Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dị dạng mạch máu là gì? Có các loại dị dạng mạch máu nào?

Ngày 29/10/2022
Kích thước chữ

Dị dạng mạch máu là một trong những bệnh lý bất thường về hình thể của các mạch máu. Bệnh có nhiều thể và phân chia theo các loại mạch máu thương tổn: Dị dạng mao mạch, dị dạng tĩnh mạch, dị dạng động-tĩnh mạch và dị dạng mạch máu kết hợp… Vậy các loại dị dạng mạch máu này có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Dị dạng mạch máu các thể khác nhau biểu hiện trên lâm sàng cũng khác nhau. Các tổn thương này có thể không gây hậu quả nghiêm trọng trọng đến người bệnh hoặc có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của cơ hay biến dạng cấu trúc trầm trọng. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các loại dị dạng mạch máu trong bài viết dưới đây nhé!

Dị dạng mạch máu là gì?

Dị dạng mạch máu dưới da là sự phát triển bất thường của các mạch máu trong quá trình phát triển phôi thai. Các loại dị dạng này xuất hiện ngay khi lúc trẻ vừa sinh ra, nó sẽ theo trẻ lớn lên và sẽ không tự mất.

Các loại dị dạng mạch máu bao gồm nhiều thể khác nhau phụ thuộc vào mạch máu tổn thương là gì và mức độ ảnh hưởng của nó trên từng người bệnh cũng khác nhau.

Dị dạng mạch máu là gì? Có bao nhiêu loại dị dạng mạch máu? 1 Dị dạng mạch máu là sự phát triển bất thường của các mạch máu

Các triệu chứng thường gặp khi mạch máu dị dạng

Dị dạng mạch máu có thể biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều vùng trên cơ thể. Nó có thể biểu hiện ở tay, chân, mặt người…

Dị dạng mạch máu là sự xuất hiện các vết đỏ do giãn mao mạch hay do giãn tiểu tĩnh mạch nằm ngang bề mặt da thường xuất hiện rời rạc, đường kính nhỏ hay tập trung thành các đám lớn trên bề mặt da bình thường. Màu sắc của dị dạng mạch máu có thể hồng nhạt hoặc đỏ thẫm phụ thuộc vào vùng da trên cơ thể.

  • Dị dạng mao mạch: Thường được gọi là vết rượu vang. Loại dị dạng này thường là các u phẳng, màu đỏ hoặc tím sẫm. Nếu u này bị thâm nhiễm sâu vào cơ, nó có thể gây biến dạng bề mặt trở thành thể gồ. Khi này u có màu đỏ và trở nên sần sùi, gồ lên bề mặt da thành từng đám, u này dễ chảy máu và khó cầm.
  • Dị dạng tĩnh mạch: Bề mặt da bình thường có màu tím, mật độ căng và bóp xẹp.
  • Dị dạng động mạch: Loại dị dạng này phát triển chậm và có thể gây biến dạng mặt, chân, tay...
  • Dị dạng hỗn hợp: U bạch mạch và u máu kết hợp. Loại u này phát triển chậm và gây biến dạng vị trí u phát triển.

Biểu hiện của dị dạng thay đổi theo loại mạch máu tổn thương, vận mạch của cơ thể. Nếu bạn làm việc nhiều ngoài trời và hoạt động cơ thể tiết mồ hôi nhiều, dị dạng sẽ trở nên đậm màu và rõ hơn. Thời tiết lạnh hoặc sau khi ngủ dậy, màu sắc của các dị dạng cũng trở nên nhạt màu hơn.

Các loại dị dạng mạch máu thường gặp

Dị dạng tĩnh mạch

Dị dạng tĩnh mạch là một khối mềm, có thể ấn xuống, màu xanh tím. Khi tổn thương này xuất hiện trên mặt, nó có thể gây biến dạng tĩnh mạch hay ở các chi sẽ gây mất cân xứng hai chi. Dị dạng tĩnh mạch ở hầu họng, phần sâu cổ họng có thể lan rộng và chèn ép đường thở. Muốn chẩn đoán dị dạng tĩnh mạch phải dựa vào chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm Doppler, chụp mạch cản quang, MRI…

Các phương pháp điều trị dị dạng tĩnh mạch ngày nay đang được áp dụng như:

  • Dùng Aspirin 100mg/ngày trong khoảng 10 ngày để làm giảm dấu hiệu đau và huyết khối tĩnh mạch trong giai đoạn đau của bệnh.
  • Dị dạng tĩnh mạch nhỏ áp dụng liệu pháp tiêm xơ sodium tetradecyl sulfate 1% qua da.
  • Điều trị bằng phẫu thuật: Cắt bỏ tổn thương và tạo hình. Phẫu thuật thường sau tiêm xơ để giảm khối lượng dị dạng và cải thiện chức năng và thẩm mỹ.
Dị dạng mạch máu là gì? Có bao nhiêu loại dị dạng mạch máu? 2 Dị dạng tĩnh mạch là một trong các loại dị dạng mạch máu thường gặp

Dị dạng mao mạch

Dị dạng mao mạch (bớt rượu vang) thường xuất hiện khi mới sinh. Các vết bớt này là loại dị dạng các mạch máu nông ở da. Các mao mạch trên lớp trung bì bị giãn ra với mật độ dày đặc. Loại dị dạng này sẽ không bao giờ thoái lui nếu không được điều trị, chúng sẽ lớn lên cùng trẻ và trở nên dày hơn, cũng có thể hình thành các nốt gây phì đại tổ chức dưới da.

Laser là phương pháp điều trị hàng đầu của dị dạng mao mạch. Nhưng cũng có một số loại laser gây tỷ lệ biến chứng cao như laser CO2, laser argon, laser hơi đồng… Tuy nhiên rất khó để dị dạng mao mạch biến mất hoàn toàn, chúng chỉ có thể nhạt màu đi sau khi điều trị. Các phương pháp khác như phẫu thuật, chiếu xạ, áp lạnh, đốt điện, tiêm xơ… thường không khả thi, không có tác dụng trong điều trị dị dạng mao mạch.

Dị dạng bạch mạch

Dị dạng bạch mạch hay còn gọi là u bạch mạch là sự dị dạng của ống bạch mạch và sự hình thành các nang chứa đầy bạch huyết. Loại dị dạng này được chia thành 3 thể: Thể nang bé, thể nang lớn và thể hỗn hợp. Các nang này có thể lớn lên hay nhỏ xuống vì luồng dịch bạch mạch di chuyển vào hay ra nang hay do viêm nhiễm, chảy máu. Bệnh xuất hiện ở trẻ sơ sinh hoặc trước 2 tuổi. Dị dạng bạch mạch thường là khối u hình vòm màu đen hoặc đỏ.

Dị dạng bạch mạch vùng mặt gây biến dạng mặt, lồi mắt hay ở xương gây phì đại xương, dị dạng bạch mạch lưỡi gây cản trở phát âm, gây nhiễm khuẩn, chảy máu, sưng nề. Nghiêm trong hơn, dị dạng bạch mạch vùng cổ còn gây tắc nghẽn đường thở.

Các phương pháp điều trị dị dạng bạch mạch như:

  • Điều trị nội khoa: Băng ép khi có biểu hiện phù mạch kết hợp dẫn lưu bạch huyết, sử dụng corticoid và kháng sinh trong các đợt viêm nhiễm…
  • Điều trị xâm lấn: Laser CO2 ở các thể nông, X-quang can thiệp, phẫu thuật cắt bỏ và tạo hình… 
Dị dạng mạch máu là gì? Có bao nhiêu loại dị dạng mạch máu?3 Dị dạng bạch mạch là các khối u hình vòm

Dị dạng động tĩnh mạch

Dị dạng động tĩnh mạch là các dị dạng liên kết động mạch và tĩnh mạch. Dị dạng động tĩnh mạch xuất hiện lúc mới sinh và biểu hiện rõ ràng hơn khi lớn. Các dấu hiệu của dị dạng là đau, phát triển quá cỡ, thiếu máu, chảy máu và suy tim… 

Dị dạng động tĩnh mạch gây tình trạng xanh tím, tăng hồng cầu, ngón tay dùi đục, nhồi máu não hay áp xe não do sự bất thường chức năng của mạch máu phổi. Ở da bệnh nhân phát hiện khối dị dạng màu đỏ, ấm hơn da xung quanh và có mạch đập.

Dị dạng mạch máu kết hợp

Dị dạng mạch máu kết hợp phân ra thành nhiều hội chứng khác nhau như: Hội chứng Klippel-Trenaunay, hội chứng Proteus, hội chứng Parkes-Weber, hội chứng Maffucci,...

  • Hội chứng Klippel-Trenaunay: Là sự kết hợp dị dạng mao mạch và bất thường hệ thống tĩnh mạch, bạch mạch cùng với sự phì đại xương, tổ chức phần mềm ở chi. 
  • Hội chứng Proteus: Đây là một hội chứng hiếm gặp. Hội chứng là sự phát triển bất thường của nhiều tổ chức và có tính chất di truyền. 
  • Hội chứng Maffucci: Một trong những đột biến hiếm gặp, xuất hiện ở cả nam và nữ. Biểu hiện của dị dạng là sự phì đại sụn lành tính, gây biến dạng xương, các u máu hình dạng không đều và đen.
  • Hội chứng Parkes-Weber: Một loại dị dạng mạch kết hợp hiếm gặp. Chúng thường xuất hiện ở chi dưới, có các biểu hiện của bệnh dị dạng động -tĩnh -mao mạch kết hợp hay dị dạng bạch -động -tĩnh -mao mạch kết hợp.
  • Hội chứng Cobb: Là tổn thương không di truyền và liên quan đến u mạch gai cột sống hay dị dạng động -tĩnh mạch bẩm sinh. 

Nếu bạn đang có biểu hiện của các loại dị dạng mạch máu trên hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán một cách chính xác và điều trị ngăn ngừa nguy cơ tiến triển của các loại dị dạng. Trên đây là một số thông tin về dị dạng mạch máu, Nhà thuốc Long Châu hy vọng bài viết mang lại cho bạn thông tin bổ ích về các loại dị dạng mạch máu. Chúc bạn đọc có thật nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin