Hội chứng dải sợi ối: Triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị
Ngày 29/04/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hội chứng dải sợi ối là do các dải sợi trên túi ối tách ra và quấn vào ngón tay, ngón chân hoặc các phần khác của thai nhi, gây ra một loạt vấn đề phức tạp phụ thuộc vào vị trí và mức độ quấn chặt của các sợi ối. Có nhiều trường hợp trẻ sinh ra gặp phải các vấn đề mất chức năng trên cơ thể do hội chứng này.
Hội chứng dải sợi ối thường xảy ra trong túi ối. Túi ối là một lớp màng mỏng nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ, bọc quanh thai nhi và phát triển trong tử cung của mẹ bầu. Vậy nên khi gặp tình trạng này sẽ khiến thai nhi dễ gặp nguy hiểm hay dị tật.
Thế nào là hội chứng dải sợi ối?
Trong thời kỳ thai nghén, em bé được bọc quanh và bảo vệ bởi một túi chứa chất lỏng được gọi là túi ối và dịch ối. Trong trường hợp bệnh dải sợi ối, các dải mô mỏng hình thành bên trong túi này, giống như các sợi dây cao su, có thể bám vào và quấn quanh em bé hoặc các phần của cơ thể.
Các dải sợi thường xuất hiện xung quanh cánh tay hoặc chân của em bé, nhưng cũng có thể xuất hiện ở các phần khác nhau của cơ thể như đầu, mặt, ngực hoặc bụng. Sự co thắt từ các dải sợi này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé trong thời kỳ thai nghén.
Nếu việc co thắt từ các dải sợi ối không quá nghiêm trọng trong quá trình phát triển của thai nhi, chúng có thể gây ra các nếp nhăn hoặc vết lõm trên da mà không làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể. Thông thường, những dải sợi này chỉ ảnh hưởng đến các lớp mô mềm bên ngoài như da và mô ngay dưới da. Tuy nhiên, những dải sợi chặt hơn có thể đi sâu hơn, làm giảm lưu lượng máu đến các bộ phận của cơ thể, dẫn đến các vấn đề như cắt cụt đầu chi do thiếu máu hoặc tổn thương mô do hoại tử.
Ngược lại, khi hội chứng dải sợi ối ảnh hưởng đến vùng đầu, mặt, ngực hoặc bụng của em bé, nó có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn cho sự phát triển, đặc biệt là trên các chi. Các dải sợi quấn quanh đầu hoặc mặt có thể gây ra biến dạng hộp sọ, nứt môi và chẻ vòm miệng.
Các vòng quấn quanh bụng có thể gây ra biến dạng cho các cơ quan nội tạng như thận hoặc dạ dày, và ở phần lồng ngực, có thể dẫn đến biến dạng hoặc khuyết tật tim. Tuy nhiên, biến chứng nghiêm trọng nhất và có nguy cơ gây tử vong trong dải sợi ối là khi các sợi dải quấn quanh dây rốn.
Triệu chứng cơ bản của dải sợi ối
Hội chứng dải sợi ối có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ thường triệu chứng có thể khó phát hiện, thường chỉ là các vết lõm tròn hoặc vòng quanh ngón tay, cánh tay, hoặc ngón chân của em bé hay có các khoảng cách trên đầu hoặc thân mình.
Khi các dải sợi quấn sâu hơn và chặt hơn, có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như sưng to, phù nề do hạn chế lưu thông máu hoặc gây tắc nghẽn động mạch, ảnh hưởng đến sự phát triển của chi. Ở mức độ nặng, các dải sợi có thể gây ra cắt cụt chi hoặc biến dạng cơ thể như hộp sọ, khuôn mặt, ngực và bụng.
Ngoài ra, khi tình trạng xấu hơn có thể xuất hiện một số biến chứng như:
Dải sợi ối có thể vướng vào một trong hai chân, hạn chế khả năng di chuyển của thai nhi, gây cong vẹo hoặc hoại tử chân.
Chẩn đoán và điều trị hội chứng dải sợi ối
Có một số trường hợp điển hình của hội chứng dải sợi ối có thể được chẩn đoán bằng siêu âm trước khi sinh. Tuy nhiên, đa số các trường hợp chỉ được phát hiện khi trẻ mới sinh, thường là do các vấn đề về cấu trúc hoặc thiếu sót ở các phần của cơ thể.
Khi đó, phương pháp điều trị sẽ được cá nhân hóa cho từng trẻ và đòi hỏi thời gian điều chỉnh lâu dài. Ở mức độ nhẹ, dải sợi ối không gây ra triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe và không cần điều trị. Tuy nhiên, ở mức độ nặng, phẫu thuật thường là lựa chọn duy nhất để cải thiện các vấn đề cấu trúc và chức năng của cơ thể.
Thậm chí, một số trẻ sơ sinh có thể cần phẫu thuật ngay sau khi sinh để khắc phục hoặc ngăn ngừa các vấn đề gây ra bởi dải sợi, như giảm lưu lượng máu và chèn ép vào dây thần kinh; đôi khi có thể cần nhiều lần phẫu thuật. Nếu mức độ co thắt không đe dọa tính mạng, các bác sĩ có thể lựa chọn trì hoãn phẫu thuật cho đến khi trẻ đạt ít nhất 6 tháng tuổi.
Ngoài ra, các phương pháp điều trị khác cũng có thể được xem xét cho trẻ sơ sinh mắc phải hội chứng dải sợi ối, bao gồm:
Phẫu thuật để điều chỉnh di lệch xương đến một vị trí tốt hơn (phẫu thuật tái tổ chức).
Sử dụng trang phục áp lực để kiểm soát sưng nề và tái cấu trúc.
Sử dụng các thiết bị hỗ trợ chức năng của chi như chân giả, tay giả.
Hội chứng dải sợi ối là một tình trạng y tế đặc biệt cần được chú ý và điều trị kịp thời để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Việc phát hiện và can thiệp sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của thai nhi. Đồng thời, việc tăng cường kiến thức và nhận thức về hội chứng này trong cộng đồng y tế cũng là yếu tố quan trọng để cải thiện kết quả lâm sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý và điều trị.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.