Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe/
  4. Tin y dược

Dấu hiệu chấn thương tinh hoàn và cách xử lý

Ngày 22/10/2023
Kích thước chữ

Tuy chấn thương tinh hoàn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các chấn thương niệu dục. Nhưng nếu không được chữa trị kịp thời có thể khiến sức khỏe sinh sản của đấng mày râu chịu những hậu quả nghiêm trọng.

Chấn thương tinh hoàn thường gặp nhất là chấn thương kín, kế đó là các vết thương tinh hoàn. Theo thống kê cho thấy, có đến hơn 50% trường hợp chấn thương tinh hoàn có thể dẫn đến vỡ tinh hoàn, gây đau, sốc toàn vùng kín hay bầm tím. Việc phát hiện sớm giúp giảm thiểu trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Chấn thương tinh hoàn là gì?

Chấn thương tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn bị ép giữa các tác nhân gây tổn thương. Có đến 54% nguyên nhân gây tổn thương tinh hoàn đến từ lực va chạm mạnh của dụng cụ hay bạn chơi thể thao tác động trực tiếp lên bìu, 12% đến từ tai nạn giao thông, 16% do bất cẩn và 7% do nắn bóp đả thương.

Hiểu về chấn thương tinh hoàn - 1
Chấn thương tinh hoàn thường do tập luyện thể thao

Nếu tác động một lực đột ngột vào bìu nó không chỉ gây vụng dập hay vỡ tinh hoàn mà còn có thể đẩy tinh hoàn chạy ngược vào trong ống bẹn, thâm chí tinh hoàn có thể chạy vào ổ bụng. Thừng tinh có thể bị xoắn và có thể khiến bao trắng của tinh hoàn bị vỡ. Có thể thấy, khi bóp một bên bìu không có tinh hoàn hoặc sờ thấy tinh hoàn ở vùng bẹn. Khi thăm khám, nếu tình trạng của bệnh nhân phù hợp, có thể sử dụng thuốc giảm đau, tiền mê bằng đường tĩnh mạch. Sau đó, dùng tay nhẹ nhàng đầy tinh hoàn trở về vị trí cũ.

Dấu hiệu của chấn thương tinh hoàn ở nam giới

Đa số chấn thương tinh hoàn là chấn thương kín nên rất khó để nhận biết. Một số dấu hiệu có thể xuất hiện khi gặp chấn thương tinh hoàn như sau: Người bệnh thấy đau dữ dội ở vùng bìu, thường ngất đi, phần da bìu có những đám chấm xuất huyết, xuất hiện bầm tím tụ máu rõ, sưng to dần. Người bệnh vẫn có thể đi tiểu bình thường. Biến chứng thường gặp như xoắn tinh hoàn, bìu đau co thắt, cơn đau tăng dần hay khi sờ nắn người bệnh cảm giác đau nhói.

Tùy theo mức độ tổn thương, mà có thể phân loại như sau:

  • Tổn thương nhẹ: Chấn thương tinh hoàn nhẹ, bìu bị xây xát, không rách hoặc rách do vết thương đơn thuần không có dị vật.
  • Tổn thương trung bình: Gây tụ máu trong bao trắng, chấn thương có thể làm rách hoặc không rách bao trắng. Phần bìu có thể bị rách hoặc không bị rách, khối tụ máu trong da bìu lớn và phát triển dần lên.
  • Tổn thương nặng: Là các tổn thương như dập nát tinh hoàn, có hoại tử và xuất huyết lan rộng. Có thể kèm theo rách da bìu. Ngoài ra trong loại tổn thương này còn có vết thương tinh hoàn do hỏa khí. Loại vết thương này có tốc độ gây hoại tử muộn trong nhiều ngày
  • Tổn thương phối hợp: Trong bệnh cảnh đa chấn thương như tai nạn giao thông, thảm họa,... Gây chấn thương hoặc vết thương vùng bìu, tinh hoàn.
Hiểu về chấn thương tinh hoàn - 2
Biến chứng của chấn thương tinh hoàn có thể là xoắn tinh hoàn

Cần làm gì khi gặp chấn thương tinh hoàn

Ngay sau khi gặp chấn thương tinh hoàn, việc sản xuất tinh trùng của cơ thể sẽ thay đổi hay thậm chí có thể dẫn đến vô sinh. Vì vậy, cần có những biện pháp chữa trị kịp thời khi gặp tổn thương tinh hoàn.

Giải pháp khắc phục tạm thời

Ngay sau khi phát hiện chấn thương, có thể xử trí tạm thời bằng cách dùng đá lạnh để chườm lên vùng bị tổn thương khoảng 10 phút. Việc này có tác dụng giảm đau, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Sau đó, bệnh nhân cần di chuyển ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.

Thực hiện can thiệp y tế

Khi gặp chấn thương tinh hoàn, việc sản xuất tinh trùng của cơ thể có sự thay đổi. Thậm chí trường hợp tệ nhất có thể dẫn đến vô sinh. Tuy nhiên, sau khoảng 3 - 9 tháng, việc sản xuất tinh trùng có thể hồi phục lại. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, khi một bên tinh hoàn bị tổn thương thì bên còn lại có thể bị tổn thương vĩnh viễn, điều này làm giảm khả năng thụ thai của người bệnh. Tất cả những chấn thương tinh hoàn đều phải được theo dõi tinh trùng đồ.

Các bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp giúp chẩn đoán trình trạng tổn thương đang ở mức độ nào bằng các kiểm tra cận lâm sàng như: Siêu âm, chụp CT - Scanner với trường hợp tinh hoàn chuyển vị, sau chấn thương mà không thể phát hiện qua siêu âm.

Sau khi đưa ra các chẩn đoán. Việc tiếp theo là thực hiện điều trị. Mục tiêu điều trị chấn thương tinh hoàn là bảo tồn mô chức năng tinh hoàn nhiều nhất có thể. Tùy vào mức độ tổn thương mà bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.

  • Tổn thương đụng dập/máu tụ: Điều trị bảo tồn bằng cách cố định bìu lên cao, sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm nonsteroid, kháng sinh, thực hiện chườm đá, nghỉ ngơi tại giường và thực thiện siêu âm kiểm tra sau 48 tiếng.
  • Tổn thương rách bao trắng, mất nhu mô hoặc vỡ tinh hoàn: Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp như cắt lọc các tổ chức hoại tử, lấy hết máu đông. Trường hợp tinh hoàn dập vỡ một phần, chỉ nên cắt bỏ phần giập và loại bỏ phần nhu mô tinh hoàn đùn ra ngoài. Trường hợp tinh hoàn bị dập nát hoàn toàn thì phải thực hiện cắt bỏ tinh hoàn.

Xác định nguyên nhân chấn thương và dựa vào triệu chứng lâm sàng là những yếu tố quan trọng nhất trong việc đưa ra can thiệp y tế phù hợp nhất. Nếu nghi ngờ tổn thương nặng hơn tình trạng đụng dập, nên đưa bệnh nhân phẫu thuật sớm thay vì chỉ điều trị bảo tồn.

Hiểu về chấn thương tinh hoàn - 3
Siêu âm để giúp xác định mức độ tổn thương tốt hơn

Hy vọng bài viết vừa rồi đã cung cấp đủ những thông tin cần thiết về chấn thương tinh hoàn, đồng thời đưa ra những giải pháp khi gặp phải chấn thương tinh hoàn. Hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin sức khỏe mới nhất nhé!

Xem thêm: Sốc chấn thương là gì? Có mấy loại sốc chấn thương?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm