Gãy chân là tình trạng gãy xương đùi hoặc hai xương cẳng chân. Xương đùi là xương lớn và dài nhất cơ thể, chính vì thế gãy xương đùi là chấn thương nặng nguy hiểm đến tính mạng, lượng máu mất rất lớn nguy cơ sốc mất máu. Gãy hai xương cẳng chân là loại gãy xương phổ biến, tuy nhiên rất khó trong việc điều trị và để lại nhiều biến chứng sau này. Bởi vậy, thực hiện tốt các bước sơ cứu gãy chân ban đầu chính là góp phần thành công trong điều trị cho bệnh nhân.
Dấu hiệu gãy chân
Gãy chân chia thành 2 dạng là gãy kín và gãy hở. Gãy xương kín là tình trạng gãy xương nhưng không có vết thương hở hoặc chảy máu biểu hiện bên ngoài da, vì vậy có thể bỏ sót tổn thương.
Gãy chân ở các vị trí khác nhau biểu hiện khác nhau và tiên lượng cũng khác nhau
Các dấu hiệu nhận biết gãy chân kín:
- Bệnh nhân đau rất nhiều sau tai nạn, nhưng khi được sơ cứu đúng cách thì bệnh nhân giảm đau nhanh.
- Chân gãy ít di lệch thì bệnh nhân vẫn có thể cử động chân gãy.
- Chân gãy rời thì bệnh nhân mất vận động hoàn toàn.
- Nếu bệnh nhân gãy xương nhỏ như xương mác thì bệnh nhân mất ít máu nên vẫn sẽ tỉnh táo bình thường.
- Khi gãy xương đùi, bệnh nhân mất rất nhiều máu, có thể lên đến 1.5-2 lít máu thì bệnh nhân có thể sốc mất máu. Biểu hiện là da xanh nhợt, tái, thần thức không rõ ràng, chi lạnh, hạ huyết áp.
- Có tiếng lạo xạo xương hoặc cử động bất thường.
- Sưng phù nề phần mềm quanh ổ gãy xương.
- Bệnh nhân có thể mất mạch mu chân, giảm vận động hoặc rối loạn cảm giác ở chân.
Gãy chân hở là khi ổ gãy thông với môi trường bên ngoài. Có thể thấy đầu xương gãy lộ ra bên ngoài và chảy rất nhiều máu. Hậu quả gãy xương hở thường nặng nề hơn gãy kín.
Các bước sơ cứu gãy chân
Các bước trong sơ cứu gãy chân như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ bao gồm 2 nẹp dài, băng cuộn và bông độn, trong trường hợp không có dụng cụ y tế có thể tận dụng những thứ có ở xung quanh như gậy dài, những miếng vải quần áo nối lại thay cho băng cuộn.
- Bước 2: Để bệnh nhân nằm trên một mặt phẳng cứng, chân duỗi thẳng, bàn chân vuông góc với cẳng chân.
- Bước 3: Đặt nẹp ở bên trong và bên ngoài đùi.
- Bước 4: Độn bông hoặc vải vào hai đầu nẹp và phía trong, phía ngoài của đầu xương.
- Bước 5: Buộc cố định hai nẹp với nhau tại cổ chân, đầu gối và trên háng, cố định bàn chân sao cho vuông góc với cẳng chân.
- Bước 6: Kiểm tra lại tình trạng chân gãy, xem bệnh nhân có đỡ đau không, có tê chân hoặc rối loạn cảm giác không để đảm bảo không làm tổn thương thêm chân gãy.
- Bước 7: Ngay lập tức đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất.
Lưu ý không buộc cố định quá chặt để máu lưu thông bình thường. Nếu không có nẹp có thể cố định hai chân bệnh nhân vào với nhau.
Sơ cứu gãy chân là kĩ thuật sơ cứu cơ bản và được tập huấn ở rất nhiều đơn vị
Gãy chân để lại hậu quả gì?
Các biến chứng và di chứng do gãy chân có thể ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý bệnh nhân và cuộc sống sinh hoạt sau này:
- Sốc do đau, sốc mất máu: Hay gặp nhất trong gãy xương đùi, bệnh nhân có biểu hiện da xanh tái, vã mồ hồi, người lạnh, mạch nhỏ, huyết áp khó đo. Nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân rơi vào hôn mê và tử vong nhanh chóng.
- Tổn thương mạch: Do các mạch máu ở chân đi sát xương, nên khi xương gãy có thể mạch máu bị dập, bị chèn ép hoặc đứt. Bệnh nhân có biểu hiện tê bì giảm cảm giác ở đầu ngón chân, đầu ngón chân lạnh và tím do thiếu máu và nguy cơ cắt cụt chị rất cao.
- Hội chứng chèn ép khoang: Hay gặp gãy xương cẳng chân. Cẳng chân có nhiều vách ngăn, chia khu vực cơ thành các khoang. Bình thường các khoang này rất hẹp, có các mạch máu và thần kinh chạy bên trong, khi gãy xương dẫn đến chảy máu, phù nề cơ làm áp lực khoang tăng cao, gây chèn ép mạch máu và thần kinh. Bệnh nhân có biểu hiện đau rất nhiều dù đã được cố định đúng cách, tê bì kiến bò, giảm cảm giác đầu ngón chân, khó để cử động đầu ngón chân. Nếu để muộn, chèn ép khoang gây hoại tử chân. Nguy cơ cắt cụt chi rất lớn.
- Nhiễm trùng: Thường gặp sau gãy hở. Bệnh nhân thường sốt cao, mặt hốc hác. Tại chỗ gãy vết thương tấy đỏ, ra dịch đục hoặc mủ.
- Teo cơ, cứng khớp: Bệnh nhân gãy chân phải hạn chế vận động lâu ngày, dần sẽ mất chức năng của chân. Bệnh nhân cần được tập phục hồi chức năng ngay sau khi khỏi.
- Khớp giả: Nếu bệnh nhân không được xử trí đúng cách mà áp dụng những cách chữa dân gian như bó lá hay thầy lang thì xương có thể không được liền như ban đầu, có thể gây biến dạng chân hoàn toàn.
- Viêm xương: Bệnh nhân gãy xương hở nếu không điều trị tốt nhiễm trùng sẽ dẫn đến viêm xương. Viêm xương điều trị hết sức tốn kém, phức tạp và dẫn đến nguy cơ tàn phế cao.
Tùy vào tình trạng gãy chân mà hậu quả, di chứng để lại cũng khó nói trước
Người gãy chân phải bó bột bao lâu?
Tùy vào bệnh nhân gãy xương đùi hay gãy xương cẳng chân mà có những cách điều trị khác nhau, thời gian bó bột cũng khác nhau:
- Với gãy thân xương đùi, do là một xương lớn nên bệnh nhân không có chỉ định bó bột mà phải mổ kết hợp xương bằng đinh nội tủy.
- Gãy 2 xương cẳng chân ít di lệch hoặc gãy ở trẻ em có chỉ định bó bột điều trị bảo tồn. Bệnh nhân sẽ được bó bột rạch dọc từ đùi đến bàn chân 2 bên trong 5-7 ngày sau mổ do chân sưng nề. Sau 5-7 ngày đó bệnh nhân cần đến viện để bó bột tròn kín. Bó bột trong 8-10 tuần.
- Bệnh nhân gãy xương chân hở, nhiễm trùng, biểu hiện chèn ép khoang, tổn thương thần kinh mạch máu có chỉ định mổ cấp cứu để tránh biến chứng về sau.
Chăm sóc gãy chân để nhanh khỏi
Chế độ chăm sóc cơ thể sau gãy xương: Bệnh nhân nên hạn chế vận động theo thời gian chỉ định của bác sĩ để xương liền nhanh hơn. Mỗi vị trí gãy xương sẽ có thời gian chỉ định bất động khác nhau.
Chế độ ăn giàu dinh dưỡng cho người gãy xương: Có chế độ ăn giàu dinh dưỡng gồm đạm, calcium và chất béo từ nguồn thực phẩm động vật như thịt, trứng, gan, cá biển, xương ống dính mỡ, thịt nạc dính mỡ, sữa tươi nguyên kem không đường và rau củ quả tươi sẽ giúp chỗ gãy xương chóng liền, đồng thời nâng cao sức miễn dịch có thể ngăn ngừa nhiễm trùng.
Tắm nắng: Bệnh nhân nên tiếp xúc với ánh sáng ban mai để tắm nắng sẽ tiếp nhận được nguồn vitamin D tự nhiên làm tăng hấp thu calcium.
Vấn đề dinh dưỡng, sinh hoạt sau gãy xương cũng cần được chú ý
Nếu áp dụng liệu trình sơ cứu gãy chân và chăm sóc sau đó như hướng dẫn trên đây một cách nghiêm túc sẽ giúp tình trạng gãy xương sẽ chóng lành và tránh được rất nhiều nguy cơ biến chứng, di chứng về sau. Mặc dù gãy chân có thể để lại nhiều biến chứng và di chứng nặng nề nhưng nếu được sơ cứu đúng thì tỷ lệ khỏi rất cao. Nhà thuốc Long Châu luôn hy vọng là người bạn đồng hành cùng chăm sóc sức khỏe của bạn!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp