Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hiểu đúng về viễn thị để có cách chữa trị và phòng ngừa tốt nhất

Ngày 16/03/2022
Kích thước chữ

Viễn thị là một tật khúc xạ ở mắt có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Triệu chứng tương đối giống tật lão thị ở người già. Vậy viễn thị có thể chữa trị được không? Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa ở bài viết dưới nhé.

Thông thường người bị viễn thị có thể nhìn các vật ở xa rõ ràng hơn so với nhìn các vật thể ở gần. Tỷ lệ mắc các bệnh khúc xạ ở Việt Nam ngày càng tăng và trong đó viễn thị.

Tìm hiểu về tật viễn thị

Viễn thị là tình trạng mắt không nhìn rõ các vật ở gần, nhưng có thể nhìn rõ vật ở xa. Viễn thị có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bạn. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân viễn thị chỉ có thể nhìn được ở khoảng cách rất xa. 

Viễn thị là tình trạng sai lệch trong khúc xạ. Khi các tia sáng song song đi vào mắt hội tụ phía sau võng mạc thay vì hội tụ ngay võng mạc để thu được hình ảnh rõ nhất. Để nhìn rõ hơn mắt bệnh nhân phải điều tiết để hình ảnh từ phía sau đưa lên đúng ngay trên võng mạc.

Hiểu đúng về viễn thị để có cách chữa trị và phòng ngừa tốt nhất 1 Viễn thị làm hình ảnh thu được nằm sau võng mạc nên mắt không nhìn rõ

Nguyên nhân bị viễn thị

Nguyên nhân thường thấy đó là do trục nhãn cầu của mắt ngắn khiến hình ảnh thu được nằm sau võng mạc thay vì nằm trên võng mạc như bình thường. 

Hầu như các trẻ sơ sinh đều bị viễn thị. Nhưng khi lớn lên, mắt tăng dần chiều dài và sẽ hết viễn thị khi đến tuổi trưởng thành. Còn một số trường hợp sự phát triển này không hoàn chỉnh sẽ dẫn đến viễn thị. Bên cạnh đó, di truyền cũng là một nguyên nhân vì tỷ lệ bạn mắc viễn thị cao hơn nếu có ba mẹ bị viễn thị.

Ngoài ra do một số nguyên nhân khác như mắt bị tổn thương do va đập, môi trường làm việc thiếu ánh sáng, căng thẳng do công việc, cuộc sống ảnh hưởng đến thần kinh cũng là nguyên nhân bị các tật khúc xạ ở mắt kể cả viễn thị. Một nguyên nhân khác là có khối u ở mắt, trường hợp này được xem là nguy hiểm và cần được phẫu thuật kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết viễn thị

Những người bị viễn thị thỉnh thoảng có thể bị nhức đầu hoặc đau mắt, phải nheo mắt để điều tiết thấy rõ hình ảnh hoặc cảm thấy mệt mỏi khi làm việc ở khoảng cách gần. Nếu bạn gặp các triệu chứng này khi đeo kính hoặc kính áp tròng thì cần đi kiểm tra mắt và thay kính ngay nhé.

Viễn thị không được điều trị có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hạn chế tầm nhìn, có thể ảnh hưởng đến sự an toàn khi tham gia giao thông. Đối với trẻ đi học phải nheo mắt cố gắng tập trung, gây mỏi mắt và nhức đầu. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây giảm thị lực không thể kiểm soát.

Những ai có nguy cơ mắc viễn thị

Viễn thị là một khuyết tật về mắt phổ biến và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng của viễn thị khi ngoài 40 tuổi và điều này có thể nhầm lẫn với lão thị. Vì lão thị cũng có những dấu hiệu tương tự như viễn thị. Viễn thị cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng thị lực của chúng có thể tự điều chỉnh một cách tự nhiên khi lớn dần.

Chẩn đoán và cách điều trị

Chẩn đoán viễn thị

Sau khi thăm khám và tìm hiểu về tiền sử bệnh của người bị, bác sĩ sẽ tiến hành một số kiểm tra để xác định chính xác tình trạng mắt đang gặp phải.

Đầu tiên bác sĩ cho người bị dùng thuốc nhỏ mắt làm giãn kích thước đồng tử để kiểm tra đồng tử. Sử dụng máy đo độ cận để xác định mức độ nghiêm trọng của các tật khúc xạ. Cuối cùng bác sĩ sẽ chiếu ánh sáng đặc biệt qua mắt để kiểm tra hình ảnh phản chiếu lên võng mạc hay không để chẩn đoán bạn bị cận thị hay viễn thị.

Hiểu đúng về viễn thị để có cách chữa trị và phòng ngừa tốt nhất 2 Nếu có dấu hiệu viễn thị nên đi khám để được tư vấn phù hợp nhất

Phương pháp điều trị viễn thị

Với trẻ nhỏ đang trong độ tuổi phát triển thị giác, não bộ thì không cần điều trị vì sau khi hoàn thiện quá trình phát triển mắt sẽ trở nên bình thường.

Với người lớn có thể điều trị bằng cách đeo kính có gọng hoặc áp tròng để thay đổi tiêu điểm của tia sáng ngay trên võng mạc. Khi chọn kính viễn thị nên chọn tròng kính phi cầu có chiết suất cao, những tròng kính này mỏng, nhẹ hơn làm giảm độ lồi của mắt. Tuy nhiên, tròng kính phi cầu có chiết suất cao sẽ phản xạ ánh sáng nhiều hơn do đó cần có thêm lớp phủ chống chói.

Đối với những trường hợp không muốn đeo kính, bác sĩ sẽ gợi ý phẫu thuật viễn thị bằng tia laser để sửa lại giác mạc và điều chỉnh sao cho hình ảnh được hội tụ chính xác trên võng mạc.

Cách ngăn ngừa tình trạng viễn thị

Những thói quen sinh hoạt hằng ngày có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của mắt. Do đó cần thay đổi một số thói quen để bảo vệ đôi mắt của mình:

  • Lên lịch khám mắt định kỳ 6 tháng/ lần để kiểm tra và phát hiện nguy cơ mắc các tật khúc xạ.
  • Áp dụng chế độ ăn uống bổ sung vitamin cho mắt, nghỉ ngơi khoa học, hạn chế căng thẳng.
  • Học tập và làm việc trong môi trường đủ ánh sáng, cho mắt nghỉ ngơi sau 45 phút làm việc.
  • Đeo mắt kính hoặc kính áp tròng khi bị viễn thị hạn chế bệnh nghiêm trọng hơn.
  • Với những ai mắc bệnh tiểu đường, huyết áp nên có chế độ kiểm soát vì chúng có thể ảnh hưởng đến thần kinh mắt.
Hiểu đúng về viễn thị để có cách chữa trị và phòng ngừa tốt nhất 3 Đeo kính có gọng để giảm tình trạng nặng hơn của tật viễn thị

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng viễn thị nào ở trên đang ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám chính xác. Đặc biệt là khám mắt thường xuyên, rất ít bạn có thói quen này nên dễ dẫn đến tình trạng mắt nặng hơn khi phát hiện ra. Hãy bảo vệ mắt ngay từ bây giờ các bạn nhé.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm