Long Châu

Viêm da tiết bã là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm da tiết bã là sự viêm vùng da có tuyến bã nhờn phân bố mật độ cao (ví dụ như mặt, da đầu, thân trên). Viêm da tiết bã thường xảy ra nhiều hơn ở bệnh nhân HIV và ở những bệnh nhân có rối loạn thần kinh nhất định. Chẩn đoán bằng khám lâm sàng. Điều trị bằng dầu hắc ín hoặc dầu gội trị liệu khác, thuốc chống nấm và corticosteroid tại chỗ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm da tiết bã là gì? 

Viêm da tiết bã (seborrheic dermatitis), còn được gọi là viêm da dầu, là một bệnh da mạn tính. Thương tổn cơ bản là các dát đỏ, bên trên có vảy mỡ, giới hạn rõ, khu trú ở vùng có nhiều tuyến bã như mặt, da đầu và phần thân trên.

Viêm da tiết bã thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, thường là trong vòng 3 tháng đầu đời và ở người lớn từ 30 đến 70 tuổi. Tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của bệnh dường như bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền, căng thẳng về cảm xúc hoặc thể chất, và khí hậu (thường nặng hơn khi thời tiết lạnh). Viêm da tiết bã có thể có trước hoặc cùng lúc với bệnh vẩy nến (seborrhiasis). Những bệnh nhân bị bệnh lý thần kinh (đặc biệt là bệnh Parkinson) hoặc HIV/AIDS mắc viêm da tiết bã sẽ trầm trọng hơn. Rất hiếm khi viêm da lan toản ra toàn thân.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm da tiết bã

Các triệu chứng phát triển dần dần, và viêm da thường chỉ chỉ biểu hiện rõ ràng dưới dạng vảy khô hoặc vảy da đầu lan tỏa nhờn với ngứa ở các mức độ khác nhau. Khi bệnh nặng, các sẩn màu vàng - đỏ xuất hiện dọc theo đường chân tóc, trên sống mũi, trong nếp gấp mũi, trên lông mày, trong ống tai ngoài, phía sau tai, trong nách và trên xương ức. Có thể phát triển viêm bờ mi với vảy vàng khô và kích ứng kết mạc. Bệnh này không gây rụng tóc.

Trẻ sơ sinh có thể tiến triển viêm da tiết bã với tổn thương da đầu đóng vảy dày, có màu vàng; nứt nẻ và đóng vảy vàng sau tai; sẩn đỏ trên mặt và phát ban do hăm tã. Trẻ lớn hơn và người lớn có thể phát triển các mảng vảy dày trên da đầu với đường kính khoảng 1 - 2cm.

Tác động của viêm da tiết bã đối với sức khỏe

Viêm da tiết bã mặc dù không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh liên tục cảm thấy ngứa ngáy hoặc bỏng rát dẫn đến khó tập trung vào công việc hoặc sinh hoạt hằng ngày. Bệnh nhân thường tự ti, xấu hổ do các vùng da bong tróc sẽ tạo nên những mảng vảy trắng gây mất thẩm mĩ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm da tiết bã

Bệnh thường tái phát thành từng đợt và tiến triển thành mạn tính, nặng hơn khi người bệnh căng thẳng hay bị stress. Viêm da tiết bã có thể tiến triển thành đỏ da toàn thân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm da tiết bã

Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng nhưng nấm Malassezia ovale (Malassezia furfur), một số vi khuẩn như P. acne đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh. Tăng tiết chất bã/dầu là điều kiện gây viêm da tiết bã. Người bệnh bị gàu da đầu sẽ có nồng độ kháng thể kháng lại Malassezia cao hơn so với nhóm đối chứng. Người bệnh bị viêm da tiết bã có đáp ứng miễn dịch với M. orbicular.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm da tiết bã?

  • Người có làn da dầu/nhờn.

  • Người có tiền sử gia đình có người bị viêm da tiết bã hoặc vảy nến.

  • Người suy giảm miễn dịch như cấy ghép cơ quan, nhiễm HIV/AIDS.

  • Người có rối loạn thần kinh, tâm thần như Parkinson, Alzheimer, trầm cảm, stress,..

  • Người có bệnh lý nội tiết hoặc béo phì.

  • Người bị rối loạn ăn uống.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm da tiết bã

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm da tiết bã, bao gồm:

  • Các chấn thương ở mặt có thể làm phát bệnh.

  • Tia tử ngoại: Các liệu pháp điều trị PUVA ở vùng mặt có thể gây bùng phát viêm da tiết bã.

  • Thời tiết: Bệnh nặng lên vào mùa đông đến đầu mùa xuân (độ ẩm thấp và khí hậu lạnh), mùa hè sẽ nhẹ hơn.

  • Thuốc: Một số thuốc gây ra khởi phát của viêm da tiết bã như: Griseofulvin, cimetidin, lithium, methyldopa, arsenic, haloperidol, psorale,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm da tiết bã

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng

Tổn thương là các dát đỏ thẫm, giới hạn rõ, bên trên có vảy da khô ở vùng da có nhiều tuyến bã như mặt, da đầu, trên xương ức, các nếp gấp và vùng giữa hai bả vai.

Gàu da đầu là biểu hiện ban đầu của viêm da tiết bã. Khi ở giai đoạn muộn hơn, da đầu trở nên đỏ ở nang lông liên kết với nhau rồi lan rộng xuống trán, sau tai, ống tai ngoài và cổ.

Ở mặt: Dát đỏ và vảy da, thường ở các rãnh mũi má và vùng giữa hai lông mày.

Ở thân mình: Sẩn đỏ ở nang lông, bên trên có vảy mỡ, khi nặng hơn, các sẩn liên kết với nhau tạo thành mảng lớn, ở giữa có vảy mỏng, xung quanh là các sẩn màu đỏ thẫm, có nhiều cung như hình cánh hoa, trên có vảy mỡ vùng liên bả vai và trước ngực.

Ở các nếp gấp như nách, nếp dưới vú, bẹn, hậu môn sinh dục, viêm da tiết bã biểu hiện như viêm kẽ, da đỏ, giới hạn rõ, trên có vảy mỡ.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Mô bệnh học: Không đặc hiệu, có hiện tượng á sừng, tăng lớp tế bào gai và xốp bào nhẹ. Xốp bào là dấu hiệu quan trọng giúp chẩn đoán phân biệt viêm da tiết bã và vảy nến.

Có hiện tượng thâm nhiễm nhẹ các tế bào viêm ở trung bì.

Soi nấm trực tiếp phát hiện có Malassezia furfur.

Cần làm thêm xét nghiệm HIV.

Chẩn đoán phân biệt

Vảy nến: Các dát đỏ ở các vùng tỳ đè, trên có vảy khô dày, giới hạn rõ. Cần dựa vào mô bệnh học để chẩn đoán phân biệt.

Hơi khó khi chẩn đoán phân biệt giữa biến chứng của chất với viêm da tiết bã.

Cần phân biệt giữa lupus đỏ hệ thống, viêm da do ánh nắng với viêm da tiết bã.

Phương pháp điều trị viêm da tiết bã hiệu quả

Nguyên tắc chung

Dùng thuốc kháng nấm tác dụng tại chỗ để trị Malassezia.

Bệnh dễ tái phát từng đợt. Các yếu tố làm vượng bệnh như nghiện rượu, stress, hoặc một số thuốc.

Không nên dùng các corticoid dạng bôi.

Điều trị cụ thể

Đối với gàu da đầu: Thường xuyên dầu gội kháng nấm. Nước gội đầu có kẽm, pyrithion và magne với nồng độ 0,5 - 2% hoặc dầu gội đầu olamin nồng độ 0,75 - 1% trong nhiều tháng. Có thể dùng dầu gội đầu chứa selenium nồng độ 1 - 2,5% hoặc chứa hoạt chất kháng nấm thuộc nhóm imidazol như ketoconazol, bifonazol hay econazol.

Đối với tổn thương trên da mặt, nên dùng các loại xà phòng ZnP nồng độ 2% và các thuốc kháng nấm imidazol như ketoconazol, ciclopiroxolamin hay bifonazol.

Isotretinoin có làm giảm sự bài tiết chất bã/dầu. Liều lượng 0,5mg/kg/ngày trong ít nhất 8 tháng. Theo dõi lipid máu, chức năng gan trong quá trình điều trị.

Trẻ sơ sinh có thể tự khỏi viêm da tiết bã và dạng đỏ da toàn thân (Leiner-Moussous diseases) khi được 3 - 4 tuổi. Cần điều trị dự phòng để tránh biến chứng khi bội nhiễm. Có thể dùng xà phòng kháng nấm (trichorcarbanid, chlorhexidin), hoặc thuốc kháng nấm nhóm imidazol. Làm mềm vảy bằng mỡ salicylic 5%, xà phòng hoặc mỡ kháng sinh nếu có nhiều vảy dày trên da đầu. Sử dụng ketoconazol đường uống khi có tổn thương lan toả.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm da tiết bã

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Sống tích cực, hạn chế stress.

  • Luôn phải chú ý tới vệ sinh các nhân và bảo vệ làn da.

  • Trong thời gian bị bệnh và trong quá trình điều trị, nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm hay sản phẩm chăm sóc da.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung các loại rau và trái cây mọng nước để cấp ẩm cho da (rau lá xanh, dưa chuột, cam, quả mọng…).

Phương pháp phòng ngừa viêm da tiết bã hiệu quả

Tập thể dục đều đặn để lưu thông khí huyết và tăng khả năng thải độc cho da.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Thực hiện chế độ ăn tốt cho sức khỏe.

Tăng cường bổ sung vitamin E, C, tiền vitamin A và vitamin A để tăng cường sức khoẻ làn da.

Hạn chế các loại thực phẩm dễ gây ngứa như hải sản, thịt bò,… 

Hạn chế ăn đồ quá mặn hoặc cay nóng khiến tuyến bã nhờn tiết ra nhiều hơn.

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nên sử dụng sản phẩm có tính nhẹ dịu cho da nhạy cảm.

Nguồn tham khảo
  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu – Bộ Y Tế: https://kcb.vn/wp-content/uploads/2015/09/Huong-dan-chan-doan-dieu-tri-Da-lieu.pdf 

  2. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-da-li%E1%BB%85u/vi%C3%AAm-da/vi%C3%AAm-da-d%E1%BA%A7u 

Chủ đề:viêm da

Các bệnh liên quan

  1. Bạch biến

  2. Lão hóa da

  3. Khô môi

  4. Mụn lưng

  5. Mụn nhọt

  6. Xơ cứng củ

  7. Chàm môi

  8. Chốc lở

  9. U sùi thể nấm

  10. Rôm sảy