Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Điều trị ung thư ở trẻ em và tác dụng phụ

Ngày 09/05/2022
Kích thước chữ

Mỗi một phương pháp điều trị bệnh ung thư đều tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ khác nhau. Do đó, phụ huynh, người chăm sóc cần nắm rõ những thông tin cần thiết để có thể kịp thời hỗ trợ trẻ em, giúp trẻ mau chóng vượt qua được căn bệnh của mình.

Phương pháp điều trị ung thư ở trẻ em tùy thuộc vào loại ung thư và sự tiến triển của bệnh. Ngoài ra, còn dựa vào các yếu tố khác như độ tuổi và tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ. Sau khi xem xét chi tiết kế hoạch điều trị, bác sĩ sẽ giải thích cho bạn và trẻ. Những hình ảnh, video hoặc đồ họa thường được sử dụng để giải thích cơ chế điều trị và những điều sẽ xảy ra sau điều trị.

Những thông tin phụ huynh cần nắm khi bắt đầu điều trị ung thư

Bạn sẽ nhận được một bản sao kế hoạch điều trị với thông tin về:

  • Mục tiêu và phương pháp điều trị.
  • Tần suất điều trị.
  • Thời gian điều trị.
  • Các thủ thuật, các xét nghiệm cần thực hiện trước, trong và sau khi điều trị.
  • Tác dụng phụ có thể có của phương pháp điều trị.
  • Thông tin liên lạc của những nhân viên y tế chủ chốt trong nhóm chăm sóc sức khỏe.
Điều trị ung thư ở trẻ em và tác dụng phụ1 Phương pháp điều trị ung thư ở trẻ em tùy thuộc vào loại ung thư và sự tiến triển của bệnh

Điều trị ung thư và tác dụng phụ

Nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ giải thích tác dụng phụ và cách giải quyết chúng. Tác dụng phụ xảy ra khi quá trình điều trị làm tổn thương các mô hoặc cơ quan khỏe mạnh.

Một số phương pháp điều trị ít gây ra tác dụng phụ, một số phương phác khác có thể xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị để càng có ít tác dụng phụ xảy ra càng tốt. Tác dụng phụ thay đổi tùy theo mỗi trẻ, ngay cả với những trẻ được điều trị giống nhau. Không phải đứa trẻ nào cũng sẽ gặp phải tất cả các tác dụng phụ của một phương pháp điều trị cụ thể, có một số trẻ ít gặp tác dụng phụ hơn.

Điều trị ung thư ở trẻ em và tác dụng phụ2 Điều trị ung thư ở trẻ em và tác dụng phụ

Bảo tồn khả năng sinh sản

Tham khảo thông tin từ bác sĩ về ảnh hưởng của điều trị đến khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai. Nếu bác sĩ tiên đoán điều trị có thể gây ảnh hưởng, tốt nhất bạn cần trao đổi với chuyên gia bảo tồn khả năng sinh sản trước khi bắt đầu điều trị. Hãy nhớ rằng việc trì hoãn điều trị để lựa chọn bảo tồn sinh sản không phải lúc nào cũng được khuyến khích.

Tuy nhiên, thảo luận với bác sĩ về ảnh hưởng của điều trị đối với khả năng sinh sản của trẻ trước khi bắt đầu điều trị vẫn là vấn đề rất quan trọng. Độ tuổi và giới tính của trẻ sẽ quyết định thủ thuật được thực hiện để bảo tồn khả năng sinh sản.

Điều trị ung thư ở trẻ em và tác dụng phụ3 Bảo tồn khả năng sinh sản cho trẻ giúp hạn chế một phần tác dụng phụ

Phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản cho bé gái

Bao gồm che chắn buồng trứng trong quá trình xạ trị. Đối với những bé gái đã dậy thì, trứng có thể được làm lạnh (bảo quản đông lạnh trứng) trước khi điều trị. Đối với những bé gái chưa dậy thì, khả năng đông lạnh mô buồng trứng (bảo quản đông lạnh mô buồng trứng) trước khi điều trị đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.

Phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản cho bé trai

Bao gồm che chắn tinh hoàn trong quá trình xạ trị, dự trữ tinh trùng cho những cậu bé đã dậy thì hoặc lấy tinh trùng và mô tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn rồi bảo quản lạnh với những bé trai mắc bệnh ung thư chưa đến tuổi dậy thì. Lấy tinh trùng và mô tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn và bảo quản lạnh (còn được gọi là đông lạnh) đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.

Những câu hỏi phụ huynh dành cho bác sĩ về điều trị ung thư cho trẻ

Về điều trị loại ung thư

  • Những phương pháp điều trị nào có sẵn cho loại ung thư con tôi mắc phải?
  • Bạn đề nghị phương pháp điều trị nào cho con trẻ? Tại sao?
  • Mục tiêu của phương pháp điều trị này là gì?
  • Điều trị sẽ được diễn ra như thế nào? Điều gì xảy ra trong một buổi điều trị?
  • Cơ chế của phương pháp điều trị này?
  • Những nguy cơ của phương pháp điều trị này là gì?
  • Các bước tiếp theo nếu trẻ không đáp ứng với điều trị này?
  • Tỷ lệ trẻ em đã được cứu chữa nhờ vào phương pháp điều trị này?
Điều trị ung thư ở trẻ em và tác dụng phụ4 Để nắm rõ việc điều trị ung thư cũng như hạn chế tác dụng phụ, phụ huynh cần hỏi bác sĩ những điều bản thân chưa rõ

Về kế hoạch điều trị

  • Trẻ sẽ được điều trị bao lâu một lần? Mỗi lần sẽ kéo dài bao lâu?
  • Điều trị được diễn ra ở đâu? Ví dụ, trẻ sẽ được điều trị nội trú hay ngoại trú? Có cần thiết phải ở lại bệnh viện?
  • Trẻ sẽ được điều trị bao nhiêu lần? Toàn bộ kế hoạch điều trị sẽ kéo dài bao lâu?

Về tác dụng phụ và các dịch vụ hỗ trợ

  • Làm cách nào để trẻ vượt qua ảnh hưởng thể chất và tinh thần của phương pháp điều trị này?
  • Có chăm sóc hỗ trợ và luyện tập bổ sung (như liệu pháp âm nhạc, châm cứu, vật lý trị liệu cho trẻ bại não và hình ảnh hướng dẫn) giúp trẻ cải thiện hơn không?
  • Những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị? Những tác dụng phụ này sẽ kéo dài bao lâu?
  • Nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ tác động như thế nào để giảm các tác dụng phụ này? Tôi có thể làm gì để giúp trẻ cảm thấy tốt hơn?
  • Những tác dụng phụ vĩnh viễn hoặc lâu dài có thể xảy ra sau khi điều trị kết thúc?
  • Khả năng sinh sản của trẻ có bị ảnh hưởng không? Các giải pháp để bảo tồn khả năng sinh sản cho trẻ là gì?

Đưa ra quyết định

  • Khi nào chúng tôi cần lựa chọn phương pháp điều trị?
  • Khi nào trẻ cần bắt đầu điều trị?
  • Trẻ nên làm những thủ thuật gì trước khi bắt đầu điều trị, ví dụ trẻ có nên đi khám răng không? Trẻ và những người thân khác trong gia đình có nên chích ngừa hoặc tránh loại vắc-xin nào không?

Hi vọng bài viết trên đã cung cấp các thông tin cần thiết cho phụ huynh trong quá trình chuẩn bị, tham vấn về những phương pháp điều trị ung thư của trẻ em.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin