Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thế nào là khối u lành tính? Các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện nay

Ngày 25/10/2022
Kích thước chữ

Không giống với ung thư, khối u lành tính có những đặc điểm và tính chất riêng. Vậy thế nào là khối u lành tính? Các phương pháp chẩn đoán và điều trị có gì khác so với khối u ác tính không?

Nhiều người bệnh sau khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các khối u thường tỏ ra lo lắng và nghĩ rằng mình đã mắc bệnh ung thư. Thực tế khối u được chia làm hai loại là u ác tính và các khối u lành tính. Tuy nhiên vẫn có không ít người chưa biết “Thế nào là khối u lành tính?”. Mời bạn cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây.

Thế nào là khối u lành tính?

Khối u lành tính là các khối u hình thành bên trong cơ thể nhưng không phải là ung thư. Khác với khối u ác tính, u lành tính không xâm lấn các mô ở xung quanh, không lan rộng, di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Như vậy, u lành tính xuất hiện ở cơ quan nào thì chỉ phát triển ở cơ quan đó, không có khả năng vượt ra ngoài để tấn công các cơ quan khác của cơ thể.

Bất kể ở độ tuổi hay giới tính nào cũng có thể mắc u lành tính. Chúng có thể xuất hiện ở mọi bộ phận trong cơ thể như tử cung, buồng trứng, dưới da, mô mỡ… Thông thường, các khối u lành tính thường có bề mặt trơn nhẵn, ranh giới của khối u rõ ràng.

Thế nào là khối u lành tính? Thế nào là khối u lành tính?

Các loại u lành tính thường gặp

Hiện nay, tỷ lệ người mắc u lành tính tương đối cao. Các loại u lành tính khá đa dạng, bao gồm:

U tuyến: Đây là một loại u lành tính khá hiếm gặp ở người. Chúng được tạo thành và phát triển trong các tế bào biểu mô của cấu trúc tuyến. U tuyến thường xuất hiện ở các vị trí như polyp đại tràng, gan, tuyến yên, tuyến giáp... U tuyến là polyp đại tràng cần đặc biệt quan tâm vì tỷ lệ chuyển sang ung thư của nó lên đến 10%. Vì thế trong một vài trường hợp, cần xem xét thực hiện phẫu thuật cắt bỏ để hạn chế nguy cơ phát triển thành u ác tính.

U xơ: U xơ là loại u rất phổ biến. U xơ có nguồn gốc từ mô xơ hoặc mô liên kết, có thể xuất hiện ở bất kỳ cơ quan nào nhưng hay gặp nhất là u xơ tử cung. Một số khối u xơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đôi khi gây đau do chèn ép, gây chậm kinh, rong kinh ở nữ giới thì nên xem xét cắt bỏ.

U máu: U máu được hình thành từ các mạch máu phụ, do các tế bào máu tích tụ tạo thành. Loại u này phổ biến ở trẻ em, thường xuất hiện trên da ở vị trí đầu, cổ, ít xuất hiện ở tay, chân. Ban đầu là các vệt nhỏ màu đỏ, sau đó khối u phát triển và lớn dần về kích thước, màu sắc sẫm hơn. Thông thường, u máu không gây nguy hiểm và có thể tự tiêu biến theo thời gian mà không cần can thiệp điều trị.

U mỡ: U mỡ là một loại u lành tính được hình thành từ mô mỡ dưới da. Loại u này phổ biến ở người lớn độ tuổi từ 40 - 60 tuổi, thường xuất hiện ở cổ, vai, lưng. Chúng có dạng hình tròn, phát triển chậm và có khả năng di chuyển khi chạm vào.

Thế nào là khối u lành tính? Các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện nay 2 Bệnh nhân có khối u mỡ to ở sau lưng

Ngoài ra còn có một số loại u lành tính ít phổ biến hơn như u cơ trơn ở cơ bắp, u xương sụn, u tế bào hắc tố.

Khối u lành tính hình thành do đâu?

Theo chu trình sinh học bình thường của cơ thể, khi một tế bào già chết đi sẽ được thay thế bằng một tế bào non mới có chức năng tương tự. Trong một vài trường hợp, khi có các yếu tố tác động khiến tế bào mới được sinh ra liên tục trong khi các tế bào già chưa mất đi dẫn đến hiện tượng “tích tụ” tế bào và hình thành khối u theo thời gian.

Nguyên nhân chính xác dẫn đến việc các khối u lành tính hình thành hiện nay vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên các chuyên gia y tế đã xác định được một số yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự phát triển của u lành tính:

  • Môi trường sống và làm việc độc hại, ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với các chất phóng xạ.
  • Yếu tố di truyền: Người có cha mẹ hoặc người thân có tiền sử mắc bệnh sẽ có nguy cơ cao hơn.
  • Gặp chấn thương hoặc viêm, nhiễm trùng.
  • Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, thường xuyên stress, căng thẳng.

Chẩn đoán và điều trị khối u lành tính ra sao?

Kỹ thuật chẩn đoán khối u lành tính

Khi phát hiện cơ thể có một khối u mới hoặc khối u cũ có các thay đổi bất thường về màu sắc, kích thước thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra. Mục đích quan trọng nhất của việc chẩn đoán là xác nhận xem khối u là lành tính hay ác tính.

Ban đầu, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng bằng việc hỏi tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, các triệu chứng gặp phải, quan sát khối u nếu có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Sau đó sẽ tiến hành thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán chính xác:

  • Siêu âm.
  • Chụp X-quang.
  • Chụp nhũ ảnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan).
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
Thế nào là khối u lành tính? Các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện nay 3 Bệnh nhân tiến hành chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra khối u

Bên cạnh đó bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm máu để tìm các dấu ấn ung thư hoặc sinh thiết để xác định xem khối u đó có lành tính hay không?

Các phương pháp điều trị u lành tính

Theo thống kê, đa số các khối u lành tính đều khá an toàn và không gây nguy hiểm đến người bệnh. Vì thế có những khối u lành mà người bệnh có thể chung sống suốt đời mà không cần can thiệp điều trị, chỉ cần theo dõi và thăm khám định kỳ để kiểm tra xem có vấn đề gì bất thường không.

Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan bởi khi cơ thể tiếp xúc với các hóa chất độc hại hay có các yếu tố khác tác động thì u lành tính có thể chuyển thành khối u ác tính và gây ung thư. Việc kiểm tra và phát hiện sớm khối u ác tính có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này đảm bảo không bỏ lỡ “thời điểm vàng” để điều trị bệnh, tăng khả năng sống sót của bệnh nhân.

Trường hợp một số khối u lành tính tuy không chuyển sang ung thư nhưng phát triển với kích thước lớn ở các vị trí như cổ, mặt, gây mất thẩm mỹ hay chèn ép, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì sẽ được bác sĩ đề xuất điều trị.

U lành tính thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị, được chỉ định nhiều nhất là phẫu thuật. Trong đó kỹ thuật nội soi thường được áp dụng như nội soi phần trên đường tiêu hóa, nội soi đại tràng. Ưu điểm của kỹ thuật này là chỉ cần một vết rạch rất nhỏ đã loại bỏ được khối u. Từ đó, giảm thiểu nguy cơ gây nhiễm trùng, giảm thời gian nằm viện và quá trình hồi phục nhanh hơn.

Đối với việc điều trị, can thiệp xâm lấn càng nhiều thì thời gian vết thương lành hoàn toàn càng lâu. Ví dụ như sinh thiết khối u da sẽ mất vài tuần để hồi phục và cần theo dõi kỹ để tránh nhiễm trùng.

Thế nào là khối u lành tính? Các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện nay 4 Phẫu thuật loại bỏ khối u là phương pháp được sử dụng rộng rãi

Nếu các khối u ở các vị trí khó tiếp cận, phẫu thuật gây nguy hiểm thì bác sĩ có thể chỉ định phương pháp xạ trị để giảm kích thước khối u và ngăn chặn nó phát triển lớn hơn.

Khi các khối u không được loại bỏ hoàn toàn thì bạn cần thường xuyên kiểm tra và xét nghiệm định kỳ để đảm bảo không có gì bất thường xảy ra.

Bài viết trên đây hy vọng đã giúp bạn trả lời được câu hỏi “Thế nào là khối u lành tính”. Nắm được các tính chất của khối u giúp bạn có thể đưa ra những lựa chọn điều trị phù hợp. Đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin sức khỏe bổ ích nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin