Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trầm cảm sau sinh có chữa được không?

Ngày 02/07/2022
Kích thước chữ

Trầm cảm sau sinh đang dần trở thành một mối quan tâm lớn của xã hội khi ngày càng nhiều trường hợp mẹ sau sinh bị trầm cảm gây ra những hậu quả đáng tiếc. Vậy trầm cảm sau sinh có chữa được không? Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn có được câu trả lời.

Trầm cảm sau sinh là tình trạng rất thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh con. Tùy từng trường hợp mà mức độ bệnh có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể gây ra suy nghĩ tiêu cực đến mức tự tử cho sản phụ. Vì vậy, việc trầm cảm sau sinh có chữa được không và chữa như thế nào là một vấn đề rất được quan tâm bởi gia đình nói riêng và toàn xã hội nói chung. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Trầm cảm sau sinh có chữa được không? 1 Trầm cảm sau sinh có chữa được không là thắc mắc của nhiều người

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm là một vấn đề về tâm lý, gây ra cảm giác chán nản, buồn bã, mất sở thích hay giảm hứng thú với các hoạt động trong cuộc sống. Tình trạng trầm cảm ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và hành động của bệnh nhân một cách tiêu cực. Trường hợp tình trạng này kéo dài hay diễn biến nặng có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.

Trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn cảm xúc, lo âu, chán nản, kiệt sức mà các mẹ sau sinh thường gặp phải. Tình trạng này thường khởi phát trong vòng 30 ngày kể từ khi sinh em bé, khiến mẹ gặp khó khăn trong chăm sóc con hay ngay cả chăm sóc chính bản thân mình.

Theo các nghiên cứu, trên thế giới có khoảng 13% phụ nữ sau sinh có dấu hiệu rối loạn tâm thần, trong số đó chủ yếu là trầm cảm. Tại các nước đang phát triển, con số này có thể lên tới 19,8%. Đây là một con số đáng báo động, đòi hỏi cần có sự quan tâm cũng như biện pháp điều trị từ gia đình và xã hội để hạn chế tình trạng này.

Biểu hiện của trầm cảm sau sinh

Dưới đây là một số dấu hiệu của trầm cảm sau sinh mà bạn nên lưu ý:

  • Buồn rầu, ủ rũ: Trạng thái tinh thần của phụ nữ bị trầm cảm sau sinh rất kém, thường xuyên cảm thấy buồn bã, thậm chí có cảm giác muốn khóc. Ở một vài thời điểm cố định trong ngày, cảm xúc này có xu hướng tệ hơn.
  • Mệt mỏi: Trầm cảm sau sinh khiến phụ nữ trở nên thiếu năng lượng, kiệt sức với mọi hoạt động, ngay cả việc chăm sóc bản thân.
  • Cáu gắt: Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường không kiểm soát được cảm xúc, dễ cáu gắt, nổi nóng với mọi người xung quanh.
  • Rối loạn giấc ngủ: Đa số trường hợp sẽ gặp phải tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay bị giật mình... Tuy nhiên, có trường hợp mẹ sau sinh ngủ quá nhiều cũng là dấu hiệu của trầm cảm.
  • Chán nản, không có hứng thú với các hoạt động thường ngày.
  • Chán ăn hoặc ăn quá nhiều: Điều này khiến cân nặng của mẹ sau sinh tăng hoặc giảm bất thường, càng gây ra cảm giác lo lắng, buồn bã.
  • Mất hứng thú với tình dục do quá mệt mỏi và đau đớn sau sinh.
  • Suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy tội lỗi, có thể dẫn đến những hành vi gây hại cho bản thân và con nhỏ.
  • Lo lắng quá mức: Mẹ sau sinh có thể bị lo lắng với mọi vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí lo sợ khi ở một mình cùng con. Những lúc này, mẹ thường có biểu hiện tim đập nhanh, đổ mồ hôi, khó thở hoặc thở gấp...
  • Muốn ở một mình: Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có xu hướng tránh né việc tiếp xúc với người khác, không muốn gặp người thân hay bạn bè.
  • Suy nghĩ nhiều về cái chết: Đây là dấu hiệu nghiêm trọng nhất của trầm cảm sau sinh, có thể biểu hiện bằng ý định tự tử hay thậm chí là làm hại con mình.
Trầm cảm sau sinh có chữa được không? 2 Phụ nữ trầm cảm sau sinh có dấu hiệu ngại tiếp xúc với người thân

Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh

Có rất nhiều yếu tố phối hợp gây ra tình trạng trầm cảm sau sinh. Nắm rõ được những yếu tố này có thể giúp cho việc chữa trị bệnh trở nên dễ dàng hơn. Sau đây là một số nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh bạn có thể tham khảo:

  • Rối loạn nội tiết tố: Sau quá trình mang thai và sinh nở, hormone estrogen và progesterone trong cơ thể mẹ bị giảm đột ngột, góp phần hình thành sự rối loạn cảm xúc.
  • Thiếu ngủ: Sau khi sinh, mẹ cần dành hầu hết quỹ thời gian của mình để chăm sóc cho con mà thiếu đi thời gian chăm sóc bản thân, thậm chí là thời gian ngủ. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài khiến mẹ trở nên mệt mỏi, kiệt sức, chán nản.
  • Gặp khó khăn trong việc chăm sóc bé: Ở những phụ nữ lần đầu làm mẹ, chăm sóc con nhỏ là một điều không hề dễ dàng. Việc con quấy khóc, con không chịu bú mẹ hoặc gặp vấn đề về sức khỏe có thể làm tăng khả năng mẹ bị trầm cảm.
  • Một số nguyên nhân khác: Mâu thuẫn gia đình, tai biến sản khoa (sản giật, tiền sản giật...), tiền sử bị trầm cảm cũng là những lý do có thể góp phần gây ra tình trạng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.
Trầm cảm sau sinh có chữa được không? 3 Bé quấy khóc nhiều khiến mẹ dễ bị trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh có chữa được không?

Sau đây là một số phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh bạn có thể tham khảo:

Sử dụng liệu pháp tâm lý

Với phương pháp này, người phụ nữ sẽ được trò chuyện trực tiếp với chuyên gia về sức khỏe tâm thần (có thể là nhà tâm lý học, chuyên gia tư vấn, bác sĩ tâm thần, bác sĩ trị liệu hoặc nhân viên y tế cộng đồng). Trong đó, có 2 liệu pháp mang lại hiệu quả tốt nhất là:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức: Có khả năng giúp người bệnh nhận thức được tình trạng của mình, từ đó thay đổi suy nghĩ và hành vi tiêu cực.
  • Liệu pháp tương tác: Tác động vào những người xung quanh bệnh nhân, giúp họ hiểu và hỗ trợ điều trị với người bệnh.

Dùng thuốc

Thuốc điều trị trầm cảm có tác dụng tác động lên não bộ, có thể giúp điều chỉnh trạng thái cảm xúc sau sinh. Phương pháp điều trị trầm cảm bằng thuốc thường kéo dài từ 6 đến 12 tháng.

  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Đây là loại thuốc ngày nay được sử dụng nhiều nhất để điều trị trầm cảm. Thuốc có hiệu quả sau 2 đến 4 tuần sử dụng, tuy nhiên có một số tác dụng phụ như: An dịu (buồn ngủ), giảm huyết áp tư thế, dị ứng, khô miệng, táo bón, rối loạn thị giác, giảm khả năng nhận thức, giảm ham muốn tình dục...
  • Thuốc chống trầm cảm đa vòng: Có tác dụng trong điều trị trầm cảm tương đương với nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng nhưng được dung nạp tốt hơn và có ít tác dụng phụ hơn. Tác dụng phụ của thuốc chủ yếu là an dịu, khiến bệnh nhân ăn nhiều hơn. Do đó, thuốc thích hợp với trường hợp bệnh nhân bị lo âu quá mức, chán ăn, mất ngủ.
  • Thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI): Có tác dụng tương đương thuốc chống trầm cảm 3 vòng nhưng ít tác dụng phụ hơn, không gây nguy hiểm nhiều nếu sử dụng quá liều. Tác dụng phụ của thuốc là: Đầy bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau đầu, mất ngủ, lo âu, giảm ham muốn tình dục... Tuy nhiên, các tác dụng phụ này sẽ hết sau 1 đến 2 tuần điều trị.
Trầm cảm sau sinh có chữa được không? 4 Có thể sử dụng thuốc để điều trị trầm cảm sau sinh

Có rất nhiều phương pháp có thể giúp điều trị tình trạng trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Một số thói quen hỗ trợ điều trị trầm cảm

Thay đổi lối sống

Việc thay đổi lối sống lành mạnh và tích cực có khả năng hỗ trợ điều trị trầm cảm sau sinh rất hiệu quả.

  • Thường xuyên tập thể dục.
  • Tận hưởng các sở thích.
  • Mở lòng, trò chuyện và tâm sự với những người thân yêu.
  • Tập thư giãn và kiểm soát căng thẳng.

Đây là các liệu pháp vật lý trị liệu vô cùng đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả, giúp cải thiện đáng kể tình trạng trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh có chữa được không? 5 Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện tình trạng trầm cảm sau sinh rất tốt

Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Dưới đây là một số loại thực phẩm mà người bị trầm cảm nói chung hay phụ nữ trầm cảm sau sinh nói riêng cần bổ sung vào thực đơn của mình:

  • Thực phẩm chứa nhiều omega-3: Omega-3 có nhiều trong các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá trích), các loại hạt (hạt lanh, hạt óc chó).
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Các loại rau củ quả (cải xanh, cải bó xôi, cà chua, ớt chuông, cà tím...) và trái cây (dâu tây, việt quất...) là những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, có khả năng tiêu diệt các gốc tự do, bảo vệ tế bào não khỏi trầm cảm.

Bên cạnh đó, cần hạn chế các loại thực phẩm có khả năng làm chứng trầm cảm nặng hơn:

  • Đường.
  • Rượu.
  • Ngũ cốc tinh chế.

Nói chung, xây dựng một chế độ ăn lành mạnh là một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Bên cạnh những phương pháp trị liệu và thói quen sinh hoạt hợp lý, gia đình cũng là một yếu tố quyết định trong việc điều trị chứng trầm cảm sau sinh. Nếu người phụ nữ được gia đình quan tâm, động viên và chăm sóc tích cực, hiệu quả điều trị bệnh sẽ tăng một cách đáng kể.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về tình trạng trầm cảm sau sinh cũng như lời giải đáp cho câu hỏi: "Trầm cảm sau sinh có chữa được không?". Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có được những thông tin hữu ích về tình trạng này cũng như nắm được hướng khắc phục chứng trầm cảm sau sinh. Chúc quý độc giả của Nhà Thuốc Long Châu thật nhiều sức khỏe và hy vọng Nhà Thuốc sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của bạn trong tương lai!

Xem thêm:

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin