Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đề phòng những bệnh truyền nhiễm đang vào mùa

Ngày 31/12/2019
Kích thước chữ

Vào thời tiết những ngày cuối năm cộng với tình trạng ô nhiễm không khí là cơ hội thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan rộng khắp cộng đồng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, từ khoảng tháng 12 năm trước cho đến hết tháng 3 năm sau là thời gian mà các ca bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như cúm, sởi, thủy đậu, quai bị, rubella… xuất hiện nhiều nhất.

Những bệnh này có thể rải rác trong cộng đồng hoặc lây nhiễm chéo tạo nên các chùm bệnh trong những khu vực sinh hoạt tập thể như trường học, văn phòng, xí nghiệp. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường tự khỏi nhưng cũng có khả năng phát triển thành biến chứng nặng trên một số cơ địa bệnh mạn tính, trẻ nhỏ, người già và phụ nữ có thai.

Đề phòng những bệnh truyền nhiễm đang vào mùa 1Từ khoảng tháng 12 năm trước đến hết tháng 3 năm sau là thời gian các ca bệnh truyền nhiễm phát triển nhiều nhất

Cùng điểm qua 5 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất đang vào mùa mà bạn cần đặc biệt lưu ý, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ.

Các bệnh đường hô hấp

Theo ThS.BS Nguyễn Hải Công, Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), đường hô hấp là nơi dễ bị đe dọa nhất bởi nhiều mầm bệnh khác nhau, nhất là khi tiếp xúc trực tiếp. 

Với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào những tháng gần đây cộng thêm thời tiết những ngày cuối năm nhiều độ ẩm trong không khí làm cho vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp trên và dưới phát triển rất mạnh mẽ. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc bùng lên các bệnh hô hấp mạn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, giãn phế quản. 

Đặc biệt, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có sức đề kháng yếu chính là đối tượng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp nhất. 

Đề phòng những bệnh truyền nhiễm đang vào mùa 2Bệnh đường hô hấp rất dễ lây lan trong cộng đồng

Bác sĩ Huỳnh Liên Đoàn, Hội Y học TP.HCM khuyến cáo vào mùa này, mọi người có thể phòng bệnh theo phép dưỡng sinh là đi ngủ sớm, thức dậy muộn, tập thể dục hoặc đi lại nhẹ nhàng trong nhà, nơi kín gió. Nên ăn thực phẩm có màu đen, tính nhuận như vừng đen, nếp cẩm, đậu đen…

Cúm

Cúm là một trong những bệnh phổ biến vào mùa xuân, đặc biệt là thời tiết ẩm. Tính đến tháng 11 năm nay, cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong do cúm.

Cúm là bệnh dễ dàng lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt bắn hay dịch tiết mũi họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất ở trẻ dưới 3 tuổi. 

Để phòng bệnh cúm, mọi người chú ý thực hiện tốt việc giữ vệ sinh cá nhân, luôn giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để tăng cường đề kháng. Quan trọng hơn hết là tiêm vắc xin cúm mùa để phòng bệnh tối ưu.

Sởi, rubella

Bệnh sởi và rubella là những bệnh lý quen thuộc lây nhiễm qua đường hô hấp do virus. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ nhỏ và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, người làm việc và tiếp xúc với những nơi có dịch bệnh đang bùng phát. 

Bệnh nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, mù lòa thậm chí có thể tử vong.

Đề phòng những bệnh truyền nhiễm đang vào mùa 3Bệnh sởi và rubella đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ

Mặc dù việc điều trị sởi và rubella còn gặp nhiều khó khăn do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nhưng bạn có thể phòng bệnh bằng cách tiêm ngừa vắc xin. Đặc biệt cần lưu ý đưa trẻ 9 tháng tuổi đi tiêm mũi vắc xin sởi mũi 1 và trẻ 18 tháng tuổi tiêm vắc xin sởi - rubella. Ngoài ra, chúng ta cũng cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ. Bệnh rất dễ lây lan nên không để trẻ đến gần các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Thủy đậu và quai bị

Vào những tháng đầu năm, số người mắc thủy đậu và quai bị tương đối cao, dễ chuyển biến thành dịch bệnh. Biểu hiện thường thấy của thủy đậu là mệt mỏi, sốt nhẹ, nhức đầu, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Trong khi đó, bệnh quai bị có thể lây trực tiếp qua đường hô hấp, hay gây thành dịch ở trẻ em, thanh thiếu niên. Biểu hiện bệnh điển hình là sốt, đau đầu, viêm họng, viêm tuyến nước bọt mang tai, biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, có thể gây vô sinh.

Tiêm vắc xin thủy đậu, quai bị là cách để bạn phòng bệnh hiệu quả nhất.

Tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, truyền từ người sang người và rất dễ lây lan thành dịch. Nguồn lây chính của bệnh là từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Biểu hiện chính khi bị tay chân miệng là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí, đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. 

Đa phần bệnh có biểu hiện nhẹ, trẻ có thể cách ly và điều trị tại nhà. Nhưng bên cạnh đó, một số trường hợp mắc bệnh do virus EV71 thường diễn biến nặng, dễ tử vong.

Đề phòng những bệnh truyền nhiễm đang vào mùa 4Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng có thể cách ly và điều trị tại nhà

Để phòng bệnh, phụ huynh cần thường xuyên rửa tay với xà phòng cho trẻ, rửa tay trước khi ăn hay chế biến thức ăn. Trẻ bị bệnh cần được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh.

Trang

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin