Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dấu hiệu suy hô hấp mà bạn nên biết 

Ngày 13/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy hô hấp là bệnh lý không còn xa lạ trong cuộc sống, nhất là với trẻ em và người cao tuổi. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sinh hoạt. Nắm được triệu chứng bệnh để chữa trị kịp thời là điều vô cùng quan trọng.

Khi một người mắc suy hô hấp, sự trao đổi O2 và CO2 trong phổi không được diễn ra đúng cách, khiến cơ thể không đủ oxy để duy trì các hoạt động sống và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Biết được những dấu hiệu suy hô hấp sẽ giúp bạn phòng tránh được căn bệnh này, bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình.

Suy hô hấp là gì?

Suy hô hấp là tình trạng chức năng thông khí và trao đổi khí của hệ hô hấp bị suy yếu, phổi không cung cấp đủ oxy cho việc hô hấp, làm lượng oxy theo động mạch đi nuôi cơ thể giảm sút, quá trình phân phối khí oxy đến các mô cơ thể chậm lại, lượng khí carbon dioxide tích tụ nhiều hơn sẽ làm hỏng các cơ quan trong cơ thể.

Người ta chia suy hô hấp thành 2 mức độ: Suy hô hấp cấp và suy hô hấp mạn tính. Thông thường, khi nhắc đến bệnh suy hô hấp thì ta ngầm hiểu đây là đang nói về tình trạng suy hô hấp cấp tính. Suy hô hấp diễn ra khi PaO2 (áp lực riêng khí O2 trong động mạch) < 60mmHg hoặc/ và PaCO2 (áp lực riêng khí CO2 trong động mạnh) > 50mmHg.

Có 2 loại suy hô hấp cấp:

  • Suy hô hấp cấp thiếu O2 máu, không ứ khí CO2.
  • Suy hô hấp cấp thiếu O2 máu, giảm khí CO2.

Dấu hiệu suy hô hấp mà bạn nên biết 1

Suy hô hấp là tình trạng chức năng thông khí và trao đổi khí

Các dấu hiệu suy hô hấp thường gặp

Dấu hiệu của suy hô hấp tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh, nồng độ O2, CO2 trong máu, giai đoạn bệnh mà sẽ có những biểu hiện khác nhau. Một số dấu hiệu ban đầu đa số mọi người thường gặp là khó thở, thở nhanh. Người bệnh cần chú ý theo dõi các triệu chứng để điều trị kịp thời, tránh bệnh trở nặng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng.

Trong trường hợp do thiếu oxy, các dấu hiệu suy hô hấp có thể là:

  • Cơ thể thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, thiếu sức khi thực hiện các hoạt động hằng ngày như lên xuống cầu thang, mặc quần áo.
  • Thở khó khăn, luôn có cảm giác không đủ khí để hít thở.
  • Hay buồn ngủ, ủ rũ.
  • Tay chân và môi nhợt nhạt, xanh xao.

Trong trường hợp do CO2 tăng cao, các dấu hiệu suy hô hấp thường là sự suy giảm thị lực, mắt nhìn mờ, hay đau đầu, kém minh mẫn, nhịp tim và nhịp thở nhanh.

Ở đối tượng trẻ sơ sinh bị suy giảm chức năng hô hấp, ngoài các triệu chứng như thở gấp, da môi nhợt nhạt thì còn có hiện tượng kéo cơ giữa xương sườn khi trẻ thở. 

Dấu hiệu suy hô hấp mà bạn nên biết 2

Bệnh nhân suy hô hấp thường ở trong tình trạng mệt mỏi, thiếu sức sống

Nguyên nhân gây bệnh suy hô hấp

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy hô hấp cấp, trong đó được chia ra thành 2 nhóm nguyên nhân chính.

Nguyên nhân do phổi

Đợt mất bù cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tràn khí màng phổi, nhiễm trùng phế quản - phổi sẽ là yếu tố thuận lợi cho tình trạng suy hô hấp cấp. Ngoài ra, bệnh phù phổi cấp do chức năng tim hoạt động không hiệu quả (huyết áp tăng, suy mạch vành, hẹp/ hở van động mạch chủ, hẹp/ hở van hai lá, nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn động mạch,...), do hệ thần kinh bị tổn thương (viêm não, chấn thương sọ não, phẫu thuật u não,...) hoặc do các loại virus, vi khuẩn hay chất độc hại là nguyên nhân gây suy hô hấp. Hen phế quản nặng không được điều trị kịp thời và đúng cách cũng là một trong những lý do tại phổi làm trầm trọng thêm bệnh suy hô hấp.

Dấu hiệu suy hô hấp mà bạn nên biết 3

Nhiễm trùng phế quản - phổi sẽ là yếu tố thuận lợi cho tình trạng suy hô hấp cấp

Nguyên nhân ngoài phổi

Bệnh suy hô hấp cấp có thể xuất hiện bởi một số tình trạng bất thường của hệ thần kinh trung ương. Tác dụng phụ của các loại thuốc an thần, rối loạn hô hấp khi ngủ, gia tăng áp lực nội sọ, nhiễm trùng hệ thần kinh, nhược giáp, chấn thương mạch máu não,... có thể làm trung tâm điều hòa hô hấp ở hành não bị tổn thương.

Ngoài ra, các vấn đề về lồng ngực như gãy xương sườn làm rách màng phổi hay bệnh viêm sừng trước tủy sống, nhược cơ, viêm đa cơ, rắn cắn, uốn ván, ngộ độc thuốc trừ sâu,... cũng làm trầm trọng thêm hiện tượng suy hô hấp.

Biến chứng bệnh suy hô hấp cấp tính

Suy hô hấp cấp tính không những trực tiếp làm sức khỏe con người mà còn gây là nguyên nhân của nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời. Tiêu biểu trong các biến chứng của tình trạng suy giảm chức năng hô hấp cấp có thể kể đến như loạn nhịp tim, nhiễm trùng máu, hình thành cục máu đông trong cơ thể, hạ huyết áp và đường máu, chảy máu phổi, bệnh phổi mạn tính, suy thận, chấn thương não,...

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán khi có các dấu hiệu của suy hô hấp để được điều trị kịp thời, hiệu quả. 

Dấu hiệu suy hô hấp mà bạn nên biết 4

Bệnh suy hô hấp có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu

Suy hô hấp diễn ra khi quá trình trao đổi Oxy và CO2 của phổi không diễn ra, việc gián đoạn này làm cơ thể thiếu đi lượng Oxy cần thiết để duy trì hoạt động sống trong khi lượng CO2 tích tụ quá nhiều có thể gây độc tế bào. Suy hô hấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trong hệ hô hấp nói riêng và toàn cơ thể nói chung. Ngoài việc nắm rõ cách chăm sóc sức khỏe bản thân, mỗi người cần phải đồng thời quan sát các dấu hiệu suy hô hấp để có những biện pháp chữa trị kịp thời.

Hoàng Trang 

Nguồn: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm