Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dây rốn thắt nút: Quá trình hình thành và mức độ nguy hiểm

Ngày 26/03/2023
Kích thước chữ

Dây rốn là mối liên kết quan trọng giữa mẹ và bé. Khi dây rốn thắt nút có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Mời bạn cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhiều hơn về hiện tượng này qua bài viết dưới đây.

Dây rốn là nơi chất dinh dưỡng từ mẹ truyền sang con, cũng là cấu nối quan trọng. Khi dây rốn gặp vấn đề, chắc chắn thai nhi sẽ bị ảnh hưởng. Vậy dây rốn thắt nút vì đâu mà có và mức độ nguy hiểm ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết này. 

Dây rốn thắt nút là gì? 

Hiện tượng dây rốn thắt nút là khi dây rốn ở trong tử cung, nhờ sự chuyển động của thai nhi mà hình thành nút thắt. Tỷ lệ thai phụ bị dây rốn thắt nút khá hiếm bởi khả năng trẻ di chuyển, xoay tròn trong tử cung mẹ làm dây rốn thắt nút là không cao. 

Dây rốn thắt nút Quá trình hình thành và mức độ nguy hiểm 1

Hình ảnh siêu âm dây rốn thắt nút

Theo khảo sát, có dưới 2% ca sinh nở gặp phải hiện tượng này. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong khi bị dây rốn thắt nút là khá cao, có thể gấp 4 lần so với thai nhi bình thường. 

Dây rốn có nhiệm vụ chính là chuyển dinh dưỡng và oxy từ cơ thể mẹ sang con, từ đó tạo nên cầu nối vững chắc, hình thành cả sự gắn bó về thể chất lẫn tinh thần. Khi gặp hiện tượng dây rốn thắt nút, cả mẹ và bé đều có thể gặp nguy hiểm nếu không có phương án cấp cứu, điều trị kịp thời. 

Dây rốn thắt nút hình thành do đâu? 

Sau khi giải đáp dây rốn thắt nút là gì, bạn cũng cần hiểu được nguyên lý tạo thành hiện tượng này, hỗ trợ trong quá trình ngăn ngừa dây rốn thắt nút. Như bạn đã biết, thai nhi không bao giờ “ngồi yên” trong tử cung mà ngược lại, luôn luôn di chuyển và “vận động” liên tục trong nước ối. Khi này, một số trường hợp đặc biệt, việc di chuyển của thai nhi khiến dây rốn thắt nút. 

Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện dây rốn thắt nút có thể kể đến như: 

  • Dây rốn của thai nhi quá dài sẽ dễ bị thắt nút hơn; 
  • Kích thước thai nhi quá nhỏ so với tuổi thai, độ dài dây rốn; 
  • Mẹ bầu bị đa ối
  • Thai nhi hiếu động, di chuyển, xoay tròn nhiều; 
  • Thai phụ từng sinh nở nhiều lần trước đó cũng làm tăng nguy cơ bị dây rốn thắt nút; 
  • Trong quá trình mang thai, mẹ bầu sử dụng chất kích thích; 
  • Mang đa thai

Nhìn chung, việc bị dây rốn thắt nút là điều mang tính ngẫu nhiên. Cũng có nhiều trường hợp bà bầu mang thai lần đầu, mang thai 1 con và thai nhi phát triển về chiều cao, cân nặng bình thường nhưng cũng bị dây rốn thắt nút. 

Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất dùng để chẩn đoán dây rốn thắt nút là siêu âm Doppler màu và siêu âm 4D. Đa số mẹ bầu phát hiện mình bị dây rốn thắt nút khi khám thai, siêu âm thai nhi định kỳ. 

Các bác sĩ cũng cho biết thêm, có nhiều mẹ bầu bị phù nề mạch máu, gây nhầm lẫn trong chẩn đoán. Hiện tượng này được gọi là “ thắt nút giả” và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe mẹ bầu, thai nhi như dây rốn thắt nút thật. 

Giai đoạn thai nhi được 9 - 12 tuần đã có thể xuất hiện dây rốn thắt nút. Thời gian này là khá sớm. Vào khoảng thời gian này, thể tích nước ối trong buồng ối nhiều hơn so với thể tích của thai nhi, dây rốn dễ quấn nhiều vòng rồi bị thắt nút. 

Dây rốn thắt nút Quá trình hình thành và mức độ nguy hiểm 2Thai nhi di chuyển, xoay tròn trong buồng ối khiến dây rốn bị thắt nút

Dây rốn thắt nút có nguy hiểm không? 

Vấn đề được nhiều mẹ bầu quan tâm là khi bị dây rốn thắt nút có thể ảnh hưởng đến tính mạng không, có nguy hiểm không. Theo lý giải từ các chuyên gia, tình trạng dây rốn bị thắt nút có 2 trường hợp là thắt nút lỏng và thắt nút chặt. Mức độ nguy hiểm cũng được xác định dựa trên yếu tố này. 

Trường hợp dây rốn thắt nút lỏng không quá ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhưng nếu rơi vào trạng thái thắt nút chặt, hệ tuần hoàn của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Dây rốn không bình thường khiến quá trình vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi thai nhi bị gián đoạn, khiến trẻ kém phát triển, thậm chí thiếu máu não, bại não dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. 

Ngoài ra, khi bé trong bụng mẹ, đa số đều khá hiếu động nên việc trẻ xoay tròn, dịch chuyển qua lại trong buồng ối, nghịch thành ối,... là điều khiến cho nút thắt dây rốn chặt hơn, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng truyền dinh dưỡng và oxy từ mẹ đến bé. 

Khi mẹ bầu chuyển dạ, việc dây rốn bị thắt nút còn có thể khiến bé tử vong trước khi ra khỏi tử cung của mẹ. Điều này đến từ việc khi bé dần tuột ra ngoài tử cung, dây rốn bị siết chặt hơn nữa, có thể quấn quanh cổ bé, ngăn chặn đường thở, dẫn đến tử vong do ngạt thở. 

Chính vì vậy, mẹ bầu khi khám thai được chẩn đoán bị dây rốn thắt nút cần thường xuyên theo dõi sức khỏe bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh nguy hại đến tính mạng của mẹ và bé. Thông thường, những trường hợp dây rốn thắt nút chặt sẽ cần nhập viện để theo dõi hàng ngày và xử lý ngay khi có nguy hiểm xảy ra. 

Triệu chứng dây rốn thắt nút

Nhận biết sớm tình trạng dây rốn thắt nút giúp ích rất nhiều cho việc điều trị, kiểm soát tình trạng sức khỏe. Vì thế, đây là vấn đề được rất nhiều mẹ bầu quan tâm. Tuy nhiên, hiện tượng dây rốn thắt nút không có biểu hiện cụ thể nào, thường chỉ được phát hiện khi mẹ bầu đi khám thai định kỳ và được bác sĩ thông tin. 

Dây rốn thắt nút Quá trình hình thành và mức độ nguy hiểm 3Khám thai định kỳ là phương án phát hiện, xử lý dây rốn thắt nút sớm nhất

Với những thai nhi hiếu động, mẹ có thể nhận biết sớm qua việc trẻ giảm tần suất di chuyển, thai máy ít hoặc thai không máy. Nếu bình thường bé rất hay di chuyển và nghịch trong bụng mẹ nhưng đột nhiên không còn biểu hiện đó nữa, mẹ nên đến bệnh viện để kiểm tra, siêu âm thai nhi sớm. 

Về phương pháp ngăn ngừa chứng dây rốn thắt nút thì đến nay, vẫn chưa có biện pháp nào phòng ngừa được hiện tượng này bởi về căn bản, có rất nhiều nguyên nhân gây dây rốn thắt nút, trong đó có những nguyên nhân khách quan không thể tác động được như thai nhi hiếu động hoặc dây rốn quá dài,...

Mẹ bầu cần được thăm khám sức khỏe thường xuyên, lắng nghe tư vấn của bác sĩ và ăn uống điều độ, vận động phù hợp để giữ sức khỏe luôn ổn định. Khám thai định kỳ đúng lịch cũng giúp mẹ phát hiện sớm dây rốn thắt nút, từ đó có phương án hỗ trợ kịp thời từ phía bác sĩ chuyên khoa. 

Hồng Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin