Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Shock là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 05/02/2023
Kích thước chữ

Shock là cụm từ khá thường gặp trong y khoa nhưng không phải ai trong số chúng ta cũng hiểu shock là gì, biểu hiện như thế nào và có những loại nào. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ.

Hầu hết chúng ta đều biết shock là một trạng thái sức khỏe nguy hiểm, đôi khi đe dọa đến tính mạng. Nhưng không phải ai cũng biết shock là gì? Điều gì dẫn đến tình trạng này và shock có biểu hiện ra sao. Nếu bạn cũng là một trong số đó, cùng Long Châu tìm hiểu A - Z trong bài viết này bạn nhé!

Shock là gì? 

Shock được định nghĩa là tình trạng suy giảm tưới máu và cung cấp máu đến các hệ cơ quan trong cơ thể. Kết quả là các tế bào bị rối loạn chức năng và hậu quả nặng nề nhất là dẫn đến tử vong.

Khi bệnh nhân bị shock, cơ thể của họ sẽ giảm cung lượng tim, giảm khối lượng tuần hoàn, giãn mao mạch... Đây được xem là bệnh lý thường gặp trong hồi sức cấp cứu. Nếu không được cấp cứu, chữa trị kịp thời, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.

shock là gì 4
Người bị shock cần được cấp cứu kịp thời

Các loại shock thường gặp nhất

Đến đây, chúng ta đã phần nào hiểu được shock là gì. Nhưng shock cũng có rất nhiều loại. Và để hiểu rõ hơn chúng ta nên đọc thêm những thông tin chi tiết về các loại shock. 

Shock chấn thương

Đây là tình trạng xảy ra sau khi bệnh nhân bị chấn thương mổ hay bỏng. Shock chấn thương có những triệu chứng đặc trưng như: Lưu lượng tim giảm, suy tuần hoàn, thiếu oxy đến toàn cơ thể. Nó là tình trạng suy sụp toàn thân kéo dài và hoàn toàn khác với tình trạng tụt huyết áp tạm thời khi mổ, gây tê hay sử dụng các loại thuốc,... Shock chấn thương cũng gồm nhiều loại: 

  • Sốc cương: Xảy ra trong khoảng 30 phút đầu với những triệu chứng mạch nhanh, thở gấp, huyết áp tăng…
  • Sốc nhược: Suy giảm phản ứng của toàn thân khi hệ thần kinh trung ương bị ức chế. Sốc nhược có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng gây khó khăn cho việc tiên lượng bệnh và điều trị. 
  • Sốc hồi phục và không hồi phục: Gây ra bởi quá trình thiếu oxy kéo dài. Sốc phục hồi hay không phụ thuộc vào tình trạng tổn thương của các cơ quan quan trọng và việc cung cấp máu. Các tổn thương sẽ bắt đầu từ não rồi lan đến các cơ quan khác.

Shock nhiễm khuẩn

Nguyên nhân của dạng sốc này chính là các loại vi khuẩn, điển hình như trực khuẩn gram âm (chiếm hơn 70% trường hợp). Trực khuẩn gram dương tuy ít gây bệnh hơn nhưng lại có thể gây sốc nghiêm trọng hơn. Có thể kể đến các loại vi khuẩn gây sốc thường gặp nhất như: 

  • Vi khuẩn gram dương: Staphylococcus, Pneumococcus, CloStridium Perfringens, Streptococci, CloStridium Tetani,...
  • Vi khuẩn gram âm: Proteus, Klebsiella, Pseudomonas, Escherichia Coli,...
shock là gì 1
Trực khuẩn Pseudomonas

Sốc giảm thể tích máu

Khi tìm hiểu shock là gì bạn đã biết đây là tình trạng diễn ra khi suy giảm tưới máu và cung cấp máu đến các cơ quan trong cơ thể. Sốc giảm thể tích máu chính là tình trạng sốc do thiếu oxy tổ chức, làm giảm huyết áp. Có 2 loại sốc do giảm thể tích máu tương đối và tuyệt đối nhưng triệu chứng chung là tim phải đập nhanh hơn, làm giảm cung lượng tim.

Dạng sốc này cũng khiến tế bào thiếu oxy nên kéo dài hô hấp tế bào yếm khí khiến tế bào bị tổn thương và hoại tử. Với bệnh nhân là người cao tuổi có tiền sử xơ vữa động mạch, dạng sốc này dễ dẫn đến tổn thương tim, não, thận và các biến chứng đe dọa tính mạng.

Sốc phản vệ

Sốc phản vệ gây ra do các loại thuốc và chất độc. Bệnh nhân sẽ bị sốc dạng này sau khi ăn, uống gì đó, bị một loài sinh vật nào đó đốt, cắn hoặc sau khi tiêm một loại thuốc nào đó. Triệu chứng sốc phản vệ có thể xảy ra sau từ vài phút đến 30 phút. 

Triệu chứng thường gặp của shock 

Có thể kể đến những triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất của shock như: 

  • Triệu chứng ở hệ thần kinh: Ban đầu, thần kinh bị kích thích sau đó chuyển sang trạng thái ức chế, giảm phản xạ và vẫn còn tri thức.
  • Triệu chứng ở toàn thân: Khuôn mặt tái mét, các đầu ngón tay, đầu ngón chân thâm tím, xuất hiện các mảng thâm tím trên da, khi dùng ngón tay ấn vào thì màu nhạt nhưng sau đó trở lại như cũ. Cơ thể lạnh nhưng vã mồ hôi.
  • Triệu chứng hệ tuần hoàn: Huyết áp hạ và dao động, mạch đập nhanh.
  • Triệu chứng hô hấp: Thở gấp dẫn tới oxy máu giảm, càng ngày bệnh nhân có xu hướng thở càng nông và nhanh.
  • Triệu chứng tiết niệu: Mạch máu thân bị có thắt khiến lượng nước tiểu giảm.
  • Triệu chứng sinh hóa: Kali máu tăng, toan chuyển hóa.
shock là gì 2
Tìm hiểu shock là gì bạn sẽ thấy triệu chứng của từng dạng sốc có thể khác nhau

Ngoài ra, từng dạng sốc sẽ có những triệu chứng đặc trưng. Cụ thể như: 

  • Sốc nhiễm khuẩn: Người bệnh có triệu chứng sốt cao hoặc hạ thân nhiệt. Đôi khi xuất hiện các cơn rét run. Xét nghiệm máu sẽ thấy lượng bạch cầu tăng. Bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng có nguy cơ cao suy đa tạng như suy thận cấp, suy gan, rối loạn thần kinh, rối loạn đông máu, hội chứng ARDS.
  • Sốc giảm thể tích máu: Mạch nhanh, hạ huyết áp, tĩnh mạch trung tâm áp lực hạ, đầu gối có mảng tím, rối loạn ý thức, khát nước, vô niệu, tím tái đầu ngón chân, đầu ngón tay và đầu gối có mảng tím. Thở nhanh, da niêm mạc nhợt nhạt, môi tím, thân nhiệt hạ.
  • Sốc phản vệ: Phế quản co thắt, phù thanh quản, suy hô hấp, tụt huyết áp và nhanh chóng dẫn đến tử vong. Một số triệu chứng đi kèm khác như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy…
  • Sốc do suy tim cấp hoặc ép tim: Sẽ có các triệu chứng nổi tĩnh mạch cổ, phù phổi cấp.

Cách điều trị shock

Nguyên tắc trong điều trị shock là cần tiến hành đồng thời hai việc: Cải thiện tưới máu mô và xử lý nguyên nhân gây sốc. Điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng mô bị thiếu máu kéo dài dẫn đến suy đa tạng không phục hồi. Những việc các bác sĩ sẽ làm để điều trị bệnh nhân bị sốc gồm: 

  • Cung cấp oxy và giảm tiêu thụ oxy.
  • Bù dịch là cách đầu tiên được áp dụng để ổn định huyết động bởi đa số các loại sốc đều gây giảm thể tích tuần hoàn trong những giờ đầu. Bệnh nhân bị sốc giảm thể tích hoặc đáp ứng kém với bù dịch cần truyền dịch nhiều hơn. 
  • Cho bệnh nhân dùng thuốc vận mạch khi bù dịch không hiệu quả (huyết áp trung bình không tăng > 65 mmHg). 
  • Thuốc tăng co bóp cơ tim được dùng khi bệnh nhân có triệu chứng sốc tim, suy tim sung huyết, tăng áp phổi sau cuộc phẫu thuật tim. 
  • Bệnh nhân bị thiếu máu nặng hoặc mất máu đang tiếp diễn cần được truyền máu để hồi sức ban đầu. 
  • Điều trị nguyên nhân gây sốc rất quan trọng. Theo đó, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh phổ rộng để tiêu diệt ổ vi khuẩn khi bệnh nhân bị sốt nhiễm khuẩn. Nếu bệnh nhân bị sốc mất máu bác sĩ sẽ tiến hành cầm máu. Bệnh nhân sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp sẽ được thông mạch vành…
shock là gì 3
Nguyên tắc trong điều trị shock

Sơ cứu các loại sốc kịp thời vô cùng quan trọng, ví dụ sơ cứu sốc phản vệ kịp thời sẽ giúp bệnh nhân giữ được tính mạng. Vì vậy, ngoài tìm hiểu shock là gì, mỗi người trong chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm các cách cấp cứu trong từng trường hợp để chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin