Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Sản phụ sau mổ lấy thai cần được chăm sóc sức khỏe cẩn thận để sớm phục hồi và phòng ngừa biến chứng hậu sản. Vậy cần chăm sóc sản phụ sau mổ lấy thai thế nào?
Sau sinh mổ, sản phụ bị mất nhiều máu nên cần được chăm sóc với chế độ đặc biệt để sớm hồi phục sức khỏe. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về cách chăm sóc sản phụ sau mổ lấy thai theo lời khuyên của bác sĩ sản khoa. Áp dụng đúng những lưu ý này sẽ giúp sản phụ nhanh phục hồi, hạn chế nguy cơ biến chứng hậu sản.
Mổ lấy thai hay sinh mổ, mổ đẻ là thủ thuật lấy thai ra ngoài cơ thể mẹ thông qua vết mổ mở ở bụng và tử cung của phụ nữ. Thủ thuật này thường được chỉ định trong các trường hợp thai quá to, mẹ mang đa thai, mẹ và bé gặp các vấn đề về y tế dẫn đến không thích hợp với phương pháp sinh thường. Việc chăm sóc mẹ sau sinh mổ rất quan trọng và cần được chú trọng vì những lý do như:
Sau khi mổ lấy thai, sản phụ sẽ phải đối diện với cảm giác đau ở vết mổ. Cảm giác đau sẽ hạn chế đáng kể đến vận động cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt của sản phụ. Khi ăn uống, nghỉ ngơi bị ảnh hưởng, khả năng phục hồi vết thương và phục hồi cơ thể sau sinh cũng bị ảnh hưởng. Chăm sóc đúng cách giúp sản phụ giảm đau đớn, khó chịu, mệt mỏi sau sinh.
Sinh mổ có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng như: Nhiễm trùng vết mổ, chảy máu vết mổ, xuất huyết trong, dính ruột, tụ dịch ổ bụng, hình thành cục máu đông làm tắc tĩnh mạch, tắc ống dẫn trứng, sẹo cứng tử cung, giãn dây chằng xương chậu,… Chú trọng chăm sóc sản phụ sau mổ lấy thai giúp giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng này hoặc giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm tối đa ảnh hưởng của biến chứng gây tác động xấu đến sức khỏe của sản phụ.
Vết rạch sinh mổ bao lâu thì lành? Sản phụ sau mổ lấy thai khi nào có thể đi lại bình thường? Khi nào có thể chăm sóc em bé? Tất cả phụ thuộc vào quá trình phục hồi của chính cơ thể người mẹ. Khi được chăm sóc kỹ càng, chu đáo, sức khỏe của người mẹ cũng sẽ phục hồi nhanh chóng hơn.
Sau mổ lấy thai, không chỉ cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi mà tâm lý của họ cũng có diễn biến khác thường. Phụ nữ trở nên nhạy cảm hơn, muốn được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn. Nhiều sản phụ không được gia đình quan tâm đúng mức trong giai đoạn này đã gặp phải tình trạng khủng hoảng tâm lý, trầm cảm sau sinh. Vì vậy, việc gia đình chú trọng chăm sóc sản phụ sau mổ lấy thai rất quan trọng với sức khỏe tinh thần của sản phụ.
Khoảng 3 ngày đầu sau sinh mổ, cơ thể sản phụ vô cùng yếu ớt, cảm giác đau còn nhiều, nguy cơ nhiễm trùng vẫn còn tiềm ẩn. Vì vậy, cách chăm sóc hậu sản đúng đắn rất quan trọng.
Sản phụ lúc này còn đau nhiều ở vết mổ, cơ thể còn yếu nên cần được ưu tiên nghỉ ngơi. Việc chăm sóc em bé cần người khác hỗ trợ. Sản phụ có thể tập co duỗi chân tay, bắt đầu ngồi dậy nếu có thể, thay đổi tư thế nhẹ nhàng để tránh làm ảnh hưởng đến vết mổ. Phụ nữ sau sinh cần dành thời gian nghỉ ngơi trên giường. Sau mổ, đường ruột bị ứ khí nên trong 6 tiếng đầu không nên ăn nhiều. Sau khi sản phụ xì hơi được, nên được cho ăn ít và ăn đồ ăn dễ tiêu như cháo, trái cây mềm.
Dù vết mổ còn đau nhưng sản phụ không nên nằm quá lâu. Lúc này, nên bắt đầu ngồi dậy, tập đi nếu có thể. Nếu không vận động, sản phụ rất dễ bị táo bón, tăng nguy cơ hình thành huyết khối, dính ruột, tắc tĩnh mạch,…
Bác sĩ có thể tư vấn thêm cách giảm đau khi sinh mổ bằng thuốc nếu sản phụ đau nhiều. Người nhà nên hỗ trợ dìu để sản phụ tập đi lại nhẹ nhàng trong phòng. Tuy nhiên, không nên đi lại quá nhiều vì dễ bị tụt huyết áp, choáng dẫn đến té ngã. Ngày thứ 2, sản phụ có thể ăn cháo đặc hơn, uống nhiều nước lọc ấm, ăn trái cây mềm, uống nước trái cây để phòng ngừa táo bón.
Sang ngày thứ 3 sau mổ, sản phụ có thể đi lại nhiều hơn trong phòng hay ngoài hành lang. Sản phụ đã có thể ăn cơm do đường ruột và dạ dày ổn định hơn và vẫn cần duy trì việc ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nước hoa quả và uống đủ nước ấm mỗi ngày. Thực đơn dành cho sản phụ nên ưu tiên các món ăn lợi sữa, dễ tiêu hóa, hạn chế thực phẩm dễ gây tiêu chảy, sẹo lồi. Hầu hết các bệnh viện lớn sẽ cho sản phụ xuất viện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 4 để được nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà.
Sau khi xuất viện về nhà, việc chăm sóc sản phụ sau mổ lấy thai sẽ đơn giản hơn vì đã giảm nhiều nguy cơ biến chứng sau sinh. Khi chăm sóc sản phụ sau sinh mổ cần lưu ý những vấn đề sau:
Trong tuần đầu tiên sau sinh mổ, vết mổ chưa khô miệng và cần được vệ sinh và kiểm tra kỹ càng hàng ngày. Những ngày trong viện, y tá và bác sĩ sẽ làm việc này. Nhưng khi ra viện, người thân của sản phụ sẽ là người thực hiện theo những gì đã được hướng dẫn trong bệnh viện.
Vết mổ cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày bằng dung dịch Betadin hoặc Povidine 10%. Sau khi vệ sinh xong, chờ vết mổ khô rồi mới băng lại nhưng không băng kín vì dễ gây bí, chậm lành thương. Sản phụ hay người nhà cần lưu ý tuyệt đối không tự ý bôi đắp bất cứ loại lá hay thuốc nào lên vết mổ. Nếu thấy vết mổ sưng đau, đỏ, có mủ kèm sốt, đây có thể là biểu hiện của nhiễm trùng và sản phụ cần đưa đi khám càng sớm càng tốt.
Để có thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe, mỗi ngày sản phụ nên ăn khoảng 200 gram thực phẩm giàu protein (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, chế phẩm từ sữa,…). Để phòng ngừa viêm nhiễm và hỗ trợ cầm máu, tạo máu, giúp vết mổ nhanh lành, gia đình nên xây dựng cho sản phụ thực đơn giàu vitamin A, B, C, sắt, vitamin K, kẽm, canxi,… Sản phụ cần uống đủ nước, nước trái cây, nên dùng nước ấm để hạn chế táo bón và tăng cường tiết sữa.
Trong quá trình chăm sóc sản phụ sau mổ lấy thai, nếu người thân thấy sản phụ gặp các tình trạng như: Đau bụng, chướng bụng, sốt cao, ra nhiều huyết âm đạo,... sản phụ cần được đưa lại bệnh viện để bác sĩ thăm khám. Việc chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho sản phụ sau mổ cần được chú trọng hết sức vì liên quan trực tiếp đến khả năng phục hồi sức khỏe cũng như việc giảm nguy cơ biến chứng.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.