Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chủ động phòng ngừa nguy cơ bệnh bạch hầu lây lan đến các đô thị lớn

Ngày 16/07/2024
Kích thước chữ

Trước tình hình phức tạp của bệnh bạch hầu tại Bắc Giang và Nghệ An, người dân ở các tỉnh thành khác không khỏi lo lắng về khả năng lây lan của bệnh này, đặc biệt tại các thành phố lớn. Cùng tìm hiểu khả năng bệnh có thể lây truyền và ảnh hưởng đến TP.HCM trong bài viết này nhé!

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae với các triệu chứng có thể thấy như đau họng, sốt, khó thở, sưng hạch ở cổ. Dấu hiệu điển hình giúp phân biệt bạch hầu với các bệnh lý khác là lớp giả mạc hay lớp màng dày màu xám hoặc trắng ngà bám dính ở vùng hầu, họng.

Lượng người chủ động tiêm chủng để phòng ngừa đặc hiệu bạch hầu tăng vọt trong tuần qua

Vì tâm lý lo lắng trước tình hình phức tạp của các ổ dịch bạch hầu tại Bắc Giang và Nghệ An, tỷ lệ người dân đến tiêm chủng tại các cơ sở và trung tâm tiêm chủng tăng cao so với các tháng trước đó.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), 3 cơ sở tiêm chủng của trung tâm cũng như các cơ sở chủng ngừa tại các trung tâm y tế cấp quận huyện đều ghi nhận nhu cầu tiêm chủng bạch hầu tăng cao, tuy nhiên chưa có thống kê chi tiết.

HCDC đánh giá về khả năng lan truyền và ảnh hưởng của bạch hầu đến TP.HCM là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhận định được đưa ra dựa trên đặc điểm của TP.HCM như thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc, giao thông đi lại thuận lợi và tỷ lệ du khách cũng như người lao động từ các tỉnh thành khác đến tương đối cao. Do đó, có thể xảy ra trường hợp người mang mầm bệnh đến TP.HCM, từ đó bệnh bạch hầu có cơ hội xuất hiện tại đây.

Hoàn toàn có khả năng bạch hầu lây lan đến TP.HCM. Chủ động tiêm phòng để bảo vệ bản thân và cộng đồng

Tuy nhiên, khả năng bùng phát thành dịch bạch hầu là thấp vì tỷ lệ được tiêm chủng vắc xin bạch hầu trong cộng đồng các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM là tương đối cao. Vắc xin bạch hầu đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng bảo vệ cho trẻ em dưới 5 tuổi. Vì vậy, để chủ động phòng bệnh, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao là trẻ lớn và người lớn nên quan tâm đến việc tái tiêm chủng hay tiêm nhắc lại để giảm khả năng lây truyền bệnh thông qua việc tạo miễn dịch cộng đồng.

Ai là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?

Bạch hầu có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên đây là bệnh thường gặp ở trẻ em chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi cơ bản và mũi tiêm nhắc lại. Ngoài ra, những người lớn chưa được tiêm chủng vắc xin bạch hầu hoặc đã tiêm nhưng chưa đầy đủ số mũi tiêm nhắc theo khuyến cáo mỗi 5 - 10 năm cũng là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.  

Bạch hầu lây qua đường nào?

Bệnh bạch hầu lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, thông qua đường hô hấp, do hít phải các chất tiết đường hô hấp của người nhiễm bệnh khi người bệnh ho, hắt hơi,... Bên cạnh đó, cần đề phòng nguy cơ lây nhiễm bạch hầu qua tiếp xúc với vật dụng cá nhân bị nhiễm chất tiết của người bệnh.

Phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả

Khả năng lây lan và bùng phát thành dịch bạch hầu tại TP.HCM là tương đối khó, nhưng không phải là không thể. Bạch hầu vẫn có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào nếu mỗi người chúng ta không ý thức cảnh giác. Do đó, chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu là vô cùng quan trọng, không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn là gia đình và xã hội.

Biện pháp phòng ngừa đặc hiệu

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng ngừa đặc hiệu giúp ngăn ngừa nguy cơ lây lan và bùng phát bệnh bạch hầu ở TP.HCM.

Hiện tại, tất cả các Trung tâm Tiêm chủng Long Châu trên toàn quốc đều có sẵn các loại vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu phù hợp cho cả trẻ em và người lớn, bao gồm:

  • Vắc xin 6 trong 1 (Infanrix Hexa, Hexaxim) để phòng bạch hầu. Ngoài ra, các bệnh nguy hiểm khác như viêm gan B và các bệnh do H.influenzae tuýp B (HiB), uốn ván, ho gà, bại liệt cũng được phòng ngừa sau khi tiêm chủng.
  • Vắc xin 4 trong 1 (Tetraxim) để phòng bạch hầu. Các bệnh khác cũng được phòng ngừa khi tiêm vắc xin này gồm uốn ván, ho gà và bại liệt.
  • Vắc xin 3 trong 1 (Boostrix, Adacel) để phòng bạch hầu. Uốn ván và ho gà là hai bệnh lý cũng có thể được phòng ngừa thông qua các mũi tiêm của loại vắc xin này.
  • Vắc xin 2 trong 1 (Td) để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và uốn ván.
bien-phap-phong-benh-bach-hau.png

Biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu

Các biện pháp thiết thực khác để phòng bệnh bạch hầu có thể kể đến như:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;
  • Chủ động đeo khẩu trang khi tiếp xúc nơi công cộng, khi di chuyển giữa các địa điểm hoặc các thành phố;
  • Chú ý che miệng khi ho hoặc hắt hơi, vệ sinh mũi họng thường xuyên;
  • Nấu chín thực phẩm trước khi ăn, uống nước được đun sôi để nguội hoặc nước khoáng đóng chai;
  • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, giữ nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng;
  • Thường xuyên theo dõi thông tin về bệnh bạch hầu từ các nguồn uy tín như Bộ Y tế,...

Cần làm gì nếu nghi ngờ mắc bạch hầu?

Các dấu hiệu ban đầu của người mắc bạch hầu rất dễ bỏ qua, có thể bao gồm các triệu chứng của bệnh thông thường như đau họng, sốt, mệt mỏi, chán ăn, sổ mũi,... 

Lớp giả mạc màu trắng ngà hoặc xám, tương đối dai và dính ở tuyến hạnh nhân, vùng hầu họng, thanh quản, mũi có thể xuất hiện sau 2 - 3 ngày là dấu hiệu tương đối đặc hiệu. Trường hợp người bệnh vô tình hoặc cố ý bóc lớp giả mạc có thể gây ra tình trạng chảy máu.

trieu-chung-benh-bach-hau.png

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân hoặc người xung quanh mắc bệnh, cần chủ động cách ly và nhờ sự trợ giúp từ các cơ sở y tế có chức năng khám chữa bệnh.  

Hy vọng bài viết dưới đây đã giúp bạn phần nào đánh giá được khả năng lây lan và xâm nhập bệnh bạch hầu tại TP.HCM. Từ đó, mỗi cá nhân có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh phù hợp với chính mình và góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng. Cho đến hiện tại, việc chủ động tiêm chủng vẫn là giải pháp hiệu quả nhất trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch và bệnh bạch hầu - vấn đề sức khỏe được người dân thành phố đang đặc biệt quan tâm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Anh Tuấn

Đã kiểm duyệt nội dung

Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.

Xem thêm thông tin