Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng WPW là gì? Những triệu chứng thường gặp của hội chứng WPW

Ngày 26/02/2023
Kích thước chữ

Hội chứng Wolff - Parkinson - White (WPW) là một loại rối loạn nhịp tim với biểu hiện là những nhịp tim nhanh bất thường xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Tỷ lệ mắc bệnh này khoảng 1 - 3/1000 người và có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu kèm theo rung nhĩ. Để hiểu hơn về hội chứng WPW, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Nhà Thuốc Long Châu.

Trong hội chứng Wolff - Parkinson - White (WPW), dẫn truyền từ nhĩ xuống thất sẽ đi qua các đường dẫn truyền phụ. Nếu rung nhĩ xảy ra, đây là một trường hợp phải cấp cứu vì có thể xuất hiện tần số thất rất nhanh. Vậy triệu chứng thường gặp của hội chứng WPW là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay hội chứng này qua bài viết sau đây.

Hội chứng WPW là gì?

Trước khi tìm hiểu những dấu hiệu nhận biết hội chứng WPW, bạn cũng nên tìm hiểu thế nào là hội chứng WPW? Hội chứng Wolff - Parkinson - White (WPW) là hội chứng xảy ra khi có thêm đường dẫn truyền phụ giữa các buồng tim trên và buồng tim dưới gây nhịp tim nhanh. Mặc dù nhịp tim nhanh thường không đe dọa đến tính mạng nhưng những vấn đề tim mạch nghiêm trọng có thể xảy ra. Việc điều trị có thể giúp ngăn chặn hay ngăn ngừa các cơn nhịp tim nhanh.

Trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân có đường dẫn truyền phụ này đều không bị nhịp tim nhanh. Hiện tượng này được gọi là mô hình Wolff - Parkinson - White thường chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi người bệnh đi khám bệnh. Mặc dù hội chứng Wolff - Parkinson - White thường vô hại, các chuyên gia cũng như các bác sĩ chuyên khoa vẫn đề nghị đánh giá sức khỏe tim mạch của trẻ có hội chứng Wolff - Parkinson - White tham gia các bộ môn thể thao có cường độ cao để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Hội chứng WPW là gì? Những triệu chứng thường gặp của hội chứng WPW 1 Hội chứng WPW là hội chứng gây nên cơn nhịp tim nhanh

Hội chứng WPW chủ yếu là tự phát và phổ biến hơn ở những bệnh nhân mắc một số bệnh lý tim mạch như bệnh cơ tim phì đại, một số dạng cơ tim khác, chuyển vị của các mạch máu lớn, bệnh Epstein… Có 2 dạng chính của hội chứng Wolff - Parkinson - White, đó là: 

  • Hội chứng WPW cổ điển.
  • Hội chứng WPW ẩn giấu.

Những triệu chứng thường gặp của hội chứng WPW

Nếu bạn mắc phải hội chứng WPW có triệu chứng, bạn có thể cảm nhận được nhịp tim đập nhanh trước khi đột ngột chậm lại. Những nhịp tim nhanh một cách bất thường này được gọi là cơn nhịp nhanh trên thất (SVT). Bên cạnh đó, một số dấu hiệu, triệu chứng thường gặp của hội chứng Wolff - Parkinson - White gồm có:

  • Cảm giác tim đập nhanh đột ngột, rung hay đập mạnh (cơn đánh trống ngực).
  • Hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng.
  • Mệt mỏi, uể oải.
  • Khó thở.
  • Có thể ngất xỉu.
  • Cảm giác hồi hộp, lo âu, căng thẳng.
Hội chứng WPW là gì? Những triệu chứng thường gặp của hội chứng WPW 2 Cảm giác hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực là dấu hiệu thường gặp của hội chứng WPW

Một cơn nhịp tim nhanh có thể bắt đầu đột ngột và kéo dài vài giây thậm chí vài giờ. Các đợt nhịp tim nhanh này có thể xảy ra trong lúc tập thể dục hoặc khi nghỉ ngơi. Các chất kích thích như rượu, bia, caffeine… có thể gây kích thích cơn nhịp nhanh. Trong một số trường hợp bệnh nặng hơn, người bệnh mắc hội chứng Wolff - Parkinson - White có thể gặp:

  • Đau ngực.
  • Tức ngực.
  • Khó thở nhiều.
  • Ngất xỉu.

Ngoài ra, bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập ở bên trên. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác của bệnh, hãy tới khám và nghe tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa.

Chẩn đoán hội chứng Wolff - Parkinson - White 

Khi tới các cơ sở y tế thăm khám, các bác sĩ chuyên khoa sẽ thu thập các thông tin về bệnh thông qua việc hỏi bệnh và thăm khám trực tiếp người bệnh. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng khác như:

  • Điện tâm đồ (ECG): Các cảm biến nhỏ sẽ được gắn vào ngực và tay chân để ghi lại các tín hiệu tim khi chúng đi qua tim của người bệnh.
  • Điện tâm đồ cầm tay: Việc sử dụng những thiết bị ECG cầm tay tại nhà giúp người bệnh theo dõi và cung cấp những thông tin cần thiết về nhịp tim của mình cho các bác sĩ. Một màn hình Holter ghi lại hoạt động của tim người bệnh trong vòng 24 giờ. Máy Holter sẽ ghi lại toàn bộ hoạt động tim của người bệnh, đặc biệt là khi người bệnh gặp các triệu chứng nhịp tim nhanh.
  • Xét nghiệm điện sinh lý: Các điện cực có khả năng lập bản đồ với độ chính xác cao sự lan truyền của xung điện trong mỗi nhịp tim đồng thời xác định được con đường điện thêm vào.
Hội chứng WPW là gì? Những triệu chứng thường gặp của hội chứng WPW 3 Điện tâm đồ (ECG) là một trong những xét nghiệm dùng trong chẩn đoán hội chứng WPW 

Điều trị hội chứng Wolff - Parkinson - White

Trong nhiều trường hợp, không có biểu hiện bệnh rõ, hội chứng Wolff - Parkinson - White là vô hại, nếu thời gian xuất hiện ngắn và ổn định thì phần lớn không cần điều trị. Trong trường hợp, các triệu chứng của bệnh xuất hiện với mức độ thường xuyên và nghiêm trọng hơn, người bệnh cần được theo dõi và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm hơn. 

Mục tiêu của điều trị hội chứng Wolff - Parkinson - White bao gồm: Dừng cơn nhịp nhanh trên thất và ngăn ngừa cơn nhịp nhanh tái phát trong tương lai. 

Dừng cơn nhịp nhanh trên thất

Hiện nay, có 3 phương pháp chính được dùng trong điều trị cơn nhịp nhanh trên thất do hội chứng Wolff - Parkinson - White gồm:

  • Bài tập Vagal: Với bài tập này, người bệnh sẽ hít một hơi thật sâu, bịt mũi, ngậm chặt miệng và cố gắng thở ra hết sức: Bài tập này sẽ kích thích vào dây thần kinh phế vị (dây X) và làm chậm các tín hiệu điện tim, khiến tim đập chậm lại.
  • Dùng thuốc: Adenosine là loại thuốc thường được sử dụng khi người bệnh điều trị tại viện, khi đã thực hiện bài tập Vagal không có tác dụng.
  • Sốc tim: Các bác sĩ sẽ dùng phương pháp sốc điện nhằm loại bỏ các tín hiệu điện tim hiện bị rối loạn.

Ngăn ngừa cơn nhịp nhanh trên thất tái phát

Để đề phòng các cơn nhịp nhanh trên thất tái phát gây ra bởi hội chứng Wolff - Parkinson - White, người bệnh cần thực hiện một số điều sau:

  • Thay đổi lối sống: Hạn chế uống bia rượu, luyện tập thể dục thể thao ở mức độ vừa phải sẽ góp phần hạn chế cơn nhịp nhanh trên thất.
  • Dùng thuốc theo y lệnh: Loại thuốc chống loạn nhịp như amiodarone có tác dụng ngăn ngừa cơn nhịp nhanh tái phát do thuốc có khả năng làm chậm các xung điện có trong tim. 
  • Đốt điện bằng năng lượng sóng cao tần: Đây là phương pháp hiện đại, giúp loại bỏ đi đường nối phụ bẩm sinh ở tim, có tác dụng với khoảng 95% trường hợp mắc hội chứng Wolff - Parkinson - White.
Hội chứng WPW là gì? Những triệu chứng thường gặp của hội chứng WPW 4 Luyện tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa cơn nhịp nhanh trên thất

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích về hội chứng WPW cũng như biết được các dấu hiệu thường gặp của bệnh, từ đó có kế hoạch thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả. Nếu bạn còn thắc mắc nào về hội chứng này, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nhé. Chúc bạn nhiều sức khỏe và đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Hellobacsi.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin