Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu ung thư trực tràng​ cần biết để bảo vệ sức khỏe

Ngày 28/11/2024
Kích thước chữ

Ung thư trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trong hệ tiêu hóa, xảy ra khi các tế bào trong trực tràng phát triển bất thường. Phát hiện sớm ung thư trực tràng có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng và tăng khả năng điều trị thành công. Điều này đòi hỏi mỗi người cần chú ý đến các dấu hiệu ung thư trực tràng ảnh hưởng đến cơ thể để có biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt.

Ung thư trực tràng là một loại ung thư phát triển ở đoạn cuối của hệ tiêu hóa, nơi trực tràng kết thúc thống kê cho thấy, nếu phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị bệnh này thành công lên tới 90%.

Dấu hiệu ung thư trực tràng

Thay đổi thói quen đi đại tiện

Một trong những dấu hiệu ung thư trực tràng dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi trong thói quen đại tiện, bao gồm: Táo bón, cảm giác mót rặn dù đã đi tiêu nhiều lần hoặc tiêu chảy.

Dấu hiệu ung thư trực tràng​ cần biết để bảo vệ sức khỏe - 1
Thay đổi thói quen đi đại tiện có thể là dấu hiệu ung thư trực tràng

Phân có hình dạng bất thường

Sự thay đổi hình dạng phân cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư trực tràng. Phân nhỏ hoặc dẹt, như hình chiếc bút chì, thường do khối u gây cản trở đường ruột. Nếu phát hiện phân có hình dạng bất thường như trên, người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra và xác định nguyên nhân.

Chảy máu hậu môn

Tiêu chảy ra máu với máu đỏ tươi hoặc nhầy máu, có thể là dấu hiệu ung thư trực tràng. Tuy nhiên, các bệnh lý lành tính như: Nứt hậu môn, trĩ cũng có thể gây ra tình trạng đi tiêu ra máu. Sự khác biệt là, máu do ung thư trực tràng thường lẫn với nhầy, trong khi máu do trĩ hay nứt hậu môn thường chỉ là máu tươi do đó cần xác định nguyên nhân chính xác.

Mệt mỏi, suy nhược

Cảm giác mệt mỏi và suy nhược là biểu hiện phổ biến của ung thư trực tràng. Nguyên nhân có thể là do mất máu trong phân hoặc mất nước do tiêu chảy. Người bệnh thường cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, kèm theo tình trạng suy nhược cơ thể nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.

Dấu hiệu ung thư trực tràng​ cần biết để bảo vệ sức khỏe - 2
Mệt mỏi, suy nhược là biểu hiện thường thấy ở người bệnh ung thư trực tràng

Giảm cân đột ngột

Giảm cân không rõ nguyên nhân là một dấu hiệu ung thư trực tràng mà bạn cũng cần chú ý. Nếu cơ thể sụt cân một cách đáng kể mà không phải do chế độ ăn uống hoặc tập luyện, đây có thể là triệu chứng của ung thư trực tràng hoặc các bệnh lý khác ở đường tiêu hóa.

Khi nào cần khám ngay?

Giống như nhiều loại ung thư khác, ung thư đại trực tràng thường không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu người bệnh gặp phải các triệu chứng dưới đây, cần tiến hành đi khám ngay để được kiểm tra:

  • Rối loạn tiêu hóa kéo dài như: Tiêu chảy, táo bón, hoặc phân có hình dạng bất thường.
  • Cảm giác mót rặn không thuyên giảm dù đã đi đại tiện.
  • Chảy máu tươi từ hậu môn.
  • Phân có màu đen hoặc xuất hiện máu trong phân.
  • Đau, tức ở khu vực bụng hoặc chậu hông.
  • Sức khỏe suy giảm.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Dấu hiệu ung thư trực tràng​ cần biết để bảo vệ sức khỏe - 3
Nếu sụt cân không rõ nguyên nhân kèm các dấu hiệu bệnh trên cần đi khám ngay

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư trực tràng

Lối sống và các yếu tố đặc trưng của cơ thể có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng, cũng như ung thư đại tràng. Những yếu tố chính bao gồm:

  • Tuổi tác: Nguy cơ ung thư trực tràng tăng theo tuổi. Theo nghiên cứu, bệnh phổ biến nhất ở những người từ 50 tuổi trở lên.
  • Béo phì: Ngoài các bệnh về tim mạch, béo phì còn liên quan đến nguy cơ cao mắc ung thư trực tràng.
  • Yếu tố di truyền: Nếu gia đình có người từng mắc ung thư trực tràng, nguy cơ của bạn cũng cao hơn so với những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh này.
  • Tiền sử bệnh cá nhân: Người mắc tiểu đường loại 2 hoặc từng bị ung thư trực tràng, ung thư đại tràng, hoặc polyp tuyến đều có nguy cơ tái phát hoặc phát triển ung thư đại trực tràng trong tương lai.
  • Chế độ ăn không lành mạnh: Chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, cùng thói quen hút thuốc lá và tiêu thụ rượu bia quá mức có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư trực tràng.
  • Ít vận động thể chất: Lười vận động làm suy giảm sức đề kháng và tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng so với những người duy trì hoạt động thể chất đều đặn.
  • Xạ trị: Việc xạ trị ở vùng bụng để điều trị các loại ung thư khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng.

Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư trực tràng

  • Nội soi trực tràng: Đây là phương pháp kiểm tra trực tràng bằng cách sử dụng một ống soi đưa vào trực tràng để quan sát tình trạng bên trong.
  • Nội soi đại tràng: Thủ thuật này giúp kiểm tra không chỉ trực tràng mà còn toàn bộ khung ruột già, nhằm phát hiện các polyp, tổn thương bất thường hoặc dấu hiệu của ung thư.
  • Sinh thiết: Trong quá trình này, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào hoặc mô từ khu vực nghi ngờ để quan sát dưới kính hiển vi, nhằm kiểm tra sự hiện diện của các tế bào ung thư.
Dấu hiệu ung thư trực tràng​ cần biết để bảo vệ sức khỏe - 4
Sinh thiết trong xét nghiệm chẩn đoán ung thư trực tràng

Ngoài các xét nghiệm trên, khi có dấu hiệu ung thư trực tràng, người bệnh sẽ cần làm thêm các xét nghiệm để xác định giai đoạn của ung thư, bao gồm:

  • Chụp CT: Phương pháp này giúp phát hiện sự hiện diện của tế bào ung thư đã lan ra ngoài trực tràng, cho phép đánh giá mức độ xâm lấn của ung thư.
  • Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ giúp xác định xem khối u đã lan qua thành trực tràng và xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh hay chưa.
  • Siêu âm nội soi: Thủ thuật này sử dụng ống nội soi hoặc đầu dò được đưa vào qua trực tràng, giúp hình dung rõ hơn các tổn thương trong khu vực trực tràng.

Phương pháp điều trị ung thư trực tràng

Để chữa trị ung thư trực tràng, phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp chính giúp loại bỏ hoàn toàn ung thư. Tùy vào vị trí và giai đoạn của bệnh, phẫu thuật có thể được thực hiện qua hậu môn (mở trực tràng) hoặc qua thành bụng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ khối u, các hạch bạch huyết và một phần nhỏ của trực tràng ở hai bên khối u. Phẫu thuật cắt đại tràng (mở hậu môn qua da) chỉ được áp dụng trong một số ít trường hợp.

Tùy thuộc vào tính chất và đặc điểm của ung thư, bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Trước khi thực hiện, phương án điều trị sẽ được thảo luận kỹ lưỡng với bệnh nhân và gia đình để đưa ra quyết định phù hợp. Ngoài phẫu thuật, các phương pháp bổ trợ hóa trị hoặc xạ trị có thể được áp dụng, tùy vào giai đoạn ung thư và tình trạng của bệnh nhân, có thể được thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật.

Dấu hiệu ung thư trực tràng​ cần biết để bảo vệ sức khỏe - 5
Phẫu thuật cắt bỏ khối u trong điều trị ung thư trực tràng

Sau khi điều trị ung thư trực tràng, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ qua các xét nghiệm máu để đo nồng độ CEA (chất có thể tăng cao trong máu khi có ung thư), giúp phát hiện sớm khả năng ung thư tái phát. Bên cạnh đó, các xét nghiệm như: Chụp CT, nội soi và khám lâm sàng sẽ được thực hiện định kỳ theo các mốc thời gian phù hợp với từng giai đoạn ung thư.

Cách phòng ngừa ung thư trực tràng

Để phòng ngừa ung thư trực tràng, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Hầu hết ung thư trực tràng phát triển từ các polyp trực tràng lành tính. Việc phát hiện và loại bỏ polyp qua nội soi sẽ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư trực tràng.
  • Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các triệu chứng của ung thư trực tràng. Những người có yếu tố nguy cơ cao hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng nên được khuyến cáo kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn.
  • Nội soi đại trực tràng từ 45 tuổi trở lên, hoặc sớm hơn nếu có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng, là một trong những biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả.
  • Ăn uống đủ chất và giàu protein từ thực phẩm tự nhiên như: Trái cây, rau, ngũ cốc, thịt cá, lòng trắng trứng. Đồng thời, hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều năng lượng và chất béo. Nên hạn chế các loại thức uống có cồn và đồ uống có gas.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để cải thiện sức khỏe, đồng thời giảm nguy cơ béo phì, một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng.
  • Tinh thần lạc quan đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh ung thư. Người bệnh nên duy trì suy nghĩ tích cực, luôn chiến đấu với bệnh, và nhận sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, cùng bác sĩ trong quá trình điều trị và phòng ngừa.
Dấu hiệu ung thư trực tràng​ cần biết để bảo vệ sức khỏe - 6
Siêu âm nội soi giúp hình dung rõ hơn các tổn thương trong khu vực trực tràng

Việc hiểu rõ dấu hiệu ung thư trực tràng và chủ động phòng ngừa là chìa khóa quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu chất xơ, kết hợp với việc duy trì lối sống năng động, có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư trực tràng một cách đáng kể. Bên cạnh đó, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là nội soi đại tràng, là một trong những cách hiệu quả nhất để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin