Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Điều trị viêm u bã đậu như thế nào? Biện pháp ngăn ngừa viêm u bã đậu

Ngày 02/12/2023
Kích thước chữ

U bã đậu là loại bệnh lành tính, không gây ra đau, không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Nhưng nếu rơi vào tình trạng viêm u bã đậu thì chúng sẽ gây ra đau nhức, có mủ, lở loét và gây mất thẩm mỹ. Vậy điều trị viêm u bã đậu như thế nào?

U bã đậu có thể xuất hiện ở mọi bộ phận trên cơ thể bạn, nhất là những vùng thường xuyên tiết ra mồ hôi hoặc dịch nhầy. Vậy u bã đậu là gì? Dấu hiệu nhận biết ra sao? Điều trị viêm u bã đậu và cách phòng ngừa như thế nào? Mời các bạn đón đọc bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Nguyên nhân và triệu chứng của u bã đậu

U bã đậu là một nốt nổi phồng phát triển chậm dưới da, có lớp vỏ ngoài và bên trong là chất bã mềm, màu trắng đục hoặc màu vàng nhạt. Đây là một loại u lành tính, thường không gây đau, nhưng để thời gian lâu, chúng sẽ gây cảm giác khó chịu hoặc tấy và khi có sự xâm nhập của vi khuẩn thì dễ gây ra viêm nhiễm, u bã đậu có thể gây đau nhức, lở loét, có mủ. U bã đậu có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể.

Nguyên nhân hình thành nên u bã đậu

Thông thường, tuyến bã trong cơ thể có chức năng tiết ra chất bã, chất này đi qua một ống để vào nang lông, tiếp đó thoát ra ngoài nhờ chui qua lỗ chân lông, điều này khiến da được bôi trơn. Khi đó, nếu xảy ra hiện tượng tắc ống tuyến bã thì chất bã không thể bài tiết ra ngoài, rồi cứ thế tụ đọng lại và dần dần tạo ra u bã đậu. U bã đậu có thể tiến triển thành viêm u bã đậu trong điều kiện thuận lợi.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác làm cho u bã đậu hình thành đó là:

  • Đến tuổi dậy thì;
  • Da từng bị tổn thương;
  • Hàng ngày không vệ sinh da sạch sẽ, đặc biệt là da nhờn.
Điều trị viêm u bã đậu như thế nào? Biện pháp ngăn ngừa viêm u bã đậu 1
Tắc ống tuyến bã là nguyên nhân chính gây nên u bã đậu

Dấu hiệu nhận biết viêm u bã đậu

Một số dấu hiệu nhận biết u bã đậu như sau:

  • Bên ngoài nhìn giống như mụn bọc;
  • Nổi trên bề mặt da, khi sờ vào có cảm giác nhẵn mềm, không đau;
  • Khi nắn sẽ thấy u có thể di chuyển;
  • Thường xuất hiện ở những nơi tiết ra nhiều mồ hôi như mặt, tai, vành tai, nách, vai, lưng, mông…
  • Nếu bị viêm u bã đậu thì sẽ gây ra đau đớn, khó chịu, thậm chí là sốt. Lúc này, đầu u có màu xanh, nếu bị vỡ ra sẽ xuất hiện chất dịch màu vàng cộng thêm mùi hôi chảy ra.
Điều trị viêm u bã đậu như thế nào? Biện pháp ngăn ngừa viêm u bã đậu 2
Viêm u bã đậu gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh

U bã đậu có nguy hiểm hay không?

Trên thực tế, u bã đậu thường không gây nguy hiểm. Bản chất của u bã đậu loại u lành tính, không có khả năng chuyển thành ác tính. Nhưng nếu nặn hoặc rạch u ra để lấy nhân bên trong ra hết thì nguy cơ bị viêm nhiễm rất cao, bởi khối u có thể tái phát nhiều lần. Ngoài ra, những người đã được phẫu thuật cắt bỏ u bã đậu, mà không chăm sóc cẩn thận hoặc không đảm bảo vệ sinh thì rất dễ bị viêm nhiễm.

Thông thường, trường hợp bị u bã đậu rất ít gây ra đau, tuy nhiên khi u bã đậu bị viêm thì dễ bị hoại tử, gây ra đau nhức, mưng mủ và lở loét. Mặc dù chúng không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khoẻ, nhưng chúng gây mất thẩm mỹ nếu xuất hiện ở mặt, tai, cằm… Một số trường hợp, u bã đậu có kích thước lớn có thể chèn vào dây thần kinh, khiến người bệnh rất khó chịu và đau nhức.

U bã đậu khi bị viêm nhiễm thường gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh. Vậy điều trị viêm u bã đậu như thế nào?

Phương pháp điều trị viêm u bã đậu

Để điều trị viêm u bã đậu, trước hết bác sĩ chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng, đồng thời sẽ thực hiện một số xét nghiệm như: Xét nghiệm chỉ số viêm, siêu âm, chụp CT - Scanner… để xác định tình trạng viêm u bã đậu. Từ đó bác sĩ có kế hoạch điều trị phù hợp.

U bã đậu rất khó để biến mất. Khối u là hậu quả của tình trạng bít kín lỗ chân lông, vì thế khi tuyến bã nhờn ở lỗ chân lông được thông thoáng hoặc cơ thể được giải độc, giải nhiệt. Khi đó u bã đậu mới dần nhỏ đi và teo lại. Tuy nhiên, trường hợp này là rất hiếm.

Phương pháp tốt nhất để điều trị u bã đậu là phẫu thuật cắt bỏ khối u, khi khối u có kích thước 1 - 2cm, chưa xảy ra hiện tượng bội nhiễm u bã đậu. Nếu u càng to thì càng dễ có mủ, viêm loét, nguy cơ nhiễm khuẩn tăng cao, điều này làm việc điều trị trở nên khó khăn hơn và sau điều trị rất dễ bị để lại sẹo.

Tuy nhiên, việc phẫu thuật được diễn ra chỉ khi khối u chưa bị viêm, vì khi khối u bị viêm thì lúc phẫu thuật khối u rất dễ bị vỡ, khó cắt bỏ được hoàn toàn khối u, hơn nữa còn làm tăng nguy cơ tái phát. Với trường hợp bị viêm u bã đậu, việc điều trị viêm u bã đậu là điều cần thiết. Lúc này, bệnh nhân bị viêm u bã đậu sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau cho đến khi khỏi viêm hoàn toàn, khi đó sẽ thực hiện phẫu thuật. Để tránh tình trạng viêm xảy ra, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật loại bỏ u bã đậu.

Phẫu thuật u bã đậu có 2 dạng được thực hiện, đó là:

  • Phẫu thuật rạch da: Quá trình phẫu thuật u bã đậu diễn ra một cách nhanh chóng khoảng 30 - 45 phút kể từ khi bắt đầu. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, tiếp đó bác sĩ sẽ dùng dao phẫu thuật vô khuẩn rạch nhỏ một đường tại vị trí của khối u, nhằm bóc và loại bỏ toàn bộ bã đậu ở bên trong cũng như lớp vỏ bọc khối u. Khối u được bỏ hoàn toàn, bác sĩ sẽ khâu lại và bệnh nhân có thể ra về mà không cần phải ở lại bệnh viện.
  • Phẫu thuật Laser: Đây là phương pháp điều trị hiện đại hơn so với cách phẫu thuật thông thường. Thực hiện phẫu thuật Laser bằng cách dùng tia Laser với nhiệt độ thích hợp để khiến cho khối u bay hơi, ít để lại sẹo.

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể bị đau nhức tại vị trí phẫu thuật trong vòng vài ngày, rồi từ từ sẽ chấm dứt hoàn toàn. Người bệnh có thể ăn uống như thường ngày, không cần phải ăn kiêng.

Ngoài ra, người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh trong vài ngày đầu sau phẫu thuật nhằm tránh làm rách vết mổ, đồng thời thực hiện đầy đủ các phương pháp chăm sóc da như bác sĩ đã tư vấn và hướng dẫn. Nhưng nếu bị sốt, mệt mỏi hoặc vết mổ bị đau, sưng, đỏ, nóng… thì hãy đến bệnh viện ngay để thăm khám và điều trị, tránh những biến chứng xảy ra.

Không phải mọi trường hợp gặp phải u bã đậu đều cần phải phẫu thuật, nếu u bã đậu nhỏ thì có thể được điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để ngăn chặn sự phát triển của u.

Điều trị viêm u bã đậu như thế nào? Biện pháp ngăn ngừa viêm u bã đậu 3
Sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm u bã đậu

Biện pháp ngăn ngừa viêm u bã đậu

Để tránh tình trạng viêm u bã đậu hay u bã đậu xuất hiện hoặc tái phát, người bệnh cần lưu ý một số điều như sau:

  • U bã đậu thường nổi lên như nổi mụn bọc, rất dễ nhầm với mụn, nhọt thông thường, nên hãy cẩn thận với loại u này bởi khi nặn chúng rất dễ bị mọc lại.
  • Thường xuyên chăm sóc da, vệ sinh sạch sẽ và giữ da luôn được khô thoáng, đặc biệt người da dầu luôn phải lau sạch, vệ sinh thường xuyên.
  • Nên tắm rửa mỗi ngày bằng nước ấm để lỗ chân lông được thông thoáng.
  • Khi mua xà phòng hoặc sữa tắm thì hãy lựa chọn những loại có công dụng làm thoáng và khô da.
Điều trị viêm u bã đậu như thế nào? Biện pháp ngăn ngừa viêm u bã đậu 4
Vệ sinh và chăm sóc da thường xuyên để phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm u bã đậu

Trên đây là những thông tin về tình trạng xuất hiện u bã đậu. Hy vọng qua bài viết này, người đọc có thể biết được phương pháp điều trị viêm u bã đậu. Khi gặp phải tình trạng ngày, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để khám và chữa trị, tránh dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.

Xem thêm: U bã đậu ở tai: Triệu chứng nhận biết, nguyên nhân và cách điều trị

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.