Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị

Ngày 24/02/2023
Kích thước chữ

Hội chứng xuất huyết là một trong những nguyên nhân có tỷ lệ gây tử vong cao hàng đầu có liên quan đến chấn thương. Đây là một hội chứng diễn biến thầm lặng nên khiến nhiều người khó chủ quan và có thể phải đối mặt với những tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Vậy hội chứng xuất huyết là gì? Nguyên nhân và triệu chứng bệnh là gì? Biện pháp chẩn đoán và phương pháp điều trị như thế nào?

Hội chứng xuất huyết nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Vậy nên cần phải nhận biết rõ ràng nguyên nhân, triệu chứng bệnh và biến chứng có thể gặp phải để có thể theo dõi sức khỏe của bản thân tốt nhất. Hãy theo dõi bài viết dưới đây nếu bạn quan tâm đến hội chứng xuất huyết.

Hội chứng xuất huyết là gì?

Hội chứng xuất huyết có tên tiếng Anh là Internal Bleeding, là tình trạng máu (chủ yếu là hồng cầu) thoát ra khỏi thành mạch máu do mạch máu bị tổn thương như vỡ, đứt hoặc do tăng tính thẩm thấu thành mạch. Hội chứng xuất huyết cũng gặp ở nhiều chuyên khoa khác nhau như xuất huyết dưới da thường gặp ở nội khoa hoặc khoa truyền nhiễm, xuất huyết dạ dày hay gặp ở khoa tiêu hóa, rong kinh nguyệt gặp ở khoa sản, chảy máu răng lợi ở khoa răng - hàm - mặt…

Thông thường, khi mạch máu bị tổn thương thì cơ thể sẽ lập tức diễn ra phản ứng của cơ chế cầm máu - đông máu (hemostasis) nhằm bịt ngay vết thương lại và làm ngừng chảy máu. Tuy nhiên, khi xảy ra bất kỳ rối loạn nào của cơ chế đông máu - cầm máu như rối loạn về thành mạch, rối loạn đông máu hoặc tiểu cầu đều có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết.

Đối với trường hợp xuất huyết nhẹ, chẳng hạn vỡ các mao mạch hoặc mạch máu nhỏ gần với bề mặt da thường chỉ tạo ra các đốm đỏ nhỏ hoặc vết bầm nhỏ trên da. Đối với trường hợp xuất huyết nặng thường sẽ khó kiểm soát hơn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Trường hợp này thường do tổn thương các mạch máu lớn như động mạch chủ, tĩnh mạch gan… Và đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cao nhất trên thế giới.

Hội chứng xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 1 Hội chứng xuất huyết là trình trạng máu thoát ra khỏi thành mạch

Nguyên nhân gây ra hội chứng xuất huyết

Bất kỳ yếu tố nào làm tổn thương các thành mạch máu đều có khả năng dẫn đến tình trạng xuất huyết. Đối với vết thương nhỏ, cơ thể có thể tự hình thành cục máu đông từ protein và các tế bào hồng cầu để bịt kín các mô bị vỡ giúp cầm máu. Tuy nhiên, đối với các chấn thương nặng, cơ thể sẽ không thể tự cầm máu bằng cách tạo ra cục máu đông. Điều này có nghĩa là máu sẽ tiếp tục thoát ra khỏi thành mạch và gây ra tình trạng xuất huyết.

Cơ chế gây xuất huyết có thể là do các rối loạn về đông máu, tổn thương thành mạch mắc phải hoặc bẩm sinh và cũng có thể giảm số lượng hoặc chất lượng tế bào tiểu cầu. Nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết có thể là do chấn thương nhưng cũng có thể được gây ra bởi các yếu tố làm suy yếu thành mạch theo thời gian hoặc gây cản trở quá hình đông máu. Những yếu tố này bao gồm một số điều kiện như y tế, sử dụng thuốc và lối sống.

Các nguyên nhân tiềm ẩn và yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ xuất huyết có thể là:

  • Do mắc các bệnh nhiễm khuẩn: Nhiễm khuẩn huyết do não mô, bệnh thương hàn, bạch hầu, bệnh sởi hoặc sốt xuất huyết…
  • Do cơ thể thiếu các vitamin C và vitamin PP.
  • Do mắc bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch - dị ứng như viêm thành mạch dị ứng.
  • Mắc một số bệnh nội khoa như đái tháo đường, lao, xơ gan, suy thận…
  • Mắc một số bệnh lý do sự thiếu hụt các yếu tố đông máu của huyết tương như hemophilia A, B, C… giảm proconvertin, prothrombin…
  • Bệnh lý liên quan đến tiểu cầu như suy nhược tiểu cầu (glanzmann), giảm tiểu cầu nguyên phát.
  • Xuất hiện hội chứng đông máu rải rác trong lòng mạch máu do nhiều nguyên nhân khác nhau.
  • Ngoại khoa: Chấn thương, đứt mạch máu…
  • Sản khoa: Mang thai ngoài tử cung, băng huyết…
Hội chứng xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 2 Mang thai ngoài tử cung là một yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng xuất huyết

Triệu chứng của hội chứng xuất huyết

Máu là một thành phần vô cùng quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan, mô và tế bào. Tình trạng xuất huyết có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng không liên quan đến nhau. Tùy thuộc vào vị trí, mức độ và tình trạng xuất huyết mà có những dấu hiệu khác nhau. Vì thế hội chứng xuất huyết được chia thành 3 loại cơ bản với các triệu chứng khác nhau là xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc và xuất huyết nội tạng. Dưới đây là một số triệu chứng cơ bản thường gặp trên lâm sàng ở bệnh nhân bị xuất huyết:

  • Da xanh tái, niêm mạc nhợt.
  • Huyết áp thấp hơn bình thường.
  • Cơ thể mệt mỏi, yếu ớt.
  • Đau đầu, chóng mặt.
  • Xuất huyết dưới da: Da bầm tím xung quanh vị trí xuất huyết, xuất hiện ban xuất huyết…
  •  Xuất huyết nội tạng: Đau bụng, nôn, phân có lẫn máu, phân màu đen hoặc nâu, nước tiểu kèm theo máu…
  • Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu tại vị trí xuất huyết…

Đối với bệnh nhân bị xuất huyết nghiêm trọng có thể gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm xuất hiện chỉ trong vài phút và thường là sau chấn thương. Các triệu chứng đó có thể là:

  • Co giật.
  • Hôn mê.
  • Mất ý thức.
  • Suy nội tạng.
  • Nôn ra máu.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Huyết áp rất thấp.
  • Ít hoặc không có nước tiểu.
  • Rò rỉ máu từ mũi, mắt hoặc tai.
  • Ra mồ hôi, da ẩm ướt và thường cảm thấy mát lạnh khi chạm vào.

Hội chứng xuất huyết có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi bệnh nhân mắc phải hội chứng xuất huyết có thể kể đến như:

  • Thận bị tổn thương sẽ không duy trì cân bằng nội môi trong cơ thể hoặc máu không đủ oxy để nuôi dưỡng các động mạch vành, khiến cơ tim bắt đầu chất dần.
  • Khi mất máu quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng sốc do xuất huyết hay còn gọi là sốc giảm thể tích. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng do cơ thể mất nước nghiêm trọng làm cho tim không đủ bơm máu đến các bộ phận khác, gây suy cơ quan.
Hội chứng xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 3 Chỉ số huyết áp thấp là triệu chứng điển hình của hội chứng xuất huyết

Chẩn đoán hội chứng xuất huyết

Để chẩn đoán chính xác hội chứng xuất huyết, các bác sĩ thường sẽ bắt đầu bằng biện pháp kiểm tra thể chất một cách kỹ lưỡng, đặt các câu hỏi về triệu chứng và xem xét về tiền sử bệnh của người bệnh. Đồng thời, các xét nghiệm về chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) nhằm xác định và đánh giá mức độ xuất huyết. Xét nghiệm máu (thời gian máu chảy - máu đông, số lượng và chất lượng tiểu cầu…) và xét nghiệm nước tiểu là hai chỉ định không thể thiếu giúp bác sĩ chẩn đoán và xác định tình trạng xuất huyết của người bệnh.

Sau khi xác định được nguyên nhân gây ra hội chứng xuất huyết, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện chụp động mạch để quan sát các mạch máu riêng lẻ nằm trong đó. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của hội chứng xuất huyết, bác sĩ cũng có thể yêu cầu làm đo điện tâm đồ (ECG) hoặc chụp X - quang nhằm đánh giá tổn thương hoặc lưu lượng máu di chuyển đến tim.

Hội chứng xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 4 Xét nghiệm máu để chẩn đoán hội chứng xuất huyết

Phương pháp điều trị hội chứng xuất huyết

Mục tiêu đầu tiên của việc điều trị hội chứng xuất huyết là tìm ra các vị trí bị xuất huyết và ngăn chặn tình trạng này diễn biến nặng lên. Bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị hội chứng xuất huyết dựa trên các yếu tố sau:

  • Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
  • Mức độ nghiêm trọng của hội chứng.
  • Vị trí cơ quan hoặc mạch máu bị tổn thương.

Đối với trường hợp xuất huyết nhẹ: Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi và bổ sung đầy đủ dịch, nước. Thông thường, các cục máu đông sẽ được tạo ra nhằm hạn chế tình trạng chảy máu để mạch máu tự hồi phục. Theo thời gian, các mô cơ xung quanh sẽ tái hấp thu lại lượng máu dư thừa và giúp giảm dần tình trạng viêm.

Đối với trường hợp xuất huyết từ trung bình đến nặng: Bác sĩ có thể sẽ chỉ định tiêm tĩnh mạch vitamin K, truyền chất điện giải hoặc truyền máu. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hội chứng xuất huyết, thực hiện phẫu thuật có thể là phương pháp tối ưu để phục hồi mạch máu và loại bỏ máu dư thừa.

Để sức khỏe nhanh chóng được phục hồi và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện vật lý trị liệu. Đồng thời, người bệnh cũng nên tạo dựng lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục - thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe, bỏ thói quen uống rượu bia hoặc hút thuốc.

Hội chứng xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị 5 Truyền máu là một trong những phương pháp điều trị hội chứng xuất huyết

Hội chứng xuất huyết là một tình trạng sức khỏe rất nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa và giảm thiểu được mức độ nghiêm trọng của hội chứng này. Chỉ cần người bệnh phát hiện ra sớm các triệu chứng bất thường và được thăm khám kịp thời thì hội chứng xuất huyết không còn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe của bạn.

Ánh Vũ

Nguồn: Hellobacsi.com, bvnguyentriphuong.com.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin