Viêm họng và viêm amidan đều là những bệnh lý đường hô hấp phổ biến, ngoài ra triệu chứng của hai bệnh này cũng khá giống nhau nên có thể khiến nhiều bệnh nhân nhầm lẫn. Bài viết sau đây nhà thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn quý đọc giả cách phân biệt viêm họng và viêm amidan, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.
Viêm họng và viêm amidan đều có một số triệu chứng giống nhau, tiêu biểu là đau rát ở vùng cổ họng. Vậy làm thế nào để phân biệt viêm họng và viêm amidan? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Nhầm lẫn viêm amidan và viêm họng gây hậu quả như thế nào?
Mặc dù viêm amidan và viêm họng có nhiều điểm khác nhau như sự nguy hiểm, mức độ bệnh phát triển, triệu chứng phát tán bệnh khác nhau, giai đoạn phát bệnh... nhưng vẫn có nhiều người nhầm lẫn viêm amidan và viêm họng.
Nếu bị viêm họng nhưng lại chọn phương pháp điều trị viêm amidan, có thể triệu chứng sẽ thuyên giảm đôi chút nhưng nếu viêm amidan mà lại điều trị theo cách viêm họng sẽ khiến bệnh viêm amidan trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, việc nhầm lẫn giữa viêm amidan và viêm họng sẽ làm cho các bệnh lý này chuyển biến nguy hiểm hơn và nhiều biến chứng khó lường.
Vậy nên cần phân biệt đúng giữa viêm amidan và viêm họng để việc điều trị được hiệu quả cao nhất.
Phân biệt viêm amidan và viêm họng
Viêm amidan và viêm họng có những điểm giống và khác nhau như sau:
Sự giống nhau
Viêm họng và viêm amidan đều thuộc vùng họng và chúng có liên quan đến nhau.
Cả vùng họng được tạo thành bởi một khối cơ nhỏ liên kết với các màng nhầy sau mũi, miệng, thanh quản nên khi bị viêm amidan hay viêm họng đều làm người bệnh bị đau cả vùng họng, từ đó gây nên sự nhầm lẫn hai bệnh này.
Có sự giống nhau giữa các loại virus, vi khuẩn gây nên bệnh viêm amidan và viêm họng, ngoài ra môi trường ẩm mốc và ô nhiễm đều tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát trển và gây nên hai loại bệnh này.
Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh lý viêm họng và viêm amidan là vi khuẩn Streptococcus nhóm A. Khi cơ thể có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch không thể chống mầm bệnh và kháng bệnh thì bệnh viêm amidan và viêm họng có thể đồng thời xảy ra.
Sự khác nhau
Viêm amidan và viêm họng vẫn có điểm khác nhau, cụ thể:
Về khái niệm và vị trí
Các hạch bạch huyết có hình ovan màu hồng, nằm ở hai phía, trong hố amidan của thành bên họng thì chính là amidan.
Amidan có chức năng chính là khả năng miễn dịch, hạn chế các vi sinh vật gây bệnh không xâm nhập vào sâu bên trong đường hô hấp dưới, vì vậy khu vực amidan sẽ có nhiều vi sinh vật cư trú thường xuyên nên dễ xảy ra bệnh lý viêm amidan, nhất là ở trẻ nhỏ.
Viêm amidan là tình trạng các tổ chức amidan khẩu cái bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virus…
Viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị chủng liên cầu khuẩn tấn công và gây viêm. Thường gặp nhất là liên cầu beta tan huyết nhóm A. Viêm họng cũng thường xảy ra ở trẻ em. Nếu không điều trị bệnh đúng cách và kịp thời có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng như viêm cầu thận cấp và thấp tim .
Khác nhau do nguyên nhân gây bệnh
Bệnh viêm amidan và viêm họng có nguyên nhân gây bệnh khác nhau như:
Viêm amidan:
Do virus: Một số loại virus thường gây bệnh amidan là adenovirus, virus Epstein – Barr…
Do vi khuẩn: Có 15 đến 30% nguyên nhân gây viêm amidan là do liên cầu khuẩn nhóm A, một số ít khác là tụ cầu, lậu cầu, chlamydia…
Các nguyên nhân khác: Trẻ nhỏ từ 5 – 15 tuổi tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
Viêm họng:
Do liên cầu khuẩn: Thường gặp nhất là vi khuẩn tên Streptococcus pyogenes, Streptococcus nhóm A...
Các nguyên nhân khác: Trẻ nhỏ từ 5 – 15 tuổi vào mùa xuân và mùa thu.
Virus gây bệnh amidan thường sẽ tấn công theo đường thở thông qua quá trình ăn uống. Ngược lại, virus gây viêm họng lại mạnh mẽ hơn, lây lan và phát triển nhanh hơn nên không cần dựa vào điều kiện thuận lợi nào.
Triệu chứng viêm amidan và viêm họng
Triệu chứng viêm nhiễm của amidan và viêm họng có một số điểm khác nhau như:
Viêm amidan:
Viêm amidan cấp tính: Sốt cao trên 38,5 độ C, mệt mỏi rã rời toàn thân, chán ăn, đau khi nuốt, vùng họng đau nhiều, hai bên tai cảm thấy đau nhói.
Viêm amidan mạn tính: Sốt thường xuyên hơn nhưng thường sốt vặt, ho khan nhiều, hơi thở có mùi hôi, cổ họng ngứa, đau rát và cảm giác như có vật cản bên trong họng.
Viêm amidan mạn quá phát: Bao gồm các triệu chứng của viêm amidan mạn tính kèm khó thở, thở khò khè, ngáy khi ngủ.
Viêm họng:
Viêm họng do virus: Cổ họng và niêm mạc họng bị đau rát dữ dội, sốt, chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi, niêm mạc họng sưng tấy đỏ, ho thành từng cơn, ăn uống khó khăn và đau khi nuốt, khàn tiếng…
Viêm họng do vi khuẩn Streptococcus: Sốt cao, uể oải kéo dài, đau khi nuốt nhiều kể cả khi ăn, uống, hay nuốt nước bọt, hạch ở cổ sưng to và đau, ói mửa, buồn nôn liên tục, lưỡi xuất hiện nhiều dịch nhầy.
Mức độ nguy hiểm của bệnh
Viêm amidan:
Viêm amidan có tính nghiêm trọng hơn so với viêm họng.
Biến chứng do viêm amidan sẽ thông qua viêm amidan hốc mủ, amian xơ teo, amidan quá phát. Viêm amidan cũng có liên quan đến các bệnh lý như viêm xoang, viêm mũi, viêm tai giữa và được phân theo từng dạng.
Viêm họng:
Xuất phát điểm của bệnh viêm họng không nhanh và các biến chứng của bệnh cũng chuyển biến chậm hơn nên việc điều trị dễ dàng hơn. Tuy nhiên, viêm họng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách cũng có thể gây nên các biến chứng trực tiếp và nguy hiểm nhiều lần so với viêm amidan. Viêm họng có thể gây nên biến chứng là viêm tai giữa, viêm phổi và bệnh tim.
Phương pháp điều trị viêm amidan và viêm họng
Điều trị viêm amidan
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh viêm amidan nên việc điều trị cũng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Nguyên nhân gây viêm amidan là do virus:
Khi sốt cao trên 38,5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt, thường dùng nhất là paracetamil, liều từ 10 – 15mg/kg cân nặng.
Sốt nhẹ thì chỉ cần mặc quần áo thoáng mát, chườm vùng nách, bẹn bằng nước ấm.
Uống nhiều nước hoặc chất điện giải.
Súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý.
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, nhất là các loại quả chứa nhiều vitamin C.
Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn:
Điều trị triệu chứng giống như nguyên nhân do virus.
Điều trị nguyên nhân: Dùng thuốc kháng sinh từ 5 – 7 ngày. Các dấu hiệu sẽ giảm dần sau khi dùng thuốc kháng sinh từ 1 - 2 ngày, khi thấy bệnh không thuyên giảm cần tái khám nhanh chóng.
Điều trị nội khoa sẽ không hiệu quả đối với tình trạng viêm amidan thường xuyên, tái phát nhiều lần. Lúc này giải pháp tối ưu được chỉ định sẽ là phẫu thuật cắt amidan để hạn chế các biến chứng xấu.
Điều trị viêm họng
Điều trị nguyên nhân gây bệnh: Dùng thuốc kháng sinh khi bị viêm họng càng sớm sẽ càng hạn chế được nguy cơ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Điều trị triệu chứng: Dùng cách tương tự như điều trị viêm amidan.
Trên đây là một vài thông tin hữu ích có thể giúp quý đọc giả phân biệt phân biệt viêm họng và viêm amidan. Hi vọng qua bài viết trên, bạn đã có thể phân biệt được hai bệnh lý này cũng như tìm được phương pháp điều trị phù hợp.
Như Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.