Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hướng dẫn cách vệ sinh mắt tại nhà trong từng trường hợp

Ngày 28/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bạn có bao giờ gặp phải tình huống khó chịu khi mắt bị dị vật, dị ứng, hoặc có mủ và chất nhầy? Bài viết này sẽ giúp bạn biết cách vệ sinh mắt tại nhà trong từng trường hợp khác nhau. Cùng khám phá những cách vệ sinh mắt và chăm sóc đôi mắt đúng cách.

Trong một số trường hợp mà chúng ta cần tự vệ sinh mắt tại nhà để kịp thời giữ cho đôi mắt khỏe mạnh và sáng rõ. Hãy cùng tham khảo những cách vệ sinh mắt hiệu quả trong từng trường hợp bạn gặp phải các vấn đề về mắt nhé!

Cách vệ sinh mắt tại nhà trong từng trường hợp

Bụi bẩn, hóa chất và mảnh vụn có thể vô tình tiếp xúc hoặc rơi vào mắt khi chúng ta làm việc trong môi trường ô nhiễm, sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài. Kết quả là mắt trở nên khó chịu, mỏi mắt và đau nhức. Hay có những khi thức dậy, bạn có thể thấy đôi mắt bị đầy gỉ ghèn, khó chịu.

Trong những tình huống ngủ dậy mắt bị ghèn hoặc mắt đau nhức như vậy, cần có cách vệ sinh mắt đúng cách để giảm thiểu tổn thương có thể xảy ra.

Rửa mắt khi bị hóa chất bắn vào mắt

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sử dụng nhiều loại hóa chất gia dụng, như dầu gội đầu, thuốc tẩy, bột giặt, nước xả, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm tóc. Ngoài ra, còn có các vật liệu như vôi, thạch cao và xi măng có thể gây tổn thương cho mắt. Khi bị bắn hóa chất vào mắt, có thể xảy ra tình trạng bỏng hoá học ở kết mạc hoặc thậm chí gây mù lòa nếu không xử lý kịp thời. Mức độ tổn thương mắt sẽ phụ thuộc vào nồng độ của dung dịch hóa chất.

Khi xảy ra tình huống bị bắn hóa chất vào mắt, bạn cần giữ bình tĩnh và xử lý chấn thương ở mắt ngay lập tức theo các bước sau đây:

Bước 1: Rửa mắt ngay tức thì bằng nước sạch hoặc dung dịch nước muối sinh lý. Thời gian rửa mắt phụ thuộc vào loại hóa chất đã bắn vào mắt (tối thiểu 20 phút với axit, ít nhất 60 phút với các chất ăn mòn mạnh như chất thông nghẹt cống, thuốc tẩy và dung dịch amoniac). Sau đó, dùng khăn sạch đã nhúng nước để phủ lên mắt. Nếu bạn đang đeo kính áp tròng, hãy tháo ra và tiếp tục rửa mắt với nước mát.

Hướng dẫn cách vệ sinh mắt tại nhà trong từng trường hợp 1
Khi bị hóa chất bắn vào mắt cần giữ bình tĩnh và tiến hành vệ sinh mắt ngay lập tức theo

Bước 2: Đối với các hóa chất như mỹ phẩm, xà phòng, dầu gội thông thường, bạn chỉ cần rửa mắt bằng nước sạch ít nhất 5 phút. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy tình trạng tổn thương nghiêm trọng, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra và nhận được sự tư vấn chi tiết từ bác sĩ. Khi đến cơ sở y tế, hãy mang theo lọ chứa hóa chất đã bắn vào mắt.

Lưu ý: Trước khi tiến hành vệ sinh mắt, hãy rửa tay sạch sẽ để đảm bảo không có hóa chất dính trên tay. Hạn chế việc sử dụng thuốc nhỏ mắt một cách tự ý mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Sử dụng chỉ nước sạch hoặc dung dịch nước muối sinh lý có thể mua tại các tiệm thuốc để rửa mắt.

Khi bụi bẩn và các mảnh vụn lọt vào mắt

Vệ sinh bụi bẩn và các mảnh vụn cần áp dụng các biện pháp vệ sinh mắt một cách cẩn thận và đúng cách như sau:

Tận dụng nước mắt tự nhiên: Nước mắt không chỉ cung cấp độ ẩm cho mắt mà còn có khả năng loại bỏ bụi bẩn. Khi mắt bị kích thích, hãy nháy mắt vài lần để tạo ra lượng nước mắt đủ để cuốn đi bụi bẩn.

Lau mắt: Nếu bạn nhìn thấy mảnh bụi trong mắt, hãy sử dụng một khăn ướt sạch để nhẹ nhàng lau đi. Hãy lưu ý chỉ lau nhẹ nhàng và không chọc sâu vào bên trong mắt. Nếu cảm thấy dị vật vẫn còn trong mắt và khó chịu, hãy tìm đến bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Rửa với nước sạch: Nếu không có khăn ướt sẵn, bạn có thể sử dụng nước sạch từ vòi sen để rửa mắt. Hãy liên tục chớp mắt trong khi nước chảy qua mắt để giúp loại bỏ bụi bẩn. Rửa đủ lượng nước cần thiết cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái và bụi bẩn đã được cuốn đi.

Lưu ý: Trong quá trình vệ sinh mắt, tránh đưa lực mạnh vào bên ngoài mắt vì có thể làm bụi bẩn hoặc mảnh vụn chui sâu vào mắt và gây tổn thương nghiêm trọng hơn. Hãy luôn làm nhẹ nhàng và cẩn thận khi tiếp xúc với mắt.

Xử lý mủ và chất nhầy

Khi mắt xuất hiện mủ và chất nhầy, có thể do tình trạng khó chịu như đau mắt đỏ, dị ứng, hoặc do tắc tuyến lệ và tuyến dầu trong mí mắt. Để xử lý mủ và chất nhầy, bạn có thể tuân theo các bước sau để giảm khó chịu:

Bước 1: Sử dụng tay sạch để loại bỏ các lớp ghèn đã khô trong vùng mắt.

Bước 2: Đặt một chiếc khăn ấm và ẩm lên mắt, và nhắm mắt trong vài phút. Điều này giúp làm ấm và làm mềm mủ và chất nhầy để dễ loại bỏ hơn.

Bước 3: Sau đó, bạn có thể nhúng khăn vào nước ấm để lấy mủ và chất nhầy dễ dàng hơn.

Bước 4: Sử dụng một que tăm bông hoặc góc của khăn đã thấm nước ấm, nhẹ nhàng lau từ trong ra ngoài của mắt để làm sạch. Hãy nhớ nhắm mắt khi làm điều này.

Hướng dẫn cách vệ sinh mắt tại nhà trong từng trường hợp 2
Sử dụng một que tăm bông nhẹ nhàng lau từ trong ra ngoài của mắt 

Lưu ý: Luôn rửa sạch tay trước và sau khi thực hiện vệ sinh mắt để tránh lây nhiễm vi khuẩn. Không sử dụng nước quá nóng để nhúng khăn vì mắt và da xung quanh mắt rất nhạy cảm và dễ tổn thương.

Vệ sinh mắt đúng cách khi đeo kính áp tròng

Đối với các trường hợp nhiễm trùng như đau mắt đỏ, hãy sử dụng 2 chiếc khăn riêng biệt cho từng mắt để tránh lây nhiễm vi khuẩn từ mắt này sang mắt khác.

Kính áp tròng được lựa chọn bởi nhiều người nhờ tính nhẹ nhàng, tiện lợi và thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc sử dụng kính áp tròng không đúng cách và thường xuyên có thể gây tổn thương cho mắt và giác mạc. Để chăm sóc mắt đúng cách khi đeo kính áp tròng, bạn có thể tuân theo các cách sau đây:

Vệ sinh kính áp tròng để tránh nhiễm khuẩn: Hãy xoa nhẹ và rửa sạch kính áp tròng, sau đó ngâm trong dung dịch chuyên dụng để tiệt trùng.

Rửa tay sạch trước khi đeo kính áp tròng: Trước khi đeo kính áp tròng, hãy đảm bảo rửa sạch tay. Đồng thời, hãy cẩn thận với móng tay để tránh xước hoặc làm rách kính. Móng tay có thể gây tổn thương cho màng mắt và làm cho vi khuẩn xâm nhập dễ dàng.

Đeo kính áp tròng trước khi trang điểm: Để tránh bụi phấn dính vào kính áp tròng trong quá trình trang điểm, hãy đeo kính trước khi bắt đầu trang điểm.

Hạn chế thời gian đeo kính áp tròng: Không nên đeo kính áp tròng quá 8 giờ mỗi ngày và quá thường xuyên. Sau khi sử dụng, hãy tháo kính và để mắt được nghỉ ngơi và thư giãn.

Sử dụng nước mắt nhân tạo: Khi đeo kính áp tròng và sau khi tháo kính, sử dụng nước mắt nhân tạo giúp giảm tình trạng khô mắt và cung cấp độ ẩm cho mắt.

Đeo kính để bảo vệ mắt: Khi ra ngoài, hãy đeo kính để che chắn bụi và bảo vệ mắt khỏi tác động của môi trường.

Hướng dẫn cách vệ sinh mắt tại nhà trong từng trường hợp 3
Vệ sinh tay sạch đúng cách trước khi đeo kính áp tròng

Bổ sung vitamin A: Bổ sung vitamin A từ các nguồn thực phẩm như cà rốt, cam, bưởi, quýt, các loại cá (cá hồi, cá ngừ, cá thu) và các loại hạt (hướng dương, óc chó, mắc cara) giúp mắt khỏe mạnh. Những loại thực phẩm này cũng chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ mắt khỏi tác động của không khí ô nhiễm và ánh nắng mặt trời.

Vệ sinh mắt hàng ngày

Ngoài ra, khi vệ sinh mắt trong các trường hợp khác như sau khi ra ngoài, trước khi nhỏ mắt hoặc tẩy trang trước khi đi ngủ, hãy tuân theo các bước sau đây:

  • Rửa sạch tay trước khi thực hiện vệ sinh mắt.
  • Sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0.9% để nhỏ mắt.
  • Sử dụng tăm bông hoặc khăn sạch thấm nước để lau mắt từ trong ra ngoài và từ trên xuống dưới. Đồng thời, lau sạch chân lông mi.

Lưu ý: Hãy thực hiện các thao tác vệ sinh mắt nhẹ nhàng, không áp lực mạnh và không tự pha nước muối để rửa mắt, vì điều này không đảm bảo đúng nồng độ và không đảm bảo vệ sinh, có thể gây tổn thương cho mắt.

Khi nào nên đi bác sĩ?

Nếu bạn trải qua những tình trạng sau đây, có thể đòi hỏi bạn cần tìm sự chăm sóc y tế:

Gặp khó khăn khi nhìn hoặc mở mắt: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nhìn rõ, có cảm giác mờ mịt hoặc mắt không hoạt động bình thường, đây có thể là dấu hiệu của vấn đề về thị lực hoặc mắt.

Đau đớn: Nếu bạn cảm thấy đau đớn trong mắt hoặc xung quanh khu vực mắt, đây có thể là tín hiệu của một vấn đề y tế như viêm nhiễm hoặc tổn thương.

Mắt đỏ: Nếu tròng mắt của bạn có màu đỏ hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm, nó có thể là tín hiệu của một bệnh như viêm kết mạc dị ứng hoặc viêm bờ mi.

Nhạy cảm với ánh sáng: Nếu mắt của bạn trở nên nhạy cảm và kích ứng khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh, có thể bạn đang gặp vấn đề về cảm giác hoặc bề mặt mắt.

Chảy nước mắt không ngừng: Nếu mắt bạn chảy nước mắt một cách liên tục, không có nguyên nhân rõ ràng, điều này có thể là dấu hiệu của một vấn đề như viêm kết mạc hoặc bị tắc nghẽn đường nước mắt.

Khó loại bỏ bụi bẩn hoặc dị vật: Nếu bạn không thể tự lấy ra được bụi bẩn hoặc các dị vật nhỏ từ mắt một cách dễ dàng, hãy tìm sự trợ giúp y tế để tránh tổn thương hoặc viêm nhiễm.

Để bảo vệ mắt, hãy thực hiện các biện pháp vệ sinh mắt đúng cách và chú ý đến chế độ dinh dưỡng phù hợp để duy trì sự khỏe mạnh của mắt.

Với những cách vệ sinh mắt tại nhà đã được chia sẻ, hy vọng bạn đã có cho mình những kiến thức cần thiết để chăm sóc mắt một cách hiệu quả. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nếu tình trạng mắt bạn không được cải thiện hoặc có bất kỳ biểu hiện nghiêm trọng nào, hãy tìm đến bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. Hãy luôn đặt sức khỏe của đôi mắt lên hàng đầu và duy trì thói quen vệ sinh mắt đúng cách để giữ cho mắt luôn trong trạng thái tốt nhất.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm