Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Hướng dẫn cách chăm sóc tóc uốn chuẩn salon

Ngày 29/11/2022
Kích thước chữ

Ngày nay, nhiều chị em lựa chọn phương pháp uốn tóc để tạo được kiểu tóc mình yêu thích. Tuy nhiên, tóc uốn cần chăm sóc kỹ càng và tỉ mỉ hơn. Trong bài viết này, Long Châu sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc tóc uốn.

Bất cứ ai đang uốn tóc đều nên biết cách dưỡng tóc uốn tại nhà. Uốn tóc là phương pháp làm xoăn tóc bằng nhiệt và hóa chất, giúp mái tóc có lọn gợn sóng, bồng bềnh hoặc tạo độ phồng cho tóc. Dù uốn tóc theo phương pháp nào thì mái tóc ít nhiều cũng phải chịu những hư tổn nhất định. Vậy cách chăm sóc tóc uốn như thế nào là chuẩn nhất?

Không gội đầu ngay sau khi uốn tóc

Sau khi uốn tóc xong, thợ làm tóc thường khuyên chúng ta chỉ gội đầu sau đó ít nhất 2 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để thuốc uốn phát huy tác dụng và giúp tóc vào nếp, giữ phom. Nếu gội đầu quá sớm chắc chắn mái tóc của bạn sẽ không đảm bảo tính thẩm mỹ như khi mới vừa làm xong. Gội đầu ngay sau khi uốn tóc là một hành động vừa có hại cho da đầu, vừa làm tổn thương mái tóc. 

Không nên nhuộm ngay sau khi uốn

Thông thường, chúng ta sẽ thu xếp thời gian trong 1 ngày để đi làm tóc. Thời gian uốn nhuộm có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ nên tiện nhất là làm cả 2 việc này cùng một lúc. Nhưng theo các chuyên gia tóc, nếu có thể, tốt nhất bạn nên dành 2 ngày khác nhau để làm 2 việc này. Nếu nhuộm ngay sau khi uốn, tóc chưa kịp phục hồi. Lâu ngày sẽ yếu dần, dễ gãy rụng và xơ rối. Bạn có thể thu xếp thời gian để nhuộm tóc sau khi uốn ít nhất 1 tuần là tốt nhất. 

cách chăm sóc tóc uốn 1
Mái tóc sau uốn cần thời gian để phục hồi

Tránh gội đầu mỗi ngày

Một cách chăm sóc tóc uốn đơn giản nhưng không phải ai cũng biết là tránh gội đầu mỗi ngày. Thói quen này không tốt cho cả tóc và da đầu. Đối với mái tóc uốn, gội đầu nhiều khiến tóc mất nếp, giảm tính thẩm mỹ và nhanh phải làm lại hơn. 

Tóc uốn vốn không khỏe mạnh như tóc thường vì phải chịu tác động của nhiệt và hóa chất. Gội đầu liên tục khiến tóc mất đi độ ẩm, độ đàn hồi dẫn đến nhanh xơ rối, gãy rụng... Với da đầu, gội đầu quá nhiều khiến da mất cân bằng pH có thể dẫn đến gàu, ngứa, viêm da tiết bã ở đầu. Sau khi uốn tóc, tốt nhất bạn nên dùng sản phẩm dầu gội chuyên dụng cho tóc uốn hoặc dầu gội dịu nhẹ để bảo vệ tóc và da đầu.

Dùng nước lạnh gội và xả

Tại sao nên dùng nước lạnh để gội và xả tóc sau khi uốn tóc? Nước nóng sẽ khiến sợi tóc bị nở ra và các hóa chất tạo kiểu sẽ bị rửa trôi nhanh hơn. Nước nóng cũng khiến tóc và da đầu bị mất đi độ ẩm. Tốt nhất hãy gội và xả tóc bằng nước mát. Vào mùa đông, bạn chỉ nên dùng nước ấm vừa phải, như vậy sẽ tránh làm tóc khô xơ và hư tổn. 

cách chăm sóc tóc uốn 2
Không nên gội xả tóc bằng nước nóng

Dùng xịt dưỡng tóc

Chăm chỉ dùng xịt dưỡng tóc là cách chăm sóc tóc uốn hiệu quả mỗi ngày. Không những cần chọn sản phẩm gội, xả phù hợp, chị em cũng nên chọn cho mình loại xịt dưỡng tóc phù hợp làm chân ái. Trên thị trường hiện nay có đủ loại dưỡng tóc dạng sáp, kem, gel, xịt. Những sản phẩm dạng sáp, gel, kem có tác dụng định hình tóc. Còn dưỡng tóc dạng xịt sẽ giúp mái tóc bồng bềnh tự nhiên hơn. 

Chăm sóc tóc bằng nguyên liệu tự nhiên

Các nguyên liệu tự nhiên xung quanh chúng ta thường dễ kiếm, giá rẻ lại lành tính. Nếu có thời gian rảnh, bạn có thể tự chế ủ tóc từ nguyên liệu tự nhiên như: trứng gà, nha đam, mật ong, chuối, bơ, dầu dừa, dầu oliu… Những nguyên liệu này sẽ chăm sóc tóc từ gốc đến ngọn, giúp tóc khỏe hơn và hạn chế hư tổn do dùng hóa chất. Chỉ cần ủ tóc bằng nguyên liệu thiên nhiên 1 lần 1 tuần là đã quá lý tưởng rồi. 

Nên dùng kem xả, kem ủ

Dùng kem ủ hay dầu xả tốt cho những mái tóc có tác động hóa chất. Bạn có thể nhờ salon tóc giới thiệu những dòng sản phẩm xả và ủ tóc phù hợp với tóc uốn. Những sản phẩm này không những có thể giúp tóc bóng khỏe hơn mà còn giữ nếp tốt hơn. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu cách sử dụng dầu xả và kem ủ đúng cách để phát huy tác dụng của sản phẩm nhé!

cách chăm sóc tóc uốn 3
Dùng kem xả, kem ủ hoặc ủ tóc bằng nguyên liệu tự nhiên

Không sấy tóc ở nhiệt độ quá nóng

Sấy tóc đúng cách cũng là bạn đang biết cách chăm sóc tóc uốn rồi đấy! Máy sấy giúp tóc bạn vào nếp và bồng bềnh hơn. Nhưng độ nóng của máy sấy cũng khiến tóc mất đi độ ẩm. Duy trì thói quen sấy nóng lâu ngày có thể khiến tóc nhanh xơ và gãy. Sấy tóc ở nhiệt độ cao cũng không hề tốt cho da đầu của bạn. 

Cách sấy tóc tốt nhất là không để nhiệt độ cao, không để máy sát da đầu. Khi sấy bạn cũng không nên sấy đến khi tóc khô cong. Chỉ sấy đến khi tóc ẩm là bạn có thể dừng lại. Muốn tóc vào nếp, bạn có thể sử dụng thêm các sản phẩm giúp chăm sóc và định hình mái tóc.

Không lạm dụng máy là tóc, uốn tóc

Nhiều người cho rằng sau mỗi lần gội dùng máy là, máy uốn tóc tạo kiểu sẽ giúp tóc giữ nếp lâu hơn. Nhưng dùng loại máy này thực tế hại nhiều hơn lợi. Các loại máy là tóc, máy uốn tóc định hình tóc bằng cách dẫn nhiệt qua kẹp sắt. Nhiệt độ quá nóng không chỉ khiến tóc mất đi độ ẩm mà còn khiến tóc bị cháy, dễ gãy rụng. 

Bảo dưỡng tóc thường xuyên

Bạn có thể tự mua tinh chất dưỡng ủ tóc để dùng hàng ngày. Việc này rất có lợi cho mái tóc của bạn. Tuy nhiên, định kỳ bạn cũng nên “bảo dưỡng” lại mái tóc của mình. Đó không chỉ là hành động cắt tỉa để giữ phom dáng mà còn là hấp tóc và phục hồi hư tổn. Khi bạn đến salon, những thợ tóc lành nghề có thể “bắt bệnh” và giúp bạn khắc phục những hạn chế trên mái tóc. 

cách chăm sóc tóc uốn 4
Chăm sóc đúng cách giúp tóc uốn luôn khỏe mạnh

Trên đây là 10 cách chăm sóc tóc uốn rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Chỉ cần áp dụng đúng những cách này, bạn sẽ luôn sở hữu mái tóc bóng khỏe dù có tác động hóa chất. Chúc bạn áp dụng thành công và sở hữu mái tóc khỏe đẹp như mình mong muốn nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin