Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Gây mê toàn thân là gì? Những vấn đề thường gặp sau gây mê toàn thân

Ngày 14/12/2023
Kích thước chữ

Gây mê là một trong những phương pháp phổ biến được sử dụng trong một số ca phẫu thuật nhất định nhằm giúp bệnh nhân giảm bớt cảm giác đau đớn. Có nhiều dạng gây mê trong đó có phương pháp gây mê toàn thân. Vậy gây mê toàn thân là gì?

Gây mê là phương pháp sử dụng thuốc mê giúp người bệnh tạm thời mất ý thức, không cảm thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật, bao gồm cả gây mê toàn thân. Cùng chúng tôi tìm hiểu về gây mê toàn thân qua bài viết dưới đây nhé.

Gây mê toàn thân là gì?

Gây mê toàn thân là tình trạng mất ý thức có kiểm soát, đây là điều cần thiết cho một số loại phẫu thuật để đảm bảo an toàn hoặc giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Gây mê toàn thân tác động đến não cùng với việc làm tê liệt các cơ trên cơ thể bao gồm cả cơ hô hấp, vì vậy trong quá trình thực hiện phẫu thuật người bệnh sẽ không ý thức được và cần đến sự hỗ trợ của máy thở nhằm duy trì quá trình hô hấp.

gay-me-toan-than-la-gi-nhung-van-de-thuong-gap-sau-gay-me-toan-than 1.jpg
Gây mê toàn thân là tình trạng mất ý thức có kiểm soát 

Vì sao cần gây mê toàn thân?

Gây mê toàn thân là thủ thuật gây mê thường được sử dụng cho các ca phẫu thuật quan trọng, các cuộc phẫu thuật kéo dài hoặc ở các vị trí cần kiểm soát đường thở, các cuộc phẫu thuật thường gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân. Các hình thức khác như gây tê cục bộ hay gây tê vùng có thể không phù hợp đối với các dạng thủ thuật y khoa hoặc phẫu thuật nêu trên. Gây mê toàn thân không chỉ giúp bệnh nhân trải qua cuộc phẫu thuật không đau đớn mà còn đảm bảo tỷ lệ thành công của các loại thủ thuật hoặc phẫu thuật.

Quá trình gây mê toàn thân

Trong kỹ thuật gây mê toàn thân, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp gây mê sử dụng cân bằng giữa ba loại thuốc cơ bản gồm thuốc gây ngủ, thuốc giảm đauthuốc giãn cơ để kiểm soát toàn bộ bệnh nhân. Bác sĩ sẽ cho lần lượt thuốc gây ngủ, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ trước khi thực hiện đặt ống nội khí quản. Trong toàn bộ quá trình, bệnh nhân sẽ được theo dõi liên tục các thông số của mạch, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, độ bão hòa oxy trong các mao mạch,... Ngoài ra, bệnh nhân cũng được theo dõi độ mê, độ giãn cơ để đảm bảo rằng thuốc mê cung cấp vừa đủ, tránh trường hợp thức tỉnh trong quá trình phẫu thuật hoặc tồn lưu thuốc giãn cơ sau khi phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật xong, tùy thuộc vào loại phẫu thuật cũng như cách thở của bệnh nhân mà sẽ có phương pháp thức tỉnh sau gây mê toàn thân khác nhau. Việc rút ống nội khí quản sau khi phẫu thuật cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp phẫu thuật não hoặc phẫu thuật tim hở thì bệnh nhân cần được hỗ trợ thở máy trong khoảng từ 6 - 8 tiếng sau phẫu thuật và có thể mất nhiều thời gian hơn để tỉnh lại.

gay-me-toan-than-la-gi-nhung-van-de-thuong-gap-sau-gay-me-toan-than 2.jpg
Phương pháp gây mê sử dụng cân bằng giữa ba loại thuốc cơ bản gồm thuốc gây ngủ, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ 

Một số vấn đề thường gặp sau khi thực hiện gây mê toàn thân

Gây mê toàn thân là thủ thuật gây mê bằng cách sử dụng số lượng lớn thuốc gây mê vì vậy sẽ có một số vấn đề về sức khỏe thường gặp sau khi thực hiện gây mê toàn thân như sau:

Buồn nôn hoặc nôn

Đây là vấn đề thường gặp nhất sau khi thực hiện gây mê toàn thân. Yếu tố để dự đoán tốt nhất là người bệnh đã có tiền sử nôn hoặc buồn nôn sau phẫu thuật trước đó. Đối với người bệnh gặp phải tình huống này hầu như sẽ bị lại và được dự phòng bằng thuốc chống nôn.

Khô miệng

Việc đặt ống thở trong suốt quá trình phẫu thuật khiến miệng phải mở liên tục gây ra tình trạng khô miệng khi người bệnh tỉnh lại. Vấn đề này sẽ được khắc phục khi người bệnh có thể ăn uống lại bình thường.

Ớn lạnh hoặc run

Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể với các thuốc dùng trong quá trình phẫu thuật và triệu chứng này sẽ hết sau khi thuốc được đào thải ra ngoài. Triệu chứng run hoặc ớn lạnh cũng có thể do thân nhiệt người bệnh hạ thấp trong quá trình phẫu thuật, tình trạng này có thể cải thiện khi được ủ ấm. Ngoài ra, có thể người bệnh bị sốt cũng có thể bị lạnh run nhưng trường hợp này ít gặp hơn trừ trường hợp người bệnh đã nhiễm trùng trước đó.

Khàn tiếng và đau họng

Khàn tiếng kèm đau họng là vấn đề có thể xảy ra sau khi đặt ống thở, đặc biệt trong những cuộc phẫu thuật kéo dài. Việc khàn tiếng hay đau họng là điều không thể tránh khỏi, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc xịt họng hoặc các loại viên ngậm để hỗ trợ giảm triệu chứng này trong vài ngày sau phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu từ 5 - 7 ngày mà tình trạng vẫn không thuyên giảm, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

gay-me-toan-than-la-gi-nhung-van-de-thuong-gap-sau-gay-me-toan-than 3.jpg
Khàn tiếng kèm đau họng là vấn đề có thể xảy ra sau khi đặt ống thở

Đau cơ

Một trong những thuốc dùng trong gây mê toàn thân thường gây ra tình trạng đau cơ. Việc nằm bất động tại một vị trí trong suốt quá trình phẫu thuật có thể dẫn đến đau cơ hoặc thuốc giãn cơ trong gây mê toàn thân cũng gây đau mỏi cơ sau phẫu thuật.

Bị ngứa

Đây là tình trạng cũng có thể gặp sau khi phẫu thuật. Thuốc giảm đau, đặc biệt là nhóm thuốc morphine thường gây ngứa nhiều hơn các loại thuốc khác sử dụng trong gây mê. Chính vì vậy, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng ngứa sau khi gây mê toàn thân.

Trên đây là một số thông tin về gây mê toàn thân. Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu hơn về quá trình cũng như những vấn đề thường gặp sau khi gây mê toàn thân. Trong khoảng thời gian phục hồi sau gây mê, người nhà hãy chú ý đến bệnh nhân nhiều hơn nhé.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm