Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Hiện tượng huyết khối tĩnh mạch là gì? Các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch

Ngày 12/05/2023
Kích thước chữ

Huyết khối tĩnh mạch là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến được các nhà khoa học và bác sĩ quan tâm nhiều trong những năm gần đây. Vậy yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Nguyên nhân gây nên huyết khối tĩnh mạch chủ yếu là do sự rối loạn đông máu trong cơ thể, ngoài ra cũng có thể do thành mạch bị tổn thương và bất động. Ở bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu về hiện tượng này, đồng thời đưa ra một số yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Huyết khối tĩnh mạch là gì?

Hệ thống tĩnh mạch có nhiệm vụ đưa máu nghèo oxy (máu đã được trao đổi oxy tại các cơ quan) trở về tim. Có 3 loại tĩnh mạch trong cơ thể, bao gồm tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và các tĩnh mạch xuyên đưa máu từ tĩnh mạch nông đổ về tĩnh mạch sâu. Tĩnh mạch có các van một chiều, cho phép máu di chuyển theo hướng nhất định.

Huyết khối tĩnh mạch xảy ra khi có cục máu đông hình thành bên trong lòng tĩnh mạch, có thể xảy ra ở bất cứ tĩnh mạch nào trong cơ thể, thường gặp nhất là huyết khối tĩnh mạch chi dưới.

Hiện tượng huyết khối tĩnh mạch là gì? Các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch 1
Huyết khối tĩnh mạch là gì?

Yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch

Yếu tố di truyền

Khả năng một người mắc huyết khối tĩnh mạch là kết quả của sự kết hợp bởi nhiều yếu tố, một trong số đó là yếu tố di truyền, gây thúc đẩy sự hình thành huyết khối về sau:

  • Yếu tố V Leiden: Đây là dạng bệnh lý phổ biến, là kết quả của sự đột biến gen, cụ thể là gen quy định yếu tố V, trong đó acid amin thứ 506 là arginine bị thay thế bởi acid amin glutamine. Đột biến này phổ biến hơn ở người da trắng.
  • Đột biến gen prothrombin: Đột biến gen này làm tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch lên 2 - 3 lần bởi làm tăng nồng độ prothrombin. Tuy nhiên, đột biến này chỉ gây ra nguy cơ nhẹ, do vậy huyết khối thường chỉ xuất hiện khi có kèm thêm các yếu tố nguy cơ mắc phải hoặc yếu tố di truyền khác.
  • Tăng homocystein máu: Một vài phân tích cho thấy có sự tương quan giữa tăng homocystein máu với nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch. Homocystein máu tăng làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch ở những bệnh nhân đã có sẵn những yếu tố nguy cơ khác.
Hiện tượng huyết khối tĩnh mạch là gì? Các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch 2
Người bệnh mắc huyết khối tĩnh mạch có thể do di truyền

Tuổi tác

Yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch gia tăng theo độ tuổi. Huyết khối tĩnh mạch sâu ít gặp phải ở những người trẻ tuổi, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc huyết khối tĩnh mạch càng lớn. Nhiều ý kiến cho rằng đó là do tình trạng đa bệnh lý xuất hiện chủ yếu ở những người cao tuổi, kèm với đó là sự giảm trương lực cơ, tình trạng vận động kém và những thoái hóa ở hệ mạch.

Các vấn đề về tim

Một số bệnh lý về tim cũng là các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, ví dụ:

  • Suy tim: Suy tim mạn tính làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt là những bệnh nhân suy tim phân độ NYHA III trở lên.
  • Nhồi máu cơ tim: Nhồi máu cơ tim cũng có mối liên hệ mật thiết với huyết khối tĩnh mạch sâu, nguy cơ này càng tăng cao hơn khi người bệnh có các yếu tố phối hợp khác như thường xuyên trong tình trạng bất động, cao tuổi, suy tim, ứ huyết gây ngừng trệ tuần hoàn.
  • Đột quỵ: Bệnh nhân hồi phục sau cơn đột quỵ cấp có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm huyết khối tĩnh mạch.
Hiện tượng huyết khối tĩnh mạch là gì? Các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch 3
Các bệnh lý về tim là những yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch

Tình trạng bất động

Bệnh nhân bị chấn thương đã được phẫu thuật và đang được điều trị thường xuyên trong tình trạng bất động tại giường cũng là một trong những yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch do máu lưu thông kém. Ngoài ra, di chuyển bằng máy bay hoặc lái xe liên tục trong nhiều giờ cũng được chứng minh là làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Một số bệnh ung thư

Huyết khối tĩnh mạch sâu là biến chứng thường gặp khi bệnh nhân đang phải đối mặt với ung thư. Tỷ lệ mắc huyết khối tĩnh mạch thường cao hơn ở những bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa, ung thư phổi và ung thư vú. Cơ chế của sự hình thành huyết khối này là do:

  • Khối u chèn ép xâm lấn thành mạch hoặc khối u quá lớn làm tắc tĩnh mạch.
  • Ung thư tiến triển làm tăng nồng độ một số chất ức chế đông máu như yếu tố VIII, fibrinogen.

Ngoài ra, các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật cắt bỏ khối u đều làm gia tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, trong đó, sử dụng biện pháp hóa trị là phương pháp làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch do antithrombin trong máu giảm. Khi ngừng sử dụng hóa trị, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch giảm.

Sử dụng thuốc tránh thai và hormone thay thế

Các thuốc ngừa thai chứa hormone estrogen được nghiên cứu là làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch. Ngoài ra, phụ nữ mãn kinh sử dụng thuốc chứa hormone thay thế cũng như chưa từng phẫu thuật cắt bỏ tử cung cũng được nghiên cứu và cho thấy sẽ phải đối mặt với nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng cấp là yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, bởi điều này làm ảnh hưởng tới khả năng lưu thông máu tĩnh mạch hoặc gây kích thích quá trình đông máu. Ngoài ra, nhiễm trùng làm thay đổi chức năng nội mạc mạch máu do kích hoạt bạch cầu, làm mất nước. Nhiễm trùng luôn đi kèm với hiện tượng viêm, vốn làm tăng CRP, mà các bệnh lý viêm đã được chứng minh là cũng làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Các biện pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch

Như đã nói ở trên, phẫu thuật có thể gây ra tình trạng huyết khối tĩnh mạch. Để phòng ngừa, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc ức chế máu đông trước hoặc sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên ngừng sử dụng một số loại thuốc trước khi phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân thường được khuyến khích đứng dậy và đi lại để giải tỏa áp lực máu ở chân, tránh hình thành cục máu đông gây huyết khối tĩnh mạch sâu.

Đối với những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt là huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, khi đi công tác hoặc du lịch trong khoảng thời gian dài, cần thực hiện các khuyến nghị dưới đây:

  • Uống nhiều nước.
  • Mặc quần áo rộng.
  • Ưu tiên kéo duỗi chân đều đặn và đi bộ nếu có thể. Ví dụ, nếu di chuyển bằng ô tô, hãy dừng lại và đi ra ngoài sải bước sau một khoảng thời gian nhất định.
Hiện tượng huyết khối tĩnh mạch là gì? Các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch 4
Bệnh nhân được khuyến khích đi lại sau mổ để tránh hình thành huyết khối tĩnh mạch

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu về hiện tượng huyết khối tĩnh mạch, đồng thời đưa ra một số yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường, thậm chí là tử vong. Vì vậy, khi nghi ngờ mắc phải tình trạng này, bạn cần đến gặp bác sĩ để được đưa ra liệu pháp điều trị kịp thời. Chúc bạn đọc sức khỏe và hãy tiếp tục theo dõi những bài viết sắp tới trên trang web của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

 Vũ Ánh

Nguồn tham khảo: timmachhoc.vn, vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Tai biến