Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Điều trị điện giật ở trẻ em như thế nào? Biện pháp phòng ngừa hiệu quả

Ngày 28/12/2024
Kích thước chữ

Điện giật ở trẻ em là một trong những tai nạn trong sinh hoạt thường gặp và có thể gây tổn thương cho nhiều cơ quan trong cơ thể như thần kinh, cơ xương, thận… thậm chí là đe dọa đến tính mạng của trẻ. Vậy điều trị điện giật ở trẻ em như thế nào?

Điện giật là một tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nó đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em do cơ thể của trẻ còn non nớt, hệ thống thần kinh chưa phát triển đầy đủ và khả năng tự bảo vệ rất hạn chế. Việc điều trị điện giật ở trẻ em không chỉ đơn giản là cấp cứu ban đầu mà còn điều trị nhằm ngăn ngừa các biến chứng lâu dài. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về hướng điều trị điện giật ở trẻ em và biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Điều trị điện giật ở trẻ em như thế nào?

Điện giật được biết đến là một tai nạn sinh hoạt nguy hiểm vì nó có thể gây ra nhiều tổn thương cho cơ thể như tổn thương các cơ quan, ngừng thở, ngừng tim… từ đó làm tăng nguy cơ tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề. Điện giật ở trẻ em sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời do cơ thể của trẻ còn non nớt, đang trong quá trình phát triển.

Hiện nay, có 2 loại dòng điện có thể gây giật điện, bao gồm:

  • Dòng điện xoay chiều (AC): Thường được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Dòng điện một chiều (DC): Thường thấy trong hệ thống điện xe ô tô, trong ắc quy, đường dây điện cao thế, tia sét…

Dòng điện DC sẽ quăng hoặc đẩy nạn nhân ra khỏi nguồn điện khi tiếp xúc, do đó thời gian nạn nhân tiếp xúc với dòng điện ngắn hơn nhưng khả năng bị chấn thương phối hợp cao hơn. Trong khi đó, dòng điện AC có xu hướng dính chặt vào nạn nhân và kéo nạn nhân lại gần với nguồn điện hơn, từ đó thời gian nạn nhân tiếp xúc với nguồn điện dài hơn và gây tổn thương mô nghiêm trọng hơn.

Tổn thương do điện thường xảy ra theo 3 cơ chế như sau:

  • Dòng điện tác động trực tiếp lên mô cơ thể.
  • Chuyển đổi năng lượng điện thành năng lượng nhiệt gây bỏng bề mặt và bỏng sâu.
  • Tổn thương cơ học do bị sét đánh, co cơ hoặc các chấn thương khi bị ngã do điện giật.
Điều trị điện giật ở trẻ em như thế nào? Biện pháp phòng ngừa hiệu quả 1
Điện giật có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm cho nạn nhân

Như vậy, khi bị điện giật sẽ gây ảnh hưởng rất lớn và rất rộng đến sức khỏe của trẻ em. Vậy điều trị điện giật ở trẻ em như thế nào?

Trẻ em bị điện giật cần được cấp cứu và điều trị kịp thời để hạn chế những biến chứng cũng như di chứng có thể xảy ra. Trước khi tìm hiểu về hướng điều trị điện giật trẻ em như thế nào, bạn cần phải nắm được nguyên tắc điều trị điện giật ở trẻ em.

Theo đó, nguyên tắc điều trị điện giật ở trẻ em như sau:

  • Điều trị cấp cứu.
  • Điều trị biến chứng hỗ trợ.

Đối với điều trị cấp cứu

Việc đầu tiên trong điều trị cấp cứu trẻ em bị điện giật là cần phải nhanh chóng tách trẻ tránh khỏi nguồn điện bằng cách ngắt nguồn điện, đồng thời tránh chạm trực tiếp vào nạn nhân khi chưa ngắt được nguồn điện.

Nếu nạn nhân đang trong tình trạng cấp cứu thì cần:

  • Cố định lại đốt sống cổ cho nạn nhân nếu nghi ngờ.
  • Cấp cứu ngừng thở, ngừng tim cho nạn nhân (nếu có).
  • Hỗ trợ hô hấp cho nạn nhân bằng cách cho họ thở oxy hoặc đặt nội khí quản.
  • Điều trị rối loạn nhịp tim: Nhanh thất, ngoại tâm thu thất, rung thất với thuốc chống loạn nhịp tim và phá rung thất với máy phá rung.
  • Hồi sức sốc cho nạn nhân: Bù dịch và sử dụng thuốc vận mạch theo hướng dẫn CVP.
  • Chống co giật: Dùng thuốc Diazepam tiêm đường tĩnh mạch.
  • Bệnh nhân bị suy thận: Chạy thận nhân tạo.

Đối với điều trị biến chứng

Hướng điều trị biến chứng ở trẻ em bị điện giật như sau:

  • Điều trị tình trạng rối loạn điện giải.
  • Tiểu myoglobin: Truyền dịch với tốc độ tăng lên 1,5 lần nhu cầu cơ bản nhằm tăng thải myoglobin và phòng ngừa biến chứng suy thận cấp, theo dõi CVP cũng như giữ nước tiểu đạt 1- 2 ml/kg/giờ.
  • Điều trị tình trạng bỏng tùy theo mức độ từ nhẹ đến nặng theo phác đồ bỏng.
  • Điều trị các tổn thương phối hợp khác xảy ra như xuất huyết tiêu hoá, chấn thương.
  • Giảm đau: Sử dụng paracetamol với liều lượng từ 10 - 15mg/kg/lần theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Trường hợp nghiêm trọng có thể sử dụng morphin 0,1 mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch để giảm đau.
Điều trị điện giật ở trẻ em như thế nào? Biện pháp phòng ngừa hiệu quả 3
Morphin là thuốc giảm đau có thể được sử dụng trong điều trị điện giật ở trẻ em

Theo dõi người bệnh

Trong quá trình điều trị điện giật ở trẻ em, cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khoẻ của người bệnh, bao gồm:

  • Theo dõi dấu hiệu sinh tồn của người bệnh bằng cách kiểm tra chỉ số SpO2 từ 30 - 60 phút/lần khi mới nhập viện hoặc hồi sức.
  • Theo dõi lượng dịch xuất - nhập mỗi 8 giờ/lần trong vòng 24 giờ đầu tiên.
  • Khi người bệnh đã ổn định, cần phải tiếp tục theo dõi và kiểm tra điện tim trong vòng 24 giờ, từ đó giúp phát hiện kịp thời và xử trí các biến chứng như rối loạn nhịp tim, mặc dù rất hiếm gặp.

Ảnh hưởng của điện giật đối với trẻ em?

Trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về cả mặt tinh thần và sức khỏe toàn trạng khi bị điện giật, cụ thể như:

  • Trẻ bị rối loạn nhịp tim, rung thất, ngừng tim đột ngột… thậm chí là đến đến tử vong.
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên.
  • Bỏng nhiệt bề mặt, bỏng nhiệt một phần hoặc bỏng nhiệt toàn bộ sau tổn thương do điện ở trẻ em.
  • Gây bỏng cho màng xương, phá huỷ bào chất của xương và gây hoại tử xương. Ngoài ra, xương có thể bị nứt gãy do bị ngã, nổ xương hoặc co cứng cơ.
  • Tổn thương các cơ quan bên trong như dạ dày, phổi, ruột non, đại tràng… từ đó có thể gây biến chứng thủng, đường rò, nhiễm khuẩn thứ phát, nhiễm trùng và gây tử vong.
Điều trị điện giật ở trẻ em như thế nào? Biện pháp phòng ngừa hiệu quả 2
Trẻ sẽ bị rối loạn nhịp tim khi bị điện giật

Biện pháp phòng ngừa điện giật ở trẻ em

Ngoài việc chia sẻ những thông tin về hướng điều trị điện giật ở trẻ em, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc về biện pháp phòng ngừa điện giật ở trẻ em. Theo đó, phòng ngừa luôn là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ tránh khỏi tai nạn bị điện giật. Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp giảm thiểu nguy cơ bị điện giật ở trẻ em, cụ thể như sau:

  • Đảm bảo an toàn trong môi trường sống: Cần kiểm tra và bảo trì các thiết bị điện trong nhà để đảm bảo chúng hoạt động an toàn. Đảm bảo rằng các ổ cắm điện và dây điện được che chắn cẩn thận, không có dây điện hở.
  • Giám sát trẻ khi tiếp xúc với thiết bị điện: Trẻ em cần được giám sát chặt chẽ khi chơi gần các thiết bị điện. Các vật dụng như quạt, bếp điện, ổ cắm điện phải được lắp đặt ở vị trí ngoài tầm với của trẻ.
  • Giáo dục trẻ về nguy cơ điện giật: Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên dạy trẻ về những nguy cơ và tác hại của điện giật, từ đó giúp trẻ nhận thức được sự nguy hiểm khi tiếp xúc với các thiết bị điện.
  • Sử dụng các thiết bị an toàn: Các thiết bị an toàn như ổ cắm có nắp đậy, cầu dao tự ngắt khi có sự cố hoặc dây điện chống sốc có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ điện giật.
Điều trị điện giật ở trẻ em như thế nào? Biện pháp phòng ngừa hiệu quả 4
Cha mẹ cần giám sát trẻ khi chơi gần các thiết bị điện

Điện giật là một tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ em. Việc nắm được hướng điều trị điện giật ở trẻ em và các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng để giảm thiểu rủi ro cho trẻ. Điều này không chỉ giúp bảo vệ trẻ khỏi tai nạn mà còn góp phần vào việc phát triển một cộng đồng an toàn và khỏe mạnh hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin