Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hướng dẫn sơ cứu dị ứng thức ăn

Ngày 02/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dị ứng thức ăn là phản ứng của cơ thể trước một hoặc một vài thành phần của thức ăn. Phản ứng này có thể có diễn biến từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể khiến nạn nhân tử vong. Sau đây, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả hướng dẫn sơ cứu dị ứng thức ăn cơ bản.

Tình trạng dị ứng thức ăn có tỉ lệ xuất hiện ở trẻ em cao hơn người lớn. Dị ứng thức ăn có thể gây ra các phản ứng của cơ thể như nổi mày đay, mẩn đỏ, phù, hen phế quản hay thậm chí là sốc phản vệ. Do vậy, khi có những biểu hiện dị ứng đầu tiên, bệnh nhân cần được sơ cứu nhanh chóng để hạn chế dị ứng trở nặng.

Một số yếu tố dẫn đến dị ứng thức ăn

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc dị ứng thức ăn là do một loại protein có trong thức ăn không thể được cơ thể hấp thụ, trái lại còn kích thích cơ thể sinh ra các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, gây ra tình trạng dị ứng. Các loại thức ăn thường gây dị ứng là sữa bò, trứng, các loại hạt (lạc, vừng…), đậu nành, lúa mì, một số loại hoa quả (kiwi, táo…), hải sản (cá, nghêu, sò, tôm, cua…).

Hướng dẫn sơ cứu dị ứng thức ăn 1 Một số loại thức ăn dễ gây dị ứng

Dị ứng thức ăn có thể gặp ở một số bệnh nhân có tiền sử dị ứng như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hen suyễn… Ngoài ra, tình trạng dị ứng thức ăn có thể phụ thuộc vào một số yếu tố như giới tính, độ tuổi, tiền sử dị ứng của gia đình, chủng tộc, địa giới và tập quán ăn uống. Theo một thống kê nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, có đến 40% trẻ có nguy cơ bị dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên, đồng thời phụ thuộc vào sự thay đổi của môi trường sống, thói quen ăn uống và sinh hoạt của từng cộng đồng, địa phương.

Dấu hiệu dị ứng thức ăn

Tình trạng dị ứng có khả năng xuất hiện dù nạn nhân chỉ ăn một lượng thức ăn rất nhỏ. Các phản ứng có thể xảy ra sau khi ăn vài phút đến vài giờ với đa dạng các mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. 

Hướng dẫn sơ cứu dị ứng thức ăn 2 Mày đay là một trong những triệu chứng phổ biến của dị ứng
  • Nổi mày đay: Da bệnh nhân xuất hiện các nốt ban và sẩn phù, có cảm giác nóng và ngứa. Sẩn nổi lên màu hồng, hình tròn hoặc bầu dục, có thể nhỏ như hạt đậu hoặc to bằng đồng xu. Khi gãi, các nốt sần liên kết với nhau thành mảng và có thể lan rộng nhanh chóng. Đôi khi, mày đay là dấu hiệu sớm báo hiệu sốc phản vệ.
  • Ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi hoặc chảy nước mắt.
  • Phù mạch: Xuất hiện ở những vùng da mỏng như quanh mắt, môi, cổ, bụng… Màu da vùng bị phù có thể không khác biệt hoặc có màu hồng nhạt, đôi khi xuất hiện đồng thời cùng mày đay.
  • Đau quặn bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
  • Phù thanh quản, hen phế quản gây khó thở, xuất hiện tình trạng khò khè và có thể nặng lên trong thời gian ngắn. Đây là một trong hai tổn thương do dị ứng có thể khiến nạn nhân tử vong.
  • Sốc phản vệ: Đây là phản ứng dị ứng nguy hiểm nhất của cơ thể, có thể gây tử vong nếu không được sơ cứu kịp thời. Sốc phản vệ thường xảy ra sau khi ăn từ vài giây đến khoảng 30 phút, bắt đầu bằng cảm giác lo lắng, bồn chồn. Tiếp ngay sau đó là các biểu hiện như mạch đập nhanh, nhỏ, tụt huyết áp, ngứa ngáy khắp người, đau quặn bụng, đại tiểu tiện không tự chủ, khó thở. Khi diễn biến nặng hơn, nạn nhân có thể bị hôn mê, ngạt thở, xuất hiện tình trạng co giật và rối loạn nhịp tim, thậm chí là ngừng tim và tử vong trong thời gian ngắn. 

Cách sơ cứu dị ứng thức ăn trong từng trường hợp

Sau khi xuất hiện tình trạng dị ứng, cần ngay lập tức ngừng ăn thức ăn gây dị ứng. Nếu có thể, thực hiện gây nôn cho người bệnh để loại bỏ nguyên nhân dị ứng. Tùy theo từng trường hợp, ta sẽ có cách xử lý khác nhau. Nói chung, mục đích của sơ cứu dị ứng thức ăn là điều trị triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.

Trường hợp 1: Người dị ứng bị nổi mày đay

Đây là trường hợp dị ứng nhẹ, mày đay có thể tự hết sau một thời gian. Để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và da bớt bị kích ứng, có thể sử dụng biện pháp chườm lạnh bằng cách dùng khăn vải bọc đá rồi áp lên da. Trong mỗi lần chườm, chỉ nên chườm trong 15 đến 20 giây rồi nhấc ra và chườm liên tục trong khoảng 15 phút. 

Ngoài ra, người bệnh nên thay trang phục rộng rãi, thoáng mát, tránh các trang phục có chất liệu dễ gây kích ứng da; hạn chế gãi và tắm rửa sạch sẽ bằng sữa tắm dịu nhẹ, không nên tắm bằng nước nóng. Có thể sử dụng thuốc kháng histamin bôi tại chỗ để làm dịu da, giảm ngứa. 

Trong trường hợp nặng hơn, cần dùng thuốc chống dị ứng đường uống để giảm nhẹ triệu chứng.

Trường hợp 2: Xuất hiện các triệu chứng nhẹ khác

Các triệu chứng dị ứng nhẹ khác có thể gặp là nôn mửa, đau quặn bụng, tiêu chảy… Nếu triệu chứng kéo dài, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được xử lý chuyên sâu, tránh trường hợp dị ứng trở nặng. 

Hướng dẫn sơ cứu dị ứng thức ăn 3 Hướng dẫn sơ cứu dị ứng thức ăn khi có các triệu chứng nhẹ

Trường hợp 3: Người bệnh có dấu hiệu phù đường thở

Người bệnh phù đường thở thường có cảm giác nghẹn hoặc cảm thấy có dị vật trong cổ họng. Tình trạng này có thể tiến triển nặng một cách nhanh chóng, khiến người bệnh bị ngạt thở. 

Khi đường thở có dấu hiệu bị phù khiến người bệnh cảm thấy khó thở, cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được xử lý. Nếu không kịp thời được điều trị, nạn nhân có thể tử vong vì ngạt thở.

Trường hợp 4: Bệnh nhân bị sốc phản vệ

Đây là một trường hợp vô cùng nghiêm trọng và khó tự xử lý tại nhà, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế cấp cứu để hạn chế tỉ lệ tính mạng bệnh nhân gặp nguy hiểm. Trong khi chờ đợi cấp cứu, có thể thực hiện tiêm Adrenalin và xoa bóp ngoài lồng ngực cho nạn nhân.

Nói chung, dị ứng thức ăn có diễn biến trong thời gian từ vài giây đến đến hàng giờ, có thể gây ra các biểu hiện từ nhẹ đến nặng, thậm chí là tử vong. Do vậy, người có tiền sử dị ứng hoặc có cơ địa nhạy cảm cần hết sức lưu ý khi ăn những đồ ăn lạ, chứa thành phần có khả năng gây dị ứng. Khi có bất cứ biểu hiện bất thường nào, cần ngay lập tức dừng ăn và chuẩn bị phương án sẵn sàng xử lý trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp xấu nhất.

Qua bài viết này, Nhà thuốc Long Châu đã đem đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản về cách sơ cứu dị ứng thức ăn. Hy vọng bài viết có thể mang lại cho bạn những điều hữu ích. Nhà thuốc Long Châu xin kính chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm