tiếp tham gia vào ca mổ phải là các chuyên gia và bác sĩ giỏi, trình độ tay nghề cao, nắm vững tất cả kiến thức liên quan đến sinh mệnh và sự sống con người.

Quy trình thực hiện của đại phẫu

Quy trình của việc thực hiện đại phẫu bao gồm trước, trong và sau khi thực hiện. Cụ thể như sau:

Trước khi phẫu thuật

Đây là bước vô cùng quan trọng, nhằm chuẩn bị tốt nhất và góp phần vào sự thành công của ca mổ. Các thủ tục ở bước này bao gồm:

  • Bệnh nhân nhập viện: Khi bệnh nhân nhập viện, hàng ngày bác sĩ sẽ đến giường bệnh để thăm khám nhằm nắm rõ tinh thần và thể trạng. Trường hợp sức khỏe không tốt, bệnh nhân cũng được áp dụng các biện pháp để nâng cao thể trạng. Trong quá trình này, hồ sơ bệnh án cũng được hoàn thiện.
  • Khám tiền phẫu: Đây là hoạt động rất cần thiết để xác định bệnh nhân có đủ điều kiện để thực hiện đại phẫu hay không. Các hạng mục thăm khám bao gồm chụp X quang phổi, MRI, điện tâm đồ, xét nghiệm máu, nước tiểu… Ngoài ra, bác sĩ gây mê cũng tham gia vào việc thăm khám, thông thường là 1 ngày trước khi mổ.
  • Thông qua mổ: Đây là bước mà các bác sĩ sẽ hội ý và xem xét đầy đủ các yếu tố, điều kiện, cách thức tiến hành phẫu thuật để đi đến quyết định có thực hiện đại phẫu hay không.
  • Giải thích cho bệnh nhân trước mổ: Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân và người nhà một cách đầy đủ, chi tiết về toàn bộ quy trình thực hiện cũng như nguy cơ gặp phải nếu có. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân hoặc người nhà ký vào giấy cam kết đồng ý mổ.
  • Chuẩn bị trước phẫu thuật: Một ngày trước khi thực hiện mổ, y tá sẽ thực hiện các thao tác chuẩn bị cần thiết cho bệnh nhân như đánh giá lại mạch, nhiệt độ, huyết áp… Đồng thời, y tá cũng hướng dẫn bệnh nhân tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo, thực hiện chế độ ăn ngủ đúng cách. Một số trường hợp đại phẫu cần phải thụt tháo hay uống thuốc để làm sạch đại tràng.
dai-phau-la-gi-2.jpg
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được thăm khám kỹ lưỡng

Trong quá trình đại phẫu

Quá trình đại phẫu sẽ được tiến hành một cách cẩn thận theo các bước sau đây:

  • Bệnh nhân lên bàn mổ: Bệnh nhân sẽ được đưa lên bàn mổ để bắt đầu quy trình thực hiện phẫu thuật.
  • Gây mê: Tất cả các ca đại phẫu đều phải sử dụng gây mê toàn thân. Việc này giúp ca mổ diễn ra thuận lợi, bác sĩ dễ dàng thao tác.
  • Phẫu thuật: Sau khi gây mê xong, tất cả các bác sĩ đều tham gia vào quá trình mổ. Việc phân công bác sĩ mổ chính và bác sĩ mổ phụ đã được thực hiện trước đó. Kíp mổ sẽ sử dụng các loại dụng cụ trong phẫu thuật để tiến hành. Sau đó, bác sĩ sẽ khâu da cho bệnh nhân. Khi đã hoàn thành ca mổ, tất cả các nhân viên y tế tham gia vào ca mổ đều phải thực hiện quy trình rửa tay ngoại khoa. Việc này cũng được thực hiện trước khi bắt đầu ca mổ.

Hậu phẫu

Với các ca đại phẫu, bệnh nhân sẽ được đưa về phòng hồi sức tích cực để theo dõi trong vài ngày. Các thiết bị y tế liên quan cũng được huy động đấu nối để giám sát bệnh nhân 24/24, trường hợp có vấn đề xảy ra sẽ được can thiệp xử lý kịp thời.

Thông thường, ngày đầu tiên sau phẫu thuật sẽ khiến bệnh nhân đau đớn nhất. Tùy theo diễn biến, bệnh nhân sẽ hồi phục sức khỏe dàn dần. Khi sức khỏe ổn định, bác sĩ thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe tổng quát. Bệnh nhân sẽ được ra viện và theo dõi sức khỏe tại nhà.

dai-phau-la-gi-3.jpg
Sau mổ, người bệnh sẽ được đưa về phòng hồi sức tích cực để theo dõi

Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau đại phẫu

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi bạn chăm sóc bệnh nhân sau mổ, nhất là khi họ vừa trải qua đại phẫu:

Chăm sóc tại bệnh viện

Thời gian đầu hậu phẫu, bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp, choáng váng hoặc gặp các phản ứng nặng hơn. Do đó, việc chăm sóc bệnh nhân lúc này cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Vận chuyển bệnh nhân từ giường mổ về giường thường hết sức nhẹ nhàng, tránh thay đổi tư thế một cách đột ngột.
  • Giường nằm cần đảm bảo độ êm và chắc chắn, giúp bệnh nhân có cảm giác thoải mái, thuận tiện trong việc đổi tư thế hoặc di chuyển.
  • Các bác sĩ sẽ theo dõi vấn đề hô hấp, nhiệt độ cơ thể, hệ tuần hoàn… của bệnh nhân. Người nhà nên quan sát và phát hiện bất thường nếu có để kịp thời thông báo với bác sĩ.

Chăm sóc tại nhà

Khi bệnh nhân được xuất viện, lúc này không có bác sĩ túc trực và thăm khám thường xuyên. Do đó, người nhà cần đặc biệt quan tâm và có sự chăm sóc cẩn thận để bệnh nhân nhanh hồi phục sức khỏe. Một số vấn đề cần lưu ý như:

Theo dõi bất thường

Người bệnh sau đại phẫu rất dễ gặp phải các tình trạng như sốt cao kéo dài, buồn nôn, tay chân tím tái, bí tiểu, nhiễm trùng vết mổ… Do đó, người nhà cần theo dõi và liên hệ với bác sĩ để được tư vấn can thiệp kịp thời.

Vệ sinh vết thương đúng cách

Vết thương của bệnh nhân luôn phải giữ sạch sẽ, khô ráo, tránh tiếp xúc với nguồn vi khuẩn. Việc thay quần áo phải được thực hiện thường xuyên, tránh gây nhiễm trùng.

Chú ý chế độ dinh dưỡng

Dinh dưỡng cho người bệnh sau phẫu thuật đặc biệt quan trọng. Bệnh nhân cần được bổ sung đủ chất, ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch. Chế độ ăn nên thực hiện từ loãng đến đặc, tăng cường các món cháo, súp, hạn chế thức ăn có nhiều gia vị cay nóng dễ làm vết thương bị nhiễm trùng hay kích ứng.

Chế độ vận động

Đối với bệnh nhân sau khi thực hiện đại phẫu cần có một khoảng thời gian nhất định mới có thể vận động bình thường trở lại. Tuy nhiên, các bác sĩ luôn khuyến khích người bệnh nhân tập đi lại, tăng cường cử động tay chân và các động tác xoa bóp. Khi đã đỡ đau hơn, bệnh nhân có thể áp dụng các bài vận động cơ thể nhẹ nhàng.

dai-phau-la-gi-4.jpg
Bệnh nhân cần được tiếp tục theo dõi, chăm sóc tại nhà sau đại phẫu

Như vậy, với các thông tin trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn đại phẫu là gì, quy trình thực hiện cũng như những lưu ý quan trọng khi chăm sóc người bệnh. Đây là sự can thiệp xâm lấn vào cơ thể ở mức độ lớn, do đó nếu được chỉ định thực hiện, bạn cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe thật tốt để quá trình đại phẫu diễn ra thành công nhé!

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm