Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Độc cá nóc nguy hiểm như thế nào? Cách xử trí khi bị ngộ độc cá nóc

Ngày 29/09/2022
Kích thước chữ

Cá nóc là thực phẩm để chế biến một số món ngon như sushi, sashimi ở nền ẩm thực các nước Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Tuy nhiên, độc cá nóc trong thịt cá có thể gây tử vong nếu đầu bếp không có kỹ năng sơ chế đúng cách.

Không thể phủ nhận được sức hấp dẫn của những món ăn từ cá nóc nhưng sinh vật này lại chứa độc tố rất mạnh. Độc cá nóc có thể gây ngộ độc thực phẩm và khiến nạn nhân tử vong. Vậy có nên ăn cá nóc không? Độc cá nóc nguy hiểm như thế nào? Và cách xử trí khi bị ngộ độc cá nóc?

Ăn cá nóc có tốt không?

Cá nóc hay còn gọi là cá đùi gà, cá cóc, cá bống biển. Hiện nay, có khoảng hơn 400 loài cá nóc và ở Việt Nam có khoảng 66 loài, trong đó có chứa 40 loài gây độc. Theo các chuyên gia ẩm thực, thịt cá nóc thơm ngon, có vị ngọt và dai. Khi được xử lý đúng quy trình, đúng cách thì đây là một món ăn cực hấp dẫn. Tuy nhiên nếu gặp sai sót trong quá trình chế biến thì món ăn này có thể gây ngộ độc rất nguy hiểm và có thể gây chết người. Ở Việt Nam, quy trình chế biến cá nóc còn chưa được kiểm soát gắt gao nên xuất hiện khá nhiều trường hợp bị ngộ độc cá nóc. 

Độc cá nóc xuất hiện ở nội tạng, túi tinh, cơ bụng và đặc biệt có trong cả trứng cá. Tuỳ thuộc vào mỗi loài cá nóc mà độc tố sẽ có độ nặng nhẹ khác nhau. Độc cá nóc chính là tetrodotoxin, được sinh ra từ các vi khuẩn cộng sinh trên cá nóc. Trên thực tế, loại độc này thường có ở nội tạng, buồng trứng cá. Và khi được xử lý đúng cách thì thịt cá hoàn toàn không chứa độc tố, an toàn cho người dùng. Chính vì thế, để chế biến cá nóc cần một người thợ được đào tạo chuyên môn cao, mới có thể xử lý được cá nóc. 

Độc cá nóc nguy hiểm như thế nào? Cách xử trí khi bị ngộ độc cá nóc 1 Cá nóc là một trong các sinh vật có chứa độc tố mạnh nhất

Tại sao ăn cá nóc lại bị ngộ độc?

Độc trong cá nóc chính là chất tetrodotoxin. Chất độc không bị phá hủy hoàn toàn khi đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ mà chỉ giảm một nửa. Độc chất này bị phá hủy hoàn toàn khi đun ở 200 độ C trong 10 phút. Chính vì vậy, chỉ xử lý chế biến thông thường hay phơi khô, độc tố này chưa bị phá hủy. Do đó, bị ngộ độc cá nóc là không thể tránh khỏi. Chất độc tetrodotoxin gây ảnh hưởng rất mạnh đến thần kinh, gây ra tình trạng liệt cơ, suy hô hấp hay thậm chí là tử vong khi không được cấp cứu chữa kịp thời.

Theo các nghiên cứu đã chỉ ra 4mg thịt cá nóc chứa lượng độc chất đủ giết một chú thỏ nặng 1kg. Và khoảng 10g thịt cá nóc chứa độc khiến người từ khỏe mạnh rơi vào tình trạng ngộ độc. 1 - 2 mg chất độc này đã khiến con người tử vong.

Ngộ độc cá nóc có thể do chưa biết đến độc chất có trong loại cá này mà vô tình ăn phải, hay chưa biết cách chế biến loại bỏ độc cá. 

Tetrodotoxin là chất độc cực mạnh. Chất độc này có độc mạnh gấp 1000 lần so với xyanua mặc dù xyanua đã là một trong những độc chất đứng đầu. Khi tetrodotoxin hấp thu qua đường tiêu hóa chỉ cần 5 đến 15 phút cơ thể đã phản ứng lại. Kênh natri bị ức chế, cản trở quá trình sinh điện thế và truyền các xung động thần kinh. Từ đó các cơ bị liệt, suy hô hấp và hệ thần kinh bị ảnh hưởng. 

Độc cá nóc nguy hiểm như thế nào? Cách xử trí khi bị ngộ độc cá nóc 2 Đầu bếp chế biến cá nóc phải được đào tạo chuyên môn rất kỹ càng

Ngộ độc cá nóc có biểu hiện như thế nào?

Sau khi ngộ độc độc tố tetrodotoxin có trong cá nóc, cơ thể người bắt đầu có những triệu chứng ngộ độc như tê, chảy nước dãi, ngứa ran vùng miệng, buồn nôn và nôn sau khi ăn 10 đến 45 phút. Ngoài một số triệu chứng thường gặp trên thì còn một số triệu chứng khác mà bệnh nhân có thể gặp như:

  • Mệt mỏi.
  • Hoa mắt, chóng mặt.
  • Mất phản xạ.
  • Hạ huyết áp.

Và dần dần các triệu chứng sẽ chuyển biến nặng hơn sau 4 - 6 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời. Nguy cơ cao người bệnh không được cứu chữa kịp có thể bị tê liệt toàn thân, mất ý thức, có suy hô hấp hay thậm chí tử vong.

Độc chất tetrodotoxin có trong cá nóc hấp thụ vào cơ thể sẽ gây ra 4 cấp độ ngộ độc bao gồm:

  • Ngộ độc cấp 1: Người bị trúng độc sẽ có cảm giác tê miệng, tăng tiết nước bọt, có rối loạn tiêu hóa như buồn nôn và tiêu chảy.
  • Ngộ độc cấp 2: Bệnh nhân có triệu chứng tê lưỡi, các chi hay một số vị trí khác cũng bị liệt, liệt chức năng vận động của cơ thể. Dần dần người bệnh sẽ có xu hướng nói ngọng, ra nhiều mồ hôi, đau đầu nhưng vẫn đáp ứng phản xạ bình thường. 
  • Ngộ độc cấp 3: Cơ thể bắt đầu có triệu chứng co giật toàn thân, có tình trạng suy hô hấp xuất hiện. Đồng tử mắt giãn ra hết sức, đôi mắt mất dần sự phản xạ với ánh sáng. Bệnh nhân vẫn còn tỉnh.
  • Ngộ độc cấp 4: Bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy hiểm. Người ngộ độc bị suy hô hấp rất nặng, nhịp tim đập loạn và rơi vào trạng thái hôn mê. 

Mặc dù với y học hiện đại, ngộ độc cá nóc có thể xử trí và điều trị phục hồi sau 1 ngày nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, các biện pháp chỉ có tác dụng điều trị hỗ trợ không thể loại các độc tố ra khỏi cơ thể người bệnh. 

Độc cá nóc nguy hiểm như thế nào? Cách xử trí khi bị ngộ độc cá nóc 3 Buồn nôn là một trong các triệu chứng có thể gặp phải khi bạn bị ngộ độc cá nóc

Xử trí khi ngộ độc cá nóc

Cách xử trí ngộ độc cá nóc cần phải tuân theo nguyên tắc: Hạn chế các độc tố được hấp thụ đi sâu vào cơ thể, điều trị loại bỏ các triệu chứng và can thiệp tích cực khi có triệu chứng nặng để bảo đảm tính mạng. 

Khi thấy người ngộ độc cá nóc có thể xử lý nhanh chóng bằng cách:

  • Cố gắng hỗ trợ người ngộ độc nôn hết thức ăn đã ăn trước đó. Kích thích gây nôn cho người ngộ độc bằng cách để người đó ngồi thẳng người, nằm nghiêng một phía để tránh sặc lên phổi.
  • Nếu người ngộ độc còn tỉnh thì có thể cho sử dụng than hoạt tính sau 1 giờ ăn tùy thuộc vào từng lứa tuổi và cân nặng. Đối với trẻ em dưới 1 tuổi dùng 1g than hoạt tính cho cùng 1kg cân nặng và pha cùng 50ml nước lọc. Trẻ dưới 12 tuổi dùng 25g than hoạt tính pha cùng với 200ml nước. Người lớn thì dùng 30g than hoạt tính cùng 300ml nước. 
  • Người bệnh có triệu chứng khó thở hay thở yếu, ngưng thở thì có thể hô hấp nhân tạo hoặc thổi ngạt để hỗ trợ. 

Để tránh bị ngộ độc thì mọi người không nên sử dụng những sản phẩm từ các nóc nếu không có nguồn gốc rõ ràng, tìm hiểu kĩ các nhà hàng chế biến cá nóc để đảm bảo quy trình chế biến cá nóc đúng cách.

Ngộ độc cá nóc vẫn là một trường hợp vô cùng nguy hiểm của giới ẩm thực. Khi ăn phải độc cá nóc, chúng ta có thể rất dễ rơi vào tình trạng nguy kịch đặc biệt có thể dẫn đến tử vong. Hy vọng những kiến thức bổ ích trên về độc cá nóc có thể giúp bạn bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất cho bản thân cũng như những người thân bên cạnh mình. 

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin