Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm đường hô hấp dưới là bệnh gì?

Ngày 29/08/2022
Kích thước chữ

Viêm đường hô hấp dưới là tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới (nằm dưới mức thanh quản), bao gồm khí quản và các túi phế quản. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới hay gặp là viêm phổi, viêm phế quản và bệnh lao. Căn nguyên của tình trạng này thường là do vi khuẩn hoặc virus gây ra.

Biết được những kiến thức về viêm đường hô hấp dưới trong bối cảnh hiện tại là điều rất cần thiết. Trong bài viết này, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về nguyên nhân và các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới, đồng thời đưa ra các cách để điều trị và phòng ngừa tình trạng này.

Các dấu hiệu của viêm đường hô hấp dưới

Các triệu chứng của tất cả các bệnh gây nên viêm đường hô hấp dưới là ho, sốt và khó thở. Tùy thuộc vào độ tuổi và yếu tố bệnh nền, các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới có thể là nhẹ hoặc nặng khác nhau.

Viêm đường hô hấp dưới là bệnh gì? 1 Ho là triệu chứng hay gặp của viêm đường hô hấp dưới

Với bệnh viêm phế quản, các triệu chứng bao gồm ho, đau tức ngực, mệt mỏi và khó thở nhẹ. Ho viêm phế quản có thể là ho khan hoặc ho có đờm. Cơn ho thường kéo dài từ 1 – 3 tuần và triệu chứng cuối cùng khi hết bệnh. Các triệu chứng của viêm phế quản thường ở thể nhẹ, có thể điều trị tại nhà. 

Tuy nhiên với người bị bệnh phổi như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người bệnh sẽ cần phải tới cơ sở y tế để điều trị. Tuổi tác và việc lạm dụng thuốc là cũng là nguyên nhân khiến cho các triệu chứng của người bị viêm phế quản trở nên nặng nề hơn.

Với bệnh viêm phổi, các triệu chứng thường là sốt, ho, khó thở và đau ngực. Viêm phổi do virus gây ra ho khan nhiều, và các triệu chứng thường ở thể nhẹ hoặc trung bình. Viêm phổi do vi khuẩn có nhiều khả năng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như sốt và ho có đờm. Viêm phổi do virus thường tự khỏi, còn viêm phổi do vi khuẩn sẽ cần tới điều trị kháng sinh.

Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ nhỏ, và khởi phát như cảm lạnh thông thường trong 2 – 3 ngày đầu. Các triệu chứng sẽ bao gồm nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho và đôi khi xuất hiện cơn sốt. Từ ngày thứ 3 – 5, các triệu chứng có thể sẽ nặng hơn. Nếu trẻ bắt đầu thở nhanh hơn bình thường, vùng cơ xương sườn bị co kéo nhiều khi thở hoặc bú sữa, bạn cần đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám.

Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp dưới

Nguyên nhân số một gây ra các bệnh viêm đường hô hấp dưới là do virus xâm nhập vào đường hô hấp. Vi khuẩn cũng là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng nhiễm trùng ở đường hô hấp dưới:

  • Virus: Thường gặp là virus cúm A hoặc Rhinovirus.
  • Vi khuẩn: Hay gặp như Streptococcus hoặc Staphylococcus aureus.
  • Nhiễm trùng nấm.
  • Gần đây hơn, SARS-CoV-2 (gây ra COVID-19) cũng có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới, và đôi khi cũng dẫn tới viêm phổi.

Trong một số trường hợp, các chất từ môi trường bên ngoài có thể gây kích ứng niêm mạc đường thở, gây ra nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Một số tác nhân có thể kể đến như:

  • Khói thuốc lá.
  • Khói bụi từ xe cộ.
  • Các tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa hoặc lông động vật.
  • Các hóa chất trong khu công nghiệp.
  • Ô nhiễm không khí khu đô thị.
Viêm đường hô hấp dưới là bệnh gì? 2 Khói thuốc lá có thể dẫn đến viêm đường hô hấp dưới

Ngoài ra, một số người sẽ dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp dưới hơn:

  • Mới bị COVID-19 hoặc mới bị cảm lạnh thường.
  • Người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, chẳng hạn như bệnh nhân đang điều trị ung thư hoặc người bị nhiễm HIV/AIDS.
  • Người trên 65 tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
  • Người mới trải qua phẫu thuật.
Viêm đường hô hấp dưới là bệnh gì? 3 Trẻ nhỏ rất dễ bị viêm đường hô hấp dưới

Chẩn đoán viêm đường hô hấp dưới thế nào?

Bác sĩ thường sẽ chẩn đoán viêm đường hô hấp dưới khi thăm khám, đồng thời hỏi người bệnh về thời gian và diễn biến của các triệu chứng. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ thực hiện nghe lồng ngực và nhịp thở của người bệnh.

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác, chẳng hạn như:

  • Chụp X–quang ngực.
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra vi khuẩn và virus.
  • Nuôi cấy mẫu chất nhầy để tìm vi khuẩn hoặc virus.
  • Trong diễn biến dịch bệnh hiện tại, các bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm test virus cúm A hoặc virus SARS-CoV-2.
Viêm đường hô hấp dưới là bệnh gì? 4 Test nhanh để xác định SARS-CoV-2 khi xuất hiện ho, khó thở

Điều trị viêm đường hô hấp dưới

Một số người bị viêm đường hô hấp dưới có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì, chẳng hạn như trong bệnh viêm phế quản. Mọi người có thể điều trị các bệnh nhiễm virus ít nghiêm trọng này tại nhà bằng cách:

  • Sử dụng các thuốc giảm ho và giảm sốt.
  • Sử dụng các thuốc thông mũi như guaifenesin để làm loãng chất nhầy, giúp ho ra đờm dễ dàng hơn.

Ngay cả khi không điều trị gì, viêm phế quản thường tự khỏi ở người khỏe mạnh trong vòng 1 – 2 tuần. Đa phần trường hợp viêm phế quản là do virus, vậy nên thuốc kháng sinh không được khuyến khích sử dụng trong việc điều trị.

Trong trường hợp người bệnh bị viêm phổi, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định thuốc kháng sinh cho bạn. Một số trường hợp bệnh nặng sẽ cần nhập viện để điều trị bằng kháng sinh chuyên dụng và hỗ trợ thở.

Với điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý hoặc sử dụng máy khí dung để cải thiện hô hấp cho trẻ. Nếu trẻ có các biểu hiện trở nặng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay để được xử trí kịp thời.

Lưu ý: Bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế khi có các triệu chứng ho, sốt và khó thở. Không tự ý chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp dưới tại nhà, điều này có thể dẫn đến chẩn đoán sai và làm tăng nặng các triệu chứng của bệnh.

Phòng ngừa viêm đường hô hấp dưới

Nhà Thuốc Long Châu xin đưa ra một số cách để giúp bạn và gia đình tránh mắc các bệnh viêm đường hô hấp dưới:

  • Thực hiện V2K của Bộ Y tế, bao gồm tiêm vaccine – đeo khẩu trang – thực hiện khử khuẩn.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Tránh đưa tay lên mặt, ngăn vi khuẩn từ tay đi vào đường hô hấp.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Tập thể dục thường xuyên để năng cao sức khỏe.
  • Đeo đầy đủ dụng cụ bảo hộ khi làm việc trong môi trường nhiều hóa chất độc hại.
  • Tránh tiếp xúc với chó mèo nếu bạn bị dị ứng với lông của chúng.
Viêm đường hô hấp dưới là bệnh gì? 5 Thực hiện lối sống lành mạnh ngăn ngừa viêm đường hô hấp dưới
Vậy là bạn đã cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu thêm về viêm đường hô hấp dưới. Nhà Thuốc Long Châu rất vui khi được cùng bạn biết thêm nhiều các kiến thức y khoa thường thức và nâng cao chất lượng sức khỏe của người Việt!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin