Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Đau đầu do cao huyết áp có uống Panadol được không?

Ngày 15/02/2023
Kích thước chữ

Cao huyết áp là một bệnh lý liên quan đến tim mạch rất nguy hiểm và được xem như là “kẻ giết người thầm lặng” vì sự tiến triển của bệnh thường diễn ra trong âm thầm mà không có triệu chứng rõ ràng. Một số bệnh nhân bị cao huyết áp có các biểu hiện thoáng qua như đau đầu, khó thở. Vậy đau đầu do cao huyết áp có uống Panadol được không?

Panadol là một loại thuốc được biết đến với tác dụng giảm đau và hạ sốt hiệu quả. Tuy nhiên, thuốc Panadol được chỉ định để giảm đau - hạ sốt còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra các tình trạng này. Vậy, câu hỏi "Đau đầu do cao huyết áp có uống Panadol được không?" sẽ được Nhà Thuốc Long Châu giải đáp trong bài viết dưới đây.

Panadol là thuốc gì? Đau đầu do cao huyết áp có uống panadol được không? 1 Bệnh cao huyết áp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên hệ tim mạch và mạch máu

1. Panadol là thuốc gì?

Panadol là một loại thuốc thuộc vào nhóm thuốc giảm đau và hạ sốt với thành phần chính là paracetamol. Thông thường, thuốc Panadol được chỉ định trong điều trị các triệu chứng như đau đầu, nhức mỏi cơ thể, đau bụng kinh, đau họng, đau răng, sốt, cảm cúm, cảm lạnh… nhằm giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại được cảm giác thoải mái. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng loại thuốc này đúng liều lượng theo chỉ định để hạn chế được các tác dụng phụ hoặc biến chứng nghiêm trọng do sử dụng quá liều. 

Hiện nay, trên thị trường tiêu thụ đang bày bán rất nhiều loại Panadol với hàm lượng paracetamol khác nhau. Do đó, bạn cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc. Liều dùng được khuyến nghị sử dụng cho từng đối tượng cụ thể như sau:

  • Người lớn (người cao tuổi) và trẻ em trên 12 tuổi: Sử dụng 500 - 1000 mg paracetamol/lần, thời gian khoảng 4 - 6 giờ/lần và không uống quá 4000 mg/ngày.
  • Trẻ em từ 6 - 11 tuổi: Sử dụng 250 - 500 mg paracetamol/lần trong 4 - 6 tiếng. Liều tối đa là 60 mg/ngày/kg cân nặng và chia thành nhiều lần, mỗi lần khoảng 10 - 15 mg/kg cân nặng.
  • Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi: Khuyến khích không nên dùng thuốc.

Trong thuốc Panadol còn chứa thành phần vitamin C để bổ sung cho cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng cho người bệnh nhằm hỗ trợ bệnh nhân mau chóng phục hồi sức khỏe. Mặt khác, thuốc Panadol có tác dụng trong việc giảm đau ở nhiều chứng đau nhưng theo các bác sĩ và người sử dụng trên thực tế thì loại thuốc này đạt hiệu quả tốt nhất đối với triệu chứng đau đầu. Vậy đau đầu do cao huyết áp có uống Panadol được không?

Panadol là thuốc gì? Đau đầu do cao huyết áp có uống panadol được không? 2 Panadol giúp giảm đau đầu nhanh chóng và hiệu quả

2. Đau đầu do cao huyết áp có uống Panadol được không?

Cao huyết áp hay còn gọi là tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính xảy ra khi áp lực máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm tống máu đến các cơ quan khác tăng cao. Tình trạng huyết áp tăng cao làm tăng gánh nặng cho tim và là căn nguyên gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tim mạch như tai biến mạch máu não nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh tim mạch vành… 

Bệnh cao huyết áp được chia thành 4 loại chính, bao gồm: Cao huyết áp vô căn, tăng huyết áp thứ phát, cao tăng huyết áp tâm thu đơn độc và tăng huyết áp khi mang thai. Khi mắc bệnh cao huyết áp, áp suất lưu thông máu trong hệ thống động mạch tăng cao, gây ra sức ép đến các mô và khiến cho các mạch máu tổn hại theo thời gian nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, trên thực tế đa phần các triệu chứng của bệnh cao huyết áp ban đầu khá mờ nhạt và hầu hết các bệnh nhân bị tăng huyết áp đều không nhận thấy bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào rõ ràng. Số ít bệnh nhân bị tăng huyết áp gặp phải một số triệu chứng thoáng qua như đau đầu, khó thở hoặc chảy máu cam (hiếm gặp). 

Vậy bị đau đầu do cao huyết áp có uống Panadol được không? Như đã biết, Panadol có tác dụng giảm đau đầu nhanh chóng và hiệu quả nên được nhiều người ưa dùng. Mặt khác, đau đầu là triệu chứng phổ biến của bệnh cao huyết áp. Đây cũng là các dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Do đó, khi có cơn đau đầu do tăng huyết áp thì bạn tuyệt đối không nên dùng panadol để giảm cơn đau đầu, bởi điều này có thể khiến các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ bị che giấu.

Thay vào đó, khi thấy xuất hiện các cơn đau đầu, huyết áp biến động thất thường, tốt nhất bạn nên cố gắng nghỉ ngơi bằng cách ngồi hoặc nằm yên tại chỗ và điều hòa nhịp thở để huyết áp dần ổn định lại. 

Nếu huyết áp vẫn tăng cao và cơn đau đầu không chấm dứt thì bệnh nhân có nguy cơ cao bị đột quỵ. Lúc này, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Panadol là thuốc gì? Đau đầu do cao huyết áp có uống panadol được không? 3 Đau đầu do huyết áp cao có uống được panadol không?

3. Một số biện pháp giúp kiểm soát cơn đau đầu do huyết áp cao tại nhà

Khi bạn bị đau đầu do huyết áp cao, có một số lưu ý cần nắm để giảm cơn đau và tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn:

  • Không nên sử dụng Panadol hoặc một số thuốc giảm đau khác để giảm đau đầu khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
  • Cố gắng nghỉ ngơi, nằm yên hoặc ngồi, tập trung hít sâu thở đều để điều hòa nhịp thở từ đó giúp huyết áp dẫn ổn định trở lại.
  • Theo dõi sát huyết áp 30 phút/lần.
  • Trường hợp cơn tăng huyết áp cũng như đau đầu không hết thì bạn cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và xử lý kịp thời.
  • Bạn cần thông báo cho bác sĩ đầy đủ tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý cũng như các thuốc đang sử dụng để bác sĩ nắm được và đưa cho bạn chỉ định phù hợp.

Ngoài ra, bệnh cao huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó việc điều trị và kiểm soát huyết áp ổn định là điều rất cần thiết. Ngoài việc sử dụng thuốc điều hòa huyết áp, bệnh nhân bị cao huyết áp cũng nên kết hợp với chế độ ăn và lối sống lành mạnh. Dưới đây là một số biện pháp giúp duy trì huyết áp ổn định ngay tại nhà, cụ thể là:

  • Chế độ dinh dưỡng: Những người bị cao huyết áp cần xây dựng một chế độ ăn khoa học để kiểm soát tốt nhất bệnh tăng huyết áp như tăng cường rau xanh và trái cây, giới hạn lượng muối ăn hàng ngày, uống sữa ít chất béo hoặc không có chất béo, dùng ngũ cốc nguyên hạt hoặc tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ…
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định: Đối với bệnh cao huyết áp nói riêng và thể trạng cơ thể nói chung, việc duy trì cân nặng ổn định luôn mang lại nhiều lợi ích. Nếu không kiểm soát được cân nặng khiến cơ thể rơi vào tình trạng thừa cân hoặc béo phì sẽ gây ra nhiều nguy cơ và biến chứng không tốt cho sức khỏe.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên: Việc tập thể dục hàng ngày rất tốt cho hoạt động của hệ tim mạch và các mạch máu. Nhờ đó giúp cho huyết áp được ổn định và giảm xuống một cách hiệu quả đối với người bệnh cao huyết áp.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá: Các chất có trong thuốc lá sẽ gây tổn hại cho các mạch máu và làm cho huyết áp tăng cao. Do đó, không hút thuốc lá là một biện pháp giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia: Những đối tượng uống rượu bia thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp. Vì thế, để hạn chế nguy cơ tăng huyết áp cũng như duy trì sức khỏe tốt nên tránh uống rượu bia, nếu không thì nam giới không nên uống quá 2 ly/ngày và nữ giới không nên uống quá 1 ly/ngày.
  • Tránh căng thẳng: Khi bạn gặp phải một căng thẳng sẽ khiến tim đập nhanh hơn và làm việc vất vả hơn. Từ đó gây áp lực lên thành mạch và khiến huyết áp tăng cao. Do đó, giúp cơ thể tránh những căng thẳng sẽ rất tốt cho sức khỏe và kiểm soát huyết áp rất tốt.

Panadol là thuốc gì? Đau đầu do cao huyết áp có uống panadol được không? 4 Tập luyện thể dục thường xuyên và điều độ sẽ giúp bạn kiểm soát huyết áp rất tốt

Tóm lại, cao huyết áp có uống Panadol được không? Câu trả lời là không nên vì có thể làm che dấu các cảnh báo của một số căn bệnh nguy hiểm. Hy vọng thông qua bài viết trên bạn đọc đã kịp thời bổ sung thêm những thông tin về thuốc Panadol và nắm được một số biện pháp hỗ trợ duy trì huyết áp ổn định tại nhà. Hãy truy cập vào website của Nhà thuốc Long Châu để có thêm những kiến thức mới về sức khỏe.

Ánh Vũ

Nguồn: Vinmec.com, Medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin