Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng Panadol

Ngày 10/02/2023
Kích thước chữ

Thuốc Panadol chứa thành phần hoạt chất chính là paracetamol, nằm trong danh mục thuốc không cần kê đơn bác sĩ. Những tác dụng không mong muốn có thể gặp phải cũng như có lưu ý gì trước khi sử dụng thuốc không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Công dụng nổi bật nhất của thuốc là giảm đau, chống viêm và hạ sốt nhanh chóng, hiệu quả. Thuốc có thể sử dụng cho nhiều đối tượng, bao gồm người lớn, người cao tuổi và trẻ em trên 6 tuổi. Tuy nhiên, có một số đối tượng bệnh nhân chống chỉ định hoặc cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc.

1. Tác dụng của thuốc?

Panadol có thành phần chính là hoạt chất paracetamol (acetaminophen). Đây là thành phần có trong nhiều loại thuốc giảm đau, hạ sốt với công dụng chính là hạ sốt và giảm đau nhanh chóng. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hoặc viên sủi.

Thuốc được sản xuất với nhiều dạng sản phẩm dành cho mọi đối tượng bệnh nhân, cụ thể:

  • Sản phẩm Panadol extra hay còn được gọi là Panadol đỏ chứa 500 mg paracetamol và caffeine giúp hỗ trợ giảm đau, duy trì sự tỉnh táo và tập trung.
  • Sản phẩm Panadol xanh dạng viên nén chứa 500 mg paracetamol trong mỗi viên.
  • Sản phẩm Panadol sủi với thuốc được bào chế dạng viên sủi chứa 500 mg paracetamol.
  • Sản phẩm Panadol trẻ em với thành phần chính là 250 mg hoạt chất paracetamol, thuốc được bào chế dạng viên nhai có vị anh đào dễ sử dụng cho trẻ em.

Panadol có tác dụng gì? Tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng Panadol 1 Thuốc có thành phần chính là paracetamol

>> Có thể bạn chưa biết: Sự khác biệt giữa Panadol đỏ và xanh - Tìm hiểu cách sử dụng và tác dụng của từng loại

Nhiều người thắc mắc Panadol có tác dụng gì. Thuốc được chỉ định giảm đau, hạ sốt mức độ từ nhẹ tới trung bình trong các trường hợp sau đây:

  • Đau đầu hay đau nửa đầu, đau đầu do căng cơ;
  • Đau cơ - xương - khớp, đau do viêm xương khớp;
  • Đau răng, lợi;
  • Đau bụng kinh;
  • Đau họng, rát cổ;
  • Sốt và đau phản ứng sau khi tiêm vacxin;
  • Sốt do cảm cúm, cảm lạnh;
  • Đau sau khi làm các thủ thuật như nhổ răng;
  • Đau dây thần kinh.

Tùy theo tình trạng bệnh nhân và bệnh lý, thầy thuốc sẽ kê thuốc với liều lượng phù hợp. Mức độ đau và nhiệt độ cơ thể trong khi sốt của bệnh nhân sẽ là tham chiếu tốt giúp bác sĩ chỉ định thuốc cũng như đưa ra hướng dẫn điều trị.

Đặc biệt với đối tượng trẻ em, trong quá trình sử dụng thuốc cần có sự theo dõi và kiểm soát liều lượng từ bác sĩ và phụ huynh. Điều này sẽ giúp bác sĩ kịp thời xử trí phản ứng thuốc cũng như tác dụng phụ có thể gặp phải của thuốc.

Với bệnh nhân đang điều trị bệnh khác cần trao đổi chi tiết với bác sĩ về tình hình bệnh cũng như những loại thuốc điều trị đang sử dụng. Từ đó, bác sĩ có thể hiệu chỉnh liều phù hợp, tránh gây ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị cũng như tương tác thuốc hay quá liều thuốc.

Panadol có tác dụng gì? Tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng Panadol 2 Tác dụng cuả thuốc

2. Liều sử dụng thuốc như thế nào?

Với từng đối tượng bệnh nhân sẽ có liều lượng sử dụng thuốc khác nhau, cụ thể:

  • Đối với người trưởng thành (kể cả người lớn tuổi), trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Uống 500 - 1000 mg paracetamol (tức 1 - 2 viên/lần) sau mỗi 4 đến 6 giờ. Liều tối đa mỗi ngày là 4 g hay 8 viên. Chỉ sử dụng thuốc bằng đường uống.
  • Đối với trẻ em từ 6 - 11 tuổi: Uống 250 - 500 mg paracetamol sau mỗi 4 đến 6 giờ. Liều tối đa hàng ngày tính theo cân nặng là 60 mg/kg cân nặng, chia thành nhiều lần uống, mỗi lần uống 10 - 15 mg/kg cân nặng. Khoảng cách giữa các liều tối thiểu là 4 tiếng. Chỉ sử dụng tối đa 4 liều/ngày. Nếu không có sự kiểm soát của bác sĩ, chỉ sử dụng thuốc tối đa 3 ngày cho trẻ.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi không được khuyến cáo dùng thuốc.
  • Với đối tượng thường xuyên sử dụng rượu, bia hay đồ uống có cồn khác, liều tối đa được khuyến cáo là 2g/ngày.
  • Bệnh nhân không sử dụng đồng thời các loại thuốc có thành phần chứa paracetamol, nếu có cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hiệu chỉnh liều phù hợp.

3. Tác dụng phụ của thuốc

Thuốc thuộc danh mục thuốc không cần kê đơn và hiếm khi gặp phải tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ như sau:

  • Mẩn ngứa, dị ứng, mẫn cảm hay nổi ban trên da.
  • Giảm, mất thính giác tạm thời.
  • Rối loạn tiêu hóa nhẹ tới vừa như đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng, táo bón, ỉa chảy…
  • Với người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có cồn có thể gặp triệu chứng như vàng mắt, vàng da hay nước tiểu sẫm màu.

Ngoài ra, bác sĩ trước khi kê đơn cần cảnh bảo với bệnh nhân về phản ứng nghiêm trọng của thuốc đã được ghi nhận như hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP), hội chứng Steven-Johnson (SJS) hay hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN).

Panadol có tác dụng gì? Tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng Panadol 3 Thuốc có thể gây mẩn ngứa, dị ứng

Trường hợp nguy hiểm khi sử dụng thuốc thường gặp đó là ngộ độc paracetamol. Người bệnh có thể bị hoại tử tế bào gan không hồi phục gây suy giảm chức năng tế bào gan. Biểu hiện triệu chứng như sau:

  • Vã mồ hôi, tím tái.
  • Đau bụng, buồn nôn hay nôn mửa.
  • Ngủ li bì.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Nước tiểu sẫm màu, phân màu đất sét.

Triệu chứng quá liều gây độc có thể xuất hiện sau 30 phút, cũng ghi nhận trường hợp bệnh nhân biểu hiện hoàn toàn bình thường trong 24 giờ đầu ngộ độc. Bởi vậy, khi sử dụng thuốc cần chú ý kiểm soát liều lượng và khoảng cách giữa các liều tối thiểu từ 4 - 6 giờ. 

Nếu thuốc được sử dụng cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi cần sự theo dõi và điều chỉnh liều lượng từ bác sĩ chuyên khoa. Nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ngộ độc, cần dừng dùng thuốc ngay lập tức và đưa người bệnh tới trung tâm y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

4.Lưu ý khi sử dụng thuốc

4.1. Lưu ý khi sử dụng thuốc

Thành phần chính của thuốc này là paracetamol với khả năng chống viêm, giảm đau và hạ sốt nhanh chóng. Tuy nhiên, có những đối tượng bệnh nhân chống chỉ định sử dụng thuốc, bao gồm:

  • Bệnh nhân bị suy giảm, thiếu hụt enzyme G6PD (glucose-6-phosphate dehydrogenase).
  • Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc có tiền sử dị ứng với paracetamol.

Bên cạnh đó, một số đối tượng bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng thuốc, bao gồm:

  • Phụ nữ đang trong thai kỳ và đang cho con bú: Chưa có nhiều nghiên cứu xác định bất kỳ nguy cơ nào của paracetamol trong giai đoạn thai kỳ và chất lượng của sữa mẹ.
  • Bệnh nhân có các bệnh gây suy chức năng gan và thận cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.
  • Không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

4.2. Lưu ý khi bảo quản thuốc

Khi bảo quản thuốc, cần lưu ý:

  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, hướng dẫn bảo quản trước khi dùng.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp và bảo quản trong nhiệt độ phòng.
  • Nếu thuốc hết hạn hoặc có dấu hiệu mốc hay chảy nước, tuyệt đối không được dùng tiếp.

Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về thắc mắc “Tác dụng phụ của Panadol là gì?”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về công dụng, tác dụng phụ cũng như lưu ý cần chú ý trong quá trình sử dụng thuốc. Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định và sử dụng với liều lượng hiệu quả nhất nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin