Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không?

Ngày 17/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tụy là một trong những cơ quan quan trọng thuộc hệ tiêu hóa. Viêm tụy cấp là bệnh lý gây ra bởi nhiễm trùng thứ phát, gây những ảnh hưởng đến hoạt động của tụy cũng như sức khỏe của người bệnh. Vậy viêm tụy cấp là gì? Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không?

Viêm tụy cấp là một trong những bệnh lý về tiêu hóa nguy hiểm. Tùy vào nguyên nhân, tuổi tác cũng như bệnh lý đi kèm mà tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh này tương đối cao, dao động từ 5 - 15%. Để trả lời thắc mắc viêm tụy cấp có chữa khỏi được không, trước tiên hãy cùng Nhà Thuốc điểm qua một vài thông tin xoay quanh bệnh viêm tụy cấp nhé.

Viêm tụy cấp là gì?

Tụy là cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, đảm nhiệm 2 chức năng chính là sản sinh hormone điều hòa đường huyết và điều tiết enzyme hỗ trợ tiêu hóa. Các bác sĩ chỉ ra rằng: Bất cứ vấn đề sức khỏe nào ở tụy cũng khiến cho chức năng của hệ tiêu hóa bị suy giảm và viêm tụy là tình trạng hay gặp nhất.

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm tụy tiến triển nhanh trong một thời gian ngắn kèm theo các triệu chứng đột ngột với cường độ dữ dội. Đôi khi, người bệnh có nhiều triệu chứng nặng dần ảnh hưởng lớn đến sức khỏe trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp viêm tụy cấp nhẹ, có thể tự khỏi mà không cần điều trị tích cực.

Cơ chế bệnh sinh của viêm tụy cấp: Viêm tụy cấp gây ra bởi sự hoạt hóa các tiền enzym thành các enzym có hoạt tính ngay trong lòng tuyến tụy, từ đó hủy hoại nhu mô tụy và kéo theo một loạt các phản ứng viêm toàn thân khác.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm tụy cấp, trong đó phải kể đến:

  • Rượu: Đây là nguyên nhân gây viêm tụy cấp thường gặp nhất.
  • Tắc nghẽn sỏi ống mật chủ, u vùng vater, giun chui ống mật hay u tụy (dạng nang hoặc u ác tính).
  • Sau phẫu thuật vùng quanh tụy hoặc sau can thiệp nội soi mật - tụy ngược dòng.
  • Chấn thương gây tổn thương tụy.
  • Các rối loạn chuyển hóa có thể kể đến như tăng canxi máu, tăng triglycerid máu.
  • Một số nguyên nhân khác như nhiễm virus, vi khuẩn, thuốc…
  • Ngoài ra, trên thực tế cũng có khoảng 10 - 15% viêm tụy cấp không xác định được nguyên nhân.
Giải đáp thắc mắc: Viêm tụy cấp là gì? Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không? 1
Rượu là một trong những tác nhân gây viêm tụy cấp

Triệu chứng của viêm tụy cấp

Tùy vào nguyên nhân và mức độ bệnh mà viêm tụy cấp có các triệu chứng lâm sàng khác nhau, song thường gặp nhất là:

  • Đau bụng: Đau vùng thượng vị, đau dữ dội và đột ngột, kéo dài. Đau có xu hướng lan ra sau lưng hoặc hai bên hạ sườn trái và phải.
  • Buồn nôn, nôn: Nôn nhiều và liên tục. Triệu chứng này thường xảy ra sau đau, nôn xong không hết đau. 
  • Chướng bụng, bí trung đại tiện: Xuất hiện ở đa số người bệnh viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp có đi ngoài phân lỏng nhiều lần.
  • Sốt: Có thể xuất hiện sớm trong 2 - 3 ngày đầu.
  • Xuất hiện các vết hoặc mảng bầm tím ở da vùng quanh rốn hoặc vùng hông trái hoặc vùng sườn lưng trái.
  • Ngoài ra, tùy từng bệnh cảnh mà người bệnh có thể có rối loạn ý thức, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, thiểu niệu hoặc vô niệu.

Bên cạnh triệu chứng lâm sàng, viêm tụy cấp còn biểu hiện trên các kết quả cận lâm sàng, cụ thể:

  • Xét nghiệm: Nồng độ amylase trong huyết thanh và nước tiểu tăng cao. Định lượng men lipase trong huyết thanh tăng gấp 3 lần so với bình thường.
  • Siêu âm: Tụy to từng phần hoặc toàn bộ, nhu mô tụy không đều, có thể có dịch trong ổ bụng và quanh tụy.
Giải đáp thắc mắc: Viêm tụy cấp là gì? Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không? 2
Đau bụng dữ dội là một trong những triệu chứng thường gặp ở người bệnh viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không?

Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không? Câu trả lời là có. Nếu điều trị tích cực, người bệnh có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh cần được nhập viện điều trị và theo dõi phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Một câu hỏi đặt ra: Viêm tụy cấp điều trị ra sao?

Điều trị viêm tụy cấp sẽ chia thành 2 giai đoạn, đầu tiên là kiểm soát tình trạng bệnh và đẩy lùi triệu chứng, sau đó là điều trị tận gốc bệnh.

Giai đoạn 1: Điều trị kiểm soát bệnh viêm tụy cấp

Việc đầu tiên mà điều trị cần hướng đến đó là phục hồi chức năng của tụy, đảm bảo hoạt động trong cơ thể diễn ra bình thường. Người bệnh cần được cung cấp dinh dưỡng trực tiếp qua đường truyền tĩnh mạch nhằm hạn chế hoạt động của tuyến tụy trong việc tiêu hóa thức ăn.

Thông thường, tùy theo đáp ứng điều trị của từng người mà việc điều trị kiểm soát bệnh có thể kéo dài từ một đến vài tuần. Khi bệnh đã được kiểm soát, người bệnh có thể bắt đầu ăn các thực phẩm lỏng và nhạt, dần dần sẽ quay trở lại chế độ dinh dưỡng bình thường.

Tùy theo triệu chứng mà người bệnh gặp phải, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp, trong đó phải đảm bảo nguyên tắc tránh mất cân bằng nước và điện giải, kiểm soát các cơn đau bụng kéo dài.

Giai đoạn 2: Điều trị viêm tủy cấp triệt để

Sau khi kết thúc giai đoạn 1, tình trạng viêm tủy cấp đã được kiểm soát tốt, bác sĩ sẽ chỉ định chuyển sang giai đoạn 2 - điều trị tận gốc viêm tủy cấp. Các phương pháp điều trị viêm tụy cấp bao gồm:

  • Phẫu thuật tụy.
  • Phẫu thuật cắt túi mật nếu có sỏi túi mật.
  • Can thiệp lấy sỏi đường mật qua nội soi mật tụy ngược dòng.

Để đạt được hiệu quả tối ưu, trong quá trình điều trị, người bệnh cần nắm được một số lưu ý sau:

  • Nói không với các chất kích thích, đồ uống có ga và có cồn.
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, hạn chế hấp thu chất béo.
  • Bổ sung enzym hỗ trợ tiêu hóa trong thời gian chức năng tụy chưa hồi phục hoàn toàn.
  • Duy trì chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi khoa học và lành mạnh.
Giải đáp thắc mắc: Viêm tụy cấp là gì? Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không? 3
Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không là câu hỏi nhiều người quan tâm

Biến chứng của viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ diễn biến rất nhanh và phức tạp, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Một số biến chứng của viêm tụy cấp người bệnh có thể gặp phải như:

  • Sốc: Đây là biến chứng xảy ra sớm. Biến chứng này thường xảy ra ở những ngày đầu tiên của bệnh. Ban đầu là sốc do giảm thể tích tuần hoàn, sau có thể do chảy máu hoặc nhiễm khuẩn nhu mô tụy nặng.
  • Xuất huyết: Xuất huyết tại tuyến tụy, trong ống tiêu hóa, trong ổ bụng hoặc các cơ quan khác do tổn thương các mạch máu gây ra bởi men tụy. Biến chứng này thường xuất hiện ngay trong tuần đầu tiên của viêm tụy cấp. Đa số các trường hợp xuất huyết đều có tiên lượng nặng.
  • Suy đa tạng: Viêm tụy cấp nếu không được điều trị sẽ có thể dẫn đến suy đa tạng bao gồm suy hô hấp, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu.
  • Hoại tử tụy: Có khoảng 30% các trường hợp viêm tụy cấp diễn biến thành hoại tử tụy. Tình trạng viêm khiến các mạch máu bị tắc, dẫn đến nhu mô tụy hoại tử. Đây được đánh giá là biến chứng nặng và để lại hậu quả lâu dài với người bệnh.
  • Nang giả tụy: Biến chứng này thường xảy ra ở tuần thứ 2 hoặc thứ 3 của bệnh, nguyên nhân xuất phát từ quá trình đóng kén để khu trú các tổn thương tại nhu mô tụy. Trong nang giả tụy có chứa các chất dịch, enzym tuyến tụy và các mảnh vỡ của nhu mô tuyến tụy. Nếu không được điều trị sớm có thể gây bội nhiễm và xuất huyết.
  • Viêm tụy mãn tính: Viêm tụy cấp tái phát nhiều lần có thể gây ảnh hưởng xấu đến các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, từ đó người bệnh có nguy cơ mắc đái tháo đường thậm chí là ung thư tuyến tụy.
Giải đáp thắc mắc: Viêm tụy cấp là gì? Viêm tụy cấp có chữa khỏi được không? 4
Nang giả tụy là một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm tụy cấp

Trên đây là toàn bộ thông tin xoay quanh bệnh lý viêm tụy cấp. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết hôm nay của Nhà Thuốc Long Châu có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về viêm tụy cấp này đồng thời tìm được câu trả lời cho câu hỏi viêm tụy cấp có chữa khỏi được không. Đừng quên truy cập trang web của Nhà Thuốc Long Châu mỗi ngày để cập nhật thêm nhiều bài viết sức khỏe bổ ích.

Vũ Ánh

Nguồn tham khảo: medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm