Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đục thủy tinh thể có chữa được không?

Ngày 15/05/2022
Kích thước chữ

Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng mù lòa ở người cao tuổi trên thế giới là do mắc bệnh đục thủy tinh thể. Vậy câu hỏi được đặt ra là “Liệu đục thủy tinh thể có chữa được không?”. Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Đục thủy tinh thể là một bệnh khúc xạ làm giảm thị lực của người bệnh, thường gặp ở những người cao tuổi. Trước khi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Liệu đục thủy tinh thể có chữa được không?”, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu bệnh đục thủy tinh thể này nhé!

Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể là một cấu trúc trong nhãn cầu mang chức năng như một thấu kính hội tụ để tập trung ánh sáng đi tới mắt tại võng mạc. Võng mạc là nơi tiếp nhận và gửi tín hiệu thị giác tới não bộ của chúng ta. Thủy tinh thể phải trong suốt thì mới có thể tạo được hình ảnh rõ nét.

Đục thủy tinh thể là tình trạng mờ đục của thể thủy tinh do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Thể thủy tinh được cấu tạo phần lớn bởi nước và protein. Các phân tử protein được sắp xếp theo một trật tự nhất định để đảm bảo cho ánh sáng đi xuyên qua và hội tụ lại ở võng mạc. Trong một số trường hợp protein bị tập trung lại tạo thành đám khiến cho ánh sáng đi qua bị tán xạ. Điều này tạo ra những vị trí mờ đục trong thể thủy tinh ngăn cản ánh sáng tới được võng mạc dẫn tới giảm thị lực của người bệnh.

Đục thủy tinh thể có chữa được không? 1 Đục thủy tinh thể có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

Các nguyên nhân gây đục thủy tinh thể 

Đục thủy tinh thể ở trẻ nhỏ hoặc bẩm sinh

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể do di truyền hoặc do bệnh của phôi trong thời kỳ mang thai.

Các hình thái của đục thể thủy tinh bẩm sinh:

  • Đục cực.
  • Đục đường khớp.
  • Đục nhân.
  • Đục bao.
  • Đục lớp hoặc đục vùng.
  • Đục thể thủy tinh hoàn toàn.
  • Đục dạng màng.

Đục thể thủy tinh bẩm sinh có thể kèm theo lác, rung giật nhãn cầu và một số biểu hiện của bệnh toàn thân như dị dạng sọ, dị dạng hệ cơ - xương - khớp hoặc các rối loạn về phát triển trí tuệ.

Đục thủy tinh thể do tuổi già 

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây giảm sút thị lực ở người lớn tuổi. Bệnh này là hậu quả của nhiều yếu tố và chưa được hiểu biết rõ ràng. Đến nay, người ta mới tìm ra nguyên nhân bắt nguồn từ rối loạn quá trình dị hóa đường glucose trong thể thủy tinh dẫn tới rối loạn quá trình tổng hợp protein tại đó.

Đục thủy tinh thể do tuổi già có ba hình thái đó là:

  • Đục nhân thể thủy tinh.
  • Đục vỏ thể thủy tinh.
  • Đục thể thủy tinh dưới bao sau.

Đục thủy tinh thể do chấn thương

Chấn thương cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể trong cuộc sống. Những nguyên nhân có thể kể tới là: 

  • Đục thủy tinh thể sau chấn thương đụng dập: Chấn thương đụng dập có thể gây rách bao làm cho thủy dịch trong nhãn cầu ngấm vào trong, các sợi thể thủy tinh ngấm nước. Từ đó dẫn tới đục thể thủy tinh rất nhanh.
  • Đục thủy tinh thể sau chấn thương xuyên: Chấn thương xuyên thể thuỷ tinh thường gây đục vỏ thể thuỷ tinh ở vị trí bị rách, thường tiến triển dần dần đến đục hoàn toàn. Đôi khi vết thương nhỏ trên bao trước có thể tự lành để lại vùng đục nhỏ ổn định. 
  • Đục thủy tinh thể do bức xạ:
    • Bức xạ ion hóa;
    • Bức xạ hồng ngoại;
    • Bức xạ tử ngoại;
    • Bức xạ sóng ngắn.

Đục thủy tinh thể do hóa chất: Bỏng mắt do kiềm thường dẫn tới đục thể thủy tinh. Bỏng mắt do axit thường ít có khả năng gây ra bệnh này hơn.

Đục thủy tinh thể bệnh lý

Những người mắc những bệnh lý nhất định sẽ có khả năng dẫn tới biến chứng là đục thủy tinh thể như:

  • Bệnh đái tháo đường.
  • Bệnh hạ canxi huyết.
  • Đục thủy tinh thể sau khi mắc viêm màng bồ đào.
  • Đục thủy tinh thể do thuốc.

Đục thủy tinh thể có chữa được không?

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm loại thuốc nào có tác dụng làm chậm lại, phòng tránh hoặc làm đảo ngược sự phát triển của đục thể thể thuỷ tinh. Nhiều thuốc chống đục thể thuỷ tinh đang được nghiên cứu, trong đó có các thuốc làm giảm Sorbitol, aspirin, các thuốc làm tăng Glutathione và các vitamin chống oxy hóa như vitamin E và vitamin C.

Đối với trường hợp đục thủy tinh thể ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể sẽ được chỉ định đeo kính, sử dụng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt tại nơi làm việc. Nếu những biện pháp trên không có tác dụng thì buộc phải thực hiện phẫu thuật để điều trị đục thủy tinh thể. Quyết định phẫu thuật căn cứ vào chức năng thị giác suy giảm có ảnh hưởng nhiều đến công tác và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân hay không. Vậy, đục thể thủy tinh vẫn có thể được chữa khỏi.

>>> Tham khảo ngay: Thuốc nhỏ mắt Kary Uni phòng ngừa và điều trị giai đoạn sớm của bệnh đục thủy tinh thể ở người lớn tuổi có xuất xứ từ Nhật Bản!

Đục thủy tinh thể có chữa được không? 2 Đục thủy tinh thể có chữa được không?

Điều trị đục thủy tinh thể bằng phẫu thuật

Phẫu thuật chữa trị bệnh đục thủy tinh thể sẽ thực hiện lấy thể thủy tinh bị đục ra và đặt một thấu kính khác vào để thay thế. Hiện nay phẫu thuật đục thủy tinh thể chủ yếu có hai phương pháp.

Phương pháp nhũ tương hóa hóa thủy tinh thể (phương pháp Phaco): 

  • Tạo một đường rạch nhỏ tại một bên của giác mạc (màng ngoài cùng phía trước của nhẫn cầu).
  • Đưa thiết bị nhỏ vào mắt có khả năng phát sóng siêu âm khiến thủy tinh thể mềm và phân tách thành các mảnh nhỏ.
  • Hút các mảnh nhỏ của thủy tinh thể ra. 
  • Đây là phương pháp phẫu thuật đục thể thủy tinh rất phổ biến và là một trong những cách điều trị tốt nhất. Lí do là bởi phương pháp phẫu thuật này có ưu điểm là vết rạch nhỏ nên khả năng hồi phục thị lực nhanh, biến chứng xảy ra rất ít. Các ca phẫu thuật Phaco chỉ thực hiện trong khoảng thời gian từ 5 tới 10 phút.
Đục thủy tinh thể có chữa được không? 4 Phương pháp phẫu thuật Phaco chữa trị đục thủy tinh thể

Phương pháp lấy thủy tinh thể ngoài bao: 

  • Đầu tiên, phẫu thuật viên sẽ tạo một đường rạch dài hơn tại một phía của giác mạc
  • Lấy nhân cứng của thể thủy tinh ra rồi hút những phần còn sót lại.

Sau khi đã hoàn thành lấy thể thủy tinh ở hai phương pháp trên, bác sĩ sẽ đặt một thấu kính nội nhãn thay vào đó. Kính nội nhãn là thấu kính nhân tạo và trong suốt, chúng sẽ trở thành một phần của mắt bệnh nhân cho tới suốt đời mà không cần phải chăm sóc nó. 

Đề phòng đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong khả năng nhìn làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy chúng ta cần có những biện pháp đề phòng đục thủy tinh thể như: 

  • Chúng ta cần có đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động để phòng tránh đục thủy tinh thể do chấn thương.
  • Những người có nguy cơ cao bị đục thể thủy tinh như người mắc bệnh đái tháo đường, viêm màng bồ đào cần tiến hành theo dõi và điều trị sát sao.
  • Khi bà mẹ có thai trong vòng 3 tháng đầu tiên cần tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây dị dạng, đột biến như tia xạ, hóa chất độc, thuốc trừ sâu, người bị cúm, sốt phát ban… để tránh trường hợp đục thể thủy tinh bẩm sinh cho con.
  • Cần đội mũ và đeo kính bảo vệ mắt khi đi tham gia giao thông hoặc trong quá trình lao động.
  • Xây dựng và tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh: Thường xuyên bổ sung các loại vitamin C, A, E và các chất khác như lutein, kẽm zeaxanthin. Chúng thường có nhiều trong các thực phẩm như trái cây, rau xanh, ngũ cốc… Đồng thời, chúng ta cần hạn chế hút thuốc lá và uống bia rượu.
Đục thủy tinh thể có chữa được không? 5 Mang đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động để phòng tránh đục thủy tinh thể

Vậy qua bài viết trên bạn đã phần nào có câu trả lời cho câu hỏi “Đục thủy tinh thể có chữa được không?” cùng với những thông tin vô cùng bổ ích khác liên quan tới bệnh này. Người ta có câu “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, do đó hãy giữ gìn cho đôi mắt của bạn luôn sáng nhé! 

Ánh Vũ 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin