Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng Dress là gì? Dấu hiệu để nhận biết và cách điều trị như thế nào?

Ngày 25/02/2023
Kích thước chữ

Hội chứng Dress còn được gọi là hội chứng quá mẫn do thuốc, đây là một hội chứng hiếm gặp. Đặc trưng của hội chứng Dress là tình trạng tăng cao số lượng bạch cầu ái toan và tổn thương hệ thống các cơ quan trong cơ thể.

Nắm bắt được những thông tin cần thiết cũng như biết được nguyên nhân và cách phòng tránh, hướng điều trị khi gặp tình trạng của hội chứng chứng quá mẫn do thuốc sẽ giúp cho người bệnh giảm bớt lo lắng cũng như hạn chế những biến chứng nặng có thể xảy ra. Vậy nên, bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ mang lại thông tin về hội chứng Dress một cách đầy đủ nhất. Mời quý độc giả cùng theo dõi.

Hội chứng Dress là gì?

Hội chứng Dress có tên tiếng anh là Drug Reaction with Eosinophilia and Systemic Symptoms, là phản ứng dị ứng nặng hiếm gặp do thuốc, với các triệu chứng như: Sốt, phát ban, biến đổi các chỉ số về huyết học - tăng bạch cầu ái toan và tổn thương đa cơ quan.

Đây là một bệnh hiếm gặp, được báo cáo lần đầu năm 1996. Theo thống kê, tỷ lệ mắc hội chứng Dress chiếm 1/1000 đến 1/10000 ca bệnh, thường liên quan đến những người lần đầu sử dụng một loại thuốc lạ. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam thường cao hơn so với nữ. Tỉ lệ tử vong chiếm khoảng 10% trong tổng số các các bệnh được phát hiện.

Hội chứng Dress là gì? Các dấu hiệu để nhận biết và cách điều trị như thế nào? 1 Hội chứng Dress được đặc trưng bởi tình trạng tăng bạch cầu ái toan và tổn thương đa cơ quan

Nguyên nhân gây hội chứng Dress

Về bản chất, hội chứng Dress là phản ứng của cơ thể với tình trạng dị ứng thuốc, liên quan đến phản ứng tự miễn quá mức của cơ thể với các thành phần của thuốc. Do đó nguyên nhân gây hội chứng này chủ yếu liên quan đến thuốc, bao gồm:

  • Các thuốc chữa bệnh động kinh như: Phenytoin, carbamazepine, phenobarbital.
  • Nhóm thuốc chống viêm không steroid, paracetamol.
  • Thuốc kháng sinh, thuốc nhóm ức chế men chuyển, thuốc chứa canxi.
  • Thuốc allopurinol cũng có liên quan đến hội chứng này có có yếu tố HLA - B581.
  • Herpes virus (đặc biệt là HHV6, HHV7, EBV) là yếu tố quan trọng khởi phát của hội chứng Dress trên nền bệnh nhân có cơ địa dị ứng thuốc. Kể cả khi bệnh nhân đang ngừng sử dụng thuốc nhưng vẫn có sự tái hoạt động của virus thì vẫn có thể gây ra đợt cấp của bệnh. Tác nhân là herpes virus sẽ khiến bệnh trở nên nặng hơn và đồng thời gây ra phản ứng chéo với nhiều loại thuốc khác.
Hội chứng Dress là gì? Các dấu hiệu để nhận biết và cách điều trị như thế nào? 2 Một số loại thuốc chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra hội chứng Dress

Các triệu chứng của hội chứng Dress

Hội chứng Dress là phản ứng dị ứng hiếm gặp, bệnh diễn biến một cách âm thầm do đó khó có thể phát hiện sớm tình trạng bệnh cho đến khi bệnh có các biểu hiện nặng, diễn biến bệnh trở nên xấu đi. Các biến chứng của bệnh xảy ra nếu không được điều trị và phát hiện kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, có khi nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. 

Qua đây, Nhà thuốc Long Châu xin cung cấp các thông tin cần thiết để nhận biết sớm các triệu chứng khởi phát của hội chứng Dress như sau:

  • Triệu chứng tổn thương da: Trên da, bệnh nhân biểu hiện của tình trạng phát ban đỏ dị ứng, sau dần chuyển thành dạng mụn nước xuất hiện ở trên mặt sau đó lan dần xuống khắp cơ thể và hai chân. Bệnh nhân co thể có biểu hiện phù mặt.
  • Triệu chứng sốt: Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đến rất cao, dao động từ 38 đến 40 độ C, sốt kéo dài và thường không đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường.
  • Triệu chứng của tổn thương các cơ quan nội tạng: Bệnh nhân có biểu hiện tổn thương đa cơ quan như gan, thận, phổi...
  • Triệu chứng bất thường trong xét nghiệm máu: Trong xét nghiệm máu, bệnh nhân có tình trạng tăng cao số lượng bạch cầu ưa acid, tăng bạch cầu lympho.
Hội chứng Dress là gì? Các dấu hiệu để nhận biết và cách điều trị như thế nào? 3 Hội chứng Dress có thể gây tổn thương nặng các cơ quan

Thông thường, biểu hiện tổn thương trên da thường xuất hiện trước, sau đó bệnh nhân mới có các biểu hiện của tổn thương các cơ quan. Nếu sau khi dùng thuốc khoảng 2 - 3 tuần bệnh nhân có biểu hiện tổn thương các cơ quan nội tạng thì người bệnh nên đến các bệnh viện để được khám và điều trị bệnh kịp thời. Trong trường hợp nếu nghi do hội chứng Dress có thể bệnh nhân sẽ có biểu hiện dị ứng dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần và có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Điều trị hội chứng Dress thế nào?

Tùy thuộc vào các triệu chứng bệnh và mức độ tổn thương của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể cho từng cá nhân người bệnh. Cụ thể như sau:

Nguyên tắc chung

Nguyên tắc chung khi điều trị hội chứng này là:

  • Không nên dùng quá nhiều loại thuốc, ngừng ngay việc sử dụng các thuốc khi nghi ngờ về yếu tố dị ứng.
  • Bù nước, điện giải, dinh dưỡng theo chỉ số trên xét nghiệm.
  • Điều trị triệu chứng của tổn thương cơ quan và theo dõi tổn thương cơ quan đích qua các xét nghiệm cận lâm sàng và lâm sàng đánh giá.
  • Thể nhẹ, không có thương tổn nội tạng nặng: Dùng corticoid tại chỗ.
  • Có biến chứng của tổn thương gan, phổi, thận: Dùng corticoid đường toàn thân.

Điều trị cụ thể

Trường hợp không có thương tổn nội tạng nặng:

Biểu hiện không có bằng chứng lâm sàng và cận lâm sàng về tổn thương cơ quan đích như thận, phổi, men gan có thể tăng nhưng nhỏ hơn 3 lần so với bình thường, tổn thương da từ nhẹ đến nặng: Dùng corticosteroid tại chỗ nhóm mạnh hoặc vừa (clobetasol, betamethason) 2 - 3 lần trên ngày dùng trong 1 tuần.

Trường hợp có thương tổn nội tạng nặng:

  • Tổn thương gan nặng: Không nên dùng thuốc đào thải qua gan hoặc thuốc gây nhiều tác dụng phụ trên gan, theo dõi tổn thương gan qua xét nghiệm men gan và đánh giá chức năng gan. Trường hợp nặng chỉ có thể được xử trí bằng ghép gan.
  • Thương tổn phổi hoặc thận nặng (có biểu hiện khó thở trên lâm sàng, tổn thương phổi trên X - quang và thiếu oxy máu hoặc creatinin tăng trên 150% so với bình thường, protein niệu, đái máu): Dùng corticosteroid đường dùng toàn thân (methylprednisolon, prednisolon) liều trung bình đến cao 0,5 - 2 mg/kg/ngày cho đến khi cải thiện ổn định trên lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Sau đó, nên giảm liều thuốc trong 8 - 12 tuần để tránh tái phát.

Trong quá trình điều trị người bệnh đang mắc hội chứng Dress, cần lưu ý về việc sử dụng thuốc, tránh sử dụng bừa bãi, sử dụng nhiều loại khác nhau cùng tác dụng. Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ đã kê đơn, không tự ý mua và sử dụng thuốc bừa bãi. Tuân thủ nguyên tắc điều trị và kê đơn thuốc của bác sĩ sẽ góp phần hạn chế bệnh trở nên nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Qua những thông tin trên, Nhà Thuốc Long Châu hy vọng quý vị độc giả đã có cái nhìn rõ ràng và cụ thể hơn về hội chứng Dress. Hãy sử dụng thuốc một cách hợp lý, dùng đúng theo đơn, dùng đúng liều, tránh lạm dụng thuốc bừa bãi, tìm hiểu kỹ tác dụng cũng như tác dụng phụ của các loại thuốc trước khi sử dụng. Chúc quý vị độc giả có nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin